Nữ Quyền – Thực Thụ Hay Thượng Đẳng?

Chuyện thế giới. 

Trong những ngày qua rầm rộ thông tin ở Hàn Quốc nam giới gửi kiến nghị lên Nhà xanh yêu cầu bắt buộc nữ giới cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS). Nam giới Hàn Quốc cho rằng nếu nữ giới đang đấu tranh đòi bình đẳng thì họ cũng cần phải thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ giống như nam giới. Tuy sự việc diễn ra ở Hàn Quốc, nhưng cũng đã khiến dư luận tại Việt Nam có nhiều những quan điểm trái chiều. 

Theo định nghĩa Wikipedia, Khái niệm bình đẳng giới ngụ ý rằng nam giới và nữ giới cần nhận được những đối xử bình đẳng trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội và quyền con người như: giáo dục, y tế, văn hóa, hôn nhân, gia đình, việc làm, các chính sách phúc lợi... Đây là một chiến lược được Liên Hiệp quốc theo đuổi trong việc xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách để đạt mục tiêu cuối cùng là nữ giới và nam giới được bình đẳng với nhau về pháp lý. 

Hiện nay, chúng ta có thể thấy ở không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở rất nhiều nơi, nữ giới dường như không được đối xử một cách công bằng hay không muốn nói là bất công. Đơn cử là Ấn Độ, nơi mà nữ giới bị đối xử vô cùng thậm tệ, nhiều số liệu chỉ ra cứ 15 phút tại đây là sẽ có một phụ nữ bị làm nhục. Đó là chưa kể nhiều nạn nhân không dám lên tiếng. 

Hay vừa rồi, mình đọc được một mẩu tin tức rằng, một cô dâu Ấn Độ trong đám cưới chính mình lên cơn đột quỵ và qua đời. Ngay sau đó, chú rể yêu cầu cô em gái của cô dâu lên cưới thay. Đó là một yêu cầu hết sức phi lý nhưng cuối cùng đám cưới vẫn được diễn ra sau đó dù cô dâu vừa mới mất. Điều nay cho thấy phụ nữ ở đây bị trao đổi giống như một món vật vậy. Họ đã phải đấu tranh rất nhiều để có thể được ra ngoài, được đi làm, được lái xe,.. trong rất nhiều năm, nhưng thật khó có để có thể thay đổi một đất nước với hệ tư tưởng gia trưởng và bao thủ từ lâu đời như thế. Hay như ở El Salvador, nếu phụ nữ phá thai sẽ phải bị đi tù và mức án có thể lên tới 30 năm. Nghe tưởng rất vô lý, nhưng những điều đó vẫn xuất hiện trên thế giới này – nơi mà tưởng như mọi người đã có những suy nghĩ và lý tưởng hiện đại. 

Những hiểu nhầm

 

Quay lại với đất nước Việt Nam, mình càm thấy thật may mắn khi được sống trong cảnh hoà bình, nơi mà không có chiến tranh, nữ giới không bị đối xử tồi tệ như ở Ấn Độ. Nhưng khi vụ việc ở Hàn Quốc trở nên rầm rộ, mình cảm thấy có quá nhiều sự hiểu biết sai lệch ở đây. Đã có những ý kiến cho rằng, “Bình đẳng giới thì phụ nữ phải làm những công việc “dành cho đàn ông” và ngược lại”. Họ không nhớ rằng, thiên chức của người phụ nữ và nam giới khác nhau. Trên thực tế, một số công việc chỉ phù hợp với phụ nữ, không phù hợp với đàn ông ví dụ như giáo viên mầm non. Một số công việc lại chỉ cơ bản phù hợp với nam giới, không phù hợp với phụ nữ ví dụ như những công việc liên quan đến tay chân, sửa chữa kỹ thuật... Một phụ nữ muốn ở nhà làm nội trợ, làm mẹ, làm vợ, chăm sóc con cái, chẳng có gì là mâu thuẫn với các phong trào nữ quyền nếu như cô ấy hoàn toàn muốn như vậy và không bị ép buộc. Hay như các bạn nữ, có nhiều bạn luôn lôi cái lý do vì con gái là người đẻ thì họ có quyền được đối xử bình đẳng. Chính vì vậy, có rất nhiều nam giới phẫn nộ trước câu nói này và cho rằng con gái thời nay chỉ biết tối đa lợi nhuận và tối thiểu hoá trách nhiệm. 

Có người suy nghĩ rằng, “bình đẳng giới là đấu tranh cho phụ nữ, chống lại đàn ông”. Điều này là không đúng. Về mặt pháp lý, theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới thì bình đẳng giới là đấu tranh cho mọi giới tính, cho tất cả mọi người. Mục tiêu của bình đẳng giới là giới tính không phải giới hạn. Trong xã hội hiện nay, đã có nhiều đàn ông đang phải chịu không ít bất công, hạn chế, khuôn mẫu xuất phát từ giới tính của mình. Ví dụ như những khuôn mẫu về sự nam tính, đàn ông phải mạnh mẽ, kiềm chế cảm xúc, phải là trụ cột gia đình... Những niềm tin đó đang khiến nhiều người phải chịu gánh nặng, không được sống đúng với con người thật của mình. Đã từng có các đức ông chồng bị các bà vợ đánh đập, xỉ nhục. Cũng có trường hợp nam giới bị lạm dụng, xâm hại tình dục... Bình đẳng thực chất chỉ đạt được khi đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của tất cả các giới tính.


Hay như khi mình lục đâu đó trong đống cmt tranh cãi ấy, thấy một chiếc meme và nội dung của nó là khi chiến tranh nổ ra, những nhà nữ quyền sẽ có ý kiến: “Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến”. Mình thật sự không hiểu có nhiều bạn nghĩ thế là hài hước trong khi đó là một sự báng bổ đối với công giữ nước của biết bao người bà, người mẹ, người chị Việt Nam. Đúng là nơi tiền tuyến phải trải qua nhiều nguy hiểm, đạn bom khói lử, luôn cận kề với cái chết nhưng đâu có nghĩa là những người hậu phương cũng thế. Có rất nhiều anh hùng trên mặt trận mà kể tên ai cũng biết nhưng hỏi thật, có mấy ai biết tên các bà mẹ Việt Nam anh hùng đâu. Họ đã âm thầm, cống hiến, động viên con cháu lên đường để rồi chịu nỗi đau nhà 9 người con thì 9 người con đều hi sinh. Những nỗi đau của người ở lại mấy ai hiểu đâu. Hay như trong thời bình bây giờ, Việt Nam phải đương đầu với dịch bệnh Covid-19, vẫn rất có nhiều các sinh viên, bác sĩ nữ xung phong đi vào tâm dịch, là lực lượng tuyến đầu trong việc phòng chống dịch bệnh. Điều đó chứng tỏ phụ nữ Việt Nam sẵn sàng xung phong đương đầu với khó khăn chứ không chỉ ở nhà làm hậu phương vững chắc.

NỮ QUYỀN

Nhưng chính mình, cũng cảm thấy thực sự tức giận với nhiều bạn nam, gắn lên con gái chúng mình cái cụm từ :”Máy đẻ”. 

Ở đây, việc chúng mình không phải đòi không đẻ, mà chúng mình đòi cái quyền được lựa chọn lúc nào là lúc chúng mình muốn mang thai chứ không phải là bị coi mang thai là một nghĩa vụ phải làm khi lấy chồng. Có thể nhiều bạn không biết, ở Việt Nam hiện nay trong rất nhiều gia đình, việc phụ nữ cưới chồng, sinh con vẫn là “nghĩa vụ vô hình”, đẻ con phải đủ nếp đủ tẻ. Như bạn mình mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp ra trường, còn chưa được ổn định việc làm đã bị gia đình gọi điện giục cưới. Mà buồn cười là nó còn chưa một lần nếm mùi tình yêu là gì. Hay như đã có quá nhiều trường hợp nhiều chị về nhà chồng mãi không đẻ con được, hay kể cả sinh ra con gái cũng bị chì chiết, đay nghiến. Nhiều người bị stress, đến mức trầm cảm sau khi sinh hay đau lòng đến nhất là họ lựa chọn tự tử. Cái vô lý nhất đó là bị mắng mỏ chỉ vì mình không đẻ được con trai trong khi việc đó không phải việc một người phụ nữ nào có thể lựa chọn giới tính đứa con mình mang thai được và đến cả khoa học hiện giờ cũng chưa đủ tiên tiến để có thể làm được như thế. 

Đến việc thứ hai gây tránh cãi đó chính là phong trào “No bra”. Mình bắt gặp quá nhiều bình luận rằng có ai dí súng bắt con gái phải mặc bra đâu nhưng có lẽ họ không hề hiểu được việc chúng mình bị QRTD rất nhiều và nhận được những bình luận ác ý khi chúng mình không mặc áo ngực. Nào là trông lẳng lơ, cố tình mặc để gợi cảm, khêu gợi, buông thả, hư hỏng, thích gây sự chú ý và quá đáng nhất là “nếu có bị h*** d** thì cũng xứng đáng. Ví dụ đó là các idol ở Hàn Quốc, có thể kể đến hai nữ nghệ sĩ là Sulli và Hwasa. Các khán giả Hàn Quốc cho rằng việc phụ nữ để lộ ngực khiến người xung quanh cảm thấy không thoải mái và hành động này được xem như là ghê tởm và tục tĩu. Ngoài ra, họ tin rằng việc phụ nữ không mặc áo ngực sẽ cổ vũ cho việc tình dục hóa cơ thể người phụ nữ vì bộ ngực trần khơi gợi tình dục và là tín hiệu mời chào đàn ông. Thêm vào đó, những người nổi tiếng như Hwasa và Sulli được hâm mộ bởi rất nhiều những bạn trẻ. Vì thế, việc mặc quần áo hở hang, mà cụ thể là để lộ nhũ hoa, sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tâm sinh lí của các khán giả tuổi mới lớn. Trong khi đó, việc các idol nam Hàn Quốc để lộ ngực trần thì lại được coi là biểu tượng của sự quyến rũ, nam tính và ngầu. Và mình cực thích Hwasa vì cô cho rằng, “Tôi không hề cố tình. Tôi chỉ mặc những gì giúp bản thân cảm thấy tự nhiên và thoải mái”. Đúng vậy, hẳn các bạn nữ cũng hiểu mỗi một ngày đi làm đi học về, điều hạnh phúc nhất và vui sướng nhất đó chính là được cởi bra ra. Xin được nói thêm, không mặc áo ngực có thể giúp cải thiện lưu thông máu, chức năng hô hấp được tốt hơn, loại bỏ các độc tố (mồ hôi, bụi bẩn,..) hay là hạn chết các tổn thương về da. Việc con gái mặc bra ngoài có chức năng để làm đẹp trong việc nâng form, hay như tránh chảy xệ khi vận động thì còn có một chức năng đó là để bảo vệ bản thân. Bảo vệ khỏi những cái nhìn “dơ bẩn” của người đàn ông, khỏi những lời nói mà sức sát thương vô cùng mạnh mẽ đến sức khoẻ tâm lý và đặc biệt hạn chế tối đa những đụng chạm vô tình hay hữu ý đến cơ thể chúng mình. Mình thật sự không hiểu tại sao chỉ mỗi con gái được dạy là ra đường cần mặc quần áo kín, không được hở hang trong khi đó quyền được mặc những gì mình muốn, trong khi con trai không được dạy là phải tôn trọng người phụ nữ chứ không phải bình phẩm, đánh giá hay quấy rối phụ nữ kể cả khi họ không mặc bra.  Nếu những người đàn ông có quyền tự do cởi trần khi ra ngoài, thì phụ nữ cũng có quyền lựa chọn không mặc áo ngực khi xuất hiện ở những nơi công cộng.



Cuối cùng, mình xin được đính chính lại, đó là phụ nữ hiện nay không phải đấu tranh để không phải làm việc nhà mà là không muốn các việc liên quan đến nội trợ, ăn uống giặt giũ đều bị gắn liền là nghĩa vụ của người con gái. Con gái bọn mình phải biết làm việc nhà không phải để mai sau hầu hạ nhà chồng, mà biết làm việc nhà là để có một kỹ năng mai sau phục vụ bản thân, vì muốn cũng như cảm thấy cần kỹ năng đó. Mình từng về quê và bắt gặp chị dâu cả của mình phải nấu cơm, xong rồi cứ hí húi rửa bát, trong khi cánh đàn ông chỉ ngồi trên ghế và chờ bê mâm ra để ăn, rồi sau đó lại ngồi nói chuyện, tán gẫu tiếp và việc dọn dẹp vẫn là để con gái. Có phải sẽ hay hơn nhiều nếu như phụ nữ họ đã nấu cơm rồi thì mình nhậu xong, dọn dẹp, phụ một chút cho phụ nữ đỡ mệt. Chưa bao giờ mình mong muốn có một người chồng sẽ làm hết mọi việc cho mình, mà mình mong muốn chồng mình mai sau sẽ phụ giúp mình trong những công việc nhà. Giả dụ như, em nấu cơm thì anh rửa bát; em giặt quần áo thì anh phơi; em quét nhà thì anh lau nhà… Chứ không phải cứ tất cả việc nhà sẽ mặc nhiên là của người mẹ, người vợ, người chị. Bạn mình khi bước vào cuộc sống của một dân văn phòng đã phải thốt lên: “Tao hiểu tại sao phụ nữ Việt Nam lấy chồng xong đều không có thời gian làm đẹp rồi”. 5 giờ sáng dậy đi chợ cho cả ngày. 6 giờ chiều tan làm giờ hành chính, vội vội vàng vàng về chuẩn bị cơm nước, rửa dọn, giặt giũ, chỉ con học bài, là quần áo cho con cái, bản thân chuẩn bị cho ngày mai… Đến lúc xong xuôi hết tất cả mọi việc, ngẩng mặt lên đã là 10 giờ tối chỉ còn kịp nghỉ ngơi. 

Phụ nữ hiện đại bây giờ mình cảm thấy rất độc lập, tự chủ. Họ muốn được đi kiếm tiền để tiêu tiền mình kiếm một cách thoải mái, mua những món mình thích mà không phải xin ai. Chính vì vậy, họ cũng gánh rất nhiều áp lực giống như nam giới. Có rất nhiều chị đi làm nỗ lực để đạt được những chức vụ cao đến mức không dám đẻ con vì sợ đẻ xong bị mất đi những điều mình có bây giờ. Họ có rất nhiều thiệt thòi trong công việc, chính vì vậy họ rất cần sự cảm thông, quan tâm, san sẻ của người chồng. 

Mình không thể không thừa nhận khi ngày nay cũng có rất nhiều người đàn ông hiểu, yêu thương vợ và vô cùng tâm lý trong việc nhà và thậm chí có rất nhiều người đảm đang hơn cả vợ. Nhưng đa số, tư tưởng bảo thủ và gia trưởng vẫn còn hiện hữu rất nhiều tại Việt Nam. Bài viết này chỉ là quan điểm của mình về vấn đề bình đẳng giới cũng như nữ quyền cùng những sai lầm mình nhận thấy qua mấy ngày nay. Mình hoàn toàn mong muốn nhận được những lời nhận xét, đóng góp, thậm chí làp phản biện nếu các bạn cảm thấy có những quan điểm của mình là chưa đúng. Sau cùng, mình chỉ hi vọng xã hội sẽ có những sự thay đổi mang tính tiến bộ hóa, trong đó quyền con người và người phụ nữ Việt Nam hay toàn thế giới đều được đề cao và trân trọng hơn, không phải chịu bất kỳ sự bất công hay đối xử thậm tệ nào. Và mình cũng mong muốn rằng nhiều bạn nữ có thể hiểu được thế nào là nữ quyền thực thụ bởi vì "Bình đẳng giới là tốt nhưng lợi dụng bình đẳng giới để đòi hỏi vô lý là xấu".

Tác giả: Hà Trang-Nguồn Triết Học Tuổi Trè

Link gốc xem tại đây: Nữ Quyền – Thực Thụ Hay Thượng Đẳng? - YBOX