Phụ Nữ “Lắm Lời,” “Có Vấn Đề Trong Việc Kết Thúc Câu Chuyện?”

 


Vào đầu tháng hai, cựu trưởng BTC Tokyo Olympics Mori Yoshiro đã có nhiều phát ngôn phản cảm về phụ nữ, chỉ trích phụ nữ “nói quá nhiều” hay “có xu hướng ganh đua rất mạnh.” Ông còn có những nhận xét gây bức xúc về việc những lãnh đạo nữ phát biểu: “Họ có vấn đề trong việc kết thúc câu chuyện, điều này thật khó chịu,” đồng thời cho rằng khi số thành viên hội đồng là nữ tăng thì thời gian phát biểu của họ phải được hạn chế. 

Cựu trưởng BTC Olympics Mori Yoshiro (ảnh: The Japan Times)

Những phát biểu của ông Mori cũng đã cho thấy những quan niệm “phụ nữ nói quá nhiều” hay “phát biểu quá lâu” vẫn còn tồn tại trong xã hội, và những quan niệm này vô hình chung đã trở thành rào cản cho những người phụ nữ xưa nay đã luôn chật vật tìm kiếm vị thế ngoài phạm vi nhà cửa và gia đình.

1. “HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ MỘT CON VỊT LÀ THÀNH CÁI CHỢ,” “ĐÀN ÔNG NÔNG NỔI GIẾNG KHƠI – ĐÀN BÀ SÂU SẮC NHƯ CƠI ĐỰNG TRẦU”

Ở Nhật Bản có ông Mori, thì ở Việt Nam cũng có những câu nói được truyền từ thời “ông cha ta,” khởi nguồn từ những tư tưởng và khuôn mẫu giới cũ kỹ của xã hội phụ hệ: trong giao tiếp, đàn ông kiệm lời, chỉ nói những điều họ cho là cần thiết, còn phụ nữ thì hay “lắm lời,” buôn chuyện nhỏ nhặt nhiều hơn là nói những điều quan trọng. Câu nói “Đàn ông nông nổi giếng khơi – Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu,” theo đánh giá của BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế, là “có cơ sở” cả ở góc độ y học và ở góc độ văn học: ông lý luận rằng đàn bà thường “nông nổi, thiếu chín chắn” trong cả hành động và lời ăn tiếng nói, còn đàn ông thì “mạnh mẽ, sâu sắc hơn để thể hiện tố chất anh hùng nam tính trong con người mình.”  

Bên cạnh đó, theo ThS Thạch Mai Hoàng, Bộ môn Nhân học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, về mặt tâm lý, phụ nữ “luôn là phái yếu, nhưng họ tỏ ra ngược lại, không muốn phụ thuộc vào đàn ông hoặc ai đó,” nên đứng trước một vấn đề, họ có xu hướng làm người lên tiếng trước. Trong khi đó, đàn ông với “tâm lý của phái mạnh” thì thường không muốn hoặc né tránh tranh luận với phụ nữ về những điều “vụn vặt.” 

Những quan điểm này dường như thật đáng tin khi được những nhà nghiên cứu có tiếng công nhân, thế nhưng, nó có thật hợp lý như vậy? Để trả lời được câu hỏi đó, hãy cùng lý giải nguồn gốc của nó!

2. “PHỤ NỮ NÓI NHIỀU”: TỪ ĐÂU MÀ CÓ?

Về mặt khoa học, đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu sinh học, ngôn ngữ học và thần kinh học đưa ra nhận định rằng phụ nữ có khả năng sử dụng ngôn ngữ và vốn từ vựng của họ tốt hơn đàn ông – nhưng những nghiên cứu đó không hề đưa kết luận rằng phụ nữ nói nhiều và thiếu suy nghĩ khi nói hơn đàn ông. Đặc biệt là khi, cần phải lưu ý rằng việc đi học của phụ nữ khi xưa bị hạn chế lớn, vậy thì, làm sao có thể nói rằng họ “nông nổi” hay thậm chí “ngu dốt” hơn đàn ông khi họ không được trao quyền tiếp thu kiến thức tương tự?

Về mặt xã hội, phụ nữ từ thời xưa đã phải chịu sự hạn chế vô cùng lớn trong việc diễn ngôn, và sự bó buộc này đến từ việc vai trò xã hội của họ bị gò ép trong khuôn khổ gia đình và căn bếp. Thời xưa, những người phụ nữ không được đi học, đi làm, và họ chỉ được ở nhà chăm sóc gia đình, con cái và lo chuyện bếp núc. Vậy thì họ có thời gian và môi trường để nói chuyện, chia sẻ không?

Chắc chắn là có: những người phụ nữ cùng thôn xóm sẽ nói chuyện với nhau về chuyện ở nhà, chăm con, đi chợ, vào bếp, và đó là những chủ đề bị xã hội cho là “nhỏ nhặt,” “tầm thường.” Họ không được tham gia vào các cuộc bàn luận về “những chủ đề vĩ mô hơn” cùng với đàn ông, nên khi cần được chia sẻ thì họ sẽ chỉ có một nhóm phụ nữ với nhau để có thể nói về một vài chủ đề mà họ có thể chia sẻ được. 

Về mặt tâm lý, ai, bất kỳ giới nào, cũng có nhu cầu được chia sẻ, nói chuyện với những người khác. Khi người phụ nữ thời xưa gần như không có chủ đề nói chung với cha, với chồng họ thì họ chỉ có thể tìm đến những người phụ nữ khác để trò chuyện ở rất ít các dịp như trên đường đi chợ, hay những khoảng thời gian hiếm hoi mà họ không phải tất bật công việc nhà.

...

Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Phụ Nữ “Lắm Lời,” “Có Vấn Đề Trong Việc Kết Thúc Câu Chuyện?” - VOGE