Giải thưởng 'Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ': Xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới bình đẳng giới
Giải thưởng 'Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ': Xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới bình đẳng giới
Sáng ngày 8/9, tại Hà Nội, UN Women WeEmpowerAsia phối hợp với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) tổ chức Lễ phát động “Giải thưởng Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ - (Weps)” lần đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giải thưởng nhằm khuyến khích, công nhận nỗ lực của các công ty có các chương trình và hành động nhằm tạo ra văn hóa doanh nghiệp hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; Nâng cao nhận thức và thu hút ngày càng nhiều công ty tận dụng các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ trong doanh nghiệp của mình.
Đây là một trong những hoạt động Nhân kỷ niệm 10 năm ra đời Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs), kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố Hành động Bắc Kinh, thúc đẩy triển khai Luật bình đẳng giới trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc vận dụng WEPs.
Toàn cảnh lễ phát động “Giải thưởng Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ - (Weps)” |
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC chia sẻ: “UN Women là một trong những đối tác chiến lược của VWEC trong thời gian thực hiện dự án WeEmpower Asia tại Việt Nam từ năm 2019 đến 2021. VWEC cũng đã phối hợp với UN Women triển khai hai mảng hoạt động lớn: Nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thông qua tập huấn, đào tạo, tổ chức hội thảo; Tăng cường sự tham gia của khu vực tư trong việc thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách vận dụng WEPs”.
Theo chia sẻ từ bà Nguyễn Kim Lan – Quản lý chương trình của WeEmpowerAssia, các doanh nghiệp khi thực hiện Nguyên tắc bình đẳng giới có thị phần vượt trội hơn so với các công ty khác do tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đào tạo lại nhân sự, tăng uy tín và niềm tin, tăng thị phần từ phân khúc khách hàng mới đòi hỏi các công ty, nhà cung cấp thực hiện bình đẳng giới và có cơ hội tập trung nguồn lực vào đổi mới, sáng tạo. Ước tính đến năm 2025, kinh tế châu Á – Thái Bình Dương có thể tăng thêm 4.5 nghìn tỷ USD nếu thực hiện tốt bình đẳng giới.
Bà Nguyễn Kim Lan – Quản lý chương trình của WeEmpowerAssia giới thiệu về giải thưởng |
Bà Nguyễn Kim Lan cũng chia sẻ, doanh nghiệp khi tham gia Weps sẽ được":
- Tiếp cận công cụ phân tích lợi thế cạnh tranh doanh nghiệp;
- Tiếp cận các chương trình hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện chương trình BĐG của doanh nghiệp;
- Được ghi nhận và nhận diện toàn cầu thông qua các cơ hội, sự kiện, các kênh truyền thông của UN Women và WEPs;
- Thực tiễn tốt của công ty được đăng tải trong các ấn phẩm của WeEmpowerAsia và UN Women
- Là thành viên trong cộng đồng hơn 3,500 công ty toàn cầu dẫn đầu về BĐG và trao quyền cho phụ nữ
Giải thưởng gồm có 5 hạng mục:
- Lãnh đạo cam kết. (Gồm hai hạng mục nhỏ: Giải thưởng dành cho lãnh đạo trẻ dưới 30 tuổi và Giải thưởng dành cho lãnh đạo trên 30 tuổi).
- Bình đẳng giới tại nơi làm việc
- Bình đẳng giới tại thị trường.
- Bình đẳng giới thông qua tham gia vào cộng đồng và trong ngành
- Bình đẳng giới thông qua hành động trong đại dịch COVID-19
Đối tượng tham gia giải thưởng là tất cả các doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không phân biệt quy mô hoặc ngành nghề, có các chương trình và thực tiễn tốt về thúc đẩy bình đẳng giới; đáp ứng một hoặc nhiều hạng mục của giải thưởng và có giám đốc điều hành (CEO) (hiện tại hoặc trước đây) đã từng ký hoặc có ý định sẽ ký Tuyên bố ủng hộ Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs). Các doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia tối đa hai trong số năm hạng mục giải thưởng.
Ban tổ chức bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 26/8/2020 tại website www.asiapacificwepsawards.org, thời hạn kết thúc đăng ký là ngày 25/09/2020.
Lễ trao giải trong nước sẽ diễn ra tại 7 quốc gia thành viên của chương trình UN Women WeEmpowerAsia dự kiến tổ chức trong tháng 11/2020, tại Việt Nam lễ trao giải dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 11/2020. Lễ trao giải cấp khu vực sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 10/12/2020 tại Thái Lan.
Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs) là bộ công cụ gồm 7 nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng; được UN Women và UN Global Compact (Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu LHQ) xây dựng và khởi động vào năm 2010:
- Lãnh đạo cam kết thúc đẩy bình đẳng giới
- Bình đẳng giới tại nơi làm việc
- Sức khỏe và an toàn cho người lao động
- Giáo dục và đào tạo cho phụ nữ
- Phát triển doanh nghiệp và chuỗi cung ứng
- Bình đẳng giới thông qua các sáng kiến cộng đồng
- Đánh giá và báo cáo