Hiểu Biết Về Não Bộ Có Thể Giúp Bạn Cải Thiện Kết Quả Học Tập.
Gần đây, cháu gái người bạn thân của tôi gặp khó khăn với vấn đề tốt nghiệp đại học. Cháu cần phải qua môn toán để tốt nghiệp nhưng lại không học vì cháu sợ lại tiếp tục rớt môn. Niềm tin là mình không giỏi Toán đã khiến cho cháu ấy ở trong tình trạng lấp lửng tốt nghiệp và không thể có những bước ngoặt mới trong cuộc sống.
Tôi biết cháu gái của bạn tôi không phải là người đầu tiên cảm thấy lo sợ bởi môn toán hoặc một số rào cản dường như không thể vượt qua khác. Có lẽ có người đã nói với bạn rằng, bạn không đủ tài năng để thành công trong một lĩnh vực cụ thể hoặc bạn không có đủ tự tin để giữ vững niềm tin khi bạn đang cố gắng vùng vẫy.
Bà Jo Boaler đã viết một cuốn sách mới có tên “Limitless Mind: Learn, Lead, and Live Without Barriers” giải thích thái độ này có gì sai. Là một giáo sư toán tại Đại học Stanford, bà Boaler lập luận rằng mọi người có thể học bất cứ điều gì, một khi họ hiểu cách bộ não hoạt động và cách hỗ trợ việc học cho chính mình. Cuốn sách của bà là lời kêu gọi loại bỏ những quan niệm cũ về năng khiếu, nắm bắt hoàn toàn khoa học mới của tâm trí, từ đó biến trường học, cơ quan và nơi làm việc thành môi trường hỗ trợ thay vì là nơi hạn chế thành công.
Vấn Đề Về Tài Năng
Boaler viết: “Hàng năm, hàng triệu trẻ em trở lại trường học với tâm trạng hào hứng về những điều chúng sẽ được học, nhưng chúng lại nhanh chóng vỡ mộng khi nghĩ rằng chúng không ‘thông minh như những bạn khác.” Nguyên nhân là do phụ huynh và giáo viên vô tình đưa ra thông điệp rằng bạn có thể có hoặc không có tài năng vì tài năng là bẩm sinh.
Là một giáo sư toán học, bà Boaler đã tận mắt nhìn thấy điều này. Nhiều thanh thiếu niên bước vào lớp của bà lo lắng về môn toán và nỗi sợ về việc học ảnh hưởng đến khả năng học tập của chúng.
Bà viết: “Huyền thoại rằng bộ não của ta là cố định và chỉ đơn giản là chúng ta không có khả năng cho một số lĩnh vực nhất định không chỉ là không chính xác về mặt khoa học; mà nó còn tồn tại và có tác động tiêu cực đến giáo dục cũng như nhiều sự kiện khác trong cuộc sống hàng ngày của ta”. Bà lập luận rằng mặc dù khoa học khả biến thần kinh - ngành nghiên cứu cách não bộ thay đổi để đáp ứng với vấn đề học tập - cho thấy bất cứ độ tuổi nào cũng có thể học được, nhưng thông tin này lại không được lan truyền trong lớp học.
Bà viết rằng sự phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính bắt nguồn từ một số tầm nhìn sai lệch về tài năng của ta. Ví dụ như nhiều bé gái sớm được bảo là toán học chỉ dành cho con trai và con trai giỏi hơn, quan niệm này sẽ can thiệp vào khả năng thành công và dẫn đến chênh lệch giới tính trong các lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến toán học. Tương tự, có thể những người da màu cũng phải vượt qua những định kiến về trí thông minh cố định để phát triển.
Tâm Trí Giúp Chúng Ta Học Bằng Cách Nào
May mắn thay, bà Boaler không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra vấn đề mà còn cung cấp các mẹo để giúp bất kỳ cá nhân nào (cho dù họ là nhà toán học hay là người lo lắng về những trở ngại khác trong việc học) thành lập một tư duy mới.
1. Hiểu rằng bộ não của bạn luôn thay đổi
“Mỗi khi học, bộ não của ta hình thành, củng cố hoặc kết nối các bó thần kinh”. Điều này có nghĩa là khi sinh ra, không ai bị giới hạn về những điều họ có thể học. Thay vào đó, quan niệm về năng khiếu và ảnh hưởng của năng khiếu đến cách dạy của giáo viên chính là nguyên nhân thực sự cản trở việc học.
Ví dụ, khi các trường tiến hành theo dõi việc chia học sinh thành các nhóm đọc hoặc nhóm toán khác nhau dựa trên khả năng, điều này có thể gây ra kết quả tồi tệ hơn đối với học sinh so với việc cho các học sinh có khả năng hỗn hợp học chung với nhau. Như nghiên cứu của cô Teresa Iuculano và các đồng nghiệp đã chỉ ra bộ não của những người sớm được gắn mác là khuyết tật học tập có thể hoàn toàn nâng cao sau một khóa học ngắn hạn 1-kèm-1.
2. Học cách chấp nhận đấu tranh, sai lầm và thất bại
Học sinh và giáo viên thường tin rằng câu trả lời đúng trong bài kiểm tra cho thấy rằng học sinh đang học. Nhưng như Boaler đã chỉ ra, việc học chỉ thực sự diễn ra khi học sinh thực hành những điều khó khăn (những vấn đề khó khăn nằm ngoài khả năng của mình), thì bộ não mới làm việc cật lực hơn và tiếp thu được kiến thức mới. Điều này cũng làm cho ta dễ tiếp cận kiến thức hơn sau này.
Luyện tập những điều mình có thể làm rất tốt cản trở việc học của học sinh, trong khi mắc sai lầm lại giúp chúng tập trung vào các cách khác nhau để xem xét một vấn đề, từ đó tăng cường khả năng học tập. Nếu giáo viên khuyến khích học sinh cố gắng và học sinh tự cho phép mình mắc lỗi, đó có thể là sự giải thoát đến không ngờ cho cả hai.
3. Thay đổi quan niệm về tâm trí và não bộ của bạn sẽ nghe theo
Khi bạn thay đổi suy nghĩ về bản thân, điều này cũng sẽ thay đổi con người và não bộ của bạn. Ví dụ như các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều người trưởng thành có thái độ tiêu cực về lão hóa trong những năm còn trẻ, giai đoạn từ 18 đến 49 tuổi, có nhiều khả năng gặp phải biến cố tim mạch trong 38 năm tới, bất kể tuổi tác ban đầu, sức khỏe tim mạch, chủng tộc, hoặc nhiều yếu tố khác ra sao.
Tương tự với cách bạn nghĩ về việc học của mình. Ví dụ, nếu trẻ nhỏ học được rằng thành công ở trường gắn liền với việc thông minh hơn là gắn liền với sự nỗ lực, chúng có thể ít có động lực để học hơn sau này.
4. Thử nhiều cách tiếp cận học tập khác nhau
Dù có một tư duy phát triển cho việc học - một quan niệm rằng kiến thức không phải là cố định, nhưng có thể được phát triển nhờ nỗ lực và sự kiên trì - là thiết yếu. Thử các chiến lược học tập mới cũng rất quan trọng. Nhiều phương pháp tiếp cận dạy và học đa chiều lại hoạt động tốt nhất vì chúng tham gia vào nhiều khu vực của não cùng một lúc và sự kết nối giữa các khu vực não khác nhau giúp ích cho việc học. Ngay cả khả năng thành thạo toán học cũng có thể được nâng cao qua những kiến thức hoặc kỹ năng dường như không liên quan, giống như kỹ năng ngôn từ hoặc nhận thức ngón tay (khả năng xác định ngón tay mà không cần nhìn vào chúng).
Bà Boaler viết: “Nhiều khám phá mới về hoạt động của não bộ cho ta thấy sự cần thiết của một cách tiếp cận khác đối với việc dạy học mang tính vật lý, đa chiều và sáng tạo hơn so với các phương pháp đã được sử dụng trước đây trong hầu hết các trường đại học.”
Trong nghiên cứu của mình, bà phát hiện ra rằng cách tiếp cận đa chiều trong việc dạy toán này thách thức các học sinh xem xét các vấn đề bằng cách sử dụng các chiến lược khác nhau, như kể chuyện hoặc nghệ thuật thị giác, hiệu quả hơn nhiều đối cho việc học, đặc biệt là đối với phái nữ, người học tiếng Anh và những sinh viên khó khăn về kinh tế. Điều này cho thấy rằng tiếp cận một điều gì đó mà bạn muốn học từ nhiều góc độ sẽ tốt hơn là chỉ cố gắng làm cho nó đúng.
5. Linh hoạt hơn là tốc độ
Giáo viên và người học thường nghĩ rằng làm nhanh một cái gì đó có nghĩa là bạn rất giỏi về thứ đó. Nhưng như nghiên cứu chỉ ra, điều này không xảy ra thường xuyên. Cố gắng làm một điều gì đó dưới áp lực, chẳng hạn như làm một bài kiểm tra được tính thời gian, có thể gây căng thẳng, làm ảnh hưởng đến bộ nhớ làm việc cần thiết để hồi tưởng lại thông tin quan trọng. Đó là lý do tại sao bà Boaler lập luận rằng việc cho học sinh nhiều bài tập dài về nhà hoặc cố gắng đo lường khả năng làm toán trong các điều kiện bị áp lực về thời gian lại không hiệu quả. Nó cũng có thể làm nản lòng các học giả toán học tiềm năng trong tương lai - những người bỏ cuộc sớm vì họ nghĩ tốc độ tương đương với năng lực - một cách không cần thiết. Bà Boaler phát biểu mặc dù một số học sinh có năng lực trong các bài kiểm tra tính giờ và có kỹ năng nhồi nhét cho các bài kiểm tra, nhưng không có khả năng rằng việc học của chúng sẽ duy trì. Thay vào đó, tiếp xúc với tài liệu bằng nhiều cách linh hoạt theo thời gian là chìa khóa để học hỏi.
6. Hãy thử hợp tác
Các trường dạy về tư duy phát triển sẽ không giúp học sinh học tốt hơn nếu không có sự hỗ trợ từ bạn bè đồng trang lứa về quan điểm có nghĩa này, nếu học sinh vẫn có niềm tin vào sự thần kỳ của học sinh tài giỏi. Điều quan trọng đối với các trường học là họ nên củng cố quan điểm rằng: học cùng nhau tốt hơn là học một mình. Như một nghiên cứu đã chỉ ra, làm việc cùng nhau thay vì một mình có thể tạo ra sự khác biệt giữa việc đậu một môn toán khó, bỏ cuộc và rớt môn.
Bà Boaler lập luận rằng, một thay đổi đáng kể sẽ xảy ra khi các sinh viên làm việc cùng nhau và phát hiện ra rằng mọi người đều thấy một vài (hoặc tất cả) các công việc đều khó. Nó củng cố quan niệm rằng học tập là một quá trình và những trở ngại là điều phổ biến. Tập trung vào sự hợp tác trong lớp thay vì cố gắng kiểm tra từng cá nhân cũng gần giống với thế giới việc làm, có thể giảm sự thiên vị giới tính thường thấy ở các môn liên quan đến khoa học.
Về trường hợp cô cháu gái của bạn tôi, cuối cùng cháu ấy đã nhờ đến hỗ trợ từ dì và liên lạc với một gia sư khuyến khích tư duy phát triển, dạy cho cháu những chiến lược mới để giải quyết vấn đề và giúp cháu bớt lo lắng về môn toán. Cuối cùng thì cháu cũng tham gia lớp toán và đậu điểm cao.
Câu chuyện của cháu là một lời nhắc nhở quan trọng rằng những trở ngại trên con đường học tập thường nhờ vào phương pháp tiếp cận hơn là khả năng. Như công việc của bà Boaler và vô số người khác thừa nhận rằng, tâm trí của ta có thể ít bị giới hạn hơn chúng ta nghĩ.
-------------------------
Dịch giả: Bùi Thị Kim Chi – ToMo - Learn Something New