Định Kiến Giới Và Chuyện Những Người Đàn Ông

 


Định kiến giới, vấn đề không phải là mới, nhưng chưa bao giờ là cũ. Có thể là các bạn sẽ nói với mình thế này: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Nhưng mà, mình sẽ vẫn nghĩ và vẫn viết về nó cho đến ngày những người đàn ông xung quanh mình thôi bận tâm về nó. 

Ừ đúng vậy! Bài viết này, mình muốn viết về những người đàn ông, về một góc của định kiến giới, đó là tính nam độc hại.

Mình có lý do đây! Bản thân mình là một đứa con gái, đã trải qua cảm giác trở thành nạn nhân của định kiến giới, đã chứng kiến những người phụ nữ quanh mình chịu đựng định kiến giới, cho nên, mình đã hiểu phần nào về vị trí của người phụ nữ khi đối diện với vấn đề này. Suốt một thời gian dài, mình tập trung đấu tranh cho bản thân và cho những người phụ nữ mình yêu, dù chỉ là những tranh đấu trong phạm vi tư tưởng cá nhân và phạm vi gia đình. Nhưng những người mình yêu thương, có cả những người là nam giới. Vậy nên, mình muốn viết về họ.


Ngày còn học phổ thông, mình đã nghe nhiều lời khen ngợi kiểu thế này: “Con gái mà học ban A, giỏi nhỉ!”. Bạn có thấy định kiến giới trong lời khen ấy không? Nó giống như việc con gái sẽ được coi là giỏi giang khi dấn thân vào những lĩnh vực của con trai vậy, trong trường hợp này là việc học ban A. Đối với một bạn nữ, mình thấy bạn ấy là nạn nhân của định kiến giới khi người ta quan niệm con gái vốn không thuộc về ban A. Còn nhìn vào một bạn nam, mình thấy bạn ấy là nạn nhân của tính nam độc hại - một khía cạnh nhức nhối của định kiến giới.

Tính nam độc hại là một khái niệm kiến tạo xã hội tiêu cực được xã hội gán cho nam giới. Cụ thể hơn, đó là những đặc tính cực đoan mà xã hội gán cho nam giới và định nghĩa chúng trở thành tiêu chuẩn cho một người đàn ông. Ví dụ điển hình cho biểu hiện của tính nam độc hại là “Con trai không được khóc” hay “Con trai mà không biết uống là vứt”. Tính nam độc hại giống như một checklist mà một người con trai chỉ được coi là nam tính khi họ đặt đủ dấu tích xanh vào mỗi đề mục, và chỉ cần một đề mục không hoàn thành thôi, họ bị xã hội đánh giá là không nam tính. 

Tính nam độc hại tác động đến nam giới nói chung theo hai cách: biến họ thành mục tiêu của chỉ trích và biến họ thành kẻ sống giả. 

Nếu như con trai không thể học Toán, không thể hút thuốc, không thể chủ động tỏ tình thì đó không phải là nam tính. Nếu như con trai yêu con trai, đó không phải là nam tính. Nếu như con trai là nạn nhân của xâm hại tình dục, đó không phải là nam tính. Và còn hàng loạt những gạch đầu dòng “Nếu như…” tương tự tước đi sự nam tính và khiến nam giới trở thành mục tiêu của châm chọc. 

Mặt khác, sống trong môi trường của tính nam độc hại, rất nhiều người sinh ra với giới tính sinh học là con trai phải chịu áp lực nặng nề. Họ phải tập uống rượu, tập hút thuốc dù không muốn. Họ không thể buồn bã hay suy sụp vì với một xã hội nặng tính nam độc hại, đó là sự ủy mị. Họ không thể ngỏ lời nhờ vả hay dựa dẫm khi cần giúp đỡ vì như thế sẽ bị coi là không tự lập. Khi trở thành nạn nhân của trộm cắp, của bạo lực, của xâm hại, họ không thể lên tiếng vì sợ người ta chỉ trích rằng “Con trai mà để người ta như thế à!”. Và bạn có bao giờ nghe về sự tự kỳ thị xu hướng tính dục cũng như kỳ thị cộng đồng LGBT+ của những bạn gay chưa? Nghe thì vô lý nhưng mà có đấy! Bởi vì các bạn ấy là gay nhưng lại lớn lên trong môi trường tràn ngập tính nam độc hại, cho nên để phù hợp với những đặc tính của sự nam tính mà xã hội quy định, các bạn ấy phải tự phủ nhận mình. Đó là cách là tính nam độc hại cướp đi mong muốn thật sự của những người mang giới tính sinh học là con trai.

Quay lại với câu chuyện ban A. Với những môn học thiên về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh và những công thức, con số, xã hội định nghĩa đó là một trong những biểu hiện của sự nam tính. Và thế là, việc con trai học giỏi văn hoặc theo khối xã hội bỗng trở thành một điều khiến họ trở lên yếu đuối. Vài người bạn của mình đã chịu đựng những chỉ trích đó nhiều năm liền để rồi họ từ bỏ đam mê với nghề văn. Còn có vài người bạn khác, họ sinh ra với một cơ thể không phù hợp với tiêu chuẩn nam tính của xã hội, và đó trở thành mặc cảm tâm lý theo họ cho tới tận bây giờ. 

Những gì mình vừa viết ra đây trong những suy nghĩ chồng chéo có lẽ là chưa đủ về mặt lý lẽ. Nhưng mình mong mọi người hiểu được cái cảm giác sống trong sự rập khuôn đến nỗi phải kìm nén và bóp méo chính mình cho vừa vặn với một cái khuôn vốn dĩ méo mó, lệch lạc mà xã hội tạo lên của các bạn nam và những người đàn ông. 

Họ khổ!

Và các bạn này, các bạn có biết ai là nạn nhân đáng thương nhất của tính nam độc hại không? Đấy là những người tôn thờ đến tuyệt đối tính nam độc hại nhưng bản thân họ không thể đáp ứng nó. Ngay cả khi họ đã sống giả, đã vặn vẹo chính mình, họ vẫn không thể tích đủ cái checklist nghiệt ngã ấy. Mình có một người hàng xóm. Bác ấy là một người chồng, một người cha, một người đàn ông lớn lên từ vài thập kỷ trước. Và bác ấy là nạn nhân tôn thờ kẻ thù của chính cuộc đời mình. Tính cách bác vốn dĩ hiền hòa, còn vợ bác lại nhanh nhẹn, quyết đoán. Và thế là cả cuộc đời mình, bác cảm thấy bản thân mình kém cỏi vì không bằng một người đàn bà. Mình xin lỗi vì đã dùng từ ngữ như vậy. Chỉ là, mình muốn nói từ góc nhìn của bác ấy, một nạn nhân, không chỉ khổ mà còn đáng thương của tính nam độc hại, của định kiến giới.


Vậy thì, chẳng lẽ, tính nam độc hại sẽ tồn tại mãi như vậy sao? Và định kiến giới sẽ cứ mãi dai dẳng qua bao thế hệ? Mình tin là không! Sẽ có một ngày, chúng mình nhìn nhận nhau hoàn toàn bằng bản chất và giới tính sinh học cũng chỉ mang ý nghĩa thống kê dân số mà thôi. Nhưng, quá trình ấy còn dài, mình biết! Vậy nên, mình muốn nói với các bạn mấy điều.

Đầu tiên, nam tính không chỉ có ở nam giới và tương tự, nữ tính không chỉ có ở nữ giới. Trên thực tế, trong mỗi chúng ta đều tồn tại những khía cạnh thiên nam tính và thiên nữ tính; tức là bản thân mỗi người là một tổ hợp những tính cách và đặc điểm cần được nhìn nhận toàn diện. Vậy nên, sẽ chẳng có gì sai nếu bạn là một người con trai nữ tính hay một người con gái nam tính cả!

Thứ hai, giới tính là một phạm trù xã hội, tức là nó luôn biến động theo thời gian và hoàn cảnh xã hội. Những tư tưởng về giới tính rồi sẽ thay đổi. Thế nhưng, có những giá trị, dù là hàng thế kỷ sau, dù là xã hội nào đi chăng nữa, cũng sẽ không dịch chuyển. Đó là sự tử tế và tình yêu! Vậy thì tại sao chúng ta lại để cho một thứ bấp bênh làm lụi tàn những giá trị vĩnh viễn?! 

Và cuối cùng, nghe này, hãy sống vì bản thân mình! Mình không khuyên các bạn ích kỷ, nhưng mình mong các bạn hãy yêu thương chính mình và sống theo những mong muốn chân chính của con tim! Mở lòng với chính mình và mở lòng với những người xung quanh, dần dần, mọi định kiến sẽ được xóa bỏ! 


Niềm tin của mình có lẽ ngây ngô. Nhưng mình chân thật!

Tác Giả: Lê Minh Huyền-Triết Học Tuổi Trẻ

Link gốc: Định Kiến Giới Và Chuyện Những Người Đàn Ông - YBOX