"Hoa Mộc Lan: Thông Điệp Nữ Quyền Đến Từ Disney Phụ Nữ Nên Hiểu Rõ Vị Trí Của Bản Thân Mình."

Bộ phim Hoa Mộc Lan phiên bản người thật của Disney đã được công chiếu vào tuần trước trong bối cảnh đầy tranh cãi. 

Những chỉ trích về bộ phim còn được chỉ ra thông qua những điểm sai sót về mặt lịch sử và địa lý, trong đó mang một ẩn ý về định kiến chống lại Hồi giáo nói chung và biểu đạt sai ý nghĩa của sinh khí.

Cũng liên quan không kém nhưng ít người nhận ra được, đó chính là bộ phim Mulan của Disney thiên về khuynh hướng bảo thủ nhiều hơn trong cách kể về một câu chuyện cổ và cách nêu lên vị trí của người phụ nữ - hơn là những cách dùng để biểu diễn nghệ thuật mang tính lịch sử của Trung Hoa. Ngoài ra, trong khi Mulan có thể được đòi hỏi để trở thành một câu chuyện biểu đạt được sự trao quyền cho phụ nữ một cách hợp pháp, thì bộ phim chỉ nêu lên việc phụ nữ sẽ được vinh danh khi họ biết rõ vị trí của họ là ở nơi nào.

Câu chuyện 1500 tuổi

Bản chuyển thể vào năm 2020 tuân theo cốt truyện cơ bản mà phiên bản hoạt hình mà hãng Disney đã làm về cuộc đời Mộc Lan vào năm 1998. Bộ phim đã khắc họa Mộc Lan là một nữ anh hùng dũng cảm, sẵn sàng cải trang thành nam để thay cha mình tham gia vào quân đội. Và sau quá trình tôi luyện khổ cực, anh dũng chiến đấu, Mộc Lan đã trở về với một chiến thắng huy hoàng.

Trong bản ballad gốc "Mulan shi" (Bản ballad về Hoa Mộc Lan) đã có từ triều đại Bắc Ngụy, một thời kì của chiến tranh và sự bất ổn bao trùm. Qua bài thơ này, nhiều độc giả đã cảm nhận được những cảm xúc đớn đau xoay quanh việc Mộc Lan đưa ra quyết định thay cha ra chiến trường, đối mặt với chiến tranh.

Trong các bản chiếu đầu tiên, Hoa Mộc Lan được xây dựng là một người phương Bắc với sắc tộc không được xác định rõ, và cũng đã có một số bản kể lại mới cho rằng Mộc Lan là một nhân vật luôn chống đối với triều đình phong kiến thời bấy giờ.

Các học giả đã so sánh Mộc Lan như một tấm vải trống. Sự tự do trong việc xây dựng câu chuyện về cô ấy với nhiều cách khác nhau đã góp phần tạo nên sự phổ biến của câu chuyện về Mộc Lan đến với mọi người. Đến thế kỉ 20, sắc tộc của nữ chiến binh này đã được định danh là người Hán, và lòng trung thành của cô được rất được xem trọng trong bộ máy chính quyền.

Trong Mộc Lan hành quân (Mulan Joins The Army,1939), lòng hiếu thảo của Mộc Lan đối với cha mẹ được công nhận khi cô đem sự tận tâm, cống hiến, phục vụ cho đất nước của mình. Những đề tài tương tự cũng đã được nhận thấy trong những tác phẩm như Nữ tướng quân Hoa Mộc Lan (Lady General Hua Mu-lan,1964) và Hoa Mộc Lan: Chiến binh trỗi dậy (Mulan: Rise of a Warrior, 2009). Phiên bản hoạt hình vào năm 1998 của Disney là bản chuyển thể đầu tiên và phần lớn không dựa theo những phóng tác của Trung Quốc viết về cuộc đời Hoa Mộc Lan.

Trong những bản kể lại này, Mộc Lan hoàn toàn đã trở thành một người mang sứ mệnh bảo vệ nước nhà.

"Nhận thức thấu đáo về vị trí của bản thân"


Ở đầu bộ phim, người mai mối đã nói với cô gái Mộc Lan khi ở độ mười sáu tuổi rằng: những phẩm chất tốt đẹp mà một người vợ tốt cần nên có đó là "điềm tĩnh, duyên dáng, có lễ độ" và "khi phục vụ cho người chồng, người vợ buộc phải giữ yên lặng, trở nên vô hình."

Mộc Lan đã thất bại trong việc xây dựng hình mẫu tiêu biểu phù hợp với những đức hạnh dành cho một người con gái Trung Hoa lý tưởng; dù vậy, người cha đã rất ủng hộ việc con gái mình che dấu đi năng lực đặc biệt của cô. Bởi vì năng lực dành cho nam giới này thật sự không cần thiết trong cuộc đời của người con gái, và điều duy nhất mà mà họ có thể làm để thể hiện sự tôn kính đối với gia đình đó là thông qua việc kết hôn.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Mộc Lan cũng đã làm rạng danh gia đình bằng việc chứng minh rằng "trung thành, dũng cảm, chân chính" là những phẩm chất đã được khắc trên thanh kiếm của cha. Cô nhận biết rõ người cha tàn tật của mình sẽ phải ra đi mãi mãi trong trận đấu nếu ông gia nhập vào quân đội theo sự bắt buộc của triều đình. Đảm nhận vị trí của cha, Mộc Lan với thanh kiếm trong tay rời khỏi quê nhà ngay trong đêm tối.

Như một sự công nhận cho lòng can đảm và khả năng lãnh đạo của Mộc Lan trong việc cứu nguy cho hoàng đế, nhà vua đã ban cho cô một chức vị chính thức trong hàng ngũ bảo vệ sự an toàn cho hoàng gia. Nhưng cô đã từ chối nhậm chức để trở về quê nhà của mình.

Nhà vua đã sai một người đáng tin tưởng để trao tặng cho Mộc Lan một thanh kiếm mới có khắc những đức tính có trên thanh kiếm cũ của cô và khắc thêm vào đó một đức tính thứ tư "thảo" (xiao) ("hiếu thảo" được dịch trên bộ phim như là "sự hết lòng, tận tâm vì gia đình"). Người ấy đã cố gắng thuyết phục cô nên cân nhắc lại lời đề nghị của nhà vua và gia nhập vào hàng ngũ bảo vệ cho hoàng gia.

Bộ phim kết thúc với cảnh phượng hoàng - thần bảo hộ cho tổ tiên của Mộc Lan, bay vòng quanh phía trên cô ấy. Linh vật này là người dẫn đường cho Mộc Lan, và sự xuất hiện trở lại nó như một dấu hiệu đại diện cho quyết định chấp nhận lời đề nghị của nhà vua. Bởi vì người yêu của mình, Hoa Hồ (Honghui), một người lính của triều đình, nên điều đó cũng đã ngụ ý việc cô sẽ thực hiện những khao khát, ước muốn lãng mạn của mình một cách trọn vẹn.


Mộc Lan đã được vinh danh bởi chính sự nhận thức đúng đắn về vị trí của bản thân và lòng hiếu kính của cô đối với cha mẹ mình: qua việc nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong một xã hội trọng nam giới hơn là nữ giới, cô đã chứng minh được mình là người phụ nữ "có thể có tất cả mọi thứ".

Hội "chị em" thế kỉ 17

Trong phim, nhân vật phản diện Tiên Nương (do Củng Lợi thủ vai) đã tạo nên một sự tương phản mạnh mẽ với Hoa Mộc Lan.

Tiên Nương đã ngỏ ý mời Mộc Lan tham gia đội quân của mình để cùng thực hiện mục đích nổi loạn chống lại Hoàng đế. Tiên Nương muốn xây dựng một đế chế nơi mà những người phụ nữ mạnh mẽ như cô ấy và Mộc Lan được chấp nhận để thể hiện bản thân với những sức mạnh mà họ có được, nhưng Mộc Lan đã đáp lại, "Tôi biết vị trí của bản thân là ở đâu" - như một cách nhấn mạnh trách nhiệm của cô ấy là phục vụ cho Nhà vua, cho triều đình đương thời.

Cuối cùng thì, Tiên Nương đã hy sinh bản thân để cứu lấy Hoa Mộc Lan. Từ bỏ việc cai quản chính đội quân của mình, cái chết của Tiên Nương biểu thị cho sự thất bại trong cách tiếp cận triệt để của cô.

Thay vì là một câu chuyện về trao quyền cho phụ nữ, thì Hoa Mộc Lan đề cao ý tưởng rằng phụ nữ phải đặt các hình tượng nam quyền lên trước mình để đạt được sự công nhận chính thức. Tuy nhiên, câu chuyện về Hoa Mộc Lan không phải lúc nào cũng truyền tải thông điệp này. Ví dụ như trong một phiên bản ở thế kỉ 17 của tác giả Chu Renhuo ở thế kỷ 17, lấy bối cảnh vào cuối triều đại nhà Tùy (581-618), Tiên Nương là một cô công chúa chiến binh và đã trở thành chị em chí cốt với Mộc Lan. Họ dẫn đầu một đội quân toàn nữ nhi và cùng nhau du hành khắp nơi.

Tình bạn này đã không được trình chiếu trong bộ phim của Disney. 

----------

Tác giả: Sin Wen Lou, Shih-Wen Shu Chen

Link bài gốc: Disney’s Mulan tells women to know their place

Dịch giả: Phương Anh - ToMo - Learn Something New 

Link bài gốc tiếng Việt: [ToMo] "Hoa Mộc Lan: Thông Điệp Nữ Quyền Đến Từ Disney Phụ Nữ Nên Hiểu Rõ Vị Trí Của Bản Thân Mình." - YBOX