Sự độc hại của ‘ánh nhìn đàn ông’
Trong xã hội còn gia trưởng, phụ nữ được kỳ vọng phải luôn tươi cười, ăn mặc đẹp khi ra ngoài, không xuề xòa, nhưng cũng không quá gợi mở. Nếu làm khác đi, họ bị coi là tội đồ.
Diện áo hở lưng di chuyển trên đường phố Hà Nội, một cô gái bị người lạ quay clip đăng lên mạng kèm thắc mắc “Không hiểu sao nhiều ông lại để người yêu mặc thế này ra đường được?”.
Theo chia sẻ của chủ tài khoản tên Đặng Văn Sơn, người này và cô gái không quen biết, chỉ vô tình gặp nhưng đã đi theo, ghi hình để đưa lên TikTok.
Bản thân cô gái không hề biết mình đã thành tâm điểm trên mạng xã hội, nhận về nhiều bình luận ác ý, tục tĩu. Sau đó, cô phải liên hệ với người đăng clip, yêu cầu xóa video, công khai xin lỗi.
Ngoài ra, đáp trả những chỉ trích, bình luận khiếm nhã nhắm vào mình, cô khẳng định có quyền lựa chọn trang phục vì đó là quyền của chính cô.
Vụ việc trên một lần nữa làm dấy lên chủ đề muôn thuở: “ánh nhìn đàn ông” (male gaze) tình dục hóa và hạ thấp phụ nữ, đặc biệt qua cách họ ăn mặc.
Tồn tại dai dẳng
Theo Very Wellmind, thuật ngữ “ánh nhìn đàn ông” được nhà nữ quyền điện ảnh người Anh Laura Mulvey đưa ra trong bài luận năm 1973.
Trong đó, giáo sư nghiên cứu phim và truyền thông tại Đại học London mô tả cách các phương tiện truyền thông chính thống “vật hóa” nữ giới.
Về cơ bản, cơ thể phụ nữ bị coi như đồ vật để nam giới dị tính (hoặc toàn bộ xã hội gia trưởng) ngắm nhìn, chinh phục, chiếm hữu và lợi dụng để đạt được mục đích riêng.
Kể từ khi xuất hiện, “ánh nhìn đàn ông” vượt ra khỏi màn ảnh để bao gồm cách giới tính nữ được miêu tả và soi xét trong mọi hoàn cảnh, từ bị quấy rối khi đang đi trên đường cho đến chế giễu là kẻ đào mỏ hay dám bộc lộ sự tức giận.
Nói rộng ra, chỉ cần phụ nữ lo lắng về ngoại hình, sức hấp dẫn hoặc cách người khác giới đánh giá mình cũng có thể là biểu hiện của việc đang chịu ảnh hưởng từ “ánh nhìn đàn ông”.
Ngoài ra, “ánh nhìn đàn ông” cũng quy định đặc điểm cụ thể ở một số nam giới như thích xem ảnh khiêu dâm, gây sự, xâm hại, nhiệt tình thái quá hay thống trị.
Trên thực tế, nghiên cứu về định kiến giới cho thấy nhiều người nghĩ rằng đàn ông thông minh hơn phụ nữ. Những miêu tả tiêu cực về nữ giới trên truyền thông là một phần nguyên nhân.
Thực tế, tác động của “ánh nhìn đàn ông” được cả nam và nữ giới nội tâm hóa ở mức độ nhất định. Bởi vậy, con người không phải lúc nào cũng nhận thức được sự hiện diện hoặc cách nó ảnh hưởng đến lựa chọn, cái nhìn của mình về bản thân và người khác.
Tec Review lấy ví dụ trong phim, nữ diễn viên trẻ, xinh, gợi cảm và gầy, mặc quần áo bó sát để lộ đường cong cơ thể. Máy quay cận cảnh ngực hoặc chân của cô. Mặc dù đóng vai trò trong câu chuyện, lời thoại, cảnh quay và kết cục của cô lại phụ thuộc vào nam giới.
Trong quảng cáo bia hay sản phẩm khác, người mẫu nữ thường mặc bikini dù muốn hay không. Các ca sĩ nữ có xu hướng biểu diễn khoe da thịt, trong khi đồng nghiệp nam chỉ diện quần jeans hoặc vest. Hay trên bìa tạp chí, sao nữ phải tạo dáng gợi cảm, còn sao nam đơn giản hơn rất nhiều. Ở đây, cơ thể của phụ nữ được sử dụng để thu hút sự chú ý của nam giới dị tính.
Mónica Lloret Carrillo, giáo sư tại Tec de Monterrey's State of Mexico, nhận định đây là vấn đề bởi phụ nữ có thể vô thức tin rằng họ có giá trị hoặc giữ vai trò quan trọng dựa trên mức độ là đối tượng được đàn ông khao khát.
Trong lịch sử, có nhiều thời điểm phụ nữ ít hoặc không có khả năng tiếp cận tài chính. Cách để có cuộc sống tốt đẹp hơn là phụ thuộc vào đàn ông có điều kiện kinh tế và sử dụng vẻ đẹp như công cụ để thu hút người khác.
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Sự độc hại của ‘ánh nhìn đàn ông’ - Gender - ZINGNEWS.VN