Điều gì có lợi cho cả hai giới ?


 

Điều gì có lợi cho cả hai giới ?

Dù theo thời gian, các hàng rào định kiến giới dành cho nữ đã dần được xóa bỏ ở Việt Nam, thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều hoạt động kinh tế xã hội hơn nhưng vẫn còn một câu hỏi đặt ra: những kết quả đó đã đủ để hình thành những giá trị và quy tắc văn hóa mới một cách bền vững và có lợi cho nữ?


Trong khi nam giới được tối ưu thời gian của mình cho công việc có lương thì phụ nữ làm công việc không lương gấp 3 lần so với nam giới. 



Định kiến giới, thiên vị giới bắt đầu đè nặng lên một người từ khi nào? Tôi nghĩ là từ khi bắt đầu hoài thai một đứa trẻ!”, nhận định của TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) có thể khiến người ta cảm thấy hơi làm quá về quan điểm “trọng nam, khinh nữ” ở Việt Nam. Nhưng trên thực tế, vấn đề còn tồi tệ hơn thế.

Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) ước tính: khoảng 41.000 trẻ em gái Việt Nam không có cơ hội chào đời vì niềm mong mỏi sinh con trai ở các gia đình. Với sự hỗ trợ của nhiều phương pháp hiện đại, các ông bố bà mẹ có thể biết được giới tính của đứa trẻ trong bụng mẹ và qua đó, có thể ra quyết định bỏ thai… “Đó là bằng chứng quá mạnh để thấy được sự phân biệt đối xử theo giới tính kinh khủng như thế nào, bất bình đẳng giới bắt đầu sớm như thế nào”, TS. Khuất Thu Hồng nói.

Điều này dẫn đến hệ quả là sự chênh lệch tỉ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái, thậm chí ở một số địa phương, con số này còn vượt ngưỡng 115/100, trong khi tỷ lệ giới tính khi sinh tự nhiên là 105 bé trai/100 bé gái (theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019). Không phải bây giờ mới có tình trạng này mà gần 20 năm trước, nó đã được phát hiện tại Việt Nam, sau đó, chênh lệch giới tính khi sinh đã gia tăng nhanh chóng.

Nếu nhìn lại chiều dài lịch sử Việt Nam, có thể thấy tâm lý mong mỏi sinh con trai “thập nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã được định hình hàng trăm năm với một xã hội mang cấu trúc trọng nam, và giờ được các công cụ y học hiện đại thêm phần củng cố. Xét dưới góc độ hình tượng, nam giới được định vị gắn liền với trách nhiệm nối dõi, gánh vác, trụ cột còn nhìn về động lực kinh tế, “người ta luôn mong con trai vì tin người đàn ông làm ra được nhiều của cải hơn, có sức vóc hơn, đóng góp cho gia đình để bố mẹ có thể dựa vào. Những gia đình toàn đàn bà con gái thì bị coi là ít có cơ hội làm ra của cải hơn, bị coi là thấp cổ bé họng”, TS. Khuất Thu Hồng lý giải.

Thiên kiến giới có tạo thêm gánh nặng?

 

Thực ra, đúng là từ trong gia đình đến ngoài xã hội, người phụ nữ vẫn luôn ở thế yếu dù họ làm việc như, hoặc thậm chí hơn nam giới. Chưa có số liệu ở Việt Nam nhưng một khảo sát ở 63 nước cho thấy phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới về tổng số giờ làm việc – chiếm 52% tổng số giờ làm việc so với nam giới là 48% (UNDP, 2015). Có điều, làm việc nhiều hơn chưa chắc đã mang lại cơ hội và địa vị. Trong khi nam giới được tối ưu thời gian của mình cho công việc có lương thì phụ nữ làm công việc chăm sóc không được lương gấp ba lần so với nam giới.


Đọc tiếp bài từ link gốc tại đây :https://tiasang.com.vn/dien-dan/dieu-gi-co-loi-cho-ca-hai-gioi-29895/