Can thiệp y tế để được công nhận chuyển giới: Quyền tự quyết về cơ thể?
LTS: Bộ Y tế đang xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn và cho phép người chuyển giới có đủ quyền và nghĩa vụ công dân bình thường, như kết hôn, đi nghĩa vụ quân sự... Nhưng một trong những điểm mấu chốt của dự luật là điều kiện phải có can thiệp y tế mới được công nhận là người chuyển đổi giới tính lại ảnh hưởng tới quyền tự quyết cơ thể.
Câu chuyện của Nhiên
Đối với hầu hết phụ nữ, “sống làm người phụ nữ bình thường” là điều hiển nhiên nhưng với Nhiên, một giảng viên đại học ở TP HCM, lại là điều có nhiều trắc trở nhất cho đến giờ. Nhiên sinh năm 1985 với giới tính trên giấy tờ là nam giới nhưng từ nhỏ Nhiên luôn nghĩ mình là con gái. Đến tuổi dậy thì, khi bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt với bạn bè đồng lứa, chị nhầm tưởng mình là người đồng tính vì thiếu nguồn kiến thức về giới (người chuyển giới là trạng thái một người nhận thức bản thân thuộc về một giới tính khác với giới tính sinh học của cơ thể). Sau này, nhờ đọc sách báo, tài liệu, chị mới nhận ra mình là người chuyển giới và bắt đầu tìm hiểu, liên lạc khắp nơi để tìm nguồn thuốc hoóc-môn. Việc sử dụng hoóc-môn không đem lại được cho Nhiên sự tự tin hoàn toàn và nhiều bất tiện (vì hầu như không có cơ sở tư vấn hoặc giúp chị tiêm hoóc-môn) nhưng Nhiên cũng chưa thể phẫu thuật chuyển giới. Lý do mà Nhiên vẫn chưa thực hiện phẫu thuật là vì muốn chờ “mọi thứ được hợp pháp hóa, có quy trình cụ thể”(1).
“Chờ có quy trình cụ thể”, vì Nhiên và những người chuyển giới như chị (ước tính Việt Nam có khoảng gần 500 nghìn người) đã đề xuất, đưa ra những vấn đề của cộng đồng chuyển giới cùng vô vàn thách thức mà họ gặp phải và chứng kiến những lần vận động, sửa đổi quy định từ khoảng hơn 10 năm trước. Sau nhiều hội thảo khoa học, vận động chính sách kể từ khoảng năm 2010, đến năm 2015, Quốc hội đã thông qua Điều 37, Bộ Luật Dân sự sửa đổi, thừa nhận pháp luật Việt Nam cần ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính. Một năm sau, Chính phủ ban hành Quyết định triển khai thi hành Bộ Luật Dân sự, trong đó giao Bộ Y tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính.
Dù qua sáu năm nghiên cứu và tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng đồng chuyển giới, dự thảo Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, tuy nhiên còn những điểm mấu chốt vẫn chưa ngã ngũ. Dự thảo hiện nay quy định yêu cầu phải sử dụng hoóc-môn tối thiểu hai năm, phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ thì mới được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Đây là vấn đề đang được thảo luận sôi nổi trong cộng đồng chuyển giới vì ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, sức khỏe và tinh thần của người chuyển giới.
Yếu thế trong nhóm yếu thế
Đề xuất bắt buộc phải có can thiệp y tế này khởi phát từ quan ngại rằng Việt Nam chưa đủ tiến bộ, nhận thức của xã hội về người chuyển giới còn chưa cao để thừa nhận giới tính pháp lý cho người chuyển giới mà chưa trải qua can thiệp y tế. Nếu chưa trải qua can thiệp y tế, một người có vẻ bề ngoài là nam, tự nhận bản thân là nữ và thay đổi giấy tờ sang nữ thì sẽ gây ra khó nhận dạng trên căn cước công dân. Hoặc điều này sẽ tạo ra xáo trộn trong sử dụng các không gian công cộng như nhà vệ sinh, doanh trại, trại giam… nếu người đó chưa có thể hiện giới như giới tính mà họ thay đổi. Nhưng vấn đề này đòi hỏi phải có phương án xây dựng, phân loại các không gian dành cho người chuyển giới thay vì đẩy trách nhiệm lên chính người chuyển giới, đòi hỏi họ phải thực hiện can thiệp y tế.
Đọc tiếp bài viết từ link gốc tại đây: https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/can-thiep-y-te-de-duoc-cong-nhan-chuyen-gioi-quyen-tu-quyet-ve-co-the/