Canh Cánh Nỗi Lo Bạo Lực Học Đường

Canh Cánh Nỗi Lo Bạo Lực Học Đường

Nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng, bạo lực học đường đang là vấn đề được chú trọng, đồng thời làm đau đầu nhiều chuyên gia ngành giáo dục. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, toàn quốc xảy ra hơn 1500 vụ học sinh đánh nhau chỉ trong một năm học, kết quả không ít trường hợp bị xử lý thôi học. Từ các báo cáo cho thấy, tình trạng bạo lực học đường xuất hiện tại mọi cấp học, len lỏi vào từng thành phần học sinh với mức độ ngày càng gia tăng cùng với nhiều hệ lụy nghiêm trọng. 

Bạo lực học đường được giải thích là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, xúc phạm, trấn áp người khác, gây nên tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong lứa tuổi học sinh hoặc trong phạm vị trường học. Ngoài tấn công bằng lời nói và bắt nạt giữa học sinh với nhau, bạo lực học đường cũng bao gồm cả những hình phạt thể chất đến từ phía giáo viên, nhà trường. 


Bạo lực học đường mang lại hậu quả gì, vì sao?

Trước hết, dễ dàng nhận thấy nhất chính là thiệt hại và tổn thương về mặt thể chất mà đối tượng bị bạo lực phải gánh chịu. Những trận ẩu đả giữa cá nhân hay nhóm bạn bè không chỉ xảy ra với các nam sinh mà còn không ít các nữ sinh. Cách thức xử lý bằng hình phạt thể chất như đòn roi hay mắng nhiếc học sinh khi các em chỉ vi phạm những lỗi cơ bản mà ai từng là học sinh cũng đều mắc phải của một số giáo viên, đã góp phần không nhỏ biến trường học mâu thuẫn với sứ mệnh cao cả của nó. 

Song song với thương tổn trên cơ thể, nỗi ám ảnh tinh thần sẽ khiến học sinh bị bạo hành gặp phải vấn đề tâm lý, thậm chí nghiêm trọng hơn là các em sợ hãi việc phải đến trường. Từ đó, việc phát triển một cá thể của xã hội trở nên thất bại, nếu không ngừng gia tăng sẽ kéo tương lai của một quốc gia vào tăm tối. 

Đáng chú ý là hành vi bạo lực ở môi trường học đường thường bắt nguồn từ mâu thuẫn vặt vãnh giữa bạn bè, sau cùng lại thành ra những cuộc xô xát không thể kiểm soát. Dù ở nông thôn hay thành thị, bạo lực học đường đang dần lan rộng, không chỉ dưới hình thức đánh nhau, chửi rủa mà còn nhiều hành động đe doạ, khủng bố tinh thần. Báo động hơn nữa, không ít các án mạng thương tâm gây náo loạn dư luận phát khởi từ bạo lực học đường. 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, gồm cả chủ quan lẫn khách quan. Cụ thể xuất phát từ phía học sinh, nhà trường, gia đình và xã hội.  

Học sinh hoặc sinh viên đang trong độ tuổi thiếu niên cho đến thanh niên chính là đang trong giai đoạn quan trọng của việc định hình tính cách và nhân phẩm. Do đó, bên cạnh quá trình học tập còn phải đối mặt với nhiều sự chuyển biến ở mặt thể chất và mặt tâm sinh lý. Bởi vì mọi thứ còn chưa được định hình rõ ràng, nên học sinh là các đối tượng dễ bị vướng vào ảnh hưởng của thế lực tiêu cực trong xã hội, gần gũi nhất là nơi các em dành thời gian nhiều nhất - trường học. Nếu chịu sự kích thích hoặc tác động bởi các nhân tố độc hại, các em có thể bắt chước và học theo, lâu ngày vô thức hình thành tâm lý muốn trêu chọc, ức hiếp kẻ yếu thế hơn mình. Đây cũng có thể xếp là nguyên nhân hàng đầu tạo nên vấn nạn bạo lực học đường. 

Ngoài nhiệm vụ chính là cung cấp kiến thức và kỹ năng, nhà trường còn phải giáo dục đạo đức, tình cảm để tạo môi trường phát triển lành mạnh. Khi chương trình đào tạo của nhà trường không hợp lý hoặc không phát huy được các điều kiện mà một tổ chức giáo dục cần có, sẽ là nền tảng cho các hiện tượng tiêu cực mà chủ yếu là bạo lực học đường. 

Dù vậy, trong công cuộc giáo dục và xây dựng phẩm cách một con người thì nhà trường chỉ đứng thứ hai. Chiếm giữ vai trò quan trọng bậc nhất không gì khác ngoài gia đình. Trên thực tế, gia đình là môi trường chứa đựng các yếu tố mật thiết tác động trực tiếp vào tâm lý và chi phối cách hành xử của một con người từ nhỏ đến lớn. Biết tôn trọng người khác, kính trên nhường dưới hay ngược lại, phần lớn dựa vào ảnh hưởng của gia đình. Trong giai đoạn hình thành nhân cách của thanh thiếu niên, mọi tác động xấu từ gia đình đều vô cùng bất lợi, thậm chí gây nên lệch lạc về quan niệm và giá trị sống, đôi khi dẫn đến bạo lực học đường. 

Ngoài ra, xã hội cũng là một trong số các nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường lây lan. Thời đại công nghệ tiên tiến như hiện nay, học sinh không khó để tiếp cận với phim ảnh, trò chơi điện tử ẩn chứa nội dung dã man, bạo lực. Với tốc độ phát tán gần như tức thời trên mạng xã hội, những chủ đề tiêu cực đó vừa thu hút trí tò mò của tuổi mới lớn, vừa bám rễ vào đầu óc chưa có sự đề phòng. Có cả trường hợp mọi người xung quanh chứng kiến bạo lực học đường diễn ra nhưng thờ ơ và không can thiệp. Thiết nghĩ, muốn xã hội cùng nhau hoàn thiện thì việc bài xích các vấn nạn nên là trách nhiệm của mỗi cá nhân. 


Không thể để bạo lực học đường hoành hành!

- Đối với học sinh: Muốn có tương lai xán lạn và cuộc sống tốt đẹp, trước khi cắm đầu vào tiếp thu những kiến thức sách vở, bản thân mỗi học sinh cần ghi nhớ “tiên học lễ, hậu học văn”. Cần nhìn nhận khách quan rằng pháp luật nói chung và nội quy trường học nói riêng không phải là công cụ thu hẹp quyền tự do của con người, mà là ranh giới bảo vệ con người tránh khỏi ảnh hưởng xấu. Người càng sáng suốt là người phân định minh bạch đâu mới là điều hay lẽ phải đáng học theo. Nếu cần thiết, học sinh có thể tìm hiểu các biện pháp tâm lý để khống chế bản thân khi nóng giận hoặc tham gia rèn luyện sức khỏe bằng cách chơi thể thao. Riêng các học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường phải chia sẻ cho gia đình hay thầy cô. Việc giấu giếm rồi âm thầm chịu đựng là cách giải quyết tệ hại nhất trong tình huống này. 

- Đối với nhà trường và giáo viên: Các môn kỹ năng sống cần được đảm bảo không phải về thời lượng mà là chất lượng. Mọi hoạt động thi đua nhất định phải diễn ra công bằng, lành mạnh thay vì tạo ra trong học sinh suy nghĩ hơn thua, đấu đá. Đặc biệt, giáo viên - người tiếp xúc gần nhất với các em, quan tâm và nắm bắt kịp thời tình hình học sinh của mình để can thiệp kịp thời khi vấn đề xảy ra. Tuyệt đối không được dùng chính bạo lực để xử phạt khi học sinh mắc lỗi. Giáo viên cũng là người hỗ trợ nhanh nhất đối với các nạn nhân của bạo lực học đường. 

- Đối với gia đình: Điều tối kỵ dành cho các bậc phụ huynh là không được thể hiện hành vi bạo lực trước mặt con. Một người lớn lên trong tình thương và sự bảo vệ của gia đình, nhất định sẽ giàu tình cảm và che chở cho người khác chứ không phải bàng quang hay cổ vũ bạo lực học đường. Trách nhiệm nuôi dạy là để chia sẻ chứ không phải đổ hoàn toàn cho nhà trường dù cho bận đến mấy đi nữa. 

Bạo lực học đường không phải là vấn đề gì mới mẻ, song, suốt nhiều năm qua luôn là nỗi lo lắng trong xã hội. Thời gian gần đây, hiện trạng này đang trong tư thế báo động, dù ở nhà nước nào, cộng đồng nào, ở nơi nào, đều mong muốn kiểm soát và khắc phục. Dư luận cũng đặc biệt để tâm và e ngại không kém. Muốn thế hệ kế thừa đất nước được phát triển toàn vẹn, ai nấy cần phải chung lưng đấu cật đẩy lùi những hình ảnh tiêu cực trong môi trường giáo dục. Có vậy thì vấn nạn bạo lực học đường mới được giải quyết triệt để. 


--------------------------------

Tác Giả: Anh Thư-Triết Học Tuổi Trẻ

Link gốc: https://ybox.vn/triet-hoc-tuoi-tre/canh-canh-noi-lo-bao-luc-hoc-duong-63e0655e4f48f1350542fa7a