Quảng cáo phụ nữ nấu ăn trong bếp là định kiến về giới?

 

Tại chương trình triển khai dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”, các chuyên gia cho rằng phụ nữ Việt Nam còn bị định kiến sai lầm về giới ngay trên truyền thông.

Sáng 25.5, tại Trường đại học Hà Nội đã diễn ra chương trình khởi động dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”, do Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên thuộc T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Ban tổ chức cho biết, dự án do tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) thực hiện, với sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).
Mục tiêu của dự án là thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam, thông qua tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới. Dự án kéo dài 4 năm, bắt đầu từ tháng 4 và được triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Quảng cáo có định kiến về giới

Phát biểu tại chương trình, ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho biết ở Việt Nam phụ nữ vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử về cơ cấu trong xã hội và trong gia đình. Nhiều số liệu cho thấy rằng, mặc dù 79% phụ nữ tham gia lực lượng lao động (so với 86% nam giới), nhưng tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí ở cấp quản lý vẫn còn thấp. Khoảng cách về thu nhập theo giới ngày càng mở rộng.
“Trong hộ gia đình, phụ nữ chịu gánh nặng quá lớn của công việc không được trả công. Bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn phổ biến ở quy mô gia đình”, ông Tú nói.

Ông Phạm Quang Tú phát biểu tại lễ khởi động dự án

Ảnh Xuân Tùng

Theo ông Tú, các nghiên cứu gần đây của Oxfam và các tổ chức tại Việt Nam đã chỉ ra rằng định kiến giới đang là một trong những rào cản phổ biến nhất ngăn chặn những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giữa nam và nữ tại Việt Nam.
“Những định kiến về giới như “phụ nữ luôn được cho là người chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình và con cái trong khi nam giới được coi là người kiếm tiền chính trong gia đình và tại nơi làm việc”, hoặc “nam giới được cho là có khả năng lãnh đạo tốt hơn và đó là khả năng bẩm sinh của nam giới”, vẫn đang là những lực cản lớn trong việc bảo vệ quyền bình đẳng giữa nam, nữ và các giới tính khác”, ông Tú nói.
Ông Tú cũng cho biết, những định kiến sai lầm này, thậm chí ngày càng được củng cố thêm bởi các phương tiện truyền thông và quảng cáo có định kiến về giới. Các nhà lãnh đạo nữ ít được có mặt và đại diện trên các phương tiện thông tin truyền thông. Các quảng cáo thương mại thường gắn phụ nữ với vẻ đẹp hình thể, chăm sóc con cái và nội trợ.
Ví dụ, trên truyền thông khi quảng cáo về nguyên liệu nấu ăn như nước mắm, nước tương luôn lấy hình ảnh phụ nữ nấu ăn trong bếp. Chồng và các con chỉ xuất hiện sau đó, khi cùng ngồi vào bàn và thưởng thức món ăn, hoặc chơi đùa trong vườn khi người phụ nữ đang nấu nướng…
“Trong khi đó, các phương tiện truyền thông được đa số người dân Việt Nam tiếp cận, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành vi của họ”, ông Tú nhấn mạnh.
...