100 năm phụ nữ Mỹ được quyền bầu cử: “Thắng lợi tuyệt vời” của nữ quyền

 Năm 2020 là tròn 100 năm phụ nữ Mỹ được quyền đi bầu cử. Tu chính hiến pháp số 19 đã có hiệu lực ngày 26/8/1920 với tên gọi Tu chính Susan Anthony để tưởng nhớ bà Susan B. Anthony - người đã cống hiến cả cuộc đời vì quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ. Sự kiện này đã và đang truyền cảm hứng cho tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của phụ nữ “xứ sở cờ hoa”.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày ban bố Tu chính án 19 trao cho phụ nữ nước này quyền bỏ phiếu và thông báo sẽ xóa tội cho nhà hoạt động nữ quyền Susan Anthony

Tổng thống Mỹ "xóa tội" cho nhà hoạt động nữ quyền

Ngày 18/8/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày ban bố Tu chính án 19 trao cho phụ nữ tại Mỹ quyền bỏ phiếu tại Phòng Xanh ở Nhà Trắng. Ông Trump tôn vinh những người thúc đẩy quyền bầu cử và Tu chính án thứ 19 Hiến pháp Mỹ (hay còn gọi là Tu chính án Susan Anthony). Cũng trong sự kiện này, ông Trump thông báo sẽ xóa tội cho nhà hoạt động nữ quyền Susan Anthony (1820-1906).

"Trong lúc chúng ta chiến đấu để mang đến tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả phụ nữ và tất cả người Mỹ, chúng ta cũng nhớ lại thắng lợi tuyệt vời một thế kỷ trước. Trong ngày hôm nay, tôi sẽ ký lệnh ân xóa toàn bộ và hoàn toàn cho Susan B. Anthony. Bà ấy chưa bao giờ được xóa tội", ông Trump nói.

Bà Anthony, sinh năm 1820, mất năm 1906, nổi tiếng nhất với đóng góp trong phong trào đảm bảo quyền bầu cử cho phụ nữ, đồng thời là người tiên phong vận động các quyền bầu cử khác cũng như chống lại chế độ nô lệ, bảo vệ những người phụ nữ trước nạn bạo lực gia đình... Bà là người có công trong việc thành lập Liên đoàn Quốc gia Trung thành Phụ nữ, ủng hộ các chính sách của Tổng thống Abraham Lincoln. Bà cũng là đồng tác giả của 3 quyển lịch sử về phụ nữ. Bà là người phụ nữ đầu tiên được xuất hiện trên đồng xu của Mỹ.

 

Bà Susan Anthony, người đấu tranh không mệt mỏi đòi quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ

Năm 1872, bà Anthony đã bị bắt với lý do đã tham gia bỏ phiếu khi chưa được luật cho phép. Trước ngày xét xử, Susan B. Anthony đã thực hiện nhiều chuyến đi khắp New York để diễn thuyết về sự bất công khi không cho phụ nữ quyền bầu cử. Bà Anthony bị đưa ra xét xử và bị kết án vi phạm pháp luật với án phạt là 100 USD. Bà đã phản đối bản án vì cho rằng luật pháp là sai lầm, không công bằng và từ chối nộp tiền phạt.

Theo đuổi sự nghiệp giải phóng phụ nữ

Đối với phụ nữ Mỹ vào những năm 1800, họ chưa được là những công dân thực sự, theo nghĩa đầy đủ các quyền. Lúc đó, họ chưa được thừa nhận có quyền độc lập về kinh tế. Mọi tài sản riêng của người phụ nữ đang có đều trở thành tài sản của người chồng khi họ lập gia đình. Tất cả mọi tiền bạc của người phụ nữ có được do làm việc cũng đều thuộc về người chồng. Phụ nữ lúc đó không có quyền chính trị. Họ không có quyền đi bầu cử.

Bà Anthony lúc đó là một giáo viên và bà cho rằng, phụ nữ cần phải có sự tự lập về cá nhân và độc lập về kinh tế. Bà cũng cho rằng, sẽ không có hy vọng cho tiến bộ xã hội tại Mỹ chừng nào phụ nữ chưa được trao đầy đủ các quyền như nam giới. Bà nhận ra rằng, phụ nữ sẽ không bao giờ trở thành công dân đầy đủ nếu không có quyền chính trị. Và họ sẽ không thể có quyền chính trị chừng nào họ chưa có được quyền đi bầu cử. Vì vậy, bà đã tự đi đến các thị trấn, thành phố trong bang New York để thuyết phục phụ nữ về tầm quan trọng của quyền bầu cử.

Bà Anthony đã đi tới từng thành phố, thị trấn trong bang New York để gặp gỡ, nói chuyện với mọi người ở trường học, nhà thờ và nơi công cộng. Tới đâu bà cũng phân phát các tờ rơi cổ động cho quyền của phụ nữ. Bà cũng tổ chức các cuộc vận động các đại biểu quốc hội của New York sửa luật để trao cho phụ nữ quyền sở hữu tài sản. Chiến dịch vận động thất bại ở New York nhưng đã bắt đầu có kết quả ở một số nơi khác.

Bà Susan Anthony (phải) và người đồng chí hướng Elizabeth Cady Stanton

Năm 1851, bà Anthony đã gặp được Elizabeth Cady Stanton, một phụ nữ cũng ủng hộ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Hai người đã phối hợp với nhau để lãnh đạo phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Elizabeth Cady Stanton, vì có nhiều con, nên chỉ ở nhà để nghiên cứu và đưa ra các ý tưởng. Trong khi bà Anthony nhận trách nhiệm đi các nơi để diễn thuyết và tổ chức các cuộc vận động. Hai bà đã gặt được thành công quan trọng đầu tiên vào năm 1860 khi tiểu bang New York thông qua bộ luật sở hữu cho phụ nữ đã có gia đình. Đó là lần đầu tiên tại New York, phụ nữ lập gia đình có quyền sở hữu tiền do mình làm ra. Sau bao năm vất vả, việc vận động của bà Anthony đã bắt đầu "đơm trái". Cuộc vận động tiếp tục được tiến hành sang các tiểu bang khác của Mỹ.

Cuộc nội chiến Nam-Bắc kết thúc năm 1865 với kết quả Tuyên ngôn giải phóng nô lệ da đen. Tuy thế, bà Anthony vẫn nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm để mang lại sự tự do đầy đủ cho người da đen, cũng như phụ nữ. Bà lại vận động cho quyền bầu cử của người da đen và phụ nữ. Năm 1868, Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ đã trao cho người da đen được quyền bầu cử, còn người phụ nữ vẫn bị gạt ra ngoài. Bà Anthony đã cố gắng vận động để quyền bầu cử của phụ nữ cũng được nằm trong Tu chính án số 14 nhưng không thành công.

Sau đó, bà Anthony tiếp tục lãnh đạo cuộc vận động đòi quyền bầu cử cho phụ nữ thông qua con đường sửa đổi Hiến pháp. Bà đã đi vận động khắp đất nước Mỹ và chỉ dừng lại khi ở tuổi 75. Năm 1904, bà Anthony đã phát biểu lần cuối cùng trước một Ủy ban của Thượng viện Mỹ nhân dịp Thượng viện đang xem xét dự luật thay đổi Hiến pháp để trao quyền bầu cử cho phụ nữ.

Bà Anthony mất vào năm 1906. Phải thêm 13 năm nữa, vào năm 1919, Quốc hội Mỹ mới thông qua Tu chính Hiến pháp số 19. Tu chính này công bố quyền bầu cử không được từ chối với bất kỳ ai chỉ vì giới tính. Tu chính này cần phải đạt được sự đồng ý của 3/4 tổng số tiểu bang của Mỹ lúc đó. Tu chính hiến pháp số 19 đã có hiệu lực vào ngày 26/8/1920 với tên gọi Tu chính Susan Anthony để tưởng nhớ bà Susan B. Anthony, người đã cống hiến cả đời vì quyền bầu cử của phụ nữ tại Mỹ.

 

Phụ nữ vui mừng khi Tu chính hiến pháp số 19 có hiệu lực vào ngày 26/8/1920 với tên gọi Tu chính Susan Anthony

Cuộc vận động kéo dài hơn 70 năm (1848-1920) cho quyền chính trị và dân sự căn bản này của phụ nữ Mỹ được biết đến với tên gọi là "Phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ" đã có một cái kết tốt đẹp và mở ra một kỷ nguyên mới cho nữ quyền tại Mỹ. 

Vai trò của nữ cử tri Mỹ ngày càng quan trọng đối với các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ứng cử viên Joe Biden hiện có lợi thế hơn đương kim Tổng thống Donald Trump khi xét đến nhóm cử tri là nữ giới nhưng ông vẫn chưa nhận được nhiều sự ủng hộ của phụ nữ da màu những tháng gần đây. Trong khi đó, phụ nữ da trắng không có bằng đại học vẫn nghiêng về Tổng thống Trump. 60% người Mỹ coi việc lựa chọn bà Kamala Harris, người Mỹ gốc Ấn, người phụ nữ da màu đầu tiên làm Phó Tổng thống là "một cột mốc quan trọng" đối với nước Mỹ. Bà Harris được cho là có thể giúp ông Biden thu hút cử tri nữ.