Bạo Lực Mạng: Trường Hợp Xảy Đến Với Người Nổi Tiếng Hàn Quốc

 Bạo Lực Mạng: Trường Hợp Xảy Đến Với Người Nổi Tiếng Hàn Quốc

Việc phát minh ra phương tiện truyền thông đã mang lại một số thay đổi tích cực cũng như tiêu cực trong xã hội toàn cầu. Tiếng nói của toàn nhân loại đang hợp sức để cùng tạo nên thứ mang quy mô còn lớn hơn cả chính họ, nhưng việc sử dụng mạng xã hội này thường bị đem ra lạm dụng và lợi dụng. Một hậu quả nghiêm trọng của hành vi lạm dụng trên chính là bạo lực mạng, một hiện tượng đang ngày càng phát triển làm xấu đi cái cách mà con người ta cư xử với nhau trên mạng Internet.

Thật vậy, việc sử dụng phương tiện truyền thông đang có sự tương quan tương thích với sự gia tăng mâu thuẫn trên mạng. Điều này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực tới cuộc sống cá nhân cũng như nghề nghiệp của nạn nhân, gây ra cho họ những cảm giác tiêu cực như thất vọng, tức giận và trầm cảm. Một nghiên cứu của Pew Research năm 2018  cho thấy phần lớn các thanh thiếu niên Hoa Kỳ (59%) đã phải trải qua một số hình thức bạo lực mạng. Điều này đã trở nên phổ biến hơn trong đại dịch COVID-19, theo L1ght, một công ty khởi nghiệp dựa trên AI cho biết các hành vi bạo lực mạng và lời nói căm thù đối với trẻ em và thanh thiếu niên trong khi trò chuyện trực tuyến tăng 70%. Hơn nữa, những lời nói và tội ác căm thù đối với người gốc Á, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, cũng lan rộng hơn và dường như là tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Trong lúc chúng ta chỉ đang nói về lạm dụng hoặc quấy rối trực tuyến nói chung thì điều thực sự cần chỉ ra ở đây chính là việc phụ nữ lại là nạn nhân chính. Và mặc dù tỷ lệ vẫn ngày càng tăng nhưng việc quấy rối trực tuyến dựa trên giới tính vẫn chưa được hiểu rõ về mặt xã hội, pháp lý hay học thuật. Chẳng hạn, ý tưởng về “cyberstalking” chỉ mới hoàn toàn được hợp pháp hóa gần đây với một phần lí do là bởi chúng có mối quan hệ chặt chẽ với loại tội phạm được biết đến nhiều hơn: ‘theo dõi “trực tiếp”’. Cụ thể, Lizzo , ứng cử viên Giải thưởng GRAMMY năm 2020 với hơn 1,4 triệu người theo dõi trên Twitter, đã buộc phải rời khỏi nền tảng xã hội này ngay lập tức do bị những kẻ troll trên mạng chỉ trích.

Do đó, bài viết này sẽ khám phá trường hợp của Hàn Quốc cũng như cách Internet - một nguồn thông tin quan trọng cả trong lĩnh vực giải trí lẫn liên lạc - đã đồng thời khiến người dùng nói chung của cả 1 đất nước, đặc biệt là những người nổi tiếng, gặp phải những tương tác nguy hiểm đe dọa đến sự nghiệp, cuộc sống cá nhân, sức khỏe tinh thần, và hậu quả kéo theo là sự an toàn của họ. Bài báo cũng sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cách bộ tư pháp của xứ sở Kim Chi đã xử lý tình huống này cho đến nay và liệu rằng các quy định hiện hành có hiệu quả trong việc mang lại sự thay đổi hay không.

Mối quan hệ dễ thấy giữa sao Hàn và K-Netizen

Hàn Quốc được đánh giá là một quốc gia đổi mới kỹ thuật số nhờ những tiến bộ công nghệ, là quốc gia đứng top 5 thế giới với tiềm năng kỹ thuật số. Điều này, đi liền với quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm nhờ sự hỗ trợ đến từ công nghệ kỹ thuật số, điều đó đã tạo điều kiện cho sự gia tăng của hiện tượng “bạo lực mạng” trên toàn quốc. Do tính ẩn danh mà internet mang lại, mọi người đều có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm khi ở trong không gian ảo. Theo một cuộc khảo sát năm 2020 được tiến hành trong nhóm tuổi trưởng thành từ 20 đến 50 ở Hàn Quốc về trải nghiệm của họ với bạo lực và bắt nạt trên mạng, khoảng 37,8% số người được hỏi cho biết họ vừa là thủ phạm cũng vừa là nạn nhân của bạo lực mạng. Tổng cộng, khoảng 65,8% số người được hỏi trả lời rằng họ đã từng trải qua bạo lực mạng với tư cách là thủ phạm hoặc nạn nhân. Theo Statista, vào năm 2020, 234 nghìn trường hợp bạo lực mạng đã được báo cáo cho cảnh sát Hàn Quốc, đánh dấu mức tăng khoảng 54 nghìn trường hợp chỉ trong vòng một năm. Việc ngày càng có nhiều người nổi tiếng hoạt động tích cực trên mạng xã hội cộng với sự gia tăng đến đáng sợ các vụ quấy rối trực tuyến cho thấy bạo lực mạng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển xã hội không mong muốn này.

Nguồn gốc của tội phạm mạng như vậy phần nào có mối liên hệ với các đặc điểm xã hội của một đất nước, mà theo tôi, đây là những yếu tố quan trọng góp phần gây ra sự xuất hiện của đại dịch ngôn từ kích động thù địch trên mạng này. Tác động của Nho giáo thể hiện rõ trong khuôn khổ xã hội dựa trên quyền lực, thứ bậc và sự độc đoán của đất nước, điều này có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng và chênh lệch quyền lực trong xã hội Hàn Quốc. Khi ai ai cũng cố gắng chế ngự người khác cả trong nơi làm việc lẫn ngoài xã hội, việc bạo lực offline và online đã quá tràn lan phổ biến, với đất nước mà mạng xã hội trở thành một lời nguyền hơn cả một phước lành. Hơn một nửa dân số Hàn truy cập Internet thông qua một trong những kết nối trải rộng dài và nhanh nhất thế giới cùng với tính ẩn danh mà Internet mang lại, mọi người đều có thể thể hiện bản thân một cách tự do hơn rất nhiều. Trong trường hợp đó, nếu không được sàng lọc đúng cách hay giám sát sát sao, một số bạn trẻ sẽ có thể biến thành những kẻ bắt nạt trên mạng. Thanh thiếu niên không được khuyến khích bày tỏ suy nghĩ của mình với cha mẹ, thầy cô và sau này là cả cấp trên khi họ sống trong một xã hội mà vẫn bị những tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng. Kết quả là, họ đã sử dụng Internet như một cách để thoát khỏi sự kìm kẹp từ các nhân vật có thẩm quyền rồi cứ thế tự do bày tỏ ý kiến của bản thân. Thật không may, điều này thường dẫn đến việc giải phóng vô tội vạ các cơn thịnh nộ bị dồn nén dưới dạng lời nói chỉ trích và bình luận ghét bỏ trên mạng.

Ở đây, ta cũng cần nhắc đến một hiện tượng tại xứ sở Kim Chi “cư dân mạng”, một thuật ngữ được người Hàn sử dụng rất phổ biến để mô tả những người sống trong “mạng điện tử chung” của Internet. Hauben đã đặt ra thuật ngữ “Netizen” (“Net = Internet” + “citizens = công dân”)  = “Netizen”) để chỉ “Net Citizens” sử dụng internet từ nhà, nơi làm việc, trường học và thư viện cùng với những nơi khác. Tại Hàn Quốc, nơi các công cụ truyền thông internet được triển khai rất hiệu quả, cư dân mạng cứ thế trở thành những nhà cầm quyền chính trị và xã hội dù chỉ thông qua các bình luận đăng trên các diễn đàn trực tuyến. Có thể các bình luận hoặc bài đăng của cư dân mạng Hàn không tệ hơn của cư dân mạng từ các quốc gia khác, nhưng do xã hội và các giá trị truyền thống của đất nước này mà ảnh hưởng của họ có thể lớn hơn. Ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, mọi người dựa vào các tay săn ảnh chuyên nghiệp và các hãng tin tức để cập nhật cuộc sống cá nhân của những người nổi tiếng hay những tin tức nóng hổi khác. Ngược lại, Hàn Quốc dường như lại là một ngoại lệ, khi những bình luận trực tuyến của cư dân mạng thường được coi trọng hơn cả.


Người nổi tiếng là nạn nhân của lạm dụng trực tuyến.

Lá chắn ẩn danh trực tuyến mang lại là một lợi thế cho cư dân mạng, giúp họ ẩn nấp trên internet mà không bị chú ý và cứ thế đàn áp những người nổi tiếng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi để lại bình luận gay gắt về những bức ảnh trên mạng của một người nổi tiếng thứ gây ra thiệt hại khôn lường đến mức họ dẫn đến quyết định tự kết liễu đời mình? Thật vậy, những người nổi tiếng đã trở thành mục tiêu nổi bật của các cuộc bạo lực mạng từ cư dân mạng Hàn Quốc do sự phát triển văn hóa đại chúng của đất nước này. Dù người nổi tiếng này có là ai, nhưng nếu họ theo đuổi bất cứ điều gì trái với chuẩn mực xã hội đều có thể bị mang ra chỉ trích bất cứ lúc nào; chỉ một vài cú nhấp chuột trên bàn phím và toàn bộ sự nghiệp của một người nổi tiếng, đôi khi là sự an toàn của người nọ đều có thể bị đe dọa.

Ngày nay, nạn bạo lực mạng ở Hàn Quốc đã trở nên phổ biến trên cả các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và KakaoTalk, nơi những anti-fan lấp đầy dưới phần bình luận của người nổi tiếng bằng những lời lẽ gay gắt ngay khi họ chỉ vừa mới chia sẻ một bức ảnh hay bày tỏ cảm xúc của mình trên mạng. Và đối với những nhân vật có tầm ảnh hưởng, đây không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần; họ phải đối phó với việc này thường xuyên. Những người nổi tiếng luôn được thần tượng hóa và xã hội Hàn Quốc thì dường như luôn kỳ vọng vào sự hoàn hảo từ những thần tượng này. Dù thế nào đi nữa, ai cũng đều có sai sót và phải chịu sự chỉ trích theo cách này hay cách khác, và với việc các ngôi sao được yêu thích tại Hàn bị đem ra soi dưới kính hiển vi như cơm bữa thì chẳng có gì là lạ khi họ thường xuyên trở thành nạn nhân của bạo lực mạng hay chỉ trích trực tuyến. Một ví dụ bi thảm gần đây về tác hại của hành vi quấy rối trực tuyến là trường hợp của Kim In-hyeok, một vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp đã tự tử tại nhà riêng ở thành phố Suwon vào ngày 4 tháng 2 năm 2022. Trong phần lớn sự nghiệp thi đấu của mình, Kim đã phải hứng chịu hàng loạt bình luận xúc phạm về ngoại hình cũng như những tin đồn về giới tính của anh ấy. Trong một bài đăng vào tháng 8 năm 2021, Kim In Hyuk đã lên án những người chỉ trích mình trên Instagram, trong bài đăng anh viết rằng: “Tất cả những hiểu lầm mà tôi đã làm ngơ trong suốt mười năm qua. Tôi cứ nghĩ tốt nhất là cứ lờ họ đi, nhưng giờ tôi mệt mỏi rồi. Không một ai trong số các người từng nhìn thấy tôi ở khoảng cách gần, cũng chẳng một ai hay biết gì về tôi, nhưng vẫn liên tục bắt nạt tôi bằng những bình luận ác ý của bản thân. Làm ơn dừng lại đi. Tôi quá mệt mỏi với chúng rồi.” Thật đau lòng khi chứng kiến anh ấy phải biện minh cho chính mình với mọi người trên mạng, đưa ra những lời giải thích liên quan đến cuộc sống cá nhân và nài xin những bình luận ghét bỏ trên mạng hãy dừng lại. 

Sulli, ca sĩ kiêm diễn viên Hàn Quốc đã tự kết liễu đời mình vào năm 2019, là một nạn nhân khác của bạo lực trên mạng. Cô là mục tiêu công khai của các “anh hùng bàn phím”, nhiều người trong số họ chỉ trích hành động của cô là cực đoan, từ trang phục cho đến những bức ảnh cô chia sẻ trên mạng. Theo những người bạn thân của cô, những bình luận ác ý trực tuyến mà cô nhận được đã khiến cô chán nản đến mức không thể quay đầu. Vụ tự tử của cô đã châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ đối với việc các công ty quản lý không bảo vệ các ngôi sao của họ khỏi "fandom độc hại" đồng thời họ kêu gọi chính phủ hành động chống lại hành vi bắt nạt trên các diễn đàn internet nổi tiếng, nơi người dùng có thể đăng bài ẩn danh. Mặc dù cái chết của Sulli đã khiến các cổng thông tin điện tử Naver và Daum phải đồng loạt đóng phần bình luận về tin tức thể thao và giải trí, nhưng những kẻ bắt nạt trên mạng hiện đã chuyển sang các trang truyền thông xã hội toàn cầu, chẳng hạn như YouTube và Instagram. Kết quả là, mặc dù ngày càng có nhiều trường hợp về bạo lực mạng và các vụ tự tử được báo cáo, nhưng lực lượng cảnh sát Hàn Quốc vẫn phải đấu tranh để đưa ra các cáo buộc. Vào năm 2019, các nhà lập pháp của quốc gia này đã ủng hộ việc ban hành một luật mới nhằm đưa việc giáo dục về bắt nạt mạng bắt buộc ở tất cả các trường học. Lời kêu gọi hành động được đưa ra sau khi hiện tượng K-pop Goo Hara tự tử chưa đầy hai tháng sau vụ của Sulli, cũng vì hành vi bạo lực phụ nữ trực tuyến tương tự, khơi mào lên chiến dịch chống bạo lực mạng.

Cuối cùng, trừ khi công lý được thi hành cho những kẻ bắt nạt trực tuyến và cho đến khi luật pháp bắt kịp để ngăn chặn hành vi quấy rối ảo và lời nói căm thù, thì các vụ tự tử dường như là không thể tránh khỏi. Có vẻ như hành vi quấy rối trực tuyến chỉ dừng lại khi nạn nhân quyết định chuyển sang chế độ riêng tư. Chính quyền Hàn Quốc, cũng như người dân nói chung, cần chủ động giải quyết vấn đề này, tuân theo chính sách không khoan nhượng đối với bạo lực mạng. Cần có những hành động pháp lý thích hợp và có trọng lượng được thực hiện trên tất cả các mặt trận chống lại những bình luận ác ý nhắm vào các nghệ sĩ Hàn Quốc. Tuy nhiên, để đạt được điều này, sự hỗ trợ của xã hội Hàn Quốc nắm phần then chốt. Cuối cùng thì, những thay đổi do chính quyền đưa ra sẽ chỉ phù hợp nếu xã hội nhận ra mức độ nghiêm trọng của hoạt động trực tuyến ác ý đó và khuyến khích mọi người kiềm chế đăng những bình luận gây tổn thương.