Làm Cách Nào Để Trở Nên Thấu Cảm



Sự thấu cảm

Sự thấu cảm là khả năng cảm nhận, thấu hiểu và chia sẻ cảm giác, cảm xúc của người khác từ vị trí của họ. Về cơ bản nó là khả năng đặt mình vào tình huống của người khác và cảm nhận những gì họ đang cảm thấy ở tình huống đó.

Thấu cảm là một kỹ năng cần thiết để làm việc với con người, nó có thể ảnh hưởng tích cực lên những mối quan hệ, sự mạnh khỏe hạnh phúc, và khả năng kết nối với người khác của chúng ta. Bằng việc dành thời gian để phát triển lòng thấu cảm, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của người khác.

Học cách để trở nên thấu cảm hơn và phát triển khả năng thấu hiểu cảm nhận của người khác có thể cảm thiện mối quan hệ, sức khỏe và hạnh phúc của bạn.


Làm cách nào để trở nên thấu cảm hơn

Một số người có thiên hướng hơn trong việc đặt mình vào vị trí của người khác nhưng thấu cảm cũng là một năng lực có thể được được xây dựng và phát triển. Có nhiều cách để bạn xây dựng khả năng thấu cảm. 

  1. Chú ý và những dấu hiệu phi ngôn ngữ

Khi nói chuyện với ai đó, hãy để ý ngôn ngữ cơ thể và những dấu hiệu không lời mà họ đang biểu hiện. Điều này có thể cho bạn những gợi ý cần thiết về việc họ đang cảm thấy như thế nào và suy nghĩ điều gì.

  1. Thấu hiểu hoàn cảnh của người đó

Trước khi thực sự thấu cảm được ai đó, bạn cần hiểu được tình huống, hoàn cảnh mà họ đang trải qua. Nghĩa là dành thời gian nhìn sự việc dưới góc nhìn của họ và cố gắng hiểu những động cơ, cảm xúc mà họ có khi họ ở vị trí, góc nhìn đó.

Xem xét việc bạn sẽ cảm thấy như thế nào ở tình huống đó: cảm nhận của bạn là gì? Bạn sẽ phản ứng như thế nào? Sự giúp đỡ nào mà bạn cần tới? 

Những câu hỏi như vậy có thể cho bạn một góc nhìn sâu sắc hơn việc người khác đang trải nghiệm điều gì và nó cũng giúp bạn có một cảm nhận thấu cảm nhiều hơn.

  1. Thực hành lắng nghe chủ động

Lắng nghe chủ động liên quan đến việc tập trung trọn vẹn vào những gì đối phương đang nói, về mặt ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Khi chủ động lắng nghe, bạn nên cố gắng hiểu những gì người kia nói và cảm nhận của họ hơn là chỉ đợi tới lượt nói của bạn.

  1. Thể hiện sự thấu hiểu

Một khi bạn hiểu cảm nhận của người kia, bạn cần thể hiểu sự thấu cảm một cách phù hợp. Điều này nghĩa là bạn cần thể hiện ra rằng bạn hiểu họ và có thể cảm được cảm xúc của họ.

Điều này không đồng nghĩa với việc bạn so sánh hoàn cảnh của họ với người khác hoặc kể ra trải nghiệm trong quá khứ của chính bạn. Mặc dù làm điều này có thể khiến bạn cảm thấy bạn đang giúp họ cảm thấy không cô đơn, nhưng nó thường đem đến hệ quả là khiến họ thấy trải nghiệm của họ bị xem nhẹ hoặc bị chối bỏ.

("Nếu chúng ta có thể nhìn sâu vào trái tim của mỗi người và hiểu được những khó khăn mà chỉ họ trải qua, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đối xử với nhau dịu dàng hơn với nhiều tình yêu, kiên nhẫn, bao dung và quan tâm hơn" - Marvin J. Ashton)

  1. Tránh việc đưa ra kết luận

Một trong những điều quan trọng nhất cần nhớ là khi trở nên thấu cảm bạn cần tránh việc đưa ra những kết luận về suy nghĩ, cảm xúc của đối phương. Thay vào đó, cố gắng nhìn sự việc dưới quan điểm của họ và hỏi họ khi bạn không chắc bạn có đang cảm nhận đúng không.

  1. Ý thức về những thiên kiến của chính mình

Khi cố gắng trở nên thấu cảm với người khác, hãy ý thức về những thiên kiến và định kiến của bản thân. Mỗi người đều có những trải nghiệm rất riêng biệt định hình nên cách chúng ta nhìn nhận người khác và thế giới xung quanh. Nghĩ xem việc những thiên kiến của bạn có thể ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận người khác như thế nào và rồi đặt chúng qua một bên để có thể cảm nhận sự việc ở góc độ khác.

  1. Thực hành các kỹ năng thấu cảm thường xuyên

Nghiên cứu cho thấy rằng người ta có thể học để trở nên thấu cảm nhưng để duy trì những kỹ năng này cần thêm sự luyện tập và hỗ trợ. Một trong những cách tốt nhất để phát triển kỹ năng của bạn là tìm kiếm cơ hội để thực hành.

Ví dụ, bạn có thể làm tình nguyện cho một tổ chức từ thiện mà bạn quan tâm, nói chuyện với nhiều người từ nhiều tầng lớp, ngành nghề khác nhau, hoặc chú ý đến cảm xúc của chính mình và những người khác xung quanh mình.

Những đặc điểm của người thấu cảm

Những người có sự thấu cảm nhiều thường có chung những đặc điểm then chốt sau.

  • Có trí thông minh cảm xúc

  • Giỏi trong việc đọc vị người khác

  • Có lòng trắc ẩn

  • Là những người giao tiếp tốt

  • Nhạy cảm

  • Trực giác tốt

  • Tốt bụng

Còn những người không giỏi thấu cảm thường:

  • Trí thông minh cảm xúc thấp

  • Khó khăn để hiểu người khác

  • Vô tâm

  • Giao tiếp kém

  • Không nhạy cảm

  • Trực giác kém

  • Hờ hững, lãnh đạm


Lợi ích của việc thấu cảm

Trở nên thấu cảm có nhiều lợi ích bao gồm việc giúp bạn cảm thấy gần gũi và kết nối hơn với những người xung quanh.

Một vài lợi ích của việc thấu cảm:

  • Xây dựng lòng tin và các mối tương giao tốt đẹp: Khi dành thời gian thấu hiểu cảm nhận của người khác, bạn có thể xây dựng được niềm tin và những mối quan hệ tốt đẹp. Khi có thể giao tiếp hiệu quả và bồi đắp sự kết nối thân thiết với họ sẽ giúp bạn cải thiện sự tự tin và sự tin tưởng lẫn nhau trong mối quan hệ.

  • Khích lệ sự cởi mở và mở lòng với những tổn thương: Khi người ta muốn được thấu hiểu, họ có xu hướng mở lòng, sẵn sàng đón nhận hơn. Chia sẻ câu chuyện của bản thân là một điều cần thiết để xây dựng mối quan hệ với người khác. 

  • Đem đến những mối quan hệ hạnh phúc hơn: Sự thấu cảm có thể cải thiện sự giao tiếp, khả năng giải quyết mâu thuẫn và sự hài lòng trong mối quan hệ nói chung.

  • Thúc đẩy sự phát triển cá nhân: Thấu cảm có thể giúp bạn hiểu chính mình và người khác hơn. Sự tự nhận thức bản thân này có thể đẩy mạnh sự phát triển cá nhân của bạn.

  • Khích lệ hành động vị tha: Khi bạn có thể hiểu những đau khổ và niềm vui của người khác, nó giúp thúc đẩy những hành động vị tha. Những người thấu cảm sẽ có xu hướng giúp người khác trong  lúc họ cần nhiều hơn.

  • Nâng cao sự hạnh phúc và sức khỏe nói chung: Những người thấu cảm thường báo cáo mức độ hạnh phúc và khỏe mạnh cao hơn.

Những vấn đề tiềm ẩn của việc thiếu lòng thấu cảm

Thiếu sự thấu cảm có thể đem đến những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống của bạn:

  • Phá hủy những mối quan hệ: Khi bạn không thể chia sẻ và thấu hiểu cảm nhận của người khác, nó có thể làm hủy hại mối quan hệ đó.

  • Dẫn đến sự cô lập xã hội: Không có sự thấu cảm, bạn có thể gặp khó khăn để kết nối với người khác và cuối cùng trở nên cô lập và đơn độc.

  • Cản trở sự phát triển cá nhân: Thấu hiểu và chấp nhận bản thân mình và người khác mà không có sự thấu cảm có thể trở nên khó khăn. Điều này sẽ làm trì trệ sự phát triển cá nhân.

  • Gia tăng sự ái kỷ: Thiếu lòng thấu cảm có thể làm tăng những hành vi ái kỷ: Những người ái kỷ là những người chỉ quan tâm đến bản thân mình và không quan tâm đến hành động của mình có thể ảnh hưởng đến người khác.

  • Có thể dẫn đến sự bắt nạt: Khi không biết thấu cảm, bạn sẽ không thấy được những ảnh hưởng trong lời nói và hành vi của mình lên người khác. Từ đó dẫn đến các hành vi mang tính bắt nạt.

  • Gia tăng căng thẳng và lo âu: Thiếu thấu cảm có thể tăng mức độ căng thẳng và lo âu. Khi không thể hiểu cảm xúc của người khác, có thể gây nên cho bạn những hoang mang và khó chịu.

Nếu bạn trở nên thấu cảm quá mức

Mặc dù thấu cảm nói chung được xem như một phẩm chất tích cực, nhưng ta có thể trở nên thấu cảm quá mức. Những người quá thấu cảm có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới trong các mối quan hệ. Họ cũng khó khăn trong việc đặt ra giới hạn cho chính mình. 

Ngoài ra, những người quá thấu cảm có khả năng trải sự kiệt sức và suy giảm lòng trắc ẩn hơn. Đây là một tình trạng mà bạn trở nên quá tải vì việc lắng nghe và thấu hiểu những đau khổ của người khác.

Nếu bạn cảm thấy kiệt sức và quá tải bởi cảm xúc của người khác, bạn cần dành chút thời gian để chú ý quan tâm chăm sóc bản thân.


Một lời kết từ Verywell

Thấu cảm là một khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác. Đây là một kỹ năng thiết yếu có thể giúp ta xây dựng những mối quan hệ vững mạnh. Ngoài ra, lòng thấu cảm có thể giúp ta trở nên trắc ẩn và thấu biết hơn. Bạn có thể học cách trở nên thấu cảm hơn bằng việc lắng nghe, hiện diện và cố gắng thấu hiểu cảm nhận của người khác. Thêm vào đó, ta cần biết thấu cảm mà không phán xét. Cuối cùng thì việc trò chuyện với một nhà tham vấn hay nhà trị liệu tâm lý có thể rất hữu ích nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc thấu cảm. Họ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn và cải thiện những phản hồi thấu cảm của bản thân và biết cách để kết nối với người khác hơn

Tác giả: Kendra Cherry
----------------------------

Dịch giả: Hoàng Diệu

Nguồn ảnh: pinterest.com

Link bài gốc: How To Be More Empathetic 

Link bài gốc: Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ [Tâm Lý] Làm Cách Nào Để Trở Nên Thấu Cảm - YBOX