Ba Mẹ, Con Cái Và Thu Hẹp Khoảng Cách Thế Hệ

Ba Mẹ, Con Cái Và Thu Hẹp Khoảng Cách Thế Hệ

Một sinh viên Thái Lan đã gửi đến tác giả một vài câu hỏi thú vị về cách điều hòa khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và thanh thiếu niên.

Những thông tin dưới đây là những câu hỏi cũng như câu trả lời của tác giả. Những câu trả lời này không dựa trên bất cứ nghiên cứu tâm lý nào mà chỉ dựa trên những trải nghiệm của chính tác giả.

Một số người cho rằng khoảng cách thế hệ chỉ là một sự tưởng tượng. Bạn thì nghĩ như thế nào?

Khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và thanh thiếu niên thì có thật, nó dùng để chỉ mức độ mà mỗi người lớn lên trong thời điểm và nền văn hóa khác nhau - được in dấu bởi thị hiếu, giá trị cũng như các biểu tượng và sự kiện đã được  hình thành trong cuộc đời ba mẹ trong khi sự trưởng thành của thanh thiếu chỉ mới bắt đầu.

Nguyên nhân của nó là gì? Ai là người chịu trách nhiệm ba mẹ, con cái, hay một cái gì khác?

Không ai phải chịu trách nhiệm cho khoảng cách thế hệ cả. Nó chỉ là một chức năng của sự thay đổi xã hội. Sự thay đổi là một quá trình liên tục đảo lộn và thiết lập lại các điều kiện tồn tại của mọi người trong suốt cuộc đời họ.

Sự khác biệt về văn hóa giữa các thế hệ càng được nhấn mạnh khi mối quan tâm của ba mẹ là những thứ cũ kỹ, tương tự, quen thuộc, truyền thống trong khi đó con cái họ lại quan tâm và bị ảnh hưởng bởi những điều mới mẻ, khác biệt, kỳ lạ, thử nghiệm, và không rõ ràng.

Trong hầu hết mọi trường hợp, ba mẹ là người tiếp cận văn hóa ở những khoảng thời gian sớm hơn trong khi con cái tiếp cận về sau. Ở mức độ nào đó, sự thay đổi của xã hội, tạo ra những khác biệt về văn hóa giữa các thế hệ. Và đó chỉ là cách vận hành của cuộc sống.

Một xã hội với một nền văn hóa đơn giản, ổn định, và ít thay đổi thì những người trẻ xác định được vai trò của bậc sinh thành, từ đó chỉ cần bắt chước và thực hiện khi chúng lớn lên. So với việc sống trong một nền văn hóa phức tạp, nhanh biến đổi, nơi thế giới của ba mẹ hoàn toàn tương phản với thế giới của con cái họ.

Ví dụ: Ba mẹ lớn lên trong một thế giới không có Internet, không có khái niệm trực tuyến. Tuy nhiên, con cái họ lại trưởng thành với 2 khái niệm: ngoại tuyến và trực tuyến. Do đó, khoảng cách thế hệ được hình thành, mặc dù sau đó ba mẹ vẫn tiếp thu được các kỹ năng online.


Khoảng cách thế hệ tác động đến mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái như thế nào?

Ba mẹ có thể thu hẹp khác biệt thế hệ thông qua việc thể hiện sự hứng thú với những điều mới mẻ. Việc này giúp giảm những sự xa cách do khoảng cách thế hệ gây ra.

Ví dụ: ba mẹ có thể khuyến khích việc hoán đổi vai trò trong mối quan hệ với con cái nếu họ xem con cái là một “chuyên gia” còn bản thân mình thì “không biết gì” giống như con cái là giáo viên còn ba mẹ là học trò.

Một ví dụ khác: ba mẹ có thể hỏi:” Con có thể cho mẹ nghe thể loại nhạc mà con thích không?  Chúng rất khác với thể loại nhạc mà mẹ thường nghe thì phải?

Hoặc: ba mẹ có thể hỏi: “Con có thể chỉ cho ba cách chơi loại game con và bạn thích chơi không? Bởi vì ba rất muốn chơi thử!”

Với những phụ huynh không muốn thu hẹp khoảng cách thế hệ bằng sự quan tâm mà chỉ phớt lờ và phê phán chúng, thì họ đã tạo cơ hội để mối quan hệ rạn nứt bởi những điều khác biệt. 

Thế hệ thanh thiếu niên nên làm gì khi chúng cảm thấy ba mẹ không hiểu mình?

Khi con cái bước vào độ tuổi từ 9 đến 13, chúng bắt đầu định nghĩa bản thân như một người sắp trưởng thành, chúng có hai con đường để chọn cho quá trình lớn lên. Một là quên đi thời thơ ấu, trở nên tự do hành động và độc lập, con đường thứ 2 là phân biệt thời lúc nhỏ và hiện tại để tự do thể hiện cảm xúc và cá tính hơn.

Việc ba mẹ “không hiểu” người trẻ như cách họ đã từng trong quá khứ được cho rằng quá trình chuyển đổi thành thanh thiếu niên đang được diễn ra. Quá trình này vừa dùng để khẳng định bản thân vừa làm chúng thấy cô đơn. vì thế thanh thiếu niên thường cảm thấy mâu thuẫn - muốn và không muốn ba mẹ hiểu mình. 

Khi người trẻ cảm thấy ba mẹ đang không hiểu mình và mong muốn ba mẹ hiểu mình, họ có thể chủ động. Hãy dũng cảm nói với ba mình rằng: “Có một điều liên quan đến việc lớn lên của con mà ba mẹ không biết và con mong rằng ba mẹ có thể lắng nghe con đang cố giải thích nó, sau đó chúng ta có thể bàn bạc về nó về nó bởi vì điều con sắp nói rất quan trọng. Được không ba mẹ?”

Khi cãi vã xảy ra, làm thế nào để cả hai có thể thỏa hiệp được với nhau?

Khi xung đột liên quan về những thú vui của người trẻ và gây khó chịu cho người lớn nảy sinh, như phương tiện giải trí tiên tiến, hãy xem xung đột không phải là một cuộc tranh giành quyền lực xem ai là người thắng cuộc mà coi đó là cơ hội để thảo luận về sự khác nhau từ đó tăng cường việc trao đổi, thấu hiểu nhau trong mối quan hệ này.

Đối với người trưởng thành, không có thứ gì bị mất đi bởi việc lắng nghe cả. Thay vì vậy, sự thấu hiểu có thể đạt được khi ba mẹ đối xử với thanh thiếu niên không phải như một đối thủ ngoan cố cần phải đánh bại, mà đối xử họ như người cung cấp những thông tin hữu ích, giúp họ hiểu hơn về tuổi vị thành niên và thế giới của họ đầy đủ hơn. Đôi khi lắng nghe cũng đủ làm dịu sự lo lắng của ba mẹ và đôi khi lắng nghe cũng đủ để thanh thiếu niên tôn trọng mong muốn của ba mẹ.

Ba mẹ có thể giải thích: “Ba mẹ sẽ kiên quyết ở những điểm cần kiên quyết, sẽ linh hoạt và sẵn sàng thỏa hiệp ở những điểm cần linh hoạt, và trong cả hai trường hợp ba mẹ sẽ luôn lắng nghe những điều con muốn nói.”

Có cách nào để làm giảm thiểu tác động của khoảng cách thế hệ?

Tác giả tin rằng cách tốt nhất để giảm thiểu sự xa cách gây ra bởi khoảng cách thế hệ là ba mẹ hãy xem con cái họ như một người hướng dẫn có thể giúp họ hiểu được về thời kỳ trưởng thành, một quá trình khác với quá trình trưởng thành của ba mẹ. Khi nuôi dạy trẻ vị thành niên, sự quan tâm và lắng nghe của ba mẹ là vô cùng đáng giá, trong khi những gia đình ba mẹ hoàn toàn hiểu được con cái thì ít cảm thấy sợ hơn so với những ba mẹ cấm thảo luận về những điều họ không hiểu.

Việc chia sẻ cùng làm những điều cả hai yêu thích giúp ba mẹ và con cái ở tuổi vị thành niên đến gần nhau hơn, như cùng nhau tham gia các hoạt động truyền thống gia đình, ăn ngoài cùng nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau đi xem phim, hay nói đùa vui với nhau.

Việc tạo mối quan hệ phá vỡ khoảng cách thế hệ khá khó khăn đối với cả ba mẹ và con cái: việc duy trì kết nối giao tiếp khi trở thành thanh thiếu niên làm ba mẹ và họ rời xa nhau như là một lẽ thường tình.

--------

Tác giả: Carl E Pickhardt

Link bài gốc: Parent, Adolescent, and Managing the Generation Gap

Dịch giả: Phạm Thị Ngọc Duyên - ToMo - Learn Something New

Link: [ToMo] Ba Mẹ, Con Cái Và Thu Hẹp Khoảng Cách Thế Hệ - YBOX