Quấy Rối Tình Dục: 4 Đặc Điểm Tâm Lý Của Thủ Phạm

 


Trong những tuần gần đây, những tiết lộ về quấy rối tình dục và những tác động khủng khiếp của nó đã tràn ngập tin tức và truyền thông xã hội. Nhưng ngoài một vài tuyên bố về pháp lý, chúng ta không có cái nhìn sâu sắc về tư duy của những kẻ quấy rối bị cáo. Vậy họ đang nghĩ gì? Làm thế nào họ có thể nghĩ rằng đây là một ý tưởng tốt? Điều gì khiến ai đó quấy rối người khác?

Trước khi chúng ta đi sâu vào tìm hiểu tâm lý học về quấy rối tình dục, hãy định nghĩa chính xác cụm từ này.

Quấy rối tình dục là gì?

Có lời đồn đại phổ biến là quấy rối tình dục chỉ là cấp độ nhẹ hơn của tấn công tình dục. Nhưng nó không đơn giản như vậy.

Điểm đặc trưng của quấy rối tình dục là nó liên quan đến các cấu trúc quyền lực về việc làm và thăng tiến trong công việc. Kẻ quấy rối nắm giữ điểm then chốt và tạo ra một hoàn cảnh khó xử cho các nạn nhân: hoặc phục tùng và để bị lạm dụng hoặc chống lại và nhận sự trừng phạt. Đó là một tình huống mang tính quyền lực, kiểm soát và đe dọa mà không có lợi cho cả hai phía.

Do đó, quấy rối tình dục có thể và thực sự bao gồm những lời bình luận, những lời yêu cầu hạ thấp phẩm giá để thực hiện hành vi mua bán tình dục, những lời gạ tình không ai mong muốn, nhưng quan trọng là nó cũng có thể bao gồm hành hung tình dục - tức là mọi hành vi tình dục ép buộc không nhận được sự cho phép từ đối tác - kể cả sự đụng chạm thân thể.

Quấy rối cũng khác với sự chú ý tình dục vô ý. Tán tỉnh bao gồm những lời chào mừng không mong muốn và những lời bình luận không mang ý hạ thấp phẩm giá và đe dọa đối tượng. Ví dụ như những lời bắt chuyện dở tệ. Do đó, “Em có làm việc ở Subway không? Bởi vì em có một đôi chân dài! ” Nếu từ một chàng trai ở quán bar thì đó là sự chú ý tình dục vô ý, nhưng nếu là từ sếp của bạn, đó là hành vi quấy rối tình dục.

Chắc chắn không phải lúc nào phụ nữ cũng là nạn nhân và nam giới là thủ phạm, mặc dù đó là đại đa số các trường hợp. Trong năm 2016, trong số gần 13.000 tội quấy rối tình dục được đăng bởi Ủy ban Việc làm Cơ hội Bình đẳng (được coi là đỉnh của tảng băng trôi), 83% trong số đó đã được đệ trình bởi phụ nữ.

Và những phụ nữ phải đối mặt với quấy rối tình dục bởi các ông chủ và người giám sát không chỉ là những ngôi sao Hollywood hay những luật sư tốt nghiệp từ Yale từng làm việc cho các ứng cử viên của Tòa án tối cao. Họ là nhân viên nhà hàng, nhân viên, tiếp viên hàng không, sinh viên, nhân viên chăm sóc sức khỏe, lập trình viên và hàng triệu công nhân đang làm việc mỗi ngày - những người mà lịch làm việc, cơ hội tăng lương, sự thăng tiến và sự công nhận về khả năng,... tất cả đều bị kiểm soát bởi người chủ của họ.

Vậy những ông chủ này là ai? Ai thực hiện hành vi quấy rối tình dục? Tôi đã đào sâu vào nghiên cứu và tìm thấy bốn đặc điểm chung của những người (chủ yếu là) đàn ông quấy rối tình dục (chủ yếu là) phụ nữ. Chúng là:


4 Đặc Điểm Của Những Kẻ Quấy Rối Tình Dục

  1. Đặc trưng #1: "Bộ ba" đen tối

  2. Đặc trưng #2: Thoát khỏi ràng buộc đạo đức

  3. Đặc trưng #3: Làm việc trong một lĩnh vực nam thống trị

  4. Đặc trưng #4: Thái độ thù địch đối với phụ nữ

Giờ hãy đi tìm hiểu chi tiết hơn về những đặc trưng này.


Đặc trưng #1: "Bộ ba" đen tối

Với một cái tên như "Bộ ba đen tối", bạn có thể đoán được đây là sự bất bình thường của một nhóm tính cách. Trên thực tế, đó là ba đặc điểm trong một tên gọi: ái kỷ, thái nhân cách, và theo chủ nghĩa Machiavelli.

Bạn chắc chắn đã nghe về hai đặc điểm đầu tiên: ái kỷ là việc nhìn nhận một cách phô trương về tài năng của chính mình cùng với sự thiếu đồng cảm và nhu cầu sâu sắc cần được ngưỡng mộ. Những người ái kỷ không quan tâm liệu bạn thích họ hay không, họ chỉ cần bạn nghĩ rằng họ đầy quyền lực và ấn tượng.

Những người ái kỷ có thể biện minh cho hành vi quấy rối tình dục nếu họ nghĩ rằng họ đã bị tước đoạt một trải nghiệm tình dục mà họ "xứng đáng". Họ không thể hiểu được rằng sẽ có những người không thích họ.

Kế đến là chứng thái nhân cách. Thái nhân cách xoay quanh hai điều: sự thôi thúc công kích kẻ khác và khả năng không sợ hãi bất kể điều gì. Nói cách khác, những kẻ thái nhân cách là những kẻ liều lĩnh và tận dụng được sức hấp dẫn của bản thân. Họ không có sự đồng cảm, nhưng rất giỏi tỏ vẻ đồng cảm để có thể lợi dụng được nạn nhân.

Những kẻ thái nhân cách quấy rối tình dục đơn giản chỉ vì họ muốn. Nếu có cơ hội thể hiện bản thân (hoặc chính họ tạo ra cơ hội đó), họ sẽ tận dụng chúng tối đa.

Cuối cùng là kiểu tính cách theo chủ nghĩa Machiavelli, được đặt theo tên của chính trị gia người Ý thời Phục hưng Niccolo Machiavelli. Trong tuyệt tác của mình - Quân Vương (The Prince) - ông mô tả một triết lý chính trị dối trá và vô đạo đức để đạt được một mục tiêu chính trị dài hạn bằng bất cứ giá nào.

Khi kết hợp chúng lại với nhau thì về cơ bản bạn có được một kiểu người luôn có sự nhiệt tình háo hức để lợi dụng, lừa dối, và lôi kéo, cùng với sự nhẫn tâm trước cảm xúc của người khác, tất cả đều gắn liền với cái cách mà họ cảm thấy sự vĩ đại trong bản thân mình. Nói cách khác, ba kiểu tính cách này trở thành công thức hoàn hảo để gây ra hành vi quấy rối tình dục.

Thật vậy, trong một nghiên cứu của gần 2.000 thành viên cộng đồng mỗi ngày, không ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ có mỗi một trong ba đặc điểm của "Bộ ba" sẽ khiến họ càng có thiên hướng trở thành kẻ quấy rối tình dục người khác.


Đặc trưng #2: Thoát khỏi ràng buộc đạo đức

Đây là một đặc điểm khác thường khác. Thoát khỏi ràng buộc đạo đức là một lý do mà mọi người biện hộ cho sự thối nát của chính họ. Đó là một quá trình nhận thức mà theo đó các cá nhân tạo ra phiên bản thực tế của riêng họ, nơi các nguyên tắc đạo đức không áp dụng cho họ.

Tâm trí là một thứ phức tạp: thường chúng ta chọn hành vi để phù hợp với giá trị của chúng ta, nhưng đôi khi, thông qua việc từ bỏ những ràng buộc đạo đức, chúng ta thay đổi giá trị của mình để biện minh cho hành vi của bản thân.

Khái niệm thoát khỏi ràng buộc đạo đức được đề xuất lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học Albert Bandura, người thường được gọi là nhà tâm lý học sống vĩ đại nhất. Khi áp dụng vào vấn đề quấy rối tình dục, lý thuyết của ông có một số phần:

  1. Đầu tiên là sự biện minh đạo đức, hoặc diễn giải hành vi quấy rối theo hướng có thể chấp nhận được. Hãy nghĩ về trường hợp của Harvey Weinstein, "Tôi đã trưởng thành, và vào những năm 60 và 70, đó là thời điểm khi tất cả các quy tắc về hành vi và nơi làm việc đều rất khác biệt."

  2. Tiếp theo là việc dán mác hành động đó bằng một "uyển ngữ", hoặc sử dụng những tên gọi thay thế làm nhẹ bớt tính nghiêm trọng trong hành vi của họ, như trong trường hợp của Bill Cosby, anh ta dùng từ "hẹn hò" khi nói về những cuộc tấn công tình dục của mình.

  3. Thứ ba là sự phủi bỏ trách nhiệm, tức là đổ lỗi hành vi quấy rối cho những tác nhân bên ngoài (như Weinstein nói rằng "Là do văn hóa thời đó nó vậy".)

  4. Ngoài ra còn có sự so sánh có lợi, tức là khẳng định rằng hành vi của họ đáng lẽ đã có thể tồi tệ hơn, và xuyên tạc hậu quả, tức là thủ phạm biện minh để giảm thiểu tác hại do hành động của họ gây ra.

  5. Và cuối cùng, đó là sự vô nhân đạo và quy kết đổ lỗi cho nạn nhân, tức là loại bỏ mối quan tâm cho nạn nhân và đổ lỗi rằng nạn nhân là nguyên nhân dẫn đến sự việc. Bill O’Reilly đã làm điều này khi ông nhận xét về một người phụ nữ đã bị hãm hiếp và giết chết là "ngu si" bởi vì cô ấy mặc một chiếc váy ngắn và chiếc áo hở lưng có dây cột vòng qua cổ, và rằng "mỗi dã thú trên thế giới đều sẽ bị điều đó vực dậy bản năng."

Kết quả cuối cùng là gì? Những kẻ quấy rối đều sẽ yên giấc mỗi đêm bởi thông qua sự thoát khỏi những ràng buộc về đạo đức, họ yên tâm rằng những gì họ đã làm là trong phạm vi bình thường, xứng đáng, và không gây hại gì.

Tâm trí là một thứ phức tạp: thường chúng ta chọn hành vi để phù hợp với giá trị của chúng ta, nhưng đôi khi, thông qua việc từ bỏ những ràng buộc đạo đức, chúng ta thay đổi giá trị của mình để biện minh cho hành vi của bản thân. Đây là cách những kẻ quấy rối tình dục nhìn nhận về bản thân, họ tin rằng họ là người tử tế, thậm chí nhất là về mặt đạo đức.


Đặc trưng #3: Làm việc trong một lĩnh vực nam thống trị

Quấy rối tình dục là được tìm thấy nhiều hơn trong các lĩnh vực mà từ xa xưa đã bị thống trị bởi nam giới như quân đội, cảnh sát, phẫu thuật, tài chính và gần đây hơn là công nghệ cao và các cấp trên của ngành công nghiệp giải trí.

Đi ngược lại nhiều thập kỷ: một nghiên cứu cổ điển năm 1989 về 100 nữ công nhân cho thấy phụ nữ làm thợ máy, một vị trí thống trị bởi nam giới, được báo cáo là bị quấy rối thường xuyên hơn những phụ nữ làm việc trên dây chuyền lắp ráp.


Đặc trưng #4: Thái độ thù địch đối với phụ nữ

Mặc dù tâm lý học là khoa học, nhưng nó không phải là một lĩnh vực hoàn toàn khách quan, phần lớn bởi vì nghiên cứu được thực hiện bởi con người, và con người là một sản phẩm của văn hóa và những thành kiến trong một địa điểm và thời gian nhất định. Thật thú vị, trong khi nghiên cứu tình tiết này, tôi đã tìm thấy một nghiên cứu về quấy rối tình dục từ đầu những năm 1980 - gần một thập kỷ trước đây khi lời khai của Anita Hill tại các buổi điều trần chứng thực của Clarence Thomas nói rằng hầu hết những người đàn ông thực hiện hành vi quấy rối tình dục đều không biết rằng những lời tán tỉnh của họ là điều mà đối tượng của họ không muốn lắng nghe. Kết luận là những người thực hiện hành vi quấy rối tình dục chỉ đơn giản là vì họ không biết và đang đau khổ vì tình. Nhưng ở thời đại này chúng ta có thể đã biết rõ hơn.

Một nghiên cứu năm 2012 của Đại học Bielefeld ở Đức đã kiểm tra xem liệu hành vi quấy rối tình dục có bị kiểm soát bởi điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “định hướng giao phối ngắn hạn”, về cơ bản đây là một ngôn ngữ học thuật miêu tả việc họ đã được yêu và đã bị bỏ rơi. Nói cách khác là hành vi quấy rối tình dục bị kiểm soát bởi một thứ gọi là thù địch tình dục, và khi bị kiểm soát bởi thứ này, nam giới sử dụng tình dục như một cách để thỏa mãn nhu cầu đe dọa trả thù những người phụ nữ thay vì thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân.

Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 100 nam sinh viên đại học dị tính trò chuyện trực tuyến với “Julia”, một phụ nữ 23 tuổi hấp dẫn. Với mỗi trao đổi trò chuyện, người tham gia được yêu cầu chọn trong số ba tin nhắn khác nhau được viết trước để gửi cho Julia.

Những nam sinh viên này cũng được bảo là họ đang tham gia vào một bài kiểm tra trí nhớ, rằng Julia sau đó sẽ được yêu cầu nhớ lại những tin nhắn mà họ gửi cho cô, và các nghiên cứu trước đó đã nhận thấy sự khác biệt về giới trong hiệu suất bộ nhớ, tạo nên bầu không khí cạnh tranh.

Đối với mỗi tin nhắn, những người đàn ông đã chọn giữa một trò đùa, một bình luận, và một lời nhắn trung lập. Bây giờ, một số trao đổi đã được kiểm tra cẩn thận để bao gồm các cơ hội quấy rối. Ví dụ, ở mỗi tin nhắn, trò đùa là lời bông đùa mang thành kiến về phụ nữ nói chung: “Sự khác biệt giữa một người phụ nữ đang tới tháng và một kẻ khủng bố là gì? Với một kẻ khủng bố, bạn có thể thương lượng.” Đó cũng có thể là một lời tán tỉnh dở tệ: “Em là một thỏi sô cô la ngọt ngào và tôi sẽ lấp đầy em.” Rất may, cũng có những tin nhắn trung lập, chỉ đơn giản là: “Có vẻ em là một cô gái vui tính” Những người tham gia đã chọn một trong những tin nhắn để gửi, và sau đó lặp lại điều này trên 20 thử nghiệm khác nhau.

Kết quả cho thấy rằng những người lựa chọn gửi những tin nhắn tán tỉnh thường đi kèm với thái độ chấp thuận những đáp ứng tình dục ngắn hạn. Những người đàn ông có xu hướng gửi những lời tán tỉnh tồi tệ thường có nhiều khả năng đồng ý với quan điểm như “tình dục không tình yêu là OK” hoặc “Tôi sẽ xem xét quan hệ tình dục với người lạ nếu nó an toàn và cô ấy hấp dẫn”. Thái độ của họ lập phản ánh trung thực ý nghĩ “định hướng giao phối ngắn hạn”.

Bây giờ, về những người đã chọn gửi những tin nhắn bông đùa đầy thành kiến về giới tính cũng xếp rất cao trên bảng khảo sát thái độ tình dục ngắn hạn. Nhưng vẫn còn một điều nữa: họ ghi điểm rất cao trong câu hỏi về chủ nghĩa tình dục thù địch, ủng hộ các mục như “Phụ nữ quá dễ bị xúc phạm” và “Thế giới sẽ tốt hơn nếu phụ nữ ủng hộ đàn ông nhiều hơn và chỉ trích ít hơn”.

Nói cách khác, động cơ tình dục dự đoán sự chú ý tình dục vô ý, nhưng động cơ thù địch dự đoán cả sự chú ý tình dục vô ý và cả sự quấy rối tình dục. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc chọn gửi các trò đùa kỳ thị giới tính không có bất kỳ sự liên quan nào về tình dục; thay vào đó, đó là việc tạo ra bầu không khí thù địch với Julia trong bối cảnh cạnh tranh.

Một cách rất hay để kiểm tra xem liệu lời bình phẩm đó là mang tính kỳ thị hay đơn giản chỉ là một trò đùa đó là hỏi: “Tôi có nói điều này với một người đàn ông không?” Một kẻ quấy rối sẽ tự bảo vệ quan điểm của mình bằng cách trả lời rằng "đây chỉ là trò đùa vô hại" hoặc "Ủa, tôi không có quyền đưa ra lời khen cho người khác à?". Ví dụ, một giám sát viên nam sẽ không nói với một người đàn ông anh ta nên cười nhiều hơn, bình luận về cơ thể hấp dẫn của người đàn ông đó, hoặc nói, "Anh không cần phải quá nhạy cảm về chuyện này”

Tóm lại, quấy rối thể hiện sự sẵn sàng khai thác và thao túng như một cách để duy trì hoặc tranh giành quyền lực. Nó cho thấy sự nhẫn tâm đối với các nạn nhân nhằm mục đích "giữ họ ở vị trí của họ." Hy vọng rằng, sẽ có nhiều sự chú ý hơn đến quấy rối tình dục, nhiều nạn nhân và nhiều người ngoài cuộc sẽ lên tiếng nói, và một ngày nào đó, quấy rối tình dục sẽ hoàn toàn biến mất.


-----------------------------------------------------------------------------------------

Tác giả: Ellen Hendriksen

Link bài gốc: Sexual Harassment: 4 Psychological Traits of Perpetrators

Dịch giả: Lê Như - ToMo - Learn Something New

Đọc bài từ LINK gốc tai đây: https://ybox.vn/ky-nang/tomo-quay-roi-tinh-duc-4-dac-diem-tam-ly-cua-thu-pham-5bd5dc276099ee5b7f7bcd0a