Bạo lực gia đình: Phòng là chính và lấy phòng để chống
GD&TĐ - Chiều nay (31/5), Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các đại biểu nhấn mạnh đến yếu tố trách nhiệm của cộng đồng, con người trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. |
Cần bổ sung thêm quyền cho người bị bạo lực gia đình
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) cho biết, trong gia đình có nhiều yếu tố chi phối, quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình đang giao thoa giữa nhiều bộ ngành.
Bộ trưởng cho hay, khi tiếp cận và nhận nhiệm vụ xây dựng bộ luật này có nhiều vấn đề rất khó, bởi bộ luật rộng, ai cũng nói được nhưng thể hiện, thể chế thành công cụ pháp luật thì không hề đơn giản; trong đó bạo lực tinh thần thì cũng không hề đơn giản.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn ra 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn những hành vi có thể khu trú thành những biểu hiện nên rất cần các đại biểu Quốc hội góp ý, nhất là vấn đề bạo lực tinh thần.
Tính đến yếu tố trách nhiệm của cộng đồng, con người, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao đổi: Nếu cứ “đèn nhà ai nấy rạng” thì không thể phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó cần thiết kế thế nào để phát huy được vai trò xã hội hóa trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.
Nếu như luật ra đời mà không phát huy được sức mạnh, không có sự phân công thì khó hiệu quả, lúng túng không biết thực hiện như thế nào. Vì vậy, bộ luật lần này có thiết kế rõ trách nhiệm của từng ngành, lượng hóa cụ thể các bộ ngành cần phải làm gì.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, xuyên suốt tinh thần của bộ luật này là phòng là chính, phòng để chống. Ngược lại, có những trường hợp thì phải lấy chống để phòng, nghĩa là xử lý để việc phòng tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo cần bổ sung thêm hành vi bạo lực gia đình. Đó là việc sử dụng các hình thức trừng phạt, ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của trẻ em. Ngoài ra, cần bổ sung thêm quyền cho người bị bạo lực gia đình. Họ phải được lựa chọn chỗ ở ở chính ngôi nhà của mình khi có lệnh cấm tiếp xúc.
Bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng
Nêu thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho hay: Trước nay, hầu hết người ra khỏi nhà đều là người bị bạo hành, trong khi họ có nhu cầu, mong muốn được cư trú ngay tại gia đình của mình. Vì thế, trong dự thảo cần có quy định: phải bố trí nơi tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình.
“Người có hành vi xâm hại, bạo lực tại sao không phải là người đi khỏi nhà, tại sao lại phải cách ly người yếu thế. Đề nghị có nơi cách ly cần thiết cho đối tượng có nguy cơ bạo lực gia đình” - đại biểu Nguyễn Thị Lệ đặt vấn đề.
Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nêu quan điểm, mô hình xã hội Việt Nam cũng như mối quan hệ trong từng gia đình đã có sự thay đổi rất lớn, xuất hiện nhiều hành vi bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng, khó xử lý.
Có những vụ việc rất nghiêm trọng, thời gian xử lý lâu, mức phạt chưa bảo đảm đính răn đe. Có nhiều vụ bạo hành nghiêm trọng nhưng chỉ hòa giải, không bảo vệ được bản thân người bị bạo hành.
Đại biểu viện dẫn, báo cáo của Chính phủ có đề cập số liệu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Cứ 30 phụ nữ thì có một người bị bạo lực thể xác, tình dục. Trong số đó 90% là không dám, không muốn nhờ pháp luật xử lý. Như vậy là rất đáng báo động, chúng ta cần nghiên cứu để có chế tài xử lý nghiêm minh hơn.
Đại biểu đoàn An Giang đề nghị, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã về việc xử lý các vụ việc bạo lực gia đình. Cần xem xét bổ sung thêm hành vi bạo lực gia đình như hành vi bạo lực tinh thần. Đồng thời, cần bổ sung thêm biện pháp lao động công ích đối với người có hành vi bạo lực gia đình.
Hải Minh, Ngọc Trang
Theo GD&TĐ
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/bao-luc-gia-dinh-phong-la-chinh-va-lay-phong-de-chong-post532581.html