Quấy Rối Tình Dục: Nói "KHÔNG" Không Bao Giờ Là Xấu

 


Năm mười bảy tuổi, vừa lên thành phố học, một bạn trai cùng quê vốn có tình cảm với tôi đến nhà chở tôi đi học. Trên đường về, bạn ấy một tay lái xe, một tay đặt lên đùi tôi. Tôi không thích nhưng không biết làm gì, nói gì. Sau lần ấy, tôi ghét bạn và tránh mặt không gặp.

Quấy rối tình dục: Chuyện ở Mỹ

Năm 2012, giám đốc điều hành quỹ tiền tệ quốc tế Dominique Strauss-Kahn bị cảnh sát thành phố New York ập vào tận máy bay bắt giữ khi chuyến bay chở ông đã chuẩn bị cất cánh rời khỏi sân bay New York vì tội tấn công và lạm dụng tình dục người dọn phòng.

Quấy rối tình dục không phải là chuyện mới mẻ gì ở Mỹ. Báo chí vẫn đăng tải những trường hợp quấy rối tình dục và cưỡng hiếp trong các môi trường học thuật như như Stanford, Berkeley, UC hay cả những trường trung học nội trú từ hàng chục năm nay, nhưng chỉ đến năm 2017, phong trào #metoo và làn sóng tố cáo mới nổ ra mạnh mẽ trên cả nước Mỹ.

Không chỉ có giới truyền thông, giải trí, môi trường làm việc chuyên nghiệp của những công ty nổi tiếng như Google, Uber, nơi quy tụ những “nhân tài” cũng được nêu tên với hàng tá những vụ bê bối, quấy rối tình dục dẫn đến phải thoả thuận đền bù rất nhiều tiền bên ngoài toà án để tránh rắc rối, hoặc nhiều người quản lý cấp cao phải ra đi. Không ngoại lệ, cảnh sát của một hạt nọ tại bang California cũng phải bồi thường hàng triệu đô cho một cô gái làng chơi khi một vị cảnh sát lợi dụng chức vụ và quyền hạn lạm dụng tình dục cô trong vài năm.

#metoo đã hạ xuống hàng loạt các tượng đài trong giới giải trí, truyền thông, chính trị và học thuật, #metoo đồng thời cũng cho công chúng thấy ngay cả những ngôi sao thượng thặng như Gwyneth Paltrow, Angelina Jolie, Salma Hayek cũng từng bị quấy rối, và họ chỉ mới lên tiếng gần đây.

Điều gì đã khiến tiếng nói của từ những cô gái làng chơi, chị hầu phòng cho đến những phụ nữ văn phòng được lắng nghe, và đáp lại như vậy?

Có hai yếu tố:

Thứ nhất: hệ thống tư pháp và hành pháp khá rõ ràng.

Thứ hai: nhận thức của người lao động về quyền cũng như các hành vi quấy rối tình dục là khá cao vì khá đông các công ty đều có sổ tay và những quy tắc hành xử nơi công sở, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp rất rõ ràng mà tất cả các nhân viên của công ty phải ký xác nhận việc mình đọc, hiểu, và chấp nhận tuân theo những quy chuẩn này.

Nếu không có những quy định rõ ràng, chi tiết này, thì chắc gì cấp quản lý của cô hầu phòng nọ đã đủ thông tin và kiến thức để ứng xử và thông báo kịp thời với cơ quan cảnh sát, dẫn đến việc ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt tại máy bay.

Nhưng phải đến năm 2017, nhiều vụ bê bối tình dụng cùng những thủ phạm mới được đưa ra ánh sáng, vì chỉ đến thời điểm này, những người lên tiếng , những nạn nhân mới nhận được sự thông cảm, ủng hộ, hậu thuẫn mạnh mẽ của xã hội và cơ quan nơi họ làm việc.

international-harassment-women-journalists-getty__641x427.jpg

Và chuyện ở Việt Nam

Quấy rối tình dục ở Việt nam không phải là chuyện hiếm. Tôi đã từng chứng kiến, và cũng từng là nạn nhân của việc quấy rối tình dục, kể cả khi còn làm ở cơ quan báo chí lẫn khi đã đi làm công ty nước ngoài. Quanh tôi có nhan nhản những con người, và cạm bẫy, mà nhìn lại, tôi thấy rằng, chỉ có nhận thức đúng đắn về sự nguy hiểm, biết nó là cái gì, ở đâu thì mới có thể bảo vệ bản thân. Chỉ có cách kiên quyết nói không ngay từ những bước “dò xét” ban đầu của những kẻ săn mồi thì mới thoát được cạm bẫy.

Môi trường làm việc không chuyên nghiệp, không có những quy chuẩn tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên, mà điển hình là môi trường làm việc của những toà soạn báo là môi trường rất thuận lợi cho nạn quấy rối tình dục, lạm dụng chức quyền.

Làm nhà báo mới vào nghề, hay tệ hơn là cộng tác viên, khi mối quan hệ ít, kỹ năng tác nghiệp không nhiều, lại không có một hoạch định từ toà soạn về việc đào tạo, đánh giá và phát triển nghề nghiệp thì việc được các đàn anh chiếu cố cho nguồn tin, chỉ dẫn cách tác nghiệp, hay đi ăn, đi cà phê nói chuyện về công việc, hấp dẫn hơn là chia sẻ đề tài,cho cộng tác cùng viết bài một may mắn. Đâu đó từ những may mắn ấy, cãi bẫy có thể đã được giăng ra từ những kẻ không đàng hoàng.

Nhưng việc bị lạm dụng tình dục đâu phải chỉ xảy ra với những nhà báo nữ. Các nhân viên làm công tác liên hệ báo chí, phụ trách đối ngoại của các cơ quan từ nhà nước, tư nhân đến nước ngoài cũng không nằm ngoài lề.

Từng phụ trách đối ngoại cho nhiều nhãn hàng, công ty, tôi không phủ nhận mình từng bị quấy rối tình dục nhiều lần. Lúc mới vào nghề, một anh nhà báo nọ thường gửi vào yahoo chat, rồi sau đó là email cty của tôi những câu chuyện kích dục, hình, thậm chí là phim sex. Càng im lặng anh ta càng lấn tới, có lần anh ta còn hỏi, em đã xem đoạn clip của diễn viên X mà anh đã gửi em chưa. Thấy thế nào. Khi tôi gọi điện thoại phản ứng, anh ta xề xoà “có gì mà dữ vậy, em lớn rồi cũng phải cập nhật tình hình cho biết”.

Chưa kể, có những phóng viên “sáng giá” chỉ chịu hẹn PR trong quán nhậu, ép uống rồi đòi đưa họ về nhà. Có những anh hẹn trong phòng hát Karaoke chỉ có hai người. Có những anh chỉ hẹn vào tối khuya ở những nơi vắng vẻ như quán cà phê sân vườn tối. Có những anh cưỡng bức, đụng chạm khắp nơi, khi bị phản ứng thì đổ lỗi cho rượu và tiếp tục hành động. Họ có say không, có vô ý, bất cẩn không? Tôi cho là không, họ chỉ lấy cớ để bao biện cho những hành động vô đạo đức của mình.

Phải nói rằng tại Việt Nam, do đặc điểm rằng cả hai nghề báo là PR đều chưa phát triển đến mức độ chuyên nghiệp cần có, phần lớn quan hệ giữa nhà báo và PR, hay nhà báo với nhà báo là một mối quan hệ khá phức tạp. Nó không phải là một mối quan hệ giữa nguồn tin-người đưa tin, không phải là mối quan hệ công việc với những hành xử chuyên nghiệp mà chủ yếu là mối quan hệ được xây dựng dưạ trên sự thân thiết, biết điều v.v. Càng nhập nhằng, mập mờ, thì ranh giới giữa sự thân thiết và làm dụng càng mờ nhạt. Càng thân thiết, cả nể thì việc bị rơi vào bẫy càng bất ngờ và càng để lại hậu quả nặng nề. Rất khó và căng thẳng khi phải làm việc với những kẻ quấy rối, nhưng việc tố cáo họ lại càng khó hơn gấp trăm lần.

Tựu trung lại, nạn nhân không dám lên tiếng, vì họ không biết lên tiếng với ai, như thế nào, và họ cũng không lường trước được hậu quả của việc lên tiếng, vì các cơ quan báo chí cho đến hiện nay không có quy trình đảm bảo xử lý những hành động này.

Nhận diện kẻ quấy rối – Phòng hơn tránh

Muốn bảo vệ mình, cách duy nhất là nhìn thẳng vào vấn đề và nhận thức được đâu là sự nguy hiểm. Không đi công tác xa khi chỉ có bạn và kẻ mà bạn có cảm giác không tốt khi không có sự chỉ đạo trực tiếp và công khai từ phòng ban, bộ phận. Không ở cùng phòng, không uống cồn và chất kích thích, không làm việc khuya khi phòng làm việc chỉ có hai người v.v và phải biết từ bỏ thói nhún nhường, lảng tránh để học cách nói không thật mạnh mẽ và dứt khoát.

Cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, không phải bạn trẻ nào cũng có khái niệm thế nào là quấy rối và bị quấy rối tình dục. Và càng hiếm những bạn trẻ được dạy, và có được kỹ năng nói “không” và cách dứt khoát từ chối, nhất là khi công việc của họ dựa chủ yếu vào những “mối quan hệ”.

Nhưng nguyên tắc cơ bản trong bất cứ một nghành nghề, mối quan hệ nào là bạn luôn có quyền nói không. Và bạn phải nói không một cách dứt khoát và mạnh mẽ. Sự e ngại, cả nể chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa quyết tâm của những kẻ đi săn mồi. Bạn không cần phải nói với những kẻ săn đuổi mình rằng bạn đã có bạn trai, vì họ không quan tâm bạn có gì, họ chị biết họ cần gì.

Khi bị đụng chạm, bạn cũng không nên hỏi “anh làm cái trò gì vậy”, vì như vậy là bạn đang tránh né, sợ hãi. Kẻ chủ mưu tấn công bạn chỉ chờ có vậy. Bạn cần thẳng thắn đối mặt, mời kẻ đó ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc rằng “Tôi rất khó chịu với việc anh đang làm. Việc anh đang làm là vô đạo đức/không chấp nhận được, nếu anh không muốn thấy anh trở thành kẻ bị tố cáo, và tôi trong vai nạn nhân thì yêu cầu anh dừng ngay việc này lại để chúng ta còn có cơ hội nhìn mặt nhau”

Lên án hay tố cáo là một hành động không dễ chịu, không phải ai cũng có đủ can đảm để làm, và chưa chắc đã được đón nhận một cách nghiêm túc. Nhưng nói chuyện với người trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm với mình, hay cần thiết, là cấp cao hơn, hỏi ý kiến họ về việc bạn nên làm, nên hành xử trong những trường hợp cụ thể là điều nên làm.

Nếu bạn được đề nghị đi công tác xa, hãy hỏi ý kiến ban biên tập. Nếu bạn bị các nhà báo hẹn vào những đêm muộn, hãy hỏi ý kiến quản lý của mình và nói ra những e ngại mà bạn có. Tôi từng nói với nhân viên của mình rằng các bạn không cần phải đi ăn tối, cà phê hay la cà với các nhà báo vào buổi tối, đặc biệt là đêm khuya với mục đích đạt chỉ tiêu tin bài. Và tôi tin không một người quản lý chuyên nghiệp nào lại khuyến khích hay thúc đẩy nhân viên của mình làm những chuyện ấy.

Cần phải có quy tắc làm việc, hành xử nơi công sở và định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục

Kinh nghiệm làm việc cả trong môi trường cơ quan nhà nước, công ty đa quốc gia, và hiện tại là làm việc ở nước ngoài của tôi cho thấy định nghĩa về quấy rối tình dục phụ thuộc rất nhiều vào văn hoá của một đất nước, công ty hay tổ chức.

Ví dụ, ngày xưa, có những anh nhà báo ròng rã mấy tháng trời cứ nửa đêm nhắn tin, gọi điện, hay thậm chí đậu xe trước cửa nhà tôi, và muốn vào nhà nói chuyện. Với văn hoá Việt nam, hay quan niệm của nhiều cơ quan báo chí, đây có thể chưa phải là hành động quấy rối tình dục, nếu tôi làm lớn, thế nào cũng nghĩ tôi chuyện bé xé ra to.

Thế nhưng, một lần khác, một anh bạn trong nhóm làm việc chung gợi ý tôi mời anh đến nhà chơi. Tôi không nghĩ gì và quên lời đề nghị đó nhanh chóng, nhưng cô bạn cùng nhóm kéo tôi ngay ra một góc khác và bảo, như thế là quấy rối, nếu sự việc còn tiếp diễn thì tôi phải báo cáo ngay với nhà trường, hoặc nếu cô chứng kiến thì cô sẽ phải là người báo cáo.

Chính vì vậy, trong khi chờ đời sự hoàn thiện của hệ thống tư pháp và hành pháp, việc cần làm trước mắt của các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan là phải có những định nghĩa cụ thể về quấy rối tình dụng cũng như những quy định, nguyên tắc cư xử giữa đồng nghiệp, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa nhân viên với các đối tác bên ngoài, với nguồn tin v.v mà nhân viên toà soạn phải tuân theo.

Cũng như quy trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm, hay bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân là phải có. Điều này không những bảo vệ được nhân viên, mà còn tránh cho toà soạn, công ty khỏi sự lúng túng, bất ngờ và hành xử thiếu chuyên nghiệp khi chuyện đáng tiếc xảy ra

Lê Nguyễn Thục Quyên

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Khải Đơn (Phạm Lan Phương)

Link bài gốc: Quấy Rối Tình Dục: Nói "KHÔNG" không bao giờ là xấu

Nguồn bài: khaidon.com

Xem bài từ LINK gốc tại đây: https://ybox.vn/authority/triet-hoc-duong-pho-quay-roi-tinh-duc-noi-khong-khong-bao-gio-la-xau-5b74585e500e8a136ce6df6c