Làm Thế Nào Để Trở Nên Đồng Cảm Hơn
Nếu muốn trở nên đồng cảm hơn, bạn có thể thực hiện các chiến lược để nuôi dưỡng sự đồng cảm, còn được gọi là “dành thời gian và công sức để tìm hiểu về một ai đó”.
Bạn có biết rằng có ba loại cảm thông? Sự đồng cảm về nhận thức, tình cảm và lòng trắc ẩn là những loại cảm thông được nói đến nhiều nhất.
Sự đồng cảm về nhận thức liên quan đến khả năng xác định cảm giác của người khác.
Sự đồng cảm về cảm xúc có liên quan đến việc cảm nhận những gì người khác đang cảm thấy trong một tình huống mang tính thử thách.
Khả năng thấu cảm chỉ sự kết hợp giữa đồng cảm về nhận thức và đồng cảm cảm xúc, cái mà khuyến khích bạn hành động vì sự quan tâm.
Sự đồng cảm thực sự có thể gắn liền với lòng trắc ẩn. Nó thường được xem như là khả năng hiểu được cảm giác của người khác và những gì họ cần, ngay cả khi bạn không thể kết nối với hoàn cảnh của họ. Nó giúp bạn hiểu người khác và khiến bạn hành xử theo những cách phù hợp dựa trên sự hiểu biết này.
Đối với một số người, kiểu đồng cảm này đến một cách tự nhiên, nhưng bạn luôn có thể đồng cảm hơn. Và sự đồng cảm có thể được củng cố và phát triển theo thời gian.
Sự đồng cảm và trí tuệ cảm xúc
Đồng cảm là một phần của trí tuệ cảm xúc, nhưng chúng là những khái niệm khác nhau trong tâm lý học.
Trí tuệ cảm xúc thể hiện khả năng xác định và quản lý chính xác cảm xúc bên trong bản thân và những người khác.
Đồng cảm là khía cạnh của trí tuệ cảm xúc giúp bạn hiểu những gì người khác cảm thấy và có thể thúc đẩy bạn hành động.
3 lời khuyên để trở nên đồng cảm hơn
Nếu bạn không phải lúc nào cũng hiểu những gì ai đó đang trải qua, đó là điều tự nhiên. Điều này không nhất thiết là thiếu vắng sự đồng cảm.
Tồn tại nhiều yếu tố liên quan đến việc đặt bạn vào vị trí của người khác, bao gồm cả trải nghiệm cá nhân của bạn.
Trong mọi trường hợp, sự đồng cảm có thể học được và những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn cải thiện sự đồng cảm của bạn.
1. Kết nối với những người khác
Rất dễ để mặc định rằng tất cả mọi người đều giống như bạn – có cùng những suy nghĩ, quan điểm và trải nghiệm.
Ngay cả khi bạn biết mọi người có thể khác biệt, bạn có thể thấy ngạc nhiên khi ai đó cung cấp một góc nhìn khác với của bạn.
Cheryl Delaney, một cố vấn chuyên nghiệp được cấp phép ở Atlanta, giải thích rằng việc tìm hiểu về người khác có thể là một bước tiến lớn để trở nên đồng cảm hơn.
“Phần lớn thời gian chúng ta cho rằng những người khác cũng giống như chúng ta nên ta cảm thấy khó lý giải hành vi của họ,” cô nói.
Delaney giải thích khi bạn không biết nhiều về người kia, thì nhiều khả năng bạn không thể hiểu được hành vi hoặc cách suy nghĩ của họ. Nếu bạn không thể hiểu nó, bạn có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đồng cảm với nó.
Ví dụ, nếu bạn thích tham dự các bữa tiệc, bạn có thể ngạc nhiên khi biết ai đó thích ở nhà một mình nếu được lựa chọn.
Sự đồng cảm bắt đầu bằng cách tìm hiểu thêm về những khác biệt này và kết nối với sở thích, động lực và lý do của người khác để trở nên đồng cảm.
· Tại sao ai đó lại tận hưởng thời gian một mình?
· Họ làm gì khi ở một mình?
· Họ có sống với một điều kiện khiến các cuộc họp mặt xã giao trở nên khó khăn để xử lý không?
Kết nối với trải nghiệm của người khác có thể giúp bạn nâng cao sự đồng cảm của mình.
Bạn có thể kết nối với những người khác bằng cách:
· Đặt ra những câu hỏi
· Tích cực lắng nghe
· Cho họ biết bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ
· Khiến họ tham gia các hoạt động và sự kiện
· Tin tưởng họ (benefit of the doubt)
Học hỏi từ những người khác không phải lúc nào cũng đến từ sự tương tác cá nhân. Các hành động khác nhau có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về những người khác và kết nối với các nhóm người khác nhau:
· Theo dõi những người sống với những hoàn cảnh, nền văn hóa hoặc sở thích khác nhau
· Đọc về các chủ đề không quen thuộc với bạn
· Tham dự các bài giảng và sự kiện về những diễn biến quan trọng của thế giới có ảnh hưởng đến những người khác ngoại trừ bạn
Delaney nói “Học hỏi từ những người sẵn sàng chia sẻ bản thân với bạn và hiểu thêm về cảm giác sống với một lăng kính hoàn toàn khác trên thế giới”.
2. Tận mắt trải nghiệm thế giới
Phát triển sự đồng cảm có thể là một thách thức nếu bạn không có khả năng tiếp cận những câu chuyện và thực tế của người khác.
Deirdre Cummings, một luật sư kiêm cố vấn lâm sàng chuyên nghiệp được cấp phép ở Louisville, Kentucky, đưa ra một số lời khuyên để thực hiện điều này:
· Làm tình nguyện tại các mái ấm, bệnh viện hoặc trung tâm cộng đồng
· Gặp gỡ những người mới, đặc biệt là từ những bối cảnh khác nhau
· Tham dự các sự kiện với nhiều đối tượng khác nhau
- Mời người quen đến để hiểu rõ hơn về họ
Tiếp xúc với những câu chuyện và tình huống mới có thể giúp bạn học được rằng thế giới là một nơi rộng lớn với nhiều quan điểm và trải nghiệm khác nhau.
3. Tương tác với những người khác
Lòng trắc ẩn là một phần thiết yếu của kiểu đồng cảm mà đối phương quan tâm và thúc đẩy bạn hành động. Lòng tốt là gốc rễ của lòng trắc ẩn.
Delaney đề xuất cách thức sau để bạn cân nhắc nếu bạn đang cố gắng nâng cao sự đồng cảm về mặt tổng thể:
· Nghĩ về ít nhất một lời khen mà bạn có thể dành cho tất cả những người mà bạn tiếp xúc.
· Quyết định xem bạn có muốn nói điều đó với họ hay chỉ giữ điều đó cho riêng mình.
· Trau dồi thói quen nghĩ về những điều bạn yêu thích và ngưỡng mộ ở người khác.
Làm thế nào để hành động một cách thấu cảm hơn
Kristen Zaleski, một nhà nghiên cứu kiêm nhà trị liệu tâm lý ở Los Angeles, tin rằng bạn có thể tạo ra sự đồng cảm thông qua một quy trình 3 bước:
1. Nhận ra thách thức mà người khác có thể phải đối mặt.
2. Nhìn sâu vào bên trong và kết nối với cảm xúc mà thử thách khơi gợi trong bạn.
3. Chuyển cảm xúc thành hành động và cung cấp ngược trở lại cho người đó.
Giống như hầu hết mọi thứ, tích cực thực hành sự đồng cảm có thể giúp nó trở thành phản ứng tự nhiên hơn trong mọi tình huống.
Vì việc thực hiện sự đồng cảm có thể là một thách thức, Cummings khuyên bạn nên vận dụng các nguyên tắc sau khi cố gắng hành động một cách thấu cảm hơn:
· Tôn trọng ranh giới của người khác.
· Nhìn vào mắt ai đó một cách tôn trọng trong khi tương tác với họ.
· Để điện thoại của bạn ra xa và dành toàn bộ sự chú ý của bạn khi nói chuyện với ai đó.
· Mời mọi người nói chuyện với bạn thêm một lần nữa.
· Tránh biến câu chuyện của họ thành trải nghiệm của riêng bạn.
Cummings cũng khuyên bạn nên cho mọi người biết mức độ quan trọng của các tương tác của bạn, ngay cả khi bạn không biết rõ về chúng.
Bạn có thể sử dụng các câu như:
· "Cảm ơn bạn đã chia sẻ điều này với tôi. Bạn thực sự đã mở rộng trái tim và tâm trí của tôi”.
· "Tôi định nói chuyện với bạn hôm nay."
· “Bạn đã mang ánh sáng vào cuộc đời tôi. Cảm ơn bạn."
Delaney bổ sung thêm một số “điều không nên” quan trọng mà bạn có thể muốn xem xét:
· Đừng đưa ra những lời khuyên không được yêu cầu.
· Đừng so sánh các câu chuyện với nhau
· Đừng nói với người khác “theo cách này thì tốt hơn”.
Các ví dụ khác về thực hành sự đồng cảm
· Đề nghị cắt cỏ ở sân nhà hàng xóm của bạn vì bạn nhận thấy họ bị thương ở đầu gối
· Chuẩn bị bữa ăn cho một người bạn, người đang tiếc thương sự qua đời của người thân
· Quyên góp cho kho thực phẩm địa phương của bạn và giúp họ phục vụ hoặc giao thức ăn
· Mỉm cười và nói "cảm ơn" với nhân viên thu ngân, người trông có vẻ áp lực và buồn khi đang thanh toán cho bạn ở siêu thị
· Giúp khu vực làm việc của bạn sạch sẽ để nhân viên vệ sinh không phải mất thêm thời gian để làm như vậy
· Đặt bát nước bên ngoài khi hạn hán để động vật hoang dã có thể hạ nhiệt
3 lời khuyên để khuyến khích sự đồng cảm ở trẻ em
Bạn có thể bắt đầu phát triển sự đồng cảm từ rất sớm trong cuộc sống. Nếu bạn muốn hỗ trợ quá trình này ở trẻ em, các mẹo sau có thể giúp ích:
· Delaney khuyến nghị: “Đọc sách về nhiều loại người khác nhau và đặt câu hỏi cho trẻ về những cuốn sách đó để đào sâu hiểu biết của chúng.”
· Cummings gợi ý rằng trẻ em nên tìm kiếm bạn bè từ các khu vực khác trên thế giới.
· Đóng gói quần áo cũng như đồ chơi cũ và chuyển chúng đến một mái ấm, là một phương thức khác mà Cummings đồng tình. Cô ấy khuyên rằng điều quan trọng là nên bổ sung thêm một cuộc thảo luận về việc mái ấm là gì và tại sao đôi khi mọi người cần phải dựa vào chúng.
Hãy tóm tắt lại
Sự đồng cảm có thể giúp bạn hiểu những gì ai đó đang phải trải qua. Nó cũng có thể dẫn dắt hành động của bạn và mang lại sự thoải mái cho người khác.
Hầu hết mọi người lớn lên với khả năng phát triển sự đồng cảm, tuy vậy nếu bạn càng thực hành nó, bạn càng có thể trở nên đồng cảm hơn.
Tìm hiểu thêm về những quan điểm khác, kết nối với nhiều nhóm người khác nhau và cố gắng mang lại cho người khác lợi ích của sự hoài nghi có thể giúp bạn trở nên đồng cảm hơn.
Hope Gillette
Dịch giả: Thùy Dương
Biên tập: Mỹ Trần
Nguồn ảnh: unsplash
Link bài gốc: https://psychcentral.com/health/how-to-be-more-empathetic
Link bài gốc tiếng Việt: https://www.ybox.vn/gia-vi/tam-ly-lam-the-nao-de-tro-nen-dong-cam-hon-62a9e4ef068df47e78df8c2a
Thay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Dịch giả Thùy Dương, Báo Ybox Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn.
Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn!