Lý do nạn bắt nạt học đường ở Hàn Quốc ngày càng trầm trọng
Các ủy ban phòng chống bắt nạt học đường ở Hàn Quốc cần cải tổ lớn để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Thực trạng đáng chú ý
Series "The Glory" của Netflix đạt tỉ suất người xem khủng nhờ câu chuyện có liên quan tới bắt nạt học đường do ngôi sao Hallyu Song Hye-kyo đóng.
Một phần giúp bộ phim được chú ý đặc biệt có liên quan tới những gì nhân vật do Song Hye-kyo thủ vai đã phải chịu đựng, như bị làm bỏng da bằng máy duỗi tóc, bị cào vào ngực bằng kim băng.
Hình thức bạo lực dã man được miêu tả trong phim dựa trên câu chuyện có thật của trường nữ sinh cấp 2 ở Cheongju, tỉnh Chungcheong Bắc năm 2006.
Nhà trường đưa những kẻ bắt nạt vào danh sách theo dõi để ngăn chặn tái phạm và không có bất kỳ hành động nào khác.
Trong khi đó, dù 17 năm đã trôi qua, vết thương lòng của nạn nhân vẫn còn nguyên.
Đạo luật đặc biệt về phòng chống bạo lực học đường được ban hành tại Hàn Quốc năm 2004. Theo đạo luật này, các ủy ban ngăn chặn nạn bắt nạt được thành lập ở các trường phổ thông trên cả nước. Kể từ đó, những hành vi bạo lực được nhà trường giám sát, ít nhất là trên danh nghĩa.
Tuy nhiên, theo Korea Times, vấn đề bạo lực học đường vẫn tràn lan. Nhiều nạn nhân vẫn tự sát và những kẻ bắt nạt tiếp tục nhởn nhơ không phải chịu hình phạt tương xứng cho những điều đã gây ra. Nhiều nạn nhân nói rằng, các ủy ban phòng chống bạo lực học đường là nơi không thể tin tưởng được.
Vai trò yếu kém của các ủy ban trong phòng ngừa bạo lực học đường gần đây lại một lần nữa được khuấy động.
Chung Sun-sin - người vừa được bổ nhiệm làm lãnh đạo Văn phòng Điều tra Quốc gia của cảnh sát Hàn Quốc - đã từ chức chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm vào ngày 24.2 bởi có thông tin con trai ông từng bắt nạt bạn cùng phòng ký túc xá của một trường tư thục năm 2017.
Điều đáng chú ý là sau khi con trai bị ủy ban phòng chống bắt nạt của trường cáo buộc và yêu cầu chuyển trường khác, ông Chung, 57 tuổi, từ chối thừa nhận hành vi sai trái của con và kháng cáo lên ủy ban trường học tỉnh Gangwon. Sau đó, ông đưa vụ việc lên đến Tòa án Tối cao và thua kiện trong năm 2018.
Sau khi ông Chung từ chức, Tổng thống Yoon Suk-yeol lệnh cho Bộ Giáo dục Hàn Quốc giải quyết ngay bạo lực học đường. “Bắt nạt học đường nên được loại trừ khỏi tất cả các trường học" - tổng thống Hàn Quốc nói. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết sẽ công bố kế hoạch xóa bỏ bạo lực học đường trong tháng này.
Nhiều vấn đề hệ thống
Một trong những vấn đề lớn nhất khiến các ủy ban phòng chống bạo lực học đường ở Hàn Quốc hoạt động kém hiệu quả là hầu hết các thành viên đều không có chuyên môn pháp lý, truyền thông Hàn Quốc chỉ ra.
Gần một nửa số thành viên của ủy ban là phụ huynh học sinh, còn lại là giáo viên và quan chức từ các văn phòng giáo dục địa phương. Mỗi ủy ban thường có khoảng 10 thành viên, chỉ có 2 hoặc 3 người là chuyên gia pháp lý như luật sư.
“Nhiều chuyên gia pháp lý thậm chí không thường xuyên tham dự các cuộc họp của ủy ban vì đây là vị trí không được trả lương. Họ thường bận rộn với công việc hàng ngày. Chưa kể có rất ít người trong mỗi ủy ban" - Park Keun-byeong, chủ tịch Hiệp hội giáo viên trường học Seoul chia sẻ.
Năm 2021, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã chuyển tất cả ủy ban đến các chi nhánh văn phòng giáo dục địa phương ở mỗi đô thị.
Tại thủ đô Seoul, có 11 ủy ban trực thuộc Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul. Cả nước có 176 ủy ban. Tính đến năm 2021, tổng số thành viên của các ủy ban này là 5.800.
Kể từ khi các ủy ban chuyển địa điểm, nạn nhân của bạo lực học đường phải báo cáo việc bị bắt nạt với trường học và các trường thường sẽ xử lý nội bộ. Nếu vụ việc quá lớn, nhà trường sẽ báo cáo tới ủy ban.
Một vấn đề khác với các ủy ban là quyết định của họ thiếu thẩm quyền pháp lý - điểm mà những kẻ bắt nạt học đường và người giám hộ thường lợi dụng để phản đối quyết định và đưa vấn đề ra tòa.
Chiến lược của họ là: Kéo dài tranh luận đủ lâu để lịch sử bắt nạt không bị ghi vào học bạ, tức không gây cản trở quá trình thi đại học. Hiện nay, không khó để thấy các quảng cáo trực tuyến về luật sư hỗ trợ những kẻ bắt nạt trong các tranh chấp pháp lý, giúp họ nhận hình phạt tối thiểu hoặc thoát tội.
“Gần đây, tôi thấy ngày càng nhiều kẻ bắt nạt lạm dụng hệ thống tư pháp" - ông Park nói.
Theo ông Park, khi tranh chấp pháp lý đang diễn ra, nạn nhân và kẻ bắt nạt, thường là bạn cùng lớp, vẫn học cùng nhau, và điều này càng tăng thêm sức ép cho nạn nhân.
Ở Hàn Quốc, cảnh sát được giao phụ trách các trường học, với trung bình một sĩ quan chịu trách nhiệm hơn 12 trường.
Toàn bộ nhóm cảnh sát là 1.122 ngườ vào thời điểm Tổng thống Yoon nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái nhưng đã giảm còn 100 vào cuối năm.
Năm nay, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (NPA) cũng không tăng ngân sách cho đơn vị cảnh sát trường học.
Trong khi đó, các trường học ở Mỹ có lập trường không khoan nhượng với hành vi bắt nạt và cung cấp hỗ trợ đáng kể cho nạn nhân.
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Lý do nạn bắt nạt học đường ở Hàn Quốc ngày càng trầm trọng (laodong.vn)