Bạo lực giới: Lan tỏa thông điệp không im lặng trước bạo lực về giới
Lan tỏa thông điệp không im lặng trước bạo lực về giới
Sự kiện nhằm lan tỏa thông điệp không chấp nhận tất cả các hình thức bạo lực về giới, dù là bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục hay bạo lực trên không gian mạng đến với cộng đồng. Giải thu hút đông đảo người chạy nhiều lứa tuổi, đặc biệt có sự góp mặt của nhiều vận động viên khuyết tật tham dự.
Đây là năm thứ 2, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức giải chạy trong khuôn khổ hợp tác với Chính phủ Australia.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tham gia chạy quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN |
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên tin tưởng trong tương lai sẽ không có phụ nữ và trẻ em nào phải chịu bạo lực giới. Một xã hội nhiều tình thương yêu và sự tôn trọng sẽ có nhiều năng lượng tích cực để phát triển lành mạnh, bền vững.
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Mọi người cần chung tay chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới trong cả thế giới thực, trên không gian mạng. Mục tiêu hướng đến là tất cả phụ nữ, trẻ em gái, thanh niên và vị thành niên đều có một cuộc sống không bạo lực.
Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall cũng đồng tình, nhấn mạnh việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của tất cả mọi người. Ông động viên, kêu gọi những người bị bạo lực, chứng kiến bạo lực không im lặng, hãy lên tiếng tìm sự hỗ trợ để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể xảy ra ở nhiều nơi như trong nhà, trường học, nơi làm việc, nơi công cộng và đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường trực tuyến. Bạo lực trên cơ sở giới là hành động vi phạm quyền con người, để lại tác động dai dẳng và nhiều hậu quả nhưng lại bị xem nhẹ tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thống kê toàn cầu cho thấy, khoảng 20% số phụ nữ được điều tra đã từng trải qua bạo lực thể chất hoặc tình dục (bao gồm cả xâm hại trực tuyến) bởi chồng, bạn tình. 85% phụ nữ trên toàn cầu đã chứng kiến bạo lực với một phụ nữ khác. Tại Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia lần thứ 2 về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, 63% phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi 15-64 chia sẻ việc đã trải qua một số hình thức bạo lực ít nhất 1 lần trong đời bởi chồng hoặc bạn tình.
Đáng lo ngại, hơn 50% số phụ nữ bị bạo lực giữ im lặng và hơn 90% không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào. Phụ nữ khuyết tật, thanh thiếu niên trong cộng đồng người có giới tính đặc biệt (LGBT) và dân tộc thiểu số có nhiều quy cơ bị xâm hại, quấy rồi hoặc lạm dụng hình ảnh trực tuyến. Có 40-68% phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tình dục trước 18 tuổi...
Giải chạy “Vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái năm 2023” là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của Việt Nam (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12); nằm trong chiến dịch 16 ngày hoạt động chống bạo lực trên cơ sở giới hàng năm.