Nam tính, nữ tính và sự cầm tù của những khuôn mẫu giới
Hình ảnh: https://pediaa.com/
Nam tính, nữ tính là những từ được nhắc đến nhiều trong cuộc sống hàng ngày và cũng là thuật ngữ trung tâm của các chuyên luận về giới. Chúng được sử dụng quen thuộc đến mức tạo nên nhận thức có tính phổ quát, nữ tính đối với phụ nữ, nam tính đối với nam giới là đặc tính tự nhiên, bất biến. Nói cách khác, chúng được nói đến như những đặc tính đồng nhất với giới tính sinh học, bất chấp sự biến động của các không gian và thời gian văn hóa. Nam tính, nữ tính được coi là đặc trưng tính cách của mỗi giới, từ đó nó quy định những năng lực có thể và vai trò của họ (thiên chức) đối với xã hội. Niềm tin vào đặc trưng tính cách mỗi giới như vậy đã và đang dẫn đến những hành vi phân biệt đối xử mang tính chất kỳ thị giới. Thực ra nam tính và nữ tính không phải là những đặc tính tự nhiên, mà là những khuôn mẫu về giới được tạo ra như những sản phẩm mang tính kiến tạo xã hội, mà nội hàm của chúng phản ánh những bối cảnh văn hóa đặc thù.
1. Hai chiếc hộp giới
Khuôn mẫu giới là “những hình ảnh lý tưởng về nam tính hay nữ tính, dùng để nhìn nhận một con người dựa trên sự tổng hợp đơn giản các thuộc tính của nhóm, của giới mà người đó quy thuộc” (1). Rất nhiều nền văn hóa có sự phân chia giới thành hai chiếc hộp – khuôn mẫu giới, và dán trên đó những tiêu chí xuất phát từ sự mong đợi, kỳ vọng của xã hội. Theo lý thuyết Chu Dịch ở Trung Hoa cổ đại, thế giới tự nhiên và xã hội đều được chia làm hai tuyến: Dương (Càn) và Âm (Khôn). Dương mang các thuộc tính: cao, quý, động, cương, kiện, đại biểu cho đàn ông, nguời cha, người chồng. Âm với các đặc tính: ty, tiện, tĩnh, nhu, thuận, đại biểu cho đàn bà, người mẹ, người vợ. Mặc dầu, âm và dương bổ sung cho nhau một cách tuyệt đối và thế giới chỉ tồn tại khi có sự vận hành và tương tác giữa hai nguyên lý ấy, nhưng rõ ràng, so với dương, nguyên lý âm luôn mang giá trị tiêu cực, thấp kém. “Chu Dịch đã kết hợp một số đặc điểm của phụ nữ do văn hóa lịch sử tạo thành với một số hiện tượng tự nhiên trong trời đất, luân lý hóa nó, biến nó thành thiên kinh địa nghĩa, vĩnh hằng bất biến”(2).
Ở Ấn Độ, theo lý tưởng truyền thống của đạo Hindu, khuôn mẫu giới cũng được phân cực tương tự. Nghiên cứu của Krishnan và Dighe về các nhân vật đàn ông và nhân vật đàn bà trên phim truyền hình cho thấy các đặc trưng tiêu biểu (3).
Nhân vật đàn ông | Nhân vật đàn bà |
– Coi trọng bản thân – Quyết đoán – Tự tin – Nhìn thấy vị trí trong thế giới rộng lớn – Lý trí và thuyết phục – Thống trị – Như người cha | – Hy sinh – Phụ thuộc – Bận tâm đến việc làm vừa lòng người khác – Định nghĩa thế giới thông qua những mối quan hệ gia đình – Tình cảm và yếu đuối – Phụ thuộc – Như người mẹ |
Ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu khẳng định chính quan niệm bất biến về đặc trưng nam tính, nữ tính đã trở thành niềm tin vững chắc trong tâm thức cộng đồng suốt giai đoạn lịch sử lâu dài và đó là ngăn trở lớn nhất hướng tới mục tiêu bình đẳng giới. Niềm tin này sâu sắc đến mức nó chi phối một cách vô thức mọi hoạt động sống của con người, kể cả việc định hướng của các bậc cha mẹ. Ngay từ khi đứa trẻ chào đời, thậm chí từ lúc phát hiện giới tính nhờ siêu âm bộ phận sinh dục ngoài, cha mẹ đã chuẩn bị quần áo, đồ dùng của bé theo màu sắc được cho là phù hợp với trẻ (thí dụ màu hồng cho bé gái, màu xanh cho bé trai). Tiếng khóc to của bé trai, tiếng khóc nhỏ của bé gái mới được coi hợp lẽ. Như vậy, chiếc hộp giới đã trở thành chiếc khuôn đóng khung cho từng bước trưởng thành của trẻ. Người ta tin rằng bản tính của phụ nữ là yếu đuối, phụ thuộc, do dự, nhẫn nhịn, nông nổi, chung thủy và thích hợp với việc nhà. Trái lại, bản tính của đàn ông là mạnh mẽ, độc lập, quyết đoán, nóng nảy, sâu sắc, có tính trăng hoa và chỗ đứng của họ là ngoài xã hội (4).
Như vậy, trước hết, nam tính và nữ tính được xem là đặc trưng khác biệt hoàn toàn giữa hai giới, có xu hướng đối lập nhau theo cặp: mạnh mẽ – yếu đuối, độc lập – phụ thuộc, sâu sắc – nông nổi… Sự khác biệt giữa hai giới được xem là cố định, và đương nhiên. Một người đàn ông không thể phụ thuộc vào vợ hay chăm lo việc nhà (mặc nhầm váy) và một người đàn bà chỉ được phép nhẫn nhịn (chồng giận thì vợ bớt lời); Mặt khác, hệ thống khuôn mẫu giới là sự khẳng định khái quát: mọi người cùng giới đều có tính cách giống nhau; tất cả phụ nữ đều thích dựa dẫm vào chồng và mọi người đàn ông đều không chung thủy; đặc biệt, các giá trị ưu thế, có tính tích cực (có ý nghĩa với sự phát triển cá nhân và xã hội) hầu hết thuộc về nam tính, còn nữ tính gắn với các giá trị tiêu cực hoặc ít được coi trọng (việc nhà thuộc lĩnh vực riêng tư). Điều này bộc lộ rõ ràng tư tưởng trọng nam khinh nữ, “như một vấn đề có tính nguyên tắc và phổ biến trên phạm vi toàn nhân loại khi có sự chuyển giao quyền lực từ đàn bà sang đàn ông và xã hội loài người chuyển từ chế độ mẫu quyền sang phụ quyền”(5).
2. Nữ tính và nam tính – sản phẩm sinh học tự nhiên?
Những nhà nghiên cứu theo thuyết quyết định luận sinh học (bản thể luận) giải thích sự khác biệt giới nói chung hay khuôn mẫu giới nói riêng thuộc về số phận (Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu – Nguyễn Du), bắt nguồn từ sự khác biệt đã được chương trình hóa về mặt sinh học giữa hai giới tính. Mỗi người sinh ra đã thuộc một giới tính nào đó với cấu tạo hình thể, chức năng bán cầu đại não, nhiễm sắc thể, hooc môn riêng, phụ nữ lại có vai trò nặng nề hơn nam giới trong việc sinh sản (mang thai, sinh nở, cho con bú), và theo bản thể luận, điều này tạo nên tính cách đặc trưng nam tính, nữ tính – do vậy – xã hội cần bảo lưu trật tự tự nhiên này (6).
Không thể phủ nhận về cấu tạo sinh học, hai giới tính có những điểm khác biệt vừa kể, nhưng đây có phải là yếu tố quyết định tính cách? Có những nghiên cứu chỉ ra rằng cấu trúc não của nam tuy lớn hơn nữ (1,4 so với 1,25) nhưng độ to nhỏ không chứng minh năng lực trí tuệ của họ. Phụ nữ thường hoạt động mạnh ở bán cầu não trái (thiên về ngôn ngữ, trí nhớ, khả năng phân tích), nam giới thường xuyên sử dụng bán cầu não phải (thiên về định hướng không gian, khả năng tổng hợp, khái quát), tuy nhiên, do tính bù trừ chức năng của hệ thần kinh nên sự khác biệt này không đáng kể. Hơn nữa, khi phải giải quyết một vấn đề, não bộ của phụ nữ có nhiều điểm sáng kết nối với nhau hơn và các điểm sáng này lan tỏa trên diện rộng hơn so với não bộ của nam giới. Điều này cho thấy để giải quyết vấn đề, phụ nữ đã sử dụng não bộ triệt để hơn so với nam giới (7). Ngay sự chênh lệch cấu tạo hình thể, tầm vóc khoảng 7% giữa hai giới cũng không phải hoàn toàn tự nhiên. Tư liệu khảo cổ cho biết, cách đây hàng vạn năm, cơ thể của hai giới không có khác biệt lớn vì họ cùng nhau chia sẻ cả hai công việc săn bắt và hái lượm. Về sau, do người nữ phải sinh nở, gắn bó với con cái nên chuyển sang công việc hái lượm gần nhà, nhường việc săn bắt cho đàn ông. Công việc săn bắt qua nhiều thiên niên kỷ đã đào luyện cơ thể nam giới theo hướng phát triển khung xương và cơ bắp. Mặt khác, việc vận động nhẹ đã làm tăng lượng mỡ ở cơ thể nữ (8). Như vậy, quá trình lao động chính là “sự kiến tạo xã hội đối với thân thể”(9). Sau này, sức mạnh của trật tự có tính nam giới đã làm hình thành một cách thức mới trong tri giác thân thể phụ nữ, đó là coi nam giới là bản gốc. Theo Freud, những đặc điểm nam tính (man) mới là những đặc điểm mang tính người (human) đầy đủ. Còn phụ nữ được định nghĩa là người đàn ông thiếu bộ phận sinh dục nam và “toàn bộ cấu trúc tâm lý của phụ nữ xoay quanh vấn đề đấu tranh để đền bù sự thiếu hụt”(10). Hoặc một định nghĩa khác mang tính huyền thoại: Eva là một khúc xương sườn của Adam!
Emily Martin trong một nghiên cứu (1987) đưa ra cảnh báo hiện trạng nhiều cuốn giáo khoa y học tại Mỹ đã sử dụng ẩn dụ ngôn từ sinh học để biện minh cho sự bất bình đẳng trong vị thế giới (11). Những vấn đề có tính xã hội được che đậy, ẩn giấu trong các diễn ngôn sinh học về thiên tình sử giữa trứng và tinh trùng. Thí dụ, diễn ngôn “phụ nữ không có tính sản xuất” được lý giải từ cơ chế của việc sinh sản: nếu tinh trùng được sản sinh liên tục trong cuộc đời người đàn ông suốt từ khi bước vào tuổi trưởng thành thì trứng đã hình thành cố định ngay lúc bé gái chào đời. Diễn ngôn “phụ nữ là sự lãng phí” gắn với việc rụng trứng – hành kinh hàng tháng của họ. Tuy nhiên, tác giả cho rằng giả định người phụ nữ chỉ có hai hoặc ba con, với mỗi đứa trẻ sinh ra họ chỉ lãng phí có hai trăm quả trứng, còn đối với đàn ông, để có mỗi đứa con, họ đã lãng phí cả triệu tinh trùng. Hơn thế, khi miêu tả quá trình hoạt động tình dục, các cuốn sách giáo khoa thường dẫn giải: hoặc trứng tuy to xác nhưng di chuyển thụ động, thường bị cuốn đi lang thang vô định dọc ống dẫn trứng, còn tinh trùng gọn nhẹ luôn vận tốc nhanh, điều này chứng tỏ tính chủ động tấn công của tinh trùng và tính thụ động của trứng; hoặc lập luận tinh trùng không tấn công mà bị trứng gài bẫy do mặt vỏ trứng có các phân tử kết dính (giống như niềm tin đàn bà là quỉ dữ hay mỹ nhân họa thủy – đàn bà là gốc của mọi tai họa – ở một vài nền văn hóa); hoặc coi trứng và tinh trùng ở mối tương quan giữa ổ khóa và chìa khóa… Tất cả các cách lý giải ấy đều mang thái độ đẳng cấp vốn có trong xã hội về tính cách, vai trò giới. Thực ra, người ta đã vay mượn quan niệm văn hóa về hình ảnh người đàn bà yếu đuối và người đàn ông anh hùng vào hoạt động của trứng và tinh trùng, nghĩa là cấy quan niệm xã hội vào cách nhìn tự nhiên để có một cơ sở vững chắc, sau đó lại dùng chính cách giải thích tự nhiên để củng cố các khuôn mẫu xã hội. Điều này cũng tương tự như trường hợp: ý tưởng về nạn nhân mãn của Malthus đã gợi ý để nhà sinh vật học Darwin giải thích hiện tượng chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn, rồi sau đó người ta lại xã hội hóa học thuyết này để biện minh cho chọn lọc xã hội. Như vậy, ở ngay cách tiếp cận bản thể luận này đã có sự chuyển hóa xã hội – tự nhiên – xã hội, tạo nên “mối liên hệ nhân quả vòng tròn giam hãm tư duy trong tính tự nhiên của các quan hệ thống trị…, biến các quan hệ thống trị có tính xã hội lại trở thành mang tính cơ thể”(12).
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Nam tính, nữ tính và sự cầm tù của những khuôn mẫu giới - vhnt.org.vn