Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt Hay Thất Bại Của Một Dự Án Làm Người
Bất tử - ước mong muôn thuở của con người
“Hồn Trương Ba da hàng thịt” - câu chuyện đầy bi kịch của một kiếp người. Từ một người bình thường Trương Ba đã tham gia vào một “dự án hồi sinh - làm người”. Mỗi điều xảy ra trong cuộc sống đều có lí do của nó và đều có hai mặt lợi – hại song song tồn tại với nhau. Và nó chỉ được duy trì cho đến khi Trương Ba lựa chọn giải thoát.
Câu chuyện bắt đầu từ lời hứa của Đế Thích với ba nén hương đưa cho Trương Ba. Ba nén hương đưa Trương Ba vào một dự án mà Đế Thích chuẩn bị sẵn. Trao cho Trương Ba, Đế Thích đã ngang nhiên công khai hứa giúp Trương Ba “hồi sinh làm người một lần nữa”. “Hồi sinh” đây là ước muốn của rất nhiều người, bởi cuộc sống trong mắt họ đẹp đẽ hơn rất nhiều so với cái chết mà họ chưa đoán ra được là mình sẽ phải xuống địa ngục hay lên thiên đàng. Mối lo sợ khi bị đày vào địa ngục là mối lo chung bởi trong cuộc sống ai cũng sẽ có lúc phạm phải sai lầm. Như vậy, nỗi niềm “Hồi sinh” có thể coi là một “dự phóng” - theo cách nói của triết gia Sartre, tuy nhiên phải nhận định thêm đây là một “dự phóng” đặc biệt. Sau cái chết của Trương Ba, Đế Thích đã xuất hiện, và thời điểm xuất hiện của ông nhắc nhở mọi người rằng “Dự án làm người” bắt đầu.
Hồi sinh hay bắt đầu bi kịch làm người
Khởi đầu Dự án của Đế Thích không suôn sẻ khi thời gian ông phải xuất hiện muộn hơn so với dự tính ban đầu và chính điều này đã tạo nên hàng loạt những vấn đề tiếp theo. Việc hồi sinh Trương Ba đã gặp sự cố: xác của Trương Ba để quá lâu khiến hồn không thể nhập được. Với một khởi đầu sai thì chắc chắn những sự việc diễn ra về sau cũng sẽ gặp nhiều vấn đề rắc rối và thật sự đã xảy ra đúng như vậy. Hồn của Trương Ba đã nhập vào xác anh hàng thịt để trở thành con người theo đúng “khái niệm” của một vị thần. Đến đây chúng ta nhớ đến một câu nói của Nietsche: “Tất cả mọi sự đều hợp lí thì mới đẹp”. Thật vậy, Trương Ba được hồi sinh trong một cái xác méo mó, xấu xí, thô kệch, khác hẳn so với thân xác thư sinh, nhẹ nhàng của nhân vật khi còn sống. Trương Ba khoác trong mình tấm áo choàng phi lí để rồi anh phải nhận những cái kết đầy cay đắng của cuộc đời không “đẹp”.
“Hãy luôn luôn trở nên chính mình anh, hãy là chủ ông, nhà điêu khắc để tạc nên chính mình anh”, Nietzche đã dạy chúng ta như thế. Trương Ba đã hi vọng với phần hồn trong trẻo và đầy nhân văn của mình có thể cải tạo để tạo nên Trương Ba trên thân xác của anh hàng thịt. Tất cả đều có trong “dự phóng”, có trong cái kế hoạch mà anh đã lên từ đầu. Ngay từ khi nhận ra hồn mình phải nhập vào xác người khác, tại sao anh không chối bỏ. Lời chối bỏ này dù có nói ra thì anh cũng không thể kiên quyết được bởi vì anh cần sống, cần tiếp tục cuộc đời tươi đẹp nơi trần thế. “Thực ra chúng ta là một tự do để lựa chọn, nhưng chúng ta không chọn được tự do: chúng ta bị lên án phải tự do”, thật vậy, “không phải vì có lí do mà ta chọn nhưng vì ta chọn nên có lí do”. Con người trong triết học Sartre có điểm kết nối với hồn Trương Ba, chính anh là người không được lựa chọn sự sống, đến khi sống dậy rồi anh mới biết sự lựa chọn đó phù hợp với niềm ao ước là “dự phóng” của mình. Tuy nhiên niềm vui chưa mới nhen nhóm đã phải dập tắt. Hồn đã nhập vào xác nhưng là thân xác khác xa so với “dự phóng”
Hồn đã nhập vào xác nhưng ta quên mất rằng Đế Thích chưa hoặc cố tình không xin phép anh hàng thịt trước khi thực hiện cái dự án của mình. Đến đây liệu ta còn thấy con người còn được tự do lựa chọn, tự do có phải chỉ cho một số người chứ không thể cho tất cả mọi người, tự do chỉ cho các đấng thần thánh và người giỏi chứ không cho những kẻ yếu kém, trần tục. Tự do là gì?
Đấu tranh giữa thể xác và linh hồn, tình cảm và lý trí
Hồn và xác hòa vào với nhau tạo thành một con người hoàn chỉnh nhưng không thống nhất mà mâu thuẫn với nhau sâu sắc. Hồn Trương Ba tượng trưng cho những đức tính đẹp đẽ, những hình ảnh trong sáng còn xác anh hàng thịt là những phần tối tăm, những đức tính ích kỉ tồn tại trong cuộc sống của con người. Trương Ba nghĩ rằng phần hồn là thiết yếu có thể điểu khiển phần xác thô kệch kia và anh có thể đã nghĩ ra một “dự phóng thông cảm với tha nhân” bằng cách nhập vào, anh có thể cải biến phần xác theo những tính cách đẹp đẽ của mình để thành một con người hoàn thiện. Phần xác lúc này được coi là “tha nhân” còn phần hồn là một “chủ thể tính”, “chủ thể tính” với những suy nghĩ cho bản thân và cho “tha nhân” đã quyết tâm bước vào “dự án” của Đế Thích để hoàn thiện cho tha nhân và cho cả cho cả chính mình. Tuy nhiên Trương Ba đã sai lầm, “chủ thể tính” đã bị “tha nhân” lấn áp, tất cả những tật xấu của anh hàng thịt đã dần dần lộ ra đến khi hồn Trương Ba nhận ra thì đã muộn. Cuối cùng thì xác lại là phần quyết định tạo nên bản chất của con người, điều này đã đạp đổ suy nghĩ của con người từ trước đến nay. Hồn đã không còn là phần thiết yếu, quan trọng nhất của một con người, thay vào đó là phần xác mà trước đây chúng ta nghĩ đó là tạm bợ và đã ghẻ lạnh không quan tâm gì nhiều đến nó để thay đổi nó. Linh hồn, một khái niệm rất đẹp mà con người chúng ta từng ngày hoàn thiện hóa ra chỉ là phần đệm trong một bản nhạc buồn của đời người. Phần xác không được quan tâm nhiều đã trở thành mầm mống cho tai họa để đến khi nhận ra thì đã quá muộn. Lưu Quang Vũ đã xuất sắc khắc họa bi kịch của phần hồn qua vở kịch của mình để rồi cũng chính ông nhận ra “Có những lúc tâm hồn tôi rách nát... tôi biết làm gì, tôi biết đi đâu?”. Chủ thể tính đã bị tha hóa một cách tột cùng. Cái đẹp đã không thể chiến thắng, phần hồn đã trở nên vô nghĩa, bất lực trước những tật xấu của tha nhân. Những món ăn trần tục, nhưng ham mê đời thường, những suy nghĩ dâm dục, những hành động lỗ mãng, tất cả đều rất xa lạ đối với Trương Ba. Những việc làm mà Trương Ba chưa bao giờ làm thì nay anh đều muốn làm, chúng không chỉ ảnh hưởng tới phần hồn của anh mà còn ảnh hưởng đến mọi người xung quanh anh. Những thói quen xấu là không thể nào dễ chấp nhận, một người vợ không thể nào chấp nhận chồng mình ham muốn đến một thân xác khác và chị cũng không thể thoải mái khi sống bên một thân xác không phải chồng mình, đứa cháu không thể nào chấp nhập người ông làm tổn hại thân thể mình. Tất cả đều từ bản tính khác nhau gây nên, bản tính là cái cố hữu của con người tuy nhiên chúng ta thấy dường như những bản tính xấu bao giờ cũng nổi trội hơn cả, mà bản tính đó xuất phát từ đâu? Một thân xác!
Về mặt bản thể luận, linh hồn đại diện cho thế giới tâm linh, cho bản nguyên tinh thần, thân xác hiện thân vật chất của thế giới. Như vậy hiện thân của vật chất đã quyết định, đã làm tha hóa tinh thần theo nó. Vật chất đã thắng thế, đã nắm trong tay công cụ để cải tạo con người. Con người giờ đã nghe theo tiếng gọi thôi thúc của thân xác để thực hiện những ham muốn đời thường. Đó là cái đêm khi đứng cạnh vợ anh hàng thịt với “tay chân run rẩy”, “hơi thở nóng rực”, ”cổ nghẹn lại” và “suýt nữa thì…”. Đó là cái lần ông tát thằng con ông “toé máu mồm máu mũi”. Vật chất đã quyết định ý thức nhưng lại không thống nhất mà lại mâu thuẫn với nhau trong một con người, có mẫu thuẫn thì phải có đấu tranh, khi vật chất đã thắng thì tất yếu tinh thần chỉ còn lựa chọn một trong hai phương án: Thứ nhất, nó sẽ khuất phục để tồn tại, thứ hai, rời bỏ và tiêu tan. Phương án thứ nhất là dựa trên “dự phóng” ban đầu của linh hồn – trở thành linh hồn bất tử. Tuy nhiên hãy nhìn nhận vào vấn đề, ngay từ đầu ta đã nhận định đây là một “dự phóng” phi lí, và ta cũng đã dẫn ra một câu nói của Nietzche: “Tất cả mọi sự đều phải hợp lí thì mới đẹp”. Một cuộc đời đẹp cũng là một “dự phóng” tuy nhiên nó lại trái ngược hoàn toàn với cái dự phóng phi lí ban đầu. Khuất phục là một khái niệm gây khá nhiều khó khăn và trăn trở cho chủ thể tính, mỗi người đều có một cá tính khác nhau, dự phóng tất yếu là luôn vươn lên và khẳng định bản thân, không một cá nhân nào muốn bị khuất phục trừ khi họ chấp nhận khuất phục. Những tư tưởng đạo đức cao đẹp, những chiến công hiển hách, những tài năng nổi trổi luôn là điều kiện tiên quyết cho khuất phục. Cùng nhìn lại vào thân xác của anh hàng thịt, chúng ta sẽ cùng lắc đầu chán ngán và không bao giờ “muốn” khuất phục bởi nó.
“ Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được, tôi muốn được là tôi toàn vẹn”
Như vậy trong hai dự phóng trên linh hồn chỉ được chọn một. Lựa chọn luôn là khó khăn và nó cũng không phải là phương án hữu hiệu nhất. Hãy xem đến phương án thứ hai, rời bỏ thân xác cũng tức rời bỏ dự phóng ban đầu, đây chắc chắn là điều tất yếu bởi ngay từ đầu nó đã không hợp lí. Tuy nhiên do dự phóng ban đầu đã kéo linh hồn về với thể xác để nó chấp nhận trú ngụ trong đó. Về lâu về dài những mâu thuẫn tích tụ dày vò linh hồn thuần túy để rồi cuối cùng anh phải thốt lên: “Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được”, “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Như vậy, linh hồn đã lựa chọn cũng tức là thực hiện một bước nhảy trong dự án làm người, lựa chọn này sẽ là một cái kết không có trong kịch bản. “Con người là một cái gì phải vượt qua”, vượt qua được chúng ta mới chính là người, hồn Trương Ba đã vượt qua được chính mình, vượt qua được dự phóng của bản thân để giải thoát, để được là chính mình. “Không, không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải là của tôi lắm rồi! Cái thân kềnh càng, thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát”. Đến đây ta thấy hình ảnh linh hồn đã vượt qua mọi ý thức hệ thông thường để trở thành một con người theo khái niệm của Nietzche “Con người siêu nhân”. “Con người siêu nhân là con người đã tự giác”, tự giác ngộ, tự giác làm, tự giác thực hiện. Những ham muốn bây giờ không còn quan trọng, bất tử để làm gì khi không được là chính mình, làm những việc mình yêu thích. Những vấn đề đạo đức bây giờ đã được đặt lên hàng đầu so với các dự phóng của chủ thể tính. Đạo đức làm cho con người ta đẹp hơn, sống thanh thản hơn và cần thiết hơn. Đạo đức suy cho cùng xuất phát từ những luân lý, những quy định, chuẩn mực ứng xử với mọi người xung quanh ta. Hãy xét lại, nếu linh hồn ban đầu là linh hồn của anh hàng thịt và thân xác là thân xác của Trương Ba thì mọi chuyện sẽ có cái kết như thế nào? Nhìn nhận vấn đề theo cách này chúng ta thấy những người thân của anh hàng thịt cũng sẽ không thể nào chấp nhận được những thói quen không phải là của chồng mình. Thói quen hình thành nên những tâm tư tình cảm của mọi người xung quanh đối với chủ thể tính, vậy liệu đây có còn là đạo đức theo đúng khái niệm vừa chỉ ra. Vấn đề của đạo đức bây giờ không phải là những quy định chuẩn mực nữa mà đã trở thành sự chấp nhận của mọi người xung quanh đối với việc làm của chủ thể tính. Và chính xác thì chủ thể tính cũng tức linh hồn Trương Ba đã chọn rời bỏ thân xác là vì sự không chấp nhận của người thân, của vợ, của đứa cháu trai, của người con dâu đối với con người hồi sinh của mình. Qủa thật là một điều bất hạnh khi không được chấp nhận bởi chính người thân của chúng ta để rồi linh hồn đã một lần nữa phải giải thoát. Ta bắt gặp đâu đó hình ảnh của các nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Sartre: “Hồn ta ơi, ta đã giải thoát cho mi”, hay nhân vật chính trong “Hóa thân” của Kafka. Tất cả họ đều phải tham gia vào một dự án tương tự nhau và rồi cùng lựa chọn một phương án giống nhau – giải thoát cho linh hồn.
Xã hội hiện nay với những cám dỗ đã đặt con người vào nhiều sự lựa chọn đầy thách thức giữa ham muốn cá nhân với các quy chuẩn đạo đức xã hội. Cùng với đó nhiều người trẻ dễ đánh mất tính cách cá nhân chạy theo những giá trị vật chất, giá trị ảo trong xã hội. Sự thất bại trong dự án làm người của Trương Ba đã dóng lên hồi chuông cảnh báo cho chúng ta cần phải có những quyết định đúng đắn, không nên vì lợi ích trước mắt mà đánh mất bản thân mình, làm những điều vô lí, sai trái. Con người phải mạnh mẽ đứng lên phá bỏ những định kiến của xã hội để trở thành một nhân vị độc đáo, từ bỏ cuộc sống tầm thường để vươn lên trở thành một con người đúng nghĩa.
LINK gốc: Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt Hay Thất Bại Của Một Dự Án Làm Người - YBOX