Bộ não của nam giới thay đổi khi làm bố

 Ngày càng có nhiều nghiên cứu khẳng định những đứa trẻ được gắn bó với bố đạt được kết quả tốt hơn ở nhiều phương diện, kể cả về thể lực lẫn nhận thức…

 Ảnh minh hoạ (Image: Pexels/ nappy)

Thời gian chăm sóc con của các ông bố hàng tuần đã tăng gấp ba lần trong vòng 50 năm qua ở Hoa Kỳ. Tỷ lệ các ông bố tham gia nuôi dạy con còn tăng nhanh hơn nhiều ở các nước có thời gian nghỉ thai sản cho nam giới kéo dài hoặc có chế độ khuyến khích các ông bố nghỉ phép chăm con như Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Ai-xơ-len.

Mặc dù các ông bố ngày càng tham gia chăm sóc con nhiều hơn và họ ngày càng đóng vai trò quan trọng đời sống của con cái, nhưng có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng của việc làm cha tới nam giới như thế nào; các nghiên cứu về não bộ và những thay đổi sinh học có thể hỗ trợ việc làm cha lại càng ít hơn.

Ai cũng biết quá trình chuyển đổi sang vai trò làm cha hoặc làm mẹ có thể mang lại nhiều thay đổi đối với những người mới có con. Đối với phụ nữ, những thay đổi nội tiết liên quan đến thai kỳ giúp giải thích sự thay đổi trong bộ não của người mẹ. Nhưng liệu quá trình làm cha có định hình lại bộ não và cơ thể của nam giới - những người không trực tiếp mang nặng đẻ đau - theo hướng thúc đẩy việc nuôi dạy con của họ? Chúng tôi bắt đầu tìm kiểm câu trả lời cho câu hỏi này trong một nghiên cứu gần đây về những người lần đầu làm bố ở hai quốc gia.

Ảnh hưởng của việc mang thai đối với não bộ của người mới làm mẹ

Nghiên cứu gần đây đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục rằng việc mang thai có thể tăng cường tính mềm dẻo của hệ thần kinh (Neuroplasticity)[1], hoặc tổ chức lại trong cấu trúc não của phụ nữ. Sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ, các nhà nghiên cứu đã xác định được những thay đổi quy mô lớn trong giải phẫu não của phụ nữ từ trước đến sau khi mang thai.

Các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã chụp quét não những người lần đầu làm mẹ trước khi họ thụ thai và sau khi sinh con được hai tháng. So với những phụ nữ không có con, khối lượng não của các bà mẹ mới sinh nhỏ hơn, cho thấy rằng các cấu trúc quan trọng của não thực sự đã giảm kích thước trong suốt thai kỳ và giai đoạn đầu sau sinh. Những thay đổi về não rõ rệt đến mức sử dụng một thuật toán sẽ có thể dễ dàng phân biệt giữa não của một phụ nữ đã từng mang thai với não của một phụ nữ không sinh con.

Những thay đổi này có thể thấy được ở phần “chất xám” - lớp mô trong não chứa nhiều tế bào thần kinh. Mang thai dường như ảnh hưởng đến các cấu trúc ở vỏ não – bề mặt bên ngoài phát triển gần đây nhất của não – bao gồm các vùng liên quan đến suy nghĩ về tâm trí của người khác, một quá trình mà các nhà nghiên cứu gọi là “thuyết tâm trí”. Các bà mẹ cũng cho thấy những thay đổi của não ở vùng dưới vỏ não – những cấu trúc cổ nhất hơn nằm sâu hơn trong não thường kết nối với các chức năng nguyên thủy hơn, bao gồm cả cảm xúc và động lực.

While the baby grows inside the mother-to-be, biological changes prepare the woman for motherhood. Image: Pexels/ Ivan Samkov

Tại sao những thay đổi cấu trúc não xảy ra sau khi mang thai?

Các nhà nghiên cứu tin rằng những thay đổi não bộ này giúp các bà mẹ nhạy cảm hơn khi chăm sóc trẻ sơ sinh vì bé cần được chú ý liên tục và không thể nói ra nhu cầu của mình. Thật vậy, khi các bà mẹ xem ảnh hoặc video về con mình, nhiều vùng não đã thay đổi trong thời gian thai kỳ sẽ được kích hoạt. Có vẻ hợp lý khi não của những người mới làm mẹ thay đổi theo cách giúp họ phản ứng và chăm sóc trẻ sơ sinh tốt hơn.

Nhưng còn các ông bố thì sao? Họ không trực tiếp mang thai, nhưng cũng có thể chăm sóc con.

Bộ não của các ông bố cũng thay đổi

Giống như việc thực hành bất kỳ kỹ năng mới nào, kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh có thể để lại dấu ấn trong tâm trí của những người mới làm cha mẹ. Đây là điều mà các nhà thần kinh học gọi là tính mềm dẻo của não bộ do kinh nghiệm gây ra – giống như những thay đổi của bộ não khi học một ngôn ngữ mới hoặc sử dụng thành thạo một loại nhạc cụ mới.

Một số nghiên cứu tuy rời rạc nhưng ngày càng nhiều đang theo dõi loại tính mềm dẻo của hệ thần kinh ở những người cha trải nghiệm các nhu cầu về nhận thức, thể chất và cảm xúc khi chăm sóc trẻ sơ sinh mà không trải qua quá trình mang thai. Ví dụ, xét về chức năng não bộ, những người bố đồng tính nam chăm sóc con chính có mối liên hệ mạnh mẽ hơn giữa các vùng não nuôi dạy con khi quan sát con của họ, so với những người nam đóng vai trò chăm sóc phụ.

Để tìm hiểu thêm về tính mềm dẻo của hệ thần kinh ở những người mới làm cha, các nhóm nghiên cứu tại Đại học Nam California ở Los Angeles và Viện nghiên cứu sức khoẻ Gregorio Marañón ở Madrid, liên kết với dự án BeMother, đã hợp tác trong một nghiên cứu mới. Chúng tôi đã mời 40 nam giới - 20 người ở Tây Ban Nha và 20 người ở California - và tiến hành chụp cộng hưởng từ mỗi người hai lần: lần đầu tiên khi bạn đời của họ đang mang thai và lần thứ hai sau khi em bé của họ được 6 tháng tuổi. Chúng tôi cũng sử dụng một nhóm chứng gồm 17 nam giới không có con.

Chúng tôi đã phát hiện một số thay đổi đáng kể trong bộ não của nam giới từ trước cho so với sau  khi có con và những thay đổi này không xuất hiện ở những nam giới không sinh con quan sát trong cùng khoảng thời gian. Trong cả hai mẫu ở Tây Ban Nha và California, những thay đổi não bộ của người cha xuất hiện ở vùng vỏ não góp phần xử lý hình ảnh, sự chú ý và sự đồng cảm đối với em bé.

Điều gì làm thay đổi bộ não của người mới làm cha?

Mức độ mềm dẻo hệ thần kinh ở người cha có thể liên quan đến mức độ họ tương tác với con mình. Mặc dù các ông bố ở nhiều nơi trên thế giới đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc con, nhưng sự tham gia của mỗi người đều rất khác. Sự tham gia này có thể giải thích tại sao chúng tôi quan sát được những thay đổi tinh tế trong não bộ ở người cha này so với những thay đổi trong não những người lần đầu làm mẹ. Trên thực tế, mức độ thay đổi trong não những người làm cha gần bằng một nửa so với những thay đổi ở người mẹ.

Các yếu tố xã hội, văn hóa và tâm lý ảnh hưởng tới mức độ tương tác của người cha với con cái có thể ảnh hưởng đến những thay đổi trong não bộ của người cha. Thật vậy, các ông bố Tây Ban Nha, những người có thời gian nghỉ thai sản trung bình dài hơn các ông bố Mỹ, có những thay đổi rõ rệt hơn so với các ông bố ở California ở những vùng não hỗ trợ sự chú ý có mục đích, là vùng giúp các ông bố có thể điều chỉnh hòa hợp với tín hiệu con mình phát ra.

Phát hiện này đặt ra câu hỏi liệu các chính sách gia đình khuyến khích người cha dành nhiều thời gian cho chăm sóc con sau sinh có giúp hỗ trợ sự phát triển não bộ của người cha hay không. Mặt khác, có lẽ những người đàn ông có sự thay đổi não bộ và nội tiết tố hơn cũng sẽ có nhiều động lực tham gia vào việc chăm sóc thực tế hơn.

Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để giải quyết những câu hỏi này và tìm ra cách can thiệp tốt nhất hỗ trợ những người cha có nguy cơ gặp khó khăn trong việc thích nghi với vai trò làm bố. Mặc dù người cha có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, các cơ quan tài trợ có xu hướng không ưu tiên nghiên cứu về quá trình làm cha, nhưng điều này có thể bắt đầu thay đổi khi có nhiều kết quả nghiên cứu như thế này. Các nghiên cứu trong tương lai đánh gía kỹ quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh có thể tiết lộ nhiều hơn về tính mềm dẻo của hệ thần kinh ở cả nam và nữ.

 

 

[1] Theo Hiệp hội Thần kinh học Việt Nam, tính mềm dẻo thần kinh (Neuroplasticity): nghĩa là sự tái sinh liên tục trong trường hợp có tổn thương bệnh lý hoặc tổn thương tự nhiên của hệ thần kinh và gồm các quá trình tái cấu trúc tế bào thần kinh, sinh thần kinh, sinh mạch máu (ND).

PCT Minh Hương dịch
Theo Darby Saxbe và Magdalena Martinez Garcia/ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, https://rb.gy/h4zr8h