Người Thấu Cảm Là Gì Và Làm Sao Để Biết Bạn Có Phải Là Người Thấu Cảm Không

 


Empath (tạm dịch: người thấu cảm) là một người có khả năng hòa hợp với cảm xúc của những người xung quanh. Khả năng phân biệt những gì người khác cảm nhận không chỉ dừng lại ở sự đồng cảm (được hiểu đơn giản là khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác) mà mở rộng ra, đó còn là sự tiếp nhận, thấu hiểu những gì người khác đang cảm thấy ở một mức độ xúc cảm sâu sắc.

Khoa học vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu người thấu cảm - những người có thể tiếp cận và tiếp nhận cảm xúc của những người xung quanh - có thực sự tồn tại hay không, mặc dù rất nhiều người tuyên bố có những khả năng như vậy.

Những gì chúng ta biết là các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra thứ mà họ gọi là "tế bào thần kinh gương" (mirror neurons) trong não có thể giúp chúng ta phản chiếu cảm xúc của những người mà chúng ta tiếp xúc. Và có vẻ như một số người sở hữu nhiều tế bào thần kinh gương hơn những người khác - điều này gợi ý rằng con người có thể có khả năng thấu cảm.


Làm sao để biết bạn có phải một empath không?

Thực tế là có một số người dễ đồng cảm hơn những người khác. Trong cuộc đời chúng ta chắc hẳn sẽ có người giỏi đọc cảm xúc người khác, và cả những người dường như hoàn toàn không kết nối với cảm xúc của những người xung quanh.

Vì vậy, giả sử có người thấu cảm, trong đó một số người có khả năng đồng cảm cao và những người khác (thái nhân cách, hay còn gọi là rối loạn nhân cách chống đối xã hội) hoàn toàn không có sự đồng cảm — làm thế nào để bạn đo lường khả năng thấu cảm của chính mình? Và như thế nào mới được gọi là một empath?

Bạn có thể bắt đầu bằng cách tự hỏi mình một số câu hỏi về mối quan hệ của bạn với người khác và cách bạn phản ứng về mặt thể chất cũng như cảm xúc trước những sự kiện tình cảm lớn đang diễn ra trước mặt mình. Nếu câu trả lời của bạn là "có" cho hầu hết hoặc tất cả các câu hỏi này, thì khả năng cao bạn là một empath:

  • Bạn có thấy mình đang phải gánh chịu sự căng thẳng của người khác không?
  • Trước đây bạn từng bị đánh giá là người quá nhạy cảm?
  • Bạn có cảm thấy choáng ngợp nơi đông người?
  • Người khác cho rằng bạn hay đồng cảm?

Các chuyên gia về sự đồng cảm đều có những câu hỏi của riêng mình giúp bạn tự trả lời liệu mình có phải là người thấu cảm hay không. Câu hỏi mà Tiến sĩ Judith Orloff’s đề xuất là: "Tôi có thường cảm thấy lạc lõng không?" trong khi nhà thấu cảm tự xưng Tara Meyer-Robson lại hỏi liệu bạn có gặp khó khăn khi xem tin tức hoặc cảm thấy chìm đắm trong những bộ phim buồn.

Vì không có tiêu chí cố định nào đặt ra để xác định bạn có phải là một người thấu cảm hay không, cho nên việc trả lời câu hỏi đó là hoàn toàn mang tính chủ quan và suy cho cùng có thể phụ thuộc vào niềm tin của bạn vào chính mình.


Ưu và nhược điểm của một Empath

Hãy cùng xem xét một số ưu và nhược điểm của một Empath.

Ưu điểm
Nhược điểm
  • Bạn có thể là chỗ dựa tinh thần cho người khác
  • Bạn biết khi ai đó cần giúp đỡ
  • Bạn có thể biết liệu ai đó sẽ tốt với bạn
  • Bạn có thể thường xuyên bị kiệt quệ tinh thần
  • Bạn có thể khó tìm được thời gian cho chính mình
  • Khả năng đọc vị những người khác có thể khiến người khác không thoải mái


Ưu điểm


Là một empath sẽ có những lợi ích nhất định. Nếu bạn có thể nhìn thấu cảm xúc của những người xung quanh, bạn sẽ có thể hỗ trợ và chăm sóc những người quan trọng nhất với bạn tốt hơn.

Việc nhận ra một người đang cảm thấy thất vọng, cô đơn hoặc sợ hãi, ngay cả khi họ không thể hiện ra bên ngoài, đặt bạn vào vị trí có thể giúp họ vượt qua điều đó — bạn được họ tin tưởng và trở thành người mà họ sẽ dựa vào trong tương lai. Điều này có thể khiến bạn trở thành người đồng hành tốt hơn, và nhìn chung có thể giúp bạn củng cố các mối quan hệ.

Khả năng hòa hợp cảm xúc cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể dễ dàng phát hiện ra kẻ nói dối. Empath không phải lo lắng về việc bị lợi dụng vì họ không dễ bị lừa hoặc thao túng. Trong trường hợp điều đó xảy ra, đó là bởi vì họ đã bỏ qua bản năng ban đầu của họ về một người nào đó, chứ không phải vì họ hoàn toàn bỏ qua các dấu hiệu.


Nhược điểm

Tất nhiên, việc thấu hiểu cảm xúc người khác cũng có thể có một số bất lợi. Hầu hết các tài liệu về Empaths đều cho rằng họ dễ bị choáng ngợp bởi đám đông hoặc tại các sự kiện đầy cảm xúc (như đám cưới và đám tang) bởi vì họ thấm đẫm cảm xúc của những người xung quanh như một miếng bọt biển. Không khó để tưởng tượng người đó có thể bị kiệt sức nhanh như thế nào trong một số bối cảnh nhất định.

Người thấu cảm cũng có thể gặp khó khăn khi muốn thư giãn nếu họ liên tục ôm tâm tư của người khác vào mình. Họ có thể phải vật lộn với giấc ngủ hoặc duy trì sức khỏe tinh thần của chính họ nếu không tìm ra cách cân bằng các yếu tố cảm xúc bên ngoài mà họ liên tục nhận được.

Cuối cùng, có một số người không thoải mái với việc bạn dễ dàng đọc được cảm xúc của họ. Không phải ai cũng muốn thể hiện mọi thứ ra bên ngoài, và mặc dù có thể bạn nghĩ rằng bạn chỉ đang cố gắng giúp đỡ, một số người có thể thấy những hiểu biết sâu sắc của bạn về cảm xúc và cảm xúc của họ là một điều xâm phạm và không được hoan nghênh.


Cách empath bảo vệ bản thân

Nếu bạn có những đặc điểm của một người thấu cảm và thấy mình liên tục hấp thu cảm xúc của người khác, bạn cần học cách bảo vệ tâm lý của chính mình và tách mình khỏi thế giới bên ngoài để bạn có thể thở, chữa lành và trải nghiệm cảm xúc của chính bạn.

1. Dành thời gian cho bản thân

Hãy dành thời gian để hòa mình vào thiên nhiên, nơi bạn không bị chi phối bởi cảm xúc hoặc căng thẳng của bất kỳ ai khác. Hãy tìm đến âm nhạc hoặc một thói quen thiền định giúp bạn thiết lập lại sự tập trung của mình.

Empath cũng nên tìm hiểu về thời điểm và cách thức xây dựng giới hạn cá nhân để tránh việc quá dễ dàng hấp thụ cảm xúc của những người xung quanh. Điều này sẽ không dễ dàng, vì việc tạo ra ranh giới có thể không phải bản tính của những người luôn sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng việc thiết lập ranh giới lành mạnh là cần thiết đối với sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của mọi người — có lẽ đặc biệt là đối với những người thấu cảm.

Bạn có thể bắt đầu thực hành thiền định để học cách thực hiện điều này một cách tốt nhất. Bằng cách tập trung tâm trí và học cách ngăn chặn những phiền nhiễu bên ngoài, bạn có thể bắt đầu củng cố khả năng làm điều tương tự khi nguồn cảm xúc mà bạn nhận được từ người khác trở nên quá lớn.


2. Dành thời gian cho những người có chọn lọc 

Theo thời gian, bạn có thể sẽ nhận ra rằng có một số người mà bạn nên tránh xa. Bởi vì người thấu cảm có thể đắm chìm trong cảm xúc của người khác, nên việc dành quá nhiều thời gian cho những nhân cách độc hại có thể khiến bạn cảm thấy như đang đầu độc chính mình từ trong ra ngoài.

Có một số người bạn không thể giúp đỡ và một số người tốt hơn hết bạn nên tránh xa — điều đó không sao cả. Nhận thức được điều đó và tôn trọng ranh giới của chính bạn là một trong những cách tốt nhất để bạn có thể giữ gìn sức khỏe tinh thần và sự an yên của mình.

Cuối cùng, tìm kiếm sự giúp đỡ của một chuyên gia chưa bao giờ là một ý tưởng tồi. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy bị choáng ngợp hoặc kiệt quệ bởi những cảm xúc mà bạn trải qua khi tiếp xúc với người khác, bạn cần phát triển một số kỹ năng để giúp bạn vượt qua điều đó.

Một chuyên gia sức khỏe tâm thần dày dặn kinh nghiệm có thể giúp bạn phát triển những khả năng đó, giúp bạn trở thành phiên bản hạnh phúc nhất, khỏe mạnh nhất của chính mình.

Bằng cách đó, bạn có thể học cách sử dụng tốt những khả năng thấu hiểu của mình khi bạn có đủ cảm xúc để hỗ trợ và chăm sóc những người cần nó nhất.


-------------

Dịch giả: Huyền Nguyễn

Nguồn ảnh: internet

Link bài gốc: What Is an Empath and How Do You Know If You Are One? (verywellmind.com)

LINK gốc: [Tâm Lý] Người Thấu Cảm Là Gì Và Làm Sao Để Biết Bạn Có Phải Là Người Thấu Cảm Không - YBOX

Thay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Huyền NguyễnBáo Ybox Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn!