Con trai thích trang điểm thì đã sao?
Bạn nghĩ sao nếu bắt gặp một chàng trai với gương mặt trang điểm hoàn hảo? Và những câu chuyện đằng sau ngành công nghiệp làm đẹp tỷ đô dành cho đàn ông.
Trang điểm có từ thời cổ đại
Nam giới làm đẹp không phải là chuyện mới mẻ. Điều này đặc biệt đúng ở Ai Cập cổ đại, nơi các pharaoh được cho là đại diện của các vị thần. Nhiều pharaoh đã sử dụng bút kẻ mắt cực kỳ sang trọng được làm từ một loại than pha trộn với vàng, ngọc lục bảo và hồng ngọc để gợi nhớ đến vị thần Horus và Ra.
Thế kỷ 1, nam giới trong Đế quốc La Mã bôi màu đỏ lên má, làm sáng da bằng bột và sơn móng tay bằng cách sử dụng một loại thuốc từ mỡ và máu lợn. Họ cũng dùng sơn đen để ngụy trang những vết hói đầu.
Dưới thời trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth I, trang điểm rất phổ biến đối với nam giới. Nữ hoàng cho rằng, làn da trắng bệch là tiêu chuẩn của vẻ đẹp lý tưởng. Vì thế, đàn ông, cũng như phụ nữ, vẫn phải chuẩn bị một làn da trắng như bột bằng những lớp kem nền.
Tại Pháp, vào thế kỷ 18, Vua Louis XVI yêu thích sự xa hoa đến từ các sản phẩm trang điểm và làm tóc. Những người đàn ông trong triều đình cũng điểm xuyết nhiều kiểu làm đẹp để phối với giày cao gót và mũ lông thú của họ.
Mãi đến cuối thế kỷ 19, Nữ hoàng Victoria I lên ngôi thì mỹ phẩm, làm đẹp lại bị xem là không trang nhã, phù phiếm. Quan điểm này được Giáo hội Anh một mực đồng ý. Hiển nhiên, đàn ông trang điểm giờ không được xã hội ủng hộ.
Từ cuối thế kỷ 20, trang điểm ở nam giới lúc này vẫn chưa trở thành xu hướng phổ biến. Thay vào đó, việc trang điểm thường thấy ở các nghệ sĩ và người chơi Rock 'n Roll. Những huyền thoại như Boy George, David Bowie và Prince giúp mang hình ảnh một người đàn ông với lớp makeup đậm lan tỏa toàn cầu.
Xã hội nghĩ gì về việc nam giới trang điểm?
Đến thời hiện đại, nam giới trang điểm vẫn nhận không ít ý kiến trái chiều.
Khoảng năm 2017, sự đề cao vẻ bề ngoài khiến cộng đồng người trẻ ở Trung Quốc sinh ra cụm từ “tiểu thịt tươi”. Hình ảnh đại diện cho cụm từ này là nam giới có ngoại hình đẹp và làn da căng bóng. Nam giới sử dụng mỹ phẩm công khai và nhu cầu giai đoạn này (và cho đến nay) được đánh giá là tăng mạnh.
Nổi bật ở giới nghệ sĩ nam Trung Quốc là Luhan, thường được gọi là “Justin Bieber của Trung Quốc”. Anh được chọn làm đại sứ thương hiệu cho cả Lancôme và L’Oreal Paris. Lúc này chính quyền cũng không lên án việc con trai đẹp như hoa.
Tuy nhiên sáng 2/9/2021, Tổng Cục Phát Thanh Truyền Hình Trung Quốc ra văn bản mới với mục đích “chấn chỉnh giới showbiz trong nước”. Trong đó có một điều luật là cấm các nam nghệ sĩ cùng hình ảnh ẻo lả xuất hiện trên truyền hình.
Luhan, Thái Tử Khôn là những cái tên thường được ra để minh họa. Định nghĩa “ẻo lả” ở đây được cho là bao gồm việc trang điểm đậm. Điều này vẫn đang tạo nên nhiều tranh luận gay gắt tại đất nước tỷ dân.
...
Đọc bài tiếp LINK gốc tại đây:Con trai thích trang điểm thì đã sao? | Vietcetera