Tổng hợp các lỗi nguỵ biện (Fallacy) trong giao tiếp và tranh biện (Phần 1)

 


Những ngày vừa qua nhóm bọn mình vấp phải một số cuộc tranh cãi (hoặc tranh biện, tuỳ cách nghĩ) với một số cá nhân liên quan đến việc trầm cảm và tự sát. Mình nhận thấy một vài bạn lôi cụm từ “debate” ra để làm khó dễ những người muốn đưa ra ý kiến phản biện lại ý kiến của các bạn cũng như giải thích vì sao suy nghĩ của các bạn ấy là không hợp lý. Mình cũng có tò mò theo dõi thì phát hiện các bạn ấy mắc rất nhiều lỗi nguỵ biện trong tranh biện, nhưng lại liên tục viện dẫn đến những hình thức và gắn mắc debate, trong khi lại chẳng phát hiện ra các lỗi của bản thân mình.

Bản thân mình đã được học về lỗi nguỵ biện (fallacies) trong lớp Triết học Luận lý. Các lỗi nguỵ biện cơ bản và mở rộng đều được dạy trong lớp này. Nhân dịp mọi người tranh luận và liên tục nhắc đến debate lẫn fallacy, thì mình cũng muốn viết một bài tổng hợp các lỗi nguỵ biện trong tranh biện để mọi người tham khảo, cũng chỉ xem xét lại bản thân mình có từng mắc các lỗi như vậy trong quá trình tranh biện hoặc giao tiếp trong cuộc sống không.

Tất nhiên là trong giao tiếp thường ngày, chúng ta không quan tâm nhiều lắm đến các lỗi nguỵ biện. Nhưng điều đó không có nghĩa là các lỗi nguỵ biện không được áp dụng cho các cuộc đối thoại thông thường. Vì thế mình hi vọng những bài viết này sẽ có ích và giúp các bạn tranh biện tốt hơn, và có thể dẹp bỏ những thứ vớ vẩn không liên quan trọng quá trình giao tiếp và bảo vệ ý kiến của mình trong tranh biện.

Bởi vì có tổng cộng khoảng 25 loại fallacy khác nhau (kèm một đống fallacy con), nên mình chia ra nhiều bài để viết, và khi viết xong mình sẽ tổng hợp thành một quyển mini booklet cho các bạn nhé. Trong tất cả bài viết, mình sẽ thường xuyên dùng từ fallacies để chỉ các lỗi nguỵ biện.

Disclaimer: Bài viết này mang tính tham khảo, dựa trên những gì mình đã được học. Từ ngữ được dịch sang tiếng Việt có thể chưa chính xác 100%, but welp, you got the idea. Và những bài viết này cũng không có bất cứ ý định công kích cá nhân nào. : )

Lỗi nguỵ biện (fallacies) là gì? 

Lỗi nguỵ biện là các sai lầm trong lập luận và tư duy ảnh hưởng đến sự nhận biết và hiểu thấu của chúng ta về một chủ đề nào đó. Những nguỵ biện này bóp méo suy nghĩ, đưa chúng ta đến những kết luận sai hoặc lỗi. Thông thường, những lỗi nguỵ biện mang tính vị kỷ (egocentric), và vị chủng (ethnocentric) xuất hiện rất nhiều.

Thông thường, fallacies được chia thành hai nhóm chính: fallacies chính thống (formal fallacies) và fallacies không chính thống (informal). Fallacies chính thống đươc xác định bằng việc xác định và kiểm tra cấu trúc của một lập luận.

Một ví dụ của fallacies chính thống là:

Tất cả các hành động xả rác là việc không văn minh 

Tất cả hành vi gây náo loạn đường phố là việc không văn minh

Vì vậy, tất cả cách hành động xả rác là hành vi gây náo loạn đường phố 

Các bạn có thể dễ dàng thấy được lập luận của câu này sai ở đâu. Và cấu trúc của lập luận này là:

Tất cả A là B

Tất cả C là B

=> Do đó, tất cả A là C 

Một ví dụ khác của fallacies chính thống:

Nếu bạn đi ngủ sớm, bạn sẽ có sức khoẻ tốt

Tôi là người có sức khoẻ tốt

Điều này có nghĩa tôi luôn ngủ sớm 

Lập luận của câu này bị lỗi ở điểm rằng một người vẫn có thể có sức khoẻ tốt mặc dù anh ta không đi ngủ sớm. Nếu một việc là tiền đề xảy ra của một việc khác, thì sự ngược lại không nhất thiết phải xảy ra. Cấu trúc của lập luận này: 

Nếu A thì B 

B.

=> A.

Lưu ý: Fallacies chính thống chỉ được tìm thấy trong các lập luận diễn dịch (deductive arguments) có những cấu trúc có thể nhận dạng được.

Lỗi nguỵ biện không chính thống

Fallacies không chính thống xuất hiện phổ biến và đa dạng hơn, đặc biệt là nó xuất hiện trong các lập luận mang tính quy nạp. Fallacies không chính thống là những lỗi nguỵ biện chúng ta chỉ phát hiện được khi kiểm tra chính nội dung của lập luận.

Một ví dụ đơn giản của fallacies không chính thống:

Cầu Trường Tiền được cấu thành bởi các nguyên tử

Các nguyên tử là vô hình

Do đó, cầu Trường Tiền là vô hình 

Để phát hiện lỗi sai của lập luận này, chúng ta phải biết được sự thật rằng cầu Trường Tiền là một thực thể to lớn và hữu hình, mặc dù các nguyên tử cấu thành của nó nhỏ đến mức được xem là vô hình.

Một ví dụ khác:

Người chơi bóng rổ là một con người

Vì vậy, một người chơi bóng rổ tồi tệ là một con người tồi tệ 

Để hiểu lỗi sai của lập luận này, chúng ta phải biết rõ về định nghĩa từ “tồi tệ” sẽ có các sắc thái khác nhau như thế nào. Và việc một người chơi bóng rổ tệ không định nghĩa con người anh ta là một người tồi tệ.

Bắt đầu từ bây giờ, mọi người hãy cùng mình đi qua 25 lỗi lập luận không chính thống, được chia thành 5 nhóm chính nhé.

A. Lỗi nguỵ biện liên quan (Fallacies of Relevance)

  1. Nguỵ biện cưỡng ép (Appeal to Force)

Lỗi nguỵ biện cưỡng ép xuất hiện khi một người A đưa ra một kết luận và ép buộc người B phải chấp nhận kết luận đó, đồng thời ngầm ám chỉ hoặc tuyên bố rằng nếu B không nghe theo thì B sẽ bị tổn hại theo cách nào đó. Lập luận này thường đi kèm với sự đe doạ (trực tiếp hoặc ngầm chỉ) đến cơ thể, lợi ích, hoặc danh tiếng của một người hoặc một nhóm người.

Ví dụ của nguỵ biện cưỡng ép.

Bé Sam nói với bé Sung: “Doraemon là phim hoạt hình của Pháp. Nếu cậu không tin, tui sẽ gọi chị gái tui đến đánh cậu.” 

Phóng viên A nói với ca sĩ B: “Tôi xứng đáng có được một cuộc phỏng vấn về đời tư của cậu. Cậu biết là tôi thân thiết với ông chủ toà báo lớn của thành phố như thế nào, và tôi hi vọng cậu không muốn ông ta biết về sự kiện xấu hổ của cậu ngày hôm qua.” 

Ví dụ đầu tiên liên quan đến sự tổn thương về cơ thể, ví dụ thứ hai liên quan đến danh tiếng và có thể là cả sự nghiệp. Mặc dù không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh kết luận là đúng (Doraemon là hoạt hình Pháp và tay phóng viên xứng đáng có cuộc phỏng vấn), cả hai ví dụ cho thấy rằng đối tượng sẽ bị tổn hại nếu như không chấp nhận kết luận đó. Và sự đe doạ là một thứ hoàn toàn không liên quan đến nội dung của kết luận. Và mặc dụ có thể bé Sung chấp nhận Doraemon là hoạt hình Pháp, không có nghĩa đó là sự thật.

Ví dụ phổ biến ở Việt Nam:

“Mày lo làm cái này đi không tao đánh mày bây giờ!”

2. Nguỵ biện thương cảm (Appeal to Pity)

Đây là một lỗi nguỵ biện xuất hiện rất, rất thường xuyên và thậm chí người lập luận cũng không hề nhận ra là mình đang vấp phải lỗi này. Fallacy này xuất hiện khi một lập luận cố gắng bảo vệ kết luận của mình bằng cách khơi gợi sự thương cảm, xúc động, thương hại từ người đọc hoặc người nghe.

Ví dụ của nguỵ biện thương cảm:

Học sinh nói với giáo viên: “Lý do em gian lận và vì em không còn cách nào khác. Tối hôm qua em sốt nặng. Và nếu em bị điểm kém bố mẹ em sẽ đánh em rất nhiều, hơn nữa còn cắt tiền ăn sáng của em.”

Kết luận của câu này là: “Em không đáng phải bị phạt.” Và chúng ta có thể nhận thấy hoàn cảnh tội nghiệp của bạn học sinh không liên quan và bảo vệ kết luận của bạn về mặt logic, nhưng xét về khía cạnh tâm lý thì nó có dính dáng với nhau. Đó là lý do tại sao nhiều người sử dụng nguỵ biện này một cách vô ý (hoặc cố ý) vì con người dễ nhìn thấy sự liên quan, nhưng xét về lập luận thì nó chẳng liên quan tí nào.

Một ví dụ khác:

“Nhưng tôi vẫn bảo vệ quan điểm rằng cái sự phát triển ko phanh của bộ phận lớn xã hội đó đe dọa đến các vấn đề nhận thức về lịch sử, văn hóa địa phương, mà ở đây là trong 1 ngày mà có thể coi là đáng ghi nhớ khi hàng nghìn người ngã xuống vì độc lập tự do thì một sự kiện khác lại chiếm ưu thế. Tôi đau nhưng tôi chỉ có thể đau vì lịch sử nước nhà không còn được coi trọng.” 

Lập luận này mang trong mình khá nhiều lỗi. Nhưng trước hết chúng ta thấy lỗi nguỵ biện thương cảm của người phát biểu. Bạn ấy đau vì lịch sử nước nhà không được coi trọng. Nhưng “sự đau” của bạn ấy không nhất thiết làm cho việc “lịch sử nước nhà không còn được coi trọng” là đúng.

Một ví dụ điển hình khác:

“Em sẽ không thể sống nổi nếu đời anh thiếu em. Anh phải ở cạnh em.”

Lưu ý: Có một số lập luận có đi kèm với những câu nói gợi lên sự đồng cảm của người khác, và nó thật sự góp phần làm vững chắc kết luận thì đó không phải là lỗi nguỵ biện. Ví dụ: “Chúng ta nên có những chương trình giúp đỡ người sống bên dưới ngưỡng nghèo. Vì cuộc sống của họ cơ cực, họ không có đủ điều kiện giáo dục và y tế. Ngay cả những nhu cầu vật chất cơ bản họ cũng không có được.”

3. Nguỵ biện liên quan đến con người (Appeal to people)

Hầu hết mọi người đều mong muốn được yêu thương, tôn trọng, vinh danh, hay chấp nhận bởi những người khác. Fallacies liên quan đến con người đã lợi dụng điều này để có vị thế của nó trong giao tiếp.

Cấu trúc khái quá của fallacy này: Nếu bạn muốn được yêu thương/chấp nhận/có vị trí trong nhóm… thì bạn phải chấp nhận điều này là đúng. 

Ba kiểu hình của fallacies này là: lập luận đảng phái (bandwagon argument)nguỵ biện phù hoa (appeal to vanity),  nguỵ biện trưởng giả làm sang (appeal to snobbery). Những nguỵ biện này đôi khi có thể chồng chất lên nhau.

Ví dụ của lập luận đảng phái:

“Vì 94% lớp mình đều đi học thêm Văn, nên tất nhiên cậu cũng phải đi học thêm văn.”

Fallacy này tập trung vào cảm giác an tâm, cảm giác là một phần của số đông xã hội, từ đó người nghe chấp nhận rằng lập luận này là hợp lý. Mặc dù sự thật là nếu bạn đã xuất sắc hoặc chẳng thích học Văn thì bạn chả cần đi học thêm làm gì cả.

Ví dụ của nguỵ biện phù hoa:

“Vì Tóc Tiên dùng áo khoác Dior, tôi cũng có thể mặc Dior để có thể đẹp và được yêu thích như cô ấy.”

Fallacy này tập trung vào việc gắn liền một sản phẩm với một nhân vật mà bạn hoặc nhiều người yêu quý, ngưỡng mộ, khiến cho người nghe cũng muốn sở hữu sản phẩm đó. Mặc dù trong thực tế bạn có thể mặc Dior và không ai đoái hoài đến bạn. (just kidding :p)

Ví dụ của nguỵ biện trưởng giả làm sang xuất hiện trong những tình huống tương tự:

Mẹ nói với bé “Con muốn được khoẻ mạnh đẹp trai như thuỷ thủ Popeye thì phải ăn rau bina hằng ngày.”

4. Lập luận chống lại cá nhân (Against the Person)

Đây là fallacy xuất hiện khi người đưa ra lập luận thay vì tấn công vào lập luận của người thứ nhất  thì sẽ tấn công trực tiếp vào bản thân con người của người đó.

Nguỵ biện lập luận chống lại cá nhân xuất hiện ở ba cách thức: tấn công cá nhân (ad hominem abusive)tấn công hoàn cảnh cá nhân (ad homimen circumstantial) và nguỵ biện bạn cũng thế (tu quoque).

Trong fallacy tấn công cá nhân, người B trả lời lại lập luận của người A bằng việc công kích người A bằng ngôn từ. Một ví dụ của fallacy này:

“Tiến Sĩ B.H nhận định rằng hệ thống chữ quốc ngữ cần phải thay đổi. Nhưng ông ta là một người đàn ông già, và tự cho mình là đúng. Rõ ràng lập luận của ông ta không đáng phải nghe theo.”

Một ví dụ về lập luận mang fallacy này nhưng không tấn công một cách quá rõ ràng và trực tiếp:

“Cô gái đó tranh cãi rằng chúng ta đang thiếu những chương trình giáo dục về người chuyển giới nhằm tạo điều kiện cho công chúng biết thêm về người chuyển giới. Nhưng cô ta rõ ràng không phải người chuyển giới và không có trải nghiệm tiếp xúc nhiều về người chuyển giới. Thế nên ý tưởng của cô ta là vô giá trị.”

Rõ ràng, việc tiến sĩ B.H lớn tuổi hay tự cho mình là đúng, hay cô gái đó không phải người chuyển giới không hề giúp ích cho lập luận rằng ý tưởng của họ là đáng bác bỏ.

Trong fallacy tấn công hoàn cảnh cá nhân, người B lập luận rằng người A đưa lập luận như vậy vì nó có lợi cho hoàn cảnh của anh ta. Ví dụ của fallacy này:

“Cô gái đó tranh cãi rằng chúng ta đang thiếu những chương trình giáo dục về người chuyển giới nhằm tạo điều kiện cho công chúng biết thêm về người chuyển giới. Rõ ràng cô ta sẽ nói như vậy, cô ta là người chuyển giới mà. Chưa kể cô ta có thể được đứng đầu tổ chức những chương trình đó nữa. Thế nên chúng ta nên bác bỏ ý tưởng này.”

Lỗi ở lập luận này ở chỗ, việc cô ta tình cờ là người chuyển giới, hay trở thành người tổ chức không liên quan đến lập lập của cô ta về việc tổ chức các chương trình, và hoàn cảnh đó không hợp lý để chúng ta bác bỏ ý tưởng của cô ấy.

Fallacy “bạn cũng thế,” cố gắng khiến cho người thứ nhất xuất hiện như một người đạo đức giả hay đang lập luận một cách tự ti và yếu ớt. Fallacy này hay xuất hiện dưới dạng: “Sao anh dám bảo tôi không được làm điều này, khi mà anh cũng làm điều đó!” hoặc ý tương tự. Một ví dụ đơn giản:

“Diễn giả T luôn chỉ dẫn người khác về cách gìn giữ hạnh phúc gia đình, và giá trị của một gia đình êm ấm. Nhưng ông ta là ai mà dám nói vậy? Ông ta đã ly dị hai lần, và đã từng có tin đồn ông ta đã hắt hủi người vợ thứ nhất của mình. Rõ ràng, những lời ông ta nói là rác rưởi.”

Các bạn lưu ý là trong một số trường hợp, những nhận xét (đúng) về một cá nhân có thể làm mạnh thêm lập luận. Ví dụ: “Vì ông ta chưa được đào tạo về chuẩn đoán và trị liệu tâm lý, nên những lời chuẩn bệnh của ông ta là không có cơ sở cho chúng ta nghe theo.”

Mình nhận thấy lỗi nguỵ biện tấn công cá nhân này xuất hiện rất nhiều trong các cuộc tranh cãi trên mạng. Nhiều bạn không tấn công vào lập luận mà mắng nhiếc, chỉ trích, hoặc hạ nhục người khác. Mọi người hãy tránh lỗi ngày nhiều nhất có thể nhé.

5. Nguỵ biện ngẫu nhiên (Accident)

Nguỵ biện ngẫu nhiên xuất hiện trong trường hợp một quy luật chung được gán ghép cho một trường hợp riêng biệt cụ thể nào đó mà quy luật này không có ý bao trùm. Thông thường, quy luật chung đó cũng sẽ được nhắc đến trực tiếp hoặc gián tiếp trong tiền đề, và sau đó là kết luận mang lỗi nguỵ biện ngẫu nhiên.

Ví dụ về fallacy này:

“Quyền tự do ngôn luận là một quyền cơ bản cho mọi người. Do vậy, cậu học sinh kia không đáng bị lên án bởi phát ngôn vừa rồi của mình, mặc dù nó đã khiến bao nhiêu người bị tổn thương về mặt tâm lý và kích động một đại bộ phận cư dân mạng.”

Trong ví dụ này, đúng là con người chúng ta có quyền tự do ngôn luận, và nó được áp dụng vào hầu hết các trường hợp, và trường hợp cụ thể ở đây là phát ngôn của cậu học sinh. Bởi vì phát ngôn của cậu ta đã làm ảnh hưởng đến người khác và kích động một nhóm người, hành vi của cậu ta không nằm trong tầm bao phủ của quyền tự do ngôn luận, ít nhất là về mặt đạo đức.

“Ai cũng phải giữ lấy lời hứa của mình. Khi cô A quen với anh B, cô đã hứa sẽ bên cạnh anh ta mãi mãi. Vì thế, bây giờ cô ta cũng phải ở lại bên cạnh anh ta, dù cho anh ta có lăng nhăng hay bỏ đối xử tệ với cô ta nhiều như thế nào.”

Chúng ta đơn giản sẽ thấy lập luận không hợp lý, vì anh B đã không còn là người mà cô A đã từng hứa hẹn. Đồng thời việc anh ta lăng nhăng và đối xử tệ với cô B đã khiến tình huống này không nằm trong tầm bao phủ của việc giữ lấy lời hứa của con người. Từ ví dụ này, các bạn có thể áp dụng được vào trong các mối quan hệ độc hại của mình khi đối phương không chịu buông tha cho các bạn vì các bạn đã “lỡ hẹn ước ngày xưa ấy.”

6. Lỗi nguỵ biện bù nhìn rơm (Straw man)

Fallacy này xuất hiện khi khi một người cố gắng xuyên tạc lập luận và ý tưởng của người khác nhằm tấn công nó một cách dễ dàng hơn, và cuối cùng phá huỷ kết luận của người tranh luận kia. Để thực hiện fallacy này, một người cần phải tạo dựng lên một người rơm của mình, sau đó hạ đo ván nó. 

Ví dụ về fallacy này:

“Khi rất nhiều bạn trẻ cùng hướng về một hướng đó, đặt sự kiện đó lên cao hơn sự kiện chính trị xã hội mà tôi cho là rất cần quan tâm khác, nó trở thành tính hiệu chính trị xã hội. Một lần nữa, lỗi ko phải tại cá nhân, có thể tại quy hoạch, tại vì ta chưa biết cách thuyết phục dư luận, abc xyz, … Nhưng tôi vẫn bảo vệ quan điểm rằng cái sự phát triển ko phanh của bộ phận lớn xã hội đó đe dọa đến các vấn đề nhận thức về lịch sử, văn hóa địa phương, mà ở đây là trong 1 ngày mà có thể coi là đáng ghi nhớ khi hàng nghìn người ngã xuống vì độc lập tự do thì một sự kiện khác lại chiếm ưu thế. Tôi đau nhưng tôi chỉ có thể đau vì lịch sử nước nhà không còn được coi trọng.”

Trong trường hợp này, khi rất nhiều các bạn trẻ cùng quan tâm đến một sự kiện nào đó trong một thời điểm, không có nghĩa là các bạn đó xem thường những sự kiện chính trị đáng cần được quan tâm khác. Lập luận trên đã bẻ hướng vào một vấn đề nhằm công kích và bác bỏ vấn đề đó, bằng việc đưa ra những hệ quả không có tính logic và cũng chẳng… liên quan đến sự kiện ban đầu. 

Một ví dụ khác: 

“Các bạn nói rằng tôi ko nên lôi người chết ra phân tích vì đó là giá trị con người, vậy giá trị đất nước tôi coi trọng thì lại ko đáng để phân tích, và chỉ vì nó không quen thuộc nên người nhắc đến nó trở thành đạo đức giả? Đâu phải lên làm ông to bà lớn mới được nói về quốc gia dân tộc. Tôi tự cho mình sinh ra và lớn lên ở 1 quốc gia còn nghèo, còn lạc hậu, mỗi ngày tôi học và làm việc 20 tiếng để bản thân mình cống hiến nhiều hơn. Nếu bạn không thể, ko ai trách bạn, quyền cá nhân.” 

Lập luận khởi điểm của vấn đề này là “giá trị con người,” thì việc lái sang “giá trị đất nước” là một giá trị không được coi trọng là một ví dụ hoàn hảo cho fallacy bù nhìn rơm. Điều này tương tự với việc khi một nhóm người đang lo lắng về phân biệt chủng tộc, thì có một người nhảy đổng vào om sòm về việc phân biệt giới tính không được coi trọng vậy. Các bạn có thấy nó rất là không liên quan không?

7. Lỗi nguỵ biện bỏ qua điểm chính (Missing the point) 

Fallacy này xuất hiện trong những lập luận mà tiền đề của lập luận đó bảo vệ một luận điểm, nhưng kết luận của lập luận đó lại về một vấn đề khác, mang tính mơ hồ và không liên quan đến luận điểm ban đầu. 

Một ví dụ của fallacy này:

“Tỉ lệ ăn cướp và tội phạm đã tăng cao trong thời gian vừa qua. Do đó, rõ ràng chúng ta phải bắt đầu thực hiện hoá phương pháp kết án tử hình.”

Từ tiền đề về tỉ lệ tội phạm tăng cao, chúng ta có thể đưa ra những cách giải quyết như tăng cường số cảnh sát phòng vệ, giáo dục người dân về cách đối phó tội phạm. Việc thực hiện hoá án tử hình dường như không phải là một kết luận logic chút nào. Tóm lại, trong fallacy này, người lập luận hoàn toàn bỏ qua các luận cứ và bằng chứng bảo vệ luận điểm của mình.

Một ví dụ đơn giản khác: 

“Đại bộ phận người trẻ khóc thương một người ca sĩ trong ngày hôm nay mà không khóc thương một sự kiện lịch sử xảy ra vào 42 năm trước. Rõ ràng, xã hội này thối nát và người trẻ đang quên đi các giá trị lịch sử.”

Các bạn nghe câu này quen không? 

8. Lỗi nguỵ biện cá trích (Red herring)

Fallacy này khá là gần gũi với fallacy missing the point. Lỗi nguỵ biện cá trích xuất hiện khi người lập luận di chuyển sự chú ý của người khác thay đổi chủ đề tranh luận sang một chủ đề khác có sự gần gũi và có hơi hướm tương quan. Từ đó, người lập luận có thể đưa ra kết luận về chủ đề mới hoặc mập mờ cho thấy rằng một sự lập luận nào đó đã được diễn ra. Đồng thời, cách nhận diện fallacy là lập luận sẽ “tổ lái” sang khác nhiều vấn đề không liên quan khác mà không đưa ra những lập luận thật sự có ích cho quan điểm của mình. 

Ví dụ về fallacy cá trích:

“Tôi ko phản đối các bạn thích K pop, sở thích cá nhân, như kiểu tôi thích bóng đá vậy, tôi thần tượng Công Vinh và David Luiz. Cá nhân mỗi người có tự do riêng chứ. Và vì thế, việc khóc thương cho họ là quyền của bạn. Vậy là sở thích riêng, mà đã riêng thì sao? Riêng nhưng lại có cái chung đây. Theo lý thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith, nền kinh tế sẽ tự bình ổn và kiềm chế khi các cá nhân tự do tự phát triển. Tuy nhiên bàn tay vô hình tạo ra cuộc khủng hoảng thừa năm 1929 – 1933 khi quá nhiều ng cùng sản xuất 1 thứ và làm giá nó tụt dốc ko phanh đến độ đem lợn đổ xuống biển.
Ko phải kể cho vui đâu. Khi rất nhiều bạn trẻ cùng hướng về một hướng đó, đặt sự kiện đó lên cao hơn sự kiện chính trị xã hội mà tôi cho là rất cần quan tâm khác, nó trở thành tính hiệu chính trị xã hội.”

Từ ví dụ về sở thích cá nhân, lập luận này lái “cái chung” của những sở thích đó, kéo theo học thuyết kinh tế, cuối cùng chuyển hoá thành tính hiệu chính trị xã hội. Nếu chúng ta cẩn thận phân tích lập luận này, bạn sẽ nhận thấy ngay từ đầu, định nghĩa về “cái riêng” tạo thành “cái chung” trong lập luận này là không hợp lý. Tổng những cá thể không tạo thành một tập thể với một bản tính tương tự (đây là một fallacy khác), và so sánh giữa tự do vui buồn cá nhân và tổng lượng vật chất trong nền kinh tế là một so sánh khập khiễng và ngô nghê. 

Lỗi nguỵ biện bù nhìn rơm và cá trích thường rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Cách để phân biệt chúng là trong fallacy bù nhìn rơm, người lập luận xuyên tạc ý tưởng hoặc tiền đề của người khác, từ đó bác bỏ những lập luận xuyên tạc đó để đánh gục tiền đề ban đầu. Trong khi đó, fallacy cá trích mờ mập viện dẫn đến những chủ đề khác nhằm gây loạn sự chú ý và khiến người khác bỏ qua tiền đề hoặc chủ đề được nói đến ban đầu. 

Hôm nay mình dừng ở đây nhé. Hẹn gặp các bạn trong bài tiếp theo với các lỗi nguỵ biện quy nạp yếu (fallacies of weak induction) nhé. 

Hoại Băng

Nguồn: https://theminihygge.com/2017/12/21/tong-hop-cac-loi-nguy-bien-trong-giao-tiep-va-tranh-bien-phan-1/