Hàn Quốc: Báo động nạn bạo hành cô dâu nước ngoài

 Đã đến lúc cần có biện pháp thiết thực hơn để giúp phụ nữ Việt Nam bảo vệ mình và có biện pháp đủ mạnh răn đe nhằm ngăn chặn những sự việc đau lòng tương tự.

Bạo hành tràn lan

Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 16/11. Một phụ nữ Việt tên là Nguyễn Bình An 29 tuổi đã bị chồng là Shin Yong-seok 57 tuổi giết hại, giấu xác.  Cảnh sát Yangju cho biết người chồng đã bị bắt. Nạn nhân bị chồng dùng dao giết tại nhà riêng ở thành phố Yangju. Nghi phạm ban đầu chối tội nhưng về sau thừa nhận giết vợ.

Hồi tháng 7, dư luận cũng rúng động khi trên mạng xuất hiện một đoạn video ghi cảnh chồng Hàn Quốc đánh đập vợ Việt Nam dã man ngay trước mặt con, làm dấy lên làn sóng giận dữ về việc lạm dụng phụ nữ nước ngoài ở Hàn Quốc.

Các sự việc gần đây cho thấy phụ nữ nước ngoài, trong đó có phụ nữ Việt Nam, rất dễ bị tổn thương khi kết hôn với người Hàn Quốc. Nhiều người lấy phải chồng bạo lực, bị bạo hành, giết hại, còn thủ phạm hiếm khi phải đối mặt với pháp luật.

Năm 2018, khảo sát với 920 người vợ nước ngoài ở Hàn Quốc do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia thực hiện cho thấy 42% trong số đó bị bạo lực gia đình.

Theo đài BBC tại Hàn Quốc, mặc dù tỷ lệ vợ nước ngoài bị bạo hành cao nhưng rất ít người báo cảnh sát. Các tổ chức ủng hộ phụ nữ cho biết có nhiều lý do.

Ông Kang Hye-sook, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Di cư ở Daegu, nói: “Trong tình huống xấu nhất, chồng Hàn Quốc và gia đình học cố tình trì hoãn giúp người vợ di cư trong vấn đề quyền công dân và tình trạng thị thực”. Vì thế khi người vợ nước ngoài báo cáo bị lạm dụng và khiến chồng nổi giận thì không khác gì việc từ bỏ “giấc mơ xứ Hàn”. Điều đó khiến nhiều cô dâu vốn đã dễ bị tổn thương của họ còn trở nên yếu ớt hơn. Nếu họ có con cái, động thái trên cũng có thể có nghĩa là họ sẽ không bao giờ được gặp lại con.

Ngoài ra, ở Hàn Quốc có xu hướng coi bạo lực gia đình là “chuyện trong nhà”. Trong số những vụ bạo lực gia đình được báo cáo 5 năm qua, chỉ có 13% số vụ có người bị bắt giam, 8,5% trong số đó có người bị kết tội và chỉ 0,9% phải vào tù thực sự.

Năm 2018, một loạt phụ nữ bị sát hại sau một quá trình dài chịu đựng lạm dụng từ chồng. Dư luận Hàn Quốc từng sốc trước loạt vụ này. Có vụ, con gái nạn nhân đã đăng đơn kiến nghị lên mạng, mong bố bị trừng phạt hình sự vì đã đâm mẹ mình. Còn chồng nạn nhân vẫn thản nhiên tuyên bố: “Tôi có thể giết cô ta và tự do chỉ sau 6 tháng tù giam”.

Cần bảo vệ những cô dâu nước ngoài

Ở Hàn Quốc, cả nam giới và phụ nữ đều chịu áp lực xã hội về việc kết hôn. Tuy nhiên, kết hôn không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là ở nông thôn - nơi nhiều phụ nữ đã rời đi thành phố tìm việc làm.

Trong những năm 1990, có sự bùng nổ xu hướng đàn ông lấy phụ nữ nước ngoài, trong đó có phụ nữ Việt Nam. Xu hướng này cũng đã lan ra các khu vực thành thị.

Một số chính quyền địa phương muốn tăng tỷ lệ dân số đang suy giảm còn trợ cấp cho đàn ông lấy vợ nước ngoài. Theo thống kê năm 2017 của Hàn Quốc, trong số những người vợ nước ngoài ở Hàn Quốc, phụ nữ Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất với 28%.

Phát triển kinh tế nhanh chóng ở Hàn Quốc đã khiến nước này trở thành một điểm đến hấp dẫn. Để đổi lấy cuộc sống sung túc hơn, một số phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi 20 luôn sẵn sàng kết hôn với người gần như người xa lạ ở Hàn Quốc và thường hơn họ khoảng 18 tuổi.

Nhiều cô gái có thể có bạn bè tới Hàn Quốc sống và nói về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với chồng nước ngoài, khiến bản thân họ cũng muốn theo con đường đó. Số khác bị ảo tưởng bởi cuộc sống màu hồng trên phim ảnh, chương trình TV Hàn Quốc phổ biến khắp Việt Nam.

Những cuộc hôn nhân như vậy thường được những bên trung gian làm mối sắp xếp. Các công ty mai mối thường nói với đàn ông Hàn Quốc vốn lớn lên trong truyền thống gia trưởng rằng phụ nữ Việt Nam được nuôi dạy theo giá trị Nho giáo (cũng ăn sâu trong văn hóa Hàn Quốc), nên họ rất nghe lời đàn ông và người lớn tuổi và sẽ phục vụ tốt chồng cũng như bố mẹ chồng.

Tuy nhiên, những người mai mối hôn nhân như vậy thường chỉ quan tâm tới lợi ích của mình. Họ sắp xếp mai mối bừa bãi, đôi khi cung cấp thông tin sai lệch về tình trạng hôn nhân, tình trạng nghề nghiệp và sức khỏe của người họ định mai mối với cô dâu nước ngoài. Nhiều người cho rằng kiểu sắp xếp này không khác gì “mua cô dâu” dựa trên nhu cầu và tiền bạc của hai bên. 

Theo khảo sát về mai mối hôn nhân quốc tế do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thực hiện năm 2017, thời gian trung bình giữa cuộc gặp đầu tiên của hai người có tiềm năng kết hôn tới thời điểm họ làm đám cưới chỉ là 4,4 ngày. 29,2% người được khảo sát cho biết họ làm đám cưới ngay sau ngày gặp mặt, còn 20,9% chờ tới ngày kia. 2,5% cưới ngay trong ngày đầu gặp mặt.

Do bản chất giả tạo của hoạt động mai mối, nhiều đàn ông Hàn Quốc không coi vợ nước ngoài là bình đẳng, khiến họ càng lạm dụng vợ sau này. 

Từ đó dẫn tới nhiều vụ bạo lực gia đình gây xôn xao dư luận. Đã có nhiều phụ nữ Việt Nam là đối tượng bị bạo lực khi lấy chồng Hàn Quốc. Năm 2010, một cô dâu Việt Nam 20 tuổi tên là Thạch Thị Hoàng Ngọc đã bị chồng 47 tuổi đánh đập và đâm chết chỉ 8 ngày khi vừa tới Hàn Quốc. Cô không hề biết chồng mình có tiền sử tâm thần phân liệt.

Việc các cô dâu Việt Nam bị ngược đã tại Hàn Quốc thường là chủ đề trong quan hệ song phương. Năm 2007, Việt Nam chính thức đề nghị Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam giúp đàn ông Hàn Quốc đối xử tốt với vợ Việt Nam. Năm 2018, một nghị sĩ Hàn Quốc bị các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ chỉ trích vì nói “đàn ông Hàn Quốc thích phụ nữ Việt Nam”.

Để giải quyết nạn bạo lực gia đình nhằm vào phụ nữ nước ngoài, tháng 11/2018, Bộ Bình đẳng giới, Bộ Tư pháp và Cảnh sát Hàn Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp nghiêm khắc hơn đối với bạo lực gia đình, trong đó tăng khung hình phạt với người vi phạm. Tuy nhiên, nhiều biện pháp cần quốc hội thông qua và vẫn chưa được áp dụng.

Sau vụ chồng Hàn Quốc đánh vợ Việt Nam dã man hồi tháng 7/2019, Hàn Quốc dự kiến thông qua luật cấm đàn ông có lịch sử bạo lực gia đình kết hôn với phụ nữ nước ngoài cho dù hành vi bạo lực xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào. Bất kỳ ai bị kết án tù vì tội ác liên quan tình dục nhằm vào trẻ em trong vòng 10 năm qua, hoặc người nào bị kết án tù trong 10 năm qua sẽ là đối tượng của luật mới sửa đổi. Sửa đổi này sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2020.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng sẽ rà soát lại luật kiểm soát nhập cư để ngăn chặn bạo lực gia đình xảy ra và bảo vệ quyền lợi của người nước ngoài nhập cư lấy người Hàn Quốc.