Triết lý giáo dục và Văn hóa giáo dục để xây dựng một xã hội phát triển
Trong hệ thống văn hóa, văn hóa học đường là một bộ phận của văn hóa giáo dục; văn hóa giáo dục, đến lượt mình, là một bộ phận của một nền văn hóa (= văn hóa dân tộc). Văn hóa (dân tộc) và văn hóa giáo dục có quan hệ với nhau thông qua mắt xích trung gian là triết lý giáo dục: Văn hóa (dân tộc) là một trong ba thành tố chi phối triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục, đến lượt mình, được hiện thực hóa bằng bốn thành tố – văn hóa giáo dục là một trong số đó.
Để có xã hội phát triển thì cần phải có con người sáng tạo
Văn hóa mang tính dân tộc nên tính dân tộc để lại dấu ấn trong văn hóa giáo dục rất đậm nét. Theo O.A. Radugina, “văn hóa giáo dục không chỉ là một chỉ tiêu đánh giá trình độ học vấn của người dân cả nước mà còn là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá sự phát triển của xã hội ở một giai đoạn lịch sử cụ thể”. Do có tính dân tộc cho nên yếu tố mang tính quyết định đối với văn hóa giáo dục của một dân tộc là loại hình văn hóa. Chúng tôi hệ thống hóa các nền văn hóa vào ba loại hình cơ bản là loại hình thiên về dương tính, thiên về âm tính, và loại hình trung gian. Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á thuộc loại hình thiên về âm tính, văn hóa phương Tây thuộc loại hình thiên về dương tính, văn hóa Đông Bắc Á thuộc loại hình văn hóa trung gian.
Quan niệm phổ biến cho rằng nền sư phạm phương Đông đặc trưng bởi tiếp cận định hướng người dạy, lấy thầy làm trung tâm; còn nền sư phạm phương Tây đặc trưng bởi tiếp cận định hướng người học, lấy trò làm trung tâm (Phạm Thành Nghị, 2010). Thực ra, hai phương pháp lấy thầy làm trung tâm và lấy trò làm trung tâm chịu chi phối bởi đặc thù của loại hình văn hóa: tiếp cận định hướng người dạy phù hợp ở mức cao nhu cầu của loại hình văn hóa thiên về âm tính; còn tiếp cận định hướng người học đáp ứng ở mức cao nhu cầu của loại hình văn hóa thiên về dương tính.
Hiện nay, các quốc gia đều đang hội nhập quốc tế. Nhưng khi tham gia vào quá trình này, điểm xuất phát của Việt Nam và các nước phát triển khác nhau rất xa. Các nước phát triển (như phương Tây, Nhật Bản) bước vào hội nhập khi họ đã hoàn tất công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã có con người đô thị và công nghiệp, đã chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp và hậu hiện đại. Trong khi đó, Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế trong khi đang tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, trong khi chưa có được con người công nghiệp và con người đô thị. Nghĩa là, Việt Nam hội nhập quốc tế trong khi chưa thực sự có đủ những điều kiện cần thiết cho việc hội nhập.
Đọc tiếp bài viết từ LINK gốc tại đây: Triết lý giáo dục và Văn hóa giáo dục để xây dựng một xã hội phát triển