Bạo lực học đường
'Việt hóa' mô hình quốc tế phòng chống bạo lực học đường
Chốt chặn đầu tiên trong việc nhận diện, phòng ngừa bạo lực học đường chính là giáo viên. Ảnh: NTCC |
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, giải pháp căn cơ nhất để phòng chống bạo lực học đường là có nhân sự chuyên trách để tổ chức, triển khai các hoạt động tham vấn tâm lý và kết nối phòng chống bạo lực học đường tại trường.
Chưa chủ động dự báo và ứng phó
- PGS nhìn nhận thế nào về những tồn tại, hạn chế trong phòng chống bạo lực học đường hiện nay?
- Có thể nói, bạo lực học đường gia tăng về quy mô, tần suất, tính chất là vấn đề mang tính toàn cầu sau đại dịch Covid-19 nhưng ta chưa chủ động dự báo và ứng phó. Đến nay, chưa có một hệ thống sàng lọc mối nguy, tiếp nhận thông tin phản ánh bạo lực học đường thống nhất trong ngành; chưa học hỏi các mô hình quốc tế đã triển khai hiệu quả trong phòng chống bạo lực học đường. Các đề tài nghiên cứu của Bộ GD&ĐT xưa nay chủ yếu là mô hình lý thuyết, chưa được kiểm chứng thực tiễn tại cơ sở giáo dục.
Việc chúng ta không có đội ngũ nhân viên chuyên trách trong trường học về vấn đề này (không có vị trí tham vấn học đường, chương trình xã hội học đường) mà do giáo viên kiêm nhiệm cũng là một tồn tại, hạn chế lớn. Giáo viên chủ nhiệm có kỹ năng sư phạm, gần gũi, hiểu học sinh nhưng không có kiến thức phòng ngừa bạo lực học đường, tham vấn tạo ra sự thay đổi.
Chốt chặn đầu tiên trong việc nhận diện, phòng ngừa bạo lực học đường chính là giáo viên nhưng nhiều người đang bất lực trước vấn nạn bạo lực học đường. Bởi, bản thân họ cũng quá tải, căng thẳng nên không hào hứng và tận tâm với các công việc ngoài dạy học như phòng chống bạo lực học đường. Kể cả với giáo viên tận tâm thì cũng không có đủ kỹ năng phản ứng với bạo lực học đường phù hợp do trong chương trình đào tạo không có nội dung này.
Cùng với đó, lãnh đạo cơ sở giáo dục cũng quan tâm chưa đúng mức, nhiều niềm tin sai lầm về xử lý bạo lực học đường dẫn đến hành động không phù hợp, làm phức tạp thêm tình hình. Nhiều vụ việc bạo lực học đường xuất phát từ nhà trường (học sinh bị thầy cô, ban giám hiệu, hay nhân viên nhà trường trừng phạt khắc nghiệt, bạc đãi, đe dọa, làm nhục; học sinh báo cáo bị bắt nạt nhưng không được xử lý đến nơi; học sinh không được hỗ trợ tâm lý).
Ngoài ra, bạo lực học đường hiện nay phức tạp do môi trường xung quanh trẻ đầy chất liệu bạo lực, đặc biệt trên không gian mạng. Cùng với thời gian dùng mạng Internet nhiều hơn là xu hướng bắt nạt và bạo lực trực tuyến tăng, làm mồi cho các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng trên thực tế.
Độ tuổi tham gia mạng xã hội ngày càng nhỏ (9 tuổi) nhưng phải đến 13 tuổi học sinh mới được học kiến thức cơ bản về sống an toàn trên không gian mạng. Học sinh thế hệ Z và Alpha dành nhiều thời gian trên không gian mạng dẫn đến kỹ năng sống thực tế, khả năng chịu stress kém, nguy cơ lo âu, trầm cảm cao dẫn đến hành vi bạo lực thiếu kiểm soát.
Nhiều cha mẹ cho rằng trách nhiệm xử lý bạo lực học đường thuộc về nhà trường sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ học phí. Trong khi trên thực tế, không ít phụ huynh cũng là nguyên nhân gây ra bạo lực học đường (hành xử phi bạo lực, kém kiểm soát con cái, bỏ mặc không quan tâm, kỷ luật bạo lực và thiếu nhất quán).
PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC |
8 giải pháp phòng, chống
- Có giải pháp nào để khắc phục các tồn tại nói trên, thưa PGS?
- Từ những tồn tại, hạn chế nói trên, tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng hệ thống đánh giá sàng lọc, tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường và quy trình xử lý nhất quán do Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên quản lý. Bộ yêu cầu Vụ Khoa học và Công nghệ chỉ phê duyệt các đề tài nghiên cứu có áp dụng khoa học triển khai (Implementation Science) để thử nghiệm thực tế và nhân rộng.
Thứ hai, trong dài hạn, vận động chính sách tiến đến xây dựng vị trí công việc chính thức với quy định về đào tạo, bậc lương. Trong ngắn hạn, ban hành văn bản, tài liệu cụ thể để hướng dẫn kích hoạt hoạt động của các phòng tham vấn học đường thực chất. Yêu cầu các sở GD&ĐT thành lập nhóm chuyên gia tâm lý học đặc trách hỗ trợ nhà trường xây dựng hệ thống khảo sát sàng lọc, phân loại và hỗ trợ các nhóm với mức độ nguy cơ khác nhau và xử lý những vụ việc nghiêm trọng.
Thứ ba, bổ sung nội dung phòng chống bạo lực học đường vào chương trình đào tạo bậc đại học/ sau đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên để giúp thầy cô có năng lực phát hiện, phòng ngừa và can thiệp bạo lực học đường theo mô hình khoa học. Trong ngắn hạn, giảm tải tối đa công việc hành chính chuyên môn cho giáo viên để họ dành thời gian cho quản lý lớp học tích cực, kỷ luật tích cực và hỗ trợ phòng chống bạo lực học đường (điều chỉnh yêu cầu trong chuẩn giáo viên).
Thứ tư, xây dựng sổ tay An toàn tâm lý trường học với các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể gồm quy trình phòng chống bạo lực học đường, quy trình xuất nhập trường, sử dụng camera, chiếu sáng hợp lý đảm bảo an toàn; quy trình xây dựng các nhóm hòa giải ngang hàng trong nhà trường, phòng chống tự tử, quy trình xử lý khủng hoảng, quản lý truyền thông; quy trình sơ cứu tâm lý cho nạn nhân và thủ phạm của bạo lực học đường cho các hiệu trưởng và triển khai tập huấn rộng rãi.
Thứ năm, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông bảo vệ học sinh trên không gian mạng. Chịu trách nhiệm xây dựng và đưa vào chương trình giáo dục chính thức nội dung liên quan đến phòng chống bắt nạt và bạo lực trực tuyến; trang bị năng lực sống an toàn trên không gian mạng cho học sinh từ 9 tuổi.
Thứ sáu, chú trọng chính sách truyền thông, lôi kéo phụ huynh tham gia vào các quyết định quản trị và ủng hộ nhà trường phòng chống bạo lực học đường; tập huấn cha mẹ kỹ năng kỷ luật tích cực. Vận động phụ huynh tham gia giám sát học sinh sau giờ học, hình thành liên gia canh gác - giám sát tuyến phố an toàn, giám sát video game và các băng nhóm học sinh tại địa phương.
Thứ bảy, quan tâm, ban hành chính sách trang bị năng lực và nâng cao trách nhiệm của từng học sinh, sinh viên khi tham gia vào vụ bạo lực học đường. Ví dụ đưa chương trình hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần vào nội dung giáo dục chính thức; tăng cường chương trình giáo dục sự thấu cảm; huấn luyện ứng xử phi bạo lực cho học sinh.
Cuối cùng, bạo lực học đường hiện nay không giới hạn về không gian và vị trí địa lý, đặc biệt với bạo lực học đường trên không gian mạng. Vì vậy cần có cơ chế hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, hình thành mạng lưới phòng chống bạo lực học đường với một số quốc gia trong khu vực/ khối ASEAN, để mở rộng hội nhập, tăng cường sức mạnh quốc tế trong phòng ngừa bạo lực học đường có hiệu quả; học tập kinh nghiệm và mô hình quốc tế để phòng và chống bạo lực học đường thiết thực, phù hợp với đặc thù Việt Nam.
Trường học cần nhân sự chuyên trách tổ chức, triển khai các hoạt động tham vấn tâm lý và kết nối phòng chống bạo lực học đường tại trường. Ảnh: Phòng tham vấn tâm lý Trường THCS -THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội. |
Việt hóa, thử nghiệm mô hình quốc tế
- Chúng ta có thể học tập mô hình nào của quốc tế về phòng và chống bạo lực học đường?
- Việt hóa và thử nghiệm những mô hình quốc tế phòng chống bạo lực học đường có hiệu quả đã được quốc tế công nhận cũng là một giải pháp cần thiết. Một số mô hình chúng ta có thể học tập như:
Chương trình KiVa (Phần thưởng và Đánh giá khám phá) - Phần Lan. KiVa là một chương trình chống bạo lực học đường phổ biến được triển khai trên nhiều quốc gia. Chương trình này kết hợp các hoạt động giáo dục, quản lý xung đột và hỗ trợ cá nhân để giảm bạo lực học đường. Nó tập trung vào việc thay đổi nhận thức của học sinh về hậu quả của hành vi bạo lực và khuyến khích sự can thiệp của những người chứng kiến. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chương trình KiVa đã giảm mức độ bạo lực học đường và cải thiện môi trường học tập.
Olweus Bullying Prevention Program - Na Uy, được tạo ra bởi nhà tâm lý học Dan Olweus. Chương trình này tập trung vào việc tạo ra môi trường học tập an toàn bằng cách tăng cường sự nhạy bén và can thiệp đúng lúc trong trường học. Chương trình Olweus bao gồm các hoạt động giáo dục, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa học sinh và giáo viên và biện pháp xử lý khi có sự xâm phạm xảy ra. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chương trình này giúp giảm bạo lực học đường và tạo ra môi trường học tập tích cực.
Second Step - Mỹ là chương trình giảng dạy kỹ năng xã hội và kỹ năng sống cho học sinh. Chương trình tập trung vào việc xây dựng khả năng tự quản, quản lý xung đột và đánh giá rủi ro trong các tình huống khác nhau. Bên cạnh giảng dạy về phòng chống bạo lực, Second Step cũng trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề và tạo ra mối quan hệ lành mạnh. Chương trình này được chứng minh là giúp giảm bạo lực học đường và nâng cao trạng thái tinh thần của học sinh.
The Friendly Schools Initiative - Úc: Chương trình này nhấn mạnh việc xây dựng môi trường học tập an toàn và chấp nhận đối với tất cả học sinh. Nó tập trung vào việc nâng cao nhận thức về bạo lực học đường, khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng trường học và phát triển kỹ năng xã hội cho học sinh. Chương trình Friendly Schools cho thấy hiệu quả trong việc giảm bạo lực học đường và tạo ra một môi trường học tập tích cực.
- Trong bối cảnh Việt Nam, theo PGS có thể chọn giải pháp nào làm đột phá để phòng chống bạo lực học đường?
- Giải pháp căn cơ nhất là chúng ta cần đội ngũ nhân sự chuyên trách việc tổ chức và triển khai các hoạt động tham vấn tâm lý và kết nối phòng chống bạo lực học đường tại trường.
Còn trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ rằng ngành Giáo dục cần xây dựng cổng thông tin phòng chống bạo lực học đường thống nhất trong toàn quốc để thể hiện quyết tâm của ngành trong công tác này. Trên cổng thông tin sẽ cung cấp tất cả văn bản pháp quy về phòng chống bạo lực học đường; cập nhật mô hình tốt về phòng chống bạo lực học đường ở các địa phương và trên thế giới; giới thiệu quy trình kỹ thuật phòng chống bạo lực; sơ cứu tâm lý và xử lý khủng hoảng khi bạo lực xảy ra.
Đó cũng là nơi cung cấp công cụ sàng lọc bạo lực và nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần; là một kênh cho địa phương cập nhật số liệu thời gian thực về các vụ bạo lực học đường giúp ngành Giáo dục có để phân tích và dự báo nguy cơ bạo lực ở mỗi vùng miền. Cổng thông tin cũng là địa chỉ để thu nhận trực tiếp phản ánh bạo lực từ học sinh cũng như kết nối chuyên gia, dịch vụ hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp.
- Xin cảm ơn PGS!
Hiếu Nguyễn -Theo GD&TĐ
Link: https://giaoducthoidai.vn/viet-hoa-mo-hinh-quoc-te-phong-chong-bao-luc-hoc-duong-post646019.html