Thời Gian Không Đợi Chờ Ai Xin Đừng Phí Hoài Cùng “Bệnh” Trì Hoãn
Cuộc sống là một chuỗi những hành trình rất đáng được trân trọng và thời gian luôn là một trong những tài sản “đáng giá” nhất. Cuộc sống dạy ta cách sử dụng thời gian và thời gian dạy cho ta hiểu về giá trị của cuộc sống. Mỗi người trẻ trong chúng ta đang sống trong những ngày “giàu có” nhất của cuộc đời, ta không thể phí hoài sự giàu có ấy vào việc ngủ nướng, chơi game hay những thú vui ngẫu hứng và cho đó là tự do tuổi trẻ.
Bắt “bệnh”
Thời gian là hữu hạn, và mỗi người đều được Thượng đế ban tặng một quỹ thời gian như nhau. Chúng ta luôn ngưỡng mộ những người thành công và khao khát mình sẽ được giàu có. Nhưng đôi khi ta lại tìm đủ mọi lí do, đủ cách trì hoãn để che giấu đi sự lười biếng của chính mình. Khi chúng ta lười biếng ngủ trưa trong phòng điều hoà để nghĩ cách bùng học vào một ngày hè nắng gắt “trụi cây trụi cỏ”, hay viện lí do bùng làm trong những ngày đông mưa giá rét; thì đâu đó có những con người đang cần mẫn, chắt chiu từng chút thời gian để tự phác họa ra con đường đi đến thành công. Có ai đã từng mua rất nhiều cuốn sách hay sau khi nghe người ta chia sẻ là đọc sách sẽ giúp ta phát triển thêm nhiều kỹ năng cá nhân, và rồi kết quả là những cuốn sách đó đều đứng yên trên kệ đến mức phủ bụi dày đặc chưa? Hoặc đôi khi lưu rất nhiều tài liệu trên mạng về máy và tự nhủ rằng “tài liệu này hay quá, mình lưu vào mai mình đọc để giỏi hơn”, nhưng số lần mở ra đọc thì gần như bằng không. Dường như cái “bệnh” lười đã ẩn sâu trong những lí do tìm cách trì hoãn, nó ăn sâu vào trong tiềm thức của ta lúc nào ta không hay. “Trì hoãn nghĩa là sợ thành công. Mọi người trì hoãn khi họ lo sợ sự thành công mà họ sẽ đạt được nếu họ bước về phía trước ngay bây giờ. Bởi vì thành công mang tính chất khó khăn và nặng nề, cho nên hãy có trách nhiệm với nó. Sẽ thật dễ dàng hơn nhiều nếu chần chừ và sống với triết lý ‘Một ngày nào đó tôi sẽ…’.” - Denis Waitley
Tác hại của “bệnh”
Sự trì hoãn là thuật ngữ trong tâm lý học chỉ về những thói quen của con người có xu hướng để chậm lại, tự hoãn lại, chưa muốn bắt tay vào làm ngay một công việc phải làm, hoặc có tâm lý chờ và để một thời gian sau đó mới thực hiện. Cuộc sống có rất nhiều biến động xảy ra, trong đó có nhiều điều bất thường ngoài ý muốn của con người dẫn đến sự gián đoạn buộc chúng ta phải trì hoãn công việc đang thực hiện để giải quyết những vấn đề trước mắt. Nhưng dường như, người ta cứ thường hay vin vào những lí do khách quan để tô điểm cho lí do chủ quan của bản thân trở nên đúng đắn hơn. Cuộc sống sau này có phải là điều mà chúng ta đã từng khao khát ước mơ hay không, đó chính là kết quả của sự lựa chọn. Là chúng ta tự mình lựa chọn.
Trước đây mình từng nghĩ rằng, lí do mình đưa ra để trì hoãn làm một việc gì đó thật ra không phải vì mình lười, mà là bởi vì mình luôn muốn lựa chọn phương án tốt nhất có thể để hoàn thành công việc đó. Với tâm lý phải hoàn thành công việc đó một cách hoàn hảo nhất, mình tự động kéo dài thời gian chuẩn bị mà mãi chẳng chịu bắt tay thực hiện. Mình nhớ lại khoảng thời gian chuẩn bị làm Khoá luận tốt nghiệp Đại học. Thời gian là 1 tháng hoàn thành, mình thì vẫn cứ mải mê chạy theo cái suy nghĩ ăn mòn trong trí não rằng “Không phải vội, mọi việc sẽ xong thôi. Có tận 1 tháng để làm cơ mà” và thảnh thơi “nghỉ dưỡng”. Và đương nhiên mọi thứ diễn ra không theo như những gì mình đã “định sẵn” về một kết quả màu hồng và dễ dàng, vì sự trì hoãn sát deadline mới làm bài nên mình bị nộp chậm so với thời gian quy định. Lúc đó, một cô sinh viên mộng mơ với tâm hồn mỏng manh dễ vỡ đã gục ngã, sư hoang mang và lo lắng về việc không thể tốt nghiệp bào mòn tâm trí của mình. Mặc dù kết quả cuối cùng không quá tệ nhưng đó là một bài học khiến mình không thể nào quên. Mình chợt nhận ra rằng “bệnh” trì hoãn sẽ càng khó thay đổi nếu càng để lâu, đương nhiên kết quả mà nó để lại là những thất vọng, tiếc nuối và sự dở dang.
Thói quen xấu này làm cho chúng ta tự đánh mất đi những cơ hội của bản thân, phá hỏng bước đi trên con đường đến đích của thành công. Thời gian đi qua sẽ không bao giờ lấy lại được, sự trì hoãn đôi lúc khiến ta phải sống với cảm giác tiếc nuối và bất lực, tự nhủ rằng giá như mình đã hành động thì giờ tình hình có lẽ đã khác. Đã là “bệnh” thì hẳn nhiên sẽ ảnh hưởng tới cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Khi để mọi thứ chồng chất và dồn lại vào vài ngày cuối, chúng ta rơi vào trạng thái tập trung cao độ dẫn đến việc bỏ ăn bỏ uống, thâu đêm suốt sáng để hoàn thành deadline. Bên cạnh đó, trì hoãn khiến ta luôn trong tình trạng chán chường, mệt mỏi, căng thẳng, ảnh hưởng lây sang cả những khía cạnh khác ngoài công việc xung quanh cuộc sống của bản thân.
“Thuốc” đúng mới hết “bệnh”
Cuộc đời trôi qua thật nhanh và thời gian thì chẳng dành sự ưu ái một ai, công việc thì vẫn còn đó mà bản thân lại hình thành tâm lý ỷ lại, lười biếng trong suy nghĩ, tìm đủ lí do để trì hoãn. Hãy tận dụng từng phút, từng giây để làm những điều có ý nghĩa để bản thân không cảm thấy hối tiếc vì những điều đã qua. Ngoài việc lên dây cót tinh thần cho những quyết tâm khắc phục “bệnh” trì hoãn, chúng ta cũng cần lựa chọn đúng phương pháp để thực hiện.
Hãy bắt đầu thực hiện bằng việc đặt những mục tiêu
Thao tác này rất quan trọng, nếu không tính toán, suy nghĩ đến mục đích và lợi ích khi làm, bạn có thể lãng phí thời gian mà không hay biết. Vì thế cần biết rõ mục tiêu trong mỗi việc làm của chính mình. Viết ra những mục tiêu từ ngắn hạn đến dài hạn, sắp xếp những công việc cần làm và deadline phải hoàn thành nó. Hãy sắp xếp công việc dựa vào mức độ quan trọng và ưu tiên của từng việc, và tính toán thời gian phù hợp với khả năng thực hiện của bản thân. Một cách hiệu quả nhất là hãy viết ra giấy, take note bằng việc viết tay cũng là một ám thị tâm lý cho thấy rằng đây là lời hứa chính thức gửi đến chính mình. Thời gian đi qua không bao giờ lấy lại được, vì vậy trước khi làm việc gì chúng ta nên có kế hoạch cụ thể để sử dụng quỹ thời gian một cách khoa học cũng như hiêụ quả nhất.
Thay vì đồng ý đi xem phim với crush trước ngày thi thì hãy thử gợi ý “người ấy” ra quán trà sữa cùng ôn bài. Vừa tình bể bình mà vẫn không lo “nước đến chân mới nhảy”. Nếu crush nói rằng “Ôi dào, để mai ôn cũng được” và khăng khăng phải đi xem phim thì hãy quên crush đi. Không đi xem phim với crush thì chết tim, nhưng trượt môn thì chết cả tim lẫn tiền. Mạnh dạn từ chối lời đề nghị không cần thiết, để bạn có thời gian tập trung những công việc khác thực sự quan trọng hơn.
Tạo ra môi trường khó để trì hoãn
Một không gian ồn ào, một bàn làm việc thiếu sự ngăn nắp hay đôi khi là những tiếng “ting ting” của thông báo tin nhắn điện thoại, mạng xã hội... đó chẳng phải là những tác nhân gây ra sự mất tập trung của chúng ta hay sao. Hãy tạo ra một không gian làm việc ngăn nắp, tắt điện thoại, hoặc tới những nơi như quán cafe, working space, thư viện - nơi mà mọi người ai cũng tập trung làm công việc riêng từ đó sẽ tạo động lực cho bạn “xắn tay” vào làm việc. Hoặc giả như khi bạn có một lịch hẹn bạn bè ra ngoài vào sáng sớm thay vì đặt chỉ mỗi chuông báo thức, thì hãy chuẩn bị thêm cho mình quần áo bạn sẽ mặc từ tối hôm trước, chọn ra chiếc đồng hồ bạn sẽ đeo và đặt đôi giày bạn đi ngay trước cửa. Điều này sẽ giúp bạn luôn được đảm bảo chắc chắn rằng, khi bạn thức dậy, mọi thứ đã sẵn sàng và bạn sẽ không còn bị phân tâm hay cuống quít suy đi tính lại xem nên mặc gì. Nó là một cách loại bỏ bớt đi những điều không cần thiết và giúp bạn tạo ra một môi trường tránh khỏi “bẫy” trì hoãn; bởi càng ít thời gian bạn bỏ ra để nghĩ về hành động, bạn càng có khả năng hoàn thành nó một cách nhanh chóng.
Hãy biết tự thưởng bản thân
Thay vì chỉ cố gắng chăm chăm lao đầu vào hoàn thành công việc, hãy luôn biết cách tạo động lực cho chính mình. Não bộ của chúng ta luôn tìm kiếm sự tưởng tượng và phần thưởng sẽ là cách giúp ta xoa dịu và tô điểm thêm sự kích thích của trí tưởng tượng đó. Phần thưởng giống như một “món ăn tinh thần” cho tâm trí và bạn hoàn toàn xứng đáng nhận được sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình. Đó có thể là một bữa ăn ngon sau những ngày chỉ vùi mặt vào côgn việc. Hay là một ngày ngủ tuyệt vời sau những đêm khuya thức trắng. Khi bạn tự dành sự quan tâm cho bản thân những điều tốt đẹp, chính bạn sẽ tự tạo ra sự háo hức, động lực để tiếp tục cố gắng hơn nữa!
Lời kết
Có lẽ không có một công thức chung hay một quy chuẩn cụ thể nào đưa ra để cho mọi người trẻ biết cách sử dụng hợp lý thời gian của mình mà không hoài phí nó, song điều quan trọng và cốt lõi nhất đó chính là đánh thức và nâng cao nhận thức của tuổi trẻ về vốn quý của quãng thời gian đẹp nhất trong mỗi cuộc đời con người. Quỹ thời gian thì có hạn, hãy biết trân quý từng phút giây bởi nếu tuổi trẻ sống không có mục đích lý tưởng, khát khao hoài bão thì kết cục cuộc đời bạn sẽ trở nên trống rỗng và cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Hãy ghi nhớ rằng “Việc hôm nay chớ để ngày mai”.
hay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Vũ Khánh Linh & Báo Ybox Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn.
Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn!
LINK gốc: https://www.ybox.vn/triet-hoc-tuoi-tre/thoi-gian-khong-doi-cho-ai-xin-dung-phi-hoai-cung-benh-tri-hoan-62c933c03d4b413598f2cb8b