Cần đa dạng hóa các hình thức tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
GD&TĐ - Chiều 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Đại biểu Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp |
Hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính bao quát của các hành vi bạo lực gia đình theo các dạng bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế và bổ sung thêm các hành vi như: cưỡng ép hoặc ngăn cản việc sử dụng các biện pháp tránh thai trái ý muốn hay cưỡng ép sinh đẻ nhiều, cưỡng ép mang thai hộ trái luật hoặc là các hành vi gián tiếp như bao che, dung túng, cổ vũ hành vi bạo lực gia đình.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và xác định rõ hơn nhằm đảm bảo sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong luật.
Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình với một số ý kiến phát biểu trước, đó là không nên để bỏ sót các trường hợp bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với con riêng của vợ chồng hoặc những người đang chung sống với nhau như vợ chồng.
Đại biểu dẫn chứng: kinh nghiệm quốc tế, luật mẫu về bạo lực gia đình của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc khuyến khích các quốc gia đó là: xác định mối quan hệ nảy sinh bạo lực gia đình càng rộng càng tốt.
Vì vậy, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị: tại Khoản 2, Điều 4 dự thảo luật bổ sung thành viên gia đình của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng cũ là đối tượng áp dụng quy định nếu có hành vi bạo lực gia đình. Nếu chỉ quy định như dự thảo luật thì dường như chưa bao gồm những đối tượng này.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để đưa người gây bạo lực cũng là đối tượng của tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong phòng, chống bạo lực gia đình và nếu luật chỉ quy định về xử phạt vi phạm cấm tiếp xúc mà chưa coi trọng, chưa coi người gây ra hành vi bạo lực gia đình là đối tượng cần được trợ giúp tư vấn thì khó có thể giải quyết được gốc, rễ vấn đề, như vậy hành vi bạo lực gia đình sẽ có nguy cơ tái diễn trong thực tế.
Ngoài ra, cần quan tâm để đa dạng hóa các hình thức tư vấn phù hợp với tình hình thực tế. Có hai hình thức tư vấn đó là tư vấn ở cộng đồng và tư vấn tại cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong bối cảnh đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung các hình thức tư vấn gián tiếp như tư vấn qua điện thoại, qua thư điện tử để góp phần gia tăng hiệu quả của công tác tư vấn.
Bên cạnh việc Quốc hội bổ sung, hoàn thiện các quy định của luật, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm tăng cường công tác lãnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu và nhân rộng mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nhà tạm lánh ở các địa phương.
Bổ sung hình thức tư vấn trực tuyến
Phát biểu ý kiến tại phiên họp về cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, đại biểu Đinh Văn Thê – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, ở nước ta chưa có địa phương nào thành lập được. Mặc dù dự thảo Luật sửa đổi lần này tiếp tục có quy định nhưng về bản chất vẫn là các quy định theo luật hiện hành. Như vậy mọi vướng mắc khó khó có thể giải quyết , bởi vấn đề kinh phí không được tháo gỡ.
Đại biểu đề nghị, cần tính tới việc triển khai các phương án khác như: việc tổ chức các trung tâm hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình gắn với các hội, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên… Đại biểu cho rằng, quy định theo hướng này sẽ phát huy được hiệu quả mô hình phòng, chống bạo lực gia đình cấp xã.
Liên quan đến quy định về hình thức tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình của dự thảo Luật, đại biểu cho biết, hiện nay ở Việt Nam có hơn 70 % dân số sử dụng internet. Để tạo điều kiện thuận lợi, khắc phục những rào cản chủ quan, khách quan, hạn chế việc di chuyển hoặc sự mặc cảm của người cần được tư vấn, đại biểu đề nghị dự án luật bổ sung hình thức tư vấn trực tuyến và quy định cụ thể về hình thức tư vấn này vào trong dự án Luật.
Đối với nội dung về trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật điều chỉnh cụm từ “trẻ em gái” thành “trẻ em” để mở rộng đối tượng được bảo vệ. Vì trong thực tế hiện nay, thực trạng bạo lực gia đình không chỉ diễn ra đối với các bé gái mà còn diễn ra với cả các bé trai.
Hải Minh, Ngọc Trang
Theo GD&TĐ