Quyền làm người
Chương II của Hiến pháp Việt Nam, "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân", có các quy định về quyền con người và quyền công dân. Ở đây chúng tôi muốn đưa ra một vài ý kiến về lựa chọn từ ngữ cho khái niệm "quyền con người" hoặc "nhân quyền", vốn đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Trong khi thừa nhận “quyền con người” hay “nhân quyền” là những cách dịch chính xác, chúng tôi đề xuất rằng, khái niệm này, human rights/droits de l’homme, nên dịch sang tiếng Việt là “quyền làm người”. Chữ “quyền làm người” có khả năng diễn đạt một cách rõ ràng hơn ý nghĩa của khái niệm. Chúng tôi sẽ giải thích dưới đây.
Các quyền làm người được nêu trong những văn bản chính trị quan trọng nhất của lịch sử nhân loại : Tuyên ngôn độc lập (Declaration of Independence – 1776) của Cách mạng Mỹ và Tuyên ngôn về quyền làm người và quyền công dân (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen de 1789) của Cách mạng Pháp, trước khi được đưa vào hiến pháp của nhiều nước hiện nay. Các quyền đó là : quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu và quyền được hạnh phúc…
Cụm từ “quyền làm người” cho phép hiểu dễ dàng nét nghĩa cốt lõi: đó là các quyền mà cùng với chúng con người được làm người, được thừa nhận thuộc về loài người, một giống loài đặc biệt, khác với tất cả các giống loài khác. Đưa quyền làm người vào bộ luật là sự thừa nhận của xã hội về danh phận người đối với các thành viên trong xã hội. Đấy là lý do tại sao quyền làm người được hiểu là biểu hiện của phẩm giá. Nếu bị tước đoạt các quyền này thì con người bị tước đoạt phẩm giá, đánh mất tính người của mình, không còn được làm người, xét từ góc độ thừa nhận xã hội. Định danh “người” tự thân nó bao hàm một cách tự nhiên phẩm giá đặc thù của loài người.
Đọc tiếp bài từ link gốc tại đây: https://tiasang.com.vn/dien-dan/quyen-lam-nguoi/