Gái trẻ Hàn Quốc chống lại vẻ đẹp khuôn mẫu bằng phong trào "Escape the corset"
Giống như bao phụ nữ khác ở Hàn Quốc, Bae Eun-jeong không bao giờ ra khỏi nhà mà quên trang điểm. Cô ghét khuôn mặt tự nhiên của mình.
Quy trình làm đẹp của Bae thường mất 2 tiếng đồng hồ, và cô thậm chí cắt giảm thời gian ăn và ngủ để có thể có thời gian trang điểm trước khi tới trường. Ngay cả khi tới siêu thị cũng khiến cô mất nhiều thời gian để chuẩn bị.
“Tôi không đủ tự tin để có thể bước ra ngoài mà không trang điểm. Tôi thấy xấu hổ khi người khác nhìn vào mình. Tôi ghét khuôn mặt của tôi. Vậy nên dù chỉ ra ngoài 1 tiếng đồng hồ thì tôi cũng phải trang điểm trước”, cô gái 21 tuổi này tâm sự.
Hiện Bae đang là một Youtuber làm đẹp được biết đến với cái tên Lina Bae. Cô chuyên cung cấp cho người xem những lời khuyên làm đẹp bằng cách trang điểm và kẻ mắt.
Bae Eun-jeong, được biết đến với tên Bae Lina, là một Youtuber chuyên đưa những lời khuyên về cách làm đẹp. |
Mới đây, khi xem những comment của fan hâm mộ, cô nhận thấy nhiều comment từ các bạn trẻ về nỗi sợ để mặt mộc khi ra ngoài giống như mình. Cô thậm chí khá choáng váng khi thấy một cô bé 13 tuổi lo sợ về diện mạo bản thân. Chính những comment ấy giúp cô nhận ra trách nhiệm xã hội của mình.
Cô quyết định chia sẻ một video với tựa đề “Tôi không xinh đẹp”, trong đó cô xuất hiện với khuôn mặt mộc và chia sẻ những dòng comments chê bai mà cô từng nhận được trong quá khứ, chẳng hạn như “mặt cô như một con lợn được trang điểm” hay “Nếu mặt tôi như thế thì tôi sẽ tự vẫn”. Cuối video, cô đã mỉm cười và nói rằng “Việc không xinh đẹp sẽ không sao đâu”. Video của cô nhanh chóng đạt hơn 6,3 triệu lượt xem trên Youtube.
“Tôi muốn nhiều phụ nữ thoát khỏi gánh nặng ấy, muốn họ hiểu rằng họ không cần phải thay đổi bản thân theo cách mà người khác nhìn họ”.
Giờ đây, Bae nằm trong số những phụ nữ hiện đang thách thức quan điểm về cái đẹp của người Hàn Quốc như một phong trào nữ quyền được biết đến với tên gọi “Escape the corset”.
Tên gọi của phong trào gợi nhớ lại thời điểm nữ giới phản đối cuộc thi sắc đẹp Miss America vào năm 1968 bằng cách vứt bỏ áo ngực, keo xịt tóc, đồ trang điểm, trang phục lót corsets, giầy cao gót và các vật dụng mà họ coi như một biểu tượng của sự trói buộc.
Và 50 năm sau, phụ nữ trẻ Hàn Quốc tạo nên phong trào của riêng mình bằng cách phá bỏ những bộ trang điểm và sản phẩm làm đẹp đắt tiền, hay chụp ảnh để tóc ngắn và đưa lên mạng xã hội để kêu gọi những người khác.
Biển quảng cáo phẫu thuật cằm tại một trạm tàu điện ngầm ở Seoul (Ảnh: Jung Yeon-Je/ AFP/GettyImages). |
Theo Lee Na-young, một giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang ở Seoul, “Về cơ bản, bạn có thể thấy được động thái của “Escape the corset” giống như một thách thức đối với một xã hội trọng nam. Nó có những yếu tố đào thải những tiêu chuẩn đang tồn tại về nữ giới và những “giai thoại” về cái đẹp”.
Ngoài ra, phụ nữ cũng có những hành động qua những phong trào mang tầm vóc quốc gia. Cứ vào ngày Chủ Nhật đầu tiên mỗi tháng, phụ nữ sẽ cắt tóc ngắn, không mua quần áo hay đồ trang điểm hay làm những việc đóng góp cho nền công nghiệp làm đẹp. Nhiều phụ nữ dùng phong trào “Escape the corset” như một cách để thể hiện tính nữ quyền trong cuộc sống hàng ngày.
Làm đẹp hiện đang là một ngành kinh doanh lớn tại Hàn Quốc. Theo công ty nghiên cứu thị trường Mintel, quốc gia này là một trong 10 thị trường làm đẹp lớn nhất thế giới, có trị giá 13 tỷ đô trong năm 2017.
Chăm sóc da là một lĩnh vực kiếm lợi nhuận nhất trong ngành công nghiệp làm đẹp của Hàn Quốc (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images AsiaPac/Getty Images). |
Và từ lâu, Hàn Quốc đã nổi tiếng như một thủ phủ của phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới, với khoảng 22% phụ nữ cho biết họ đã từng can thiệp tới giao kéo.
“Phụ nữ hiện đang dành thời gian, công sức, năng lượng và tiền bạc để trở nên đẹp hơn trước mắt nam giới”, giáo sư Lee cho biết.
Cuộc chiến với chế độ phụ quyền
Theo diễn đàn kinh tế thế giới, một báo cáo năm 2018 cho thấy Hàn Quốc xếp thứ 115 trên tổng số 149 quốc gia về khoảng cách giới tính giữa nam và nữ. Đây cũng là quốc gia có sự chênh lệch tiền lương cao nhất trong số các nước thuộc OECD. Trong đó, chỉ có 3% người lãnh đạo trong các công ty thuộc top 500 ở Hàn Quốc là phụ nữ.
Lee So-Young, một thành viên của nhóm nhạc K-pop Sixbomb khoe tấm ảnh của cô trước khi phẫu thuật thẩm mỹ (Ảnh: JUNG YEON-JE/AFP/AFP/Getty Images). |
Trong cuộc họp năm mới hôm thứ Năm, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã mô tả khoảng cách giới này là một “thực tại đáng xấu hổ”.
Trong một xã hội có sự chênh lệch sâu sắc như vậy, sẽ luôn có những hệ quả cho những phụ nữ không đạt tới những tiêu chuẩn vẻ đẹp được đặt ra bởi nam giới.
Tháng 11/2018, một chi nhánh cửa hàng coffee của Yogerpresso đã sa thải một phụ nữ ngay trong ngày làm việc đầu tiên chỉ bởi cô này xuất hiện với bộ tóc ngắn và không trang điểm, mặc dù sau đó đã đưa ra lời xin lỗi và chút tiền đền bù.
Bên cạnh đó cũng ngày càng có những lo ngại về những vấn đề khác, như phong trào phản đối quay trộm đã khiến 10 ngàn phụ nữ đổ ra đường với khẩu hiệu “My life is not your porn” (Đời tôi không phải phim cấp 3 cho nhà anh) khi những bức ảnh và video quay lén phụ nữ trong các phòng thay đồ được post tràn lan trên các diễn đàn và website đen ở Hàn Quốc.
Hàng ngàn phụ nữ Hàn Quốc biểu tình chống nạn quay phim trộm ngày 4/8/2018 tại Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Jean Chung/Getty Images AsiaPac/Getty Images). |
Phẫn nộ tiếp tục nổ ra khi một phụ nữ bị đâm chết ở nhà ga Gangnam tại Seoul năm 2016 bởi một nam nhân viên của một nhà hàng chỉ vì “phụ nữ luôn phớt lờ tôi”. Tên này đã phải chịu mức án 30 năm tù.
Theo Lee, “vụ án này như một sự cảnh tỉnh đối với những phụ nữ trẻ để giúp họ nhận ra rằng bạo lực tình dục thực sự là một vấn nạn có ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Và nó đã trở thành thời điểm quyết định cho giới nữ quyền Hàn Quốc cất tiếng nói”.
Thay đổi những quan điểm về giới
Giới nữ quyền Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với sự chống trả quyết liệt từ những nam giới trẻ tuổi ở nước này. Theo một khảo sát của Realmeter, 76% nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 66% ở độ tuổi 30 phản đối phong trào nữ quyền ở quốc gia kim chi này.
“Phụ nữ đang nhận ra rằng nam giới nước này cần được thay đổi suy nghĩ để có thể giải quyết được vấn đề này”, giáo sư Lee cho biết.
Park Hye-ri, Kim Min-kyung và Oh Min-ji hiện là thành viên của Hiệp hội nữ quyền của Đại học nữ sinh Sookmyung, những người đã viết những thông điệp ủng hộ phong trào "Escape the corset" hôm 19/11/2018 (Ảnh: Sophie Jeong/CNN). |
Bên cạnh những nhận thức đang dần được cải thiện, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất Hàn Quốc Kyobo cho biết doanh thu bán các sách về nữ quyền hồi tháng 11 năm ngoái đã tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự thay đổi cũng hiện hữu trong các trường đại học. Năm ngoái, Hiệp hội nữ quyền của trường đại học nữ sinh Sookmyung đã viết những thông điệp ủng hộ phong trào “Escape the corset” trên một poster bằng son và bút kẻ mắt. Những nữ sinh ủng hộ đã vứt áo và váy như một cách truyền tải thông điệp trong trường.
Theo Oh Min-ji, một sinh viên trong trường, các sinh viên giờ đây đã cẩn thận hơn khi bàn tán về vẻ ngoài của người khác
“Trước khi phong trào “Escape the corset” trở nên nổi tiếng, mọi người không ngần ngại khi nói “Bạn thật xinh đẹp” và coi đó là một lời khen. Nhưng giờ đây, mọi người bắt đầu nhận ra rằng đó không hẳn là một sự khen ngợi mà đó chính là những câu chữ làm giới hạn con người trong một tiêu chuẩn mà người khác kỳ vọng”, cô gái trẻ cho biết.