Nháy mắt là quấy rối tình dục?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 25/05, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kết hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Quá trình soạn thảo bộ quy tắc có sự tham vấn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dựa trên bộ quy tắc ứng xử cùng tên đã được giới thiệu vào năm 2015 và tích hợp vào Luật Lao động năm 2019.
Bộ quy tắc “hướng dẫn triển khai trên thực tiễn” các quy định. Văn bản hướng tới việc giúp người lao động, người sử dụng lao động, và các tổ chức công đoàn “phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” và “giải quyết có hiệu quả tình trạng quấy rối tình dục.”
2. Điểm mới của dự thảo là gì?
Bộ quy tắc nêu ra những định nghĩa và khía cạnh cơ bản nhất của hiện tượng quấy rối tại nơi làm việc, đưa ra những chỉ dẫn để các đơn vị, các doanh nghiệp áp dụng bộ quy tắc vào từng môi trường đặc thù của đơn vị mình. Theo đó, có ba hình thức quấy rối được xác định nghĩa:
- Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất: động chạm không mong muốn, cưỡng hiếp.
- Quấy rối bằng lời nói: gồm “các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa”, “những ngụ ý về tình dục” như đùa cợt hay nhận xét về ngoại hình, “những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.”
- Quấy rối bằng hành vi phi lời: hướng tới các biểu hiện tinh vi hơn như “ngôn ngữ cơ thể khiêu khích”, “cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục,” hay phô bày tài liệu khiêu dâm.