Làm Sao Để Có Tư Duy Phản Biện Và Những Phương Pháp Quan Trọng Để Trở Thành Sinh Viên Xuất Sắc

 

Tư duy phản biện là một kĩ năng quan trọng cần có, bất kể là cho trường lớp, cho công việc hay cho cuộc sống cá nhân của bạn. Ngay cả khi chúng ta đã được truyền đạt kiến thức, sẽ luôn có những khoảng trống cần lấp đầy qua việc tự tìm tòi, khám phá. Tuy vậy Tư duy phản biện không phải là một kĩ năng vốn có, và để thành công, mỗi người cần tự trau dồi qua một vài phương pháp khác nhau.


Tư duy phản biện là gì?

Tư duy phản biện được xem như là sự trái ngược với lối suy nghĩ thường thấy hàng ngày, và Tư duy phản biện đóng vai trò chỉ dẫn cho niềm tin và giá trị của mỗi người. Nó đứng lập độc lập và phản ánh chính xác quan điểm cá nhân hơn lối suy nghĩ đơn thuần, và đòi hỏi cá nhân cần vận dụng các yếu tố như khái niệm hóa, phân tích, tổng hợp và đánh giá thông tin trong quá trình tư duy.

Tư duy phản biện được định hình dựa theo cách suy nghĩ của mỗi người và không bị ảnh hưởng bởi cảm giác người khác sẽ nghĩ gì.


Để có suy nghĩ phản biện cần làm gì?

Suy nghĩ là điều chúng ta luôn làm hàng ngày. Ta suy nghĩ và đưa ra quyết định từ nhỏ đến lớn, như quyết định trưa nay ăn gì, hay như sẽ lựa chọn ngành học nào trên đại học. 

Suy nghĩ phản biện, mặt khác, khiến những suy nghĩ thường ngày trở nên sâu sắc hơn. Để tư duy phản biện, một người cần sở hữu vài kĩ năng để có thể phân tích một cuộc tranh luận, một quyết định, ý tưởng hay một suy nghĩ. Những kĩ năng có thể bao gồm:

  • Suy nghĩ khách quan về một vấn đề.

  • Xác định những luồng suy nghĩ trái chiều về vấn đề, ngay cả khi bạn không đồng tình với lối nghĩ đó.

  • Đánh giá tính hợp lý của một quan điểm dựa trên dẫn chứng và suy luận bổ trợ cho nó.

  • Tìm kiếm khoảng trống bất hợp lý của quan điểm đó.

  • Cân nhắc đến những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quan điểm, chẳng hạn như kinh nghiệm cá nhân.

  • Liên tục suy nghĩ, đề xuất quan điểm bản thân cũng như lý luận ủng hộ quan điểm đó.


Với tư duy phản biện, ta có thể…

Một khi đã sở hữu kĩ năng tư duy phản biện, bạn có thể khám phá ra giải pháp tốt nhất trong tổng số các khả năng bạn đã suy diễn. Đó là bởi vì bạn đã dành thời gian xem xét các luận điểm, lập luận và dẫn chứng bổ trợ đối với những lối suy nghĩ khác nhau.

 Một số cách để đi đến kết luận có thể kể đến như:

  • Hiểu được mối liên kết giữa những luồng suy nghĩ khác nhau.

  • Xác định tầm quan trọng và tính liên hệ giữa các luận điểm, ngay cả khi bạn đi ngược lại với chúng.

  • Phát hiện ra mâu thuẫn và lỗi lập luận trong một luận điểm.

  • Tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn hợp lý và có quy trình hơn.

  • Hiểu những lời phản biện cho một luận điểm dựa trên kinh nghiệm cá nhân, niềm tin và giá trị bản thân.


Quá trình tư duy phản biện

Qua thời gian, suy nghĩ phản biện có thể tự nhiên xuất hiện ở những cá nhân thường xuyên luyện tập. Nhưng không ai trong chúng ta có khả năng suy nghĩ phản biện mọi lúc, vì đôi khi hành động trong vô thức, cảm xúc hay hành vi lặp lại có thể lấn át suy nghĩ.

Đó là lý do quá trình tư duy phản biện rất cần thiết. Để mỗi khi ta cảm thấy bùng nổ cảm xúc, ta sẽ tự điều chỉnh bản thân và áp dụng quá trình tư duy phản biện.

Một cách để làm điều này chính là đặt câu hỏi về “ai”, “cái gì”, “ở đâu”, “tại sao” và “thế nào” đối với tình huống. Đồng thời ta cũng nên sử dụng sự quan sát, kinh nghiệm, đối chiếu với bản thân, lý luận để quá trình suy nghĩ đạt kết quả tốt nhất.

Sau khi đã phân tích đủ sâu, chúng ta giờ đây có thể quyết định tình huống, luận điểm trên sẽ ảnh hưởng đến niềm tin cũng như hành động của ta thế nào, và quan trọng nhất đó chính là cách chúng ta sẽ phản ứng với tình huống đó ra sao.

critical-thinking-presentation-illustration - SlideModel

Tại sao tư duy phản biện lại quan trọng?

Như đã đề cập ở trên, chúng ta không thể luôn luôn suy nghĩ theo hướng phản biện. Đa phần chúng ta dựa theo cảm xúc (một phần cũng dựa theo kinh nghiệm, niềm tin và giá trị bản thân) trước tiên khi phải đối mặt với việc ra quyết định.

Nhưng tư duy phản biện quan trọng vì qua đó chúng ta sẽ học cách suy nghĩ cho bản thân. Tại thời điểm mà công cụ truyền thông có sức ảnh hưởng to lớn đến sự nhận thức ở mỗi người, tư duy phản biện sẽ giúp chúng ta cân nhắc mọi lập điểm một cách hiệu quả hơn dựa trên dẫn chứng, nghiên cứu và cả trao đổi thông tin giữa người với người.

Tư duy phản biện giúp ta hình thành ý kiến cá nhân, tự tạo nên luận điểm cho riêng mình và tự đánh giá kết quả. Không những vậy, đây cũng là một công cụ mạnh mẽ có thể làm xoay chuyển đức tin và những giá trị ta luôn theo đuổi.


Tính ngu muội về sự rõ ràng

Một lý do lý giải sự quan trọng của tư duy phản biện chính là “sự thiếu hiểu biết về sự rõ ràng”. Điều này xảy ra khi ta một mực tin rằng mọi thứ chỉ có thể là đen hoặc trắng, và sẽ luôn có câu trả lời thỏa đáng cho một vấn đề hoặc khi ta tin rằng ý kiến của mình là chắc chắn. Nhưng, khi lên đại học, chúng ta sớm nhận ra rằng sẽ có nhiều cách diễn giải một vấn đề, và câu trả lời cũng vì thế mà khó có sự nhất quán.


Sự ngây thơ về hiện thực

Một lý do khác đó là sự ngây thơ đối với hiện thực - một khía cạnh gần như trái ngược với “tính ngu muội trong sự rõ ràng”. Đây được coi như một niềm tin rằng một luận điểm đều như nhau, đều hợp lý và đều đúng đắn.

Tư duy phản biện giúp ta nhận thức rằng không phải mọi luận điểm đều sẽ hợp lý và đúng đắn, và đôi khi sẽ cần bóc tách vấn đề - ngay cả khi đó là điều trái ngược với quan điểm của bản thân - để hiểu sâu về suy nghĩ của đối phương, từ đó quyết định ta sẽ ủng hộ hay “phản biện”.


Học cách tư duy phản biện: trong 7 bước

Hầu hết trong chúng ta đã từng suy nghĩ phản biện ở một số giai đoạn trong đời. Nhưng, giờ khi đã nhận ra tầm quan trọng của tư duy phản biện - đặc biệt khi ở trong môi trường đại học - bạn có thể sẽ thắc mắc làm sao để có lối suy nghĩ như vậy.

  1. Đặt ra những câu hỏi đơn giản và hoài nghi về nhận định cơ bản

Trước khi bước vào hành trình phản biện, hãy bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi về một ý kiến, một giả thuyết hay bất kì điều gì khác. Ý kiến đó đề cập đến điều gì? Ai sẽ là người tin vào điều đó? Điều này xảy ra thế nào? Hãy hỏi những câu thật căn bản trước.

Sau đó, hãy hỏi về nhận định cơ bản đối với ý kiến này. Nói cách khác, tìm hiểu về lối suy nghĩ của người khác. Mọi người nghĩ ra sao về điều này?

Việc đặt câu hỏi sẽ giúp bạn có góc nhìn toàn cảnh hơn về vấn đề trước khi đi sâu vào phân tích.

  1. Đánh giá những dẫn chứng có sẵn

Bước tiếp theo là luôn để mắt đến những dẫn chứng có sẵn và học cách đánh giá chúng. Trong đa số trường hợp, ta thường ngay lập tức có định kiến về một vấn đề chỉ qua việc đọc tiêu đề của nó. Hãy tìm hiểu sâu hơn - đánh giá thật kĩ và rồi rút kết luận cho bản thân.

  1. Thúc đẩy bản thân suy nghĩ phản biện

Hãy cho phép bạn được nghĩ cho bản thân khi vẫn đang giữ lối suy nghĩ phản biện. Mục đích chính ở đây là tự hình thành luận điểm cho riêng mình mà không bị ảnh hưởng bởi bất kì ai. Cùng lúc đó, bạn cần tham khảo những luận điểm đối lập trước khi tự đưa ra kết luận rằng ý kiến của bản thân là tối ưu nhất.

  1. Nhận thức về quá trình tư duy của bạn

Hãy tự nhận thức về sự thiên vị của chính bạn. Chúng ta thường hay đốt cháy giai đoạn khi tìm kiếm câu trả lời, và bỏ qua công đoạn tìm kiếm, phân tích. Vì thế hãy luôn để tâm đến quá trình tư duy của bạn.

  1. Để ý đến những lỗi phản biện thường gặp

Khi bạn đang trong giai đoạn phân tích quá trình tư duy, hãy luôn để ý đến những lỗi thường gặp khi hình thành luận điểm.

Dưới đây là một số ví dụ:

  • Sử dụng cơ quan có thẩm quyền dưới dạng “theo chuyên gia”

  • Lập luận chọn lọc: chỉ sử dụng những điểm trong cách lập luận mà phù hợp nhất với kế hoạch đề ra thay vì để ý đến toàn bộ.

  • Nhầm lẫn trong suy nghĩ rằng khi hai yếu tố xảy ra đồng thời là do tác động lẫn nhau mà quên đi khả năng cả hai đều chịu tác động của một yếu tố khác.

  • Suy nghĩ rằng một điều là đúng trong một trường hợp thì chắc chắn không thể sai. Điều này thường xảy ra do có sự thiên vị trong quá trình đánh giá.

  1. Xây dựng chiến lược

Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn xây dựng lối suy nghĩ phản biện:

  • Rèn luyện sự tập trung: chúng ta thường dễ bị mất tập trung khi thực hiện nhiều việc cùng lúc. Hãy thử bạn có thể tập trung vào một chuyện trong bao lâu.

  • Diễn giải lập luận sử dụng dẫn chứng: luôn luôn sử dụng dẫn chứng để gia cố cho luận điểm của bạn.

  • Tìm kiếm điều còn thiếu xót: không luận điểm nào là hoàn chỉnh, và nếu có, sẽ chẳng bao giờ cần sự tranh luận. Vì thế, luôn luôn tìm kiếm điều có thể bị bỏ lỡ trong luận điểm của bạn.

  1. Luyện tập qua các ví dụ về tư duy phản biện

Một cách tuyệt vời để thử thách khả năng tư duy phản biện của bạn chính là qua các bài tập về sự phản biện.

Đó có thể là việc tham gia clb tranh biện tại trường, hoặc để ý đến niềm tin trong chính trị. Tại sao bạn là ủng hộ người này chứ không phải ai khác? Tại sao mọi người lựa chọn ủng hộ những cá nhân khác nhau?

critical-thinking-presentation-illustration-ideas - SlideModel

5 kĩ thuật cho một lối tư duy phản biện

Sau đây là một số kĩ thuật có thể giúp bạn học cách rèn luyện lối tư duy phản biện. Có lẽ bạn sẽ sử dụng kết hợp một vài điều dưới đây như một cách để tự cải thiện bản thân.

  1. Tư duy phân tích

Tư duy phân tích bao gồm việc thu thập rất nhiều thông tin và phân tích chúng cho đến khi bạn thực sự hiểu và có suy nghĩ rõ ràng hơn. Biết tìm thông tin cần thiết sẽ quan trọng hơn cả, nhưng hãy đảm bảo rằng đừng để xót điều gì bất lợi cho luận điểm của bạn. Hãy cân nhắc quan điểm ở cả hai mặt của vấn đề.

  1. Kĩ năng giao tiếp

Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta phản biện, hình thành luận điểm, và bày tỏ ý kiến đến người khác. Luôn dành thời gian học hỏi từ người khác, ngay cả khi họ không cùng quan điểm với bản thân bạn. Thêm vào đó, cân nhắc cả những khoảng giữa hai luồng ý kiến khi nghiên cứu và khi bạn trình bày luận điểm và dẫn chứng rõ ràng của mình, luôn quan sát và lắng nghe người khác.

  1. Sự sáng tạo

Bạn có thể cho rằng, không thể sáng tạo trong tư duy phản biện bởi vì toàn bộ luận điểm cần dẫn chứng dựa trên thực tế. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Trở nên sáng tạo trong tư duy phản biện có nghĩa là bạn dành nhiều thời gian hơn cho suy nghĩ và tiếp cận vấn đề theo các cách khác nhau.

Ví dụ, nếu bạn hay tìm kiếm dựa vào các bài báo trên mạng, hãy thử trò chuyện với mọi người về vấn đề này xem sao.

  1. Sự cởi mở

Không ai có thể tư duy phản biện nếu thiếu đi sự cởi mở. Đó là bước đầu tiên để học hỏi về những ý tưởng khác nhau để từ đó liên hệ đến bản thân. Trong môi trường đại học, chuyện làm việc nhóm có thể là ví dụ. Bạn có thể nghĩ rằng bản thân có phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề, nhưng với lòng cởi mở, bạn có thể sẽ tìm thấy những cách giải quyết khác tối ưu hơn.

  1. Kĩ năng giải quyết vấn đề

Một cách hiệu quả để giải quyết vấn đề - một trong những mục tiêu chính của tư duy phản biện - đó là áp dụng những kĩ thuật giả quyết vấn đề mỗi khi gặp khó khăn. Viết xuống tất cả các vấn đề và tự hỏi tại sao là một ví dụ. Điều này sẽ giúp bạn nhìn thấu khó khăn đang mắc phải và tìm thấy giải pháp tốt nhất.


Lời cuối: Chúng ta không thể luôn luôn có tư duy phản biện, nhưng ta có thể thử

Tóm lại, hãy lưu ý rằng không ai có thể giữ tư duy phản biện mãi mãi. Nhưng biết cách để suy nghĩ phản biện, đặc biệt khi bạn là sinh viên, sẽ giúp bạn không chỉ hoàn thành việc học tốt hơn, mà nó còn chuẩn bị cho cuộc sống sau này - nơi không phải ai cũng có cùng suy nghĩ với bạn.

Trong một thế giới nơi chúng ta liên tục chịu tác động từ thông tin ngoại cảnh, tư duy phản biện cho phép ta trở thành phiên bản tốt nhất và học hỏi nhiều điều từ người khác trong khi không ngừng hoài nghi về niềm tin và giá trị bản thân.


----------

Tác giả: University of People

Link bài gốc: How To Think Critically: Top Techniques For The Successful Student (uopeople.edu)

Dịch giả: Nguyễn Vân Khánh  - ToMo - Learn Something New

Link bài gốc tiếng Việt: https://ybox.vn/ky-nang/lam-sao-de-co-tu-duy-phan-bien-va-nhung-phuong-phap-quan-trong-de-tro-thanh-sinh-vien-xuat-sac-63fc28d7c5e06c01a8ec1fa5