Tình Yêu Vĩnh Cửu

 

Tình Yêu Vĩnh Cửu

Chúng ta không còn mong tình yêu vĩnh cửu có thể tồn tại, nhưng có một số cặp đôi vẫn có thể yêu nhau cho đến cuối đời. Vậy thì bí quyết của họ là gì?

Khi còn trẻ, tôi đã có niềm đam mê với những cuốn tiểu thuyết bi kịch lãng mạn như “Madame Bovary” của tác giả Gustave Flaubert xuất bản năm 1856 và “My Michael” của tác giả Amos Oz xuất bản vào năm 1968. Những cuốn tiểu thuyết này như là những câu chuyện cảnh báo về những hệ lụy có thể xảy ra khi sự si mê lụi tàn và tình yêu đích thực tan vỡ. Hãy nhìn sự hủy hoại của nhân vật Emma Bovary mà xem, bà cố gắng thêm gia vị vào cuộc sống hàng ngày tầm thường của mình bằng một loạt những cuộc ngoại tình. Kết quả là bà lại bị chính những người tình vụng trộm của mình khước từ và chìm sâu vào trong nợ nần, tới mức phải nuốt thạch tín tự tử. Tương tự, nhân vật bà Hannah Gonen, vợ của ông Michael cũng là một người phụ nữ nhiều nhiều đam mê và ước mơ nhưng lại bị cản trở bởi cuộc hôn nhân với một người đàn ông thực dụng và thiếu trí tưởng tượng. Theo thời gian, khi mối tình của bà trở nên buồn tẻ và chán nản, những giấc mơ cùng với lý trí của bà đã bị dập tắt.

Bà Emma và bà Hannah dường như là những nạn nhân của một niềm tin hoang đường, một hệ tư tưởng lãng mạn nguy hiểm mà vẫn được tôn thờ trong các nghi lễ và bài hát của chúng ta cho tới ngày nay, rằng tình yêu có thể vượt qua mọi trở ngại (không có ngọn núi nào là quá cao); hay tình yêu là vĩnh cửu (cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta). Hệ tư tưởng lãng mạn đầy mê hoặc này quả quyết về sự độc nhất của người ta yêu và thêm vào đó còn nhắc tới một sự hòa quyện: những tâm hồn đồng điệu sinh ra là để giành cho nhau, những đôi tình nhân hòa thành một thực thể duy nhất; người mà ta yêu thương không thể nào thay thế được bằng một ai khác trên thế giới này (Hàng triệu người đi qua, nhưng tất cả bọn họ đều biến mất khỏi tầm mắt tôi, bởi vì tôi chỉ hướng đến bạn). Tình yêu lý tưởng là thứ tình trọn vẹn, không suy chuyển và vô điều kiện, mặc cho mọi điều xảy ra ngoài kia, tình yêu đích thực sẽ luôn trường tồn.

Hệ tư tưởng lãng mạn vẫn còn sức hấp dẫn của nó trong thời hiện đại, nhưng cái suy nghĩ rằng tình yêu có thể kéo dài suốt một đời đã ít nhiều mất đi uy tín. Một lập luận phản bác tình yêu vĩnh cửu được nêu lên từ lối suy nghĩ bắt nguồn trong tác phẩm của ông Baruch Spinoza -nhà triết học vĩ đại người Hà Lan vào thế kỷ 17. Ông cho rằng cảm xúc xuất hiện khi chúng ta nhận thấy một sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống của chính mình, mà không sự thay đổi nào kéo dài mãi mãi. Vì vậy, tình yêu dù nồng nhiệt tới đâu rồi cũng phai nhạt dần.

Cùng với đó, nhiều nghiên cứu đã liên tiếp chỉ ra rằng ham muốn tình dục và tình yêu lãng mạn nồng nhiệt đều sẽ giảm đi đáng kể theo thời gian. Các phát hiện cho thấy tần suất quan hệ tình dục với bạn đời giảm dần đều, và số lần quan hệ của các cặp đôi thường chỉ còn một nửa sau một năm kết hôn so với tháng đầu tiên. Con số này thậm chí còn thấp hơn sau sinh đẻ. Sự suy giảm này được tìm thấy ở các cặp đôi sống chung, các cặp vợ chồng lẫn các cặp đồng tính nam và đồng tính nữ. Theo đó, nhiều học giả đã tuyên bố rằng thực chất không có nhiều tình yêu vĩnh cửu như mọi người vẫn tưởng, hầu như nó luôn phát triển thành tình nghĩa chia ngọt sẻ bùi theo thời gian, thứ nghĩa tình không cần đến sức hấp dẫn xác thịt và giảm đi ham muốn tình dục. Yêu là một sự đánh đổi, và như một định lý đã muôn thuở: Có những mối tình, là một thoáng phút chốc ta lâng lâng trên tận chín tầng mây, nhưng cũng có những mối lương duyên hai ta sẽ cầm tay nhau bình dị đi qua bao thăng trầm cuộc sốngVậy hà cớ chi mà ta tuyệt vọng giống như bà Emma và bà Hannah, bởi lẽ đâu ai trên đời có được cả hai thái cực của tình yêu.

Nhưng biết đâu là có nhỉ? Những nghiên cứu mới đây cho thấy rằng định lí thông thường không phải lúc nào cũng chính xác, bởi lẽ một tỷ lệ đáng kể các cặp đôi yêu nhau lâu năm vẫn còn giữ được tình cảm rất sâu đậm. Vào năm 2012, nhà tâm lý học Daniel O'Leary và nhóm nghiên cứu của ông tại trường Đại học Stony Brook, New York đã hỏi những người tham gia nghiên cứu câu hỏi đơn giản sau đây: “Bạn yêu bạn đời của mình đến mức nào?”. Cuộc khảo sát toàn quốc của họ với 274 người tham gia đều đã kết hôn trong hơn một thập kỷ cho thấy một kết quả khoảng 40 phần trăm câu trả lời khẳng định rằng “chúng tôi yêu nhau rất nhiều” (đạt mức bảy điểm trên thang điểm bảy). Nhóm của nhà tâm lý học O'Leary đã thực hiện một nghiên cứu tương tự với người dân ở New York và nhận thấy rằng 29 phần trăm trong số 322 người đã kết hôn lâu năm cũng đưa ra câu trả lời tương tự. Trong một nghiên cứu toàn quốc khác vào năm 2011, trang web hẹn hò Match.com đã phát hiện ra rằng 18 phần trăm trong số 5.200 người ở Hoa Kỳ cho biết rằng xúc cảm lãng mạn trong tình yêu của họ kéo dài một thập kỷ trở lên.


Những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh có thể sẽ lí giải được cơ chế sinh học đằng sau những kết quả này. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2012, nhà tâm lý học Bianca Acevedo của trường đại học Stony Brook cùng các đồng nghiệp đã báo cáo có khoảng 10 người phụ nữ và 7 người đàn ông tuyên bố rằng họ vẫn còn yêu nhau sâu đậm sau 21 năm chung sống. Các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia xem hình ảnh khuôn mặt của bạn đời của mình trong khi quét não của họ bằng fMRI. Các lần quét cho thấy sự kích hoạt đáng kể ở các trung tâm chính của não, nó rất giống với các mô hình được tìm thấy ở những cặp đôi mới yêu, nhưng lại rất khác so với những người đã kết hôn lâu năm.


Thật khó biết bao khi ta muốn sống cùng những lý tưởng lãng mạn nhưng lại bị hạn chế bởi ranh giới văn hóa và chuẩn mực xã hội của mình; suy cho cùng, chỉ có cá chết mới thả mình xuôi theo dòng nước.


Tôi phải thừa nhận rằng những phát hiện này làm tôi cảm thấy khó hiểu. Chúng ta thực sự là nạn nhân của hệ tư tưởng lãng mạn sao? Chúng ta có nên ngừng phấn đấu cho tình yêu đích thực hay chờ đợi cho đến khi một người bạn tâm giao xuất hiện không? Trong thời hiện đại ngày nay, những câu hỏi này không dễ để trả lời. Suy cho cùng, thật khó biết bao khi ta muốn sống cùng những lý tưởng lãng mạn nhưng lại bị hạn chế bởi ranh giới văn hóa và chuẩn mực xã hội của mình; suy cho cùng, chỉ có cá chết mới thả mình xuôi theo dòng nước.

Tuy nhiên, tôi vẫn đồng tình với bà Emma và bà Hannah, bởi tôi muốn tin vào hệ tư tưởng lãng mạn, vào cái niềm tin rằng tình yêu đích thực có thể kéo dài nhiều năm. Mặc dù có  có người sẽ coi đây chỉ là một khái niệm sáo rỗng của một nền văn hóa hào nhoáng, nhưng thực tế nó lại là một suy nghĩ khá tiên tiến đi ngược lại với nhiều nghiên cứu tâm lý và ý kiến số đông. 

Nếu muốn chứng minh cho ý kiến của mình, chắc tôi sẽ phải kết hợp các nghiên cứu của trường đại học Stony Brook với quan niệm của nhà triết học Spinoza và cả suy xét của tôi lại với nhau để làm rõ rằng rằng muốn có được cảm xúc dạt dào luôn đòi hỏi cần có sự thay đổi, mới mẻ. Có lẽ tôi có thể đưa ra một sự phân biệt giữa những trải nghiệm lãng mạn phù phiếm đơn thuần và tình yêu nồng nhiệt đậm sâu, hay nói cách khác là phân biệt giữa các mối quan hệ mà trong đó sự hấp dẫn tình dục chiếm chủ đạo và được nuôi dưỡng bởi trải nghiệm cùng sự phát triển cá nhân từ đôi bên. Nói vậy thôi chứ thật ra tôi biết dẫu cả hai thái cực của tình yêu kể trên đều nồng nhiệt, chỉ một trong hai có thể tồn tại.

Tôi bắt đầu thử nghiệm tư duy của mình bằng cách so sánh những cảm xúc mãnh liệt như sự tức giận với những cảm xúc có đôi phần sướt mướt hơn như sự đau buồn. Một cảm xúc sướt mướt không chỉ đơn thuần lặp đi lặp lại mà nó còn định hình lại thái độ và hành vi của chúng ta. Một cơn tức giận thoáng qua có thể kéo dài vài phút hoặc lâu hơn, nhưng nỗi đau buồn ta cảm nhận về sự mất mát của một người thân yêu sẽ luôn vang vọng, làm cho tâm trạng, thái độ cũng như cách ta nhận thức về thời gian, không gian trở nên u uất. Trong tình yêu cũng vậy, chúng ta có thể phân biệt giữa hai hiện tượng cường độ lãng mạn và chiều sâu lãng mạn. Cường độ lãng mạn thể hiện giá trị nhất thời của những cảm xúc mãnh liệt còn chiều sâu lãng mạn thể hiện tần suất tình yêu mãnh liệt thường xuyên xảy ra trong thời gian dài cùng với trải nghiệm sống ở mọi nơi, giúp các cá nhân phát triển và thăng hoa trong tình yêu.

Nhưng chiều sâu lãng mạn không chỉ đơn thuần tính bằng quãng  thời gian bên nhau, mà còn bởi sự sâu đậm của mối quan hệ. Ta có thể làm một phép so sánh như trong âm nhạc. Vào năm 1987, hai nhà tâm lý học từ trường Đại học California, San Diego là William Gaver và George Mandler đã phát hiện ra rằng tần suất nghe một thể loại nhạc nhất định có thể làm tăng sự yêu thích đối với thể loại nhạc đó đến một mức độ nào đó. Nếu bạn nghe một thể loại nhạc đó nhiều lần sẽ có cảm giác quá quen thuộc và dễ gây ra sự nhàm chán, đặc biệt nếu đó chỉ là những bản hòa âm đơn giản. Do đó, âm nhạc càng phức tạp, có chiều sâu thì khả năng sinh ra sự nhàm chán từ phía thính giả càng ít hơn.


Trong tình yêu cũng vậy, sự phức tạp, sâu sắc của người mình yêu thương là một yếu tố quan trọng trong việc xác định tình yêu sẽ sâu đậm hơn hay phai nhạt đi theo thời gian, bởi lẽ một đối tượng tâm lý đơn giản sau vài lần tiếp xúc sẽ dần dà mất đi sự hứng thú từ đối phương, trong khi một đối tượng phức tạp lại được yêu thích nhiều hơn. Một người có tâm lý phức tạp có nhiều khả vun đắp nên một tình yêu lãng mạn sâu đậm với bạn đời của mình hơn, mặc cho ham muốn tình dục dù mãnh liệt tới đâu cũng có thể mất đi một ngày nào đó. Ham muốn được thúc đẩy bởi sự thay đổi và mới lạ nhưng sẽ bị phai nhạt bởi sự quen thuộc. Chiều sâu lãng mạn tăng lên theo sự quen thuộc nếu nửa kia của bạn và bản thân mối quan hệ giữa hai người là đa chiều và có sự sâu sắc, phức tạp nhất định.

Nhà văn Ursula K Le Guin đã viết trong tiểu thuyết “The Lathe of Heaven” vào năm 1971 rằng: “Tình yêu không chỉ nằm yên ở đó như một hòn đá; như những chiếc bánh mì liên tục ra lò, nó phải được luân phiên làm mới”. Thật vậy, chính nhờ những phút giây chia sẻ những điều quan trọng trong cuộc sống của đôi bên bên mà qua đó tình yêu chúng ta mới trở nên sâu đậm. Các hoạt động chung thực chất có tác động lâu dài đến cuộc sống và cũng có thể định hình tính cách của chúng ta. Các hoạt động hời hợt thay vào đó lại chỉ ảnh hưởng đến bề mặt nổi trong cuộc sống của ta, chúng có tác động tức thời hơn và nhưng cũng hạn chế hơn.

Sự khác biệt giữa chiều sâu lãng mạn và cường độ lãng mạn lấy nội dung tham khảo từ sự phân biệt của nhà triết học Aristotle giữa hạnh phúc eudaimonic (nhận ra tiềm năng của một người) và hạnh phúc khoái lạc (đắm chìm trong niềm vui thoáng qua). Vào năm 2004, Carol Ryff, một nhà tâm lý học tại Đại học Wisconsin-Madison đã kết hợp nhiều nghiên cứu liên quan đến mối liên hệ giữa hạnh phúc eudaimonic với các dấu hiệu sinh học về sức khỏe tim mạch, thần kinh nội tiết và miễn dịch, cùng với khả năng kháng bệnh phục hồi sau bệnh tật. Trong phòng thí nghiệm, bà đã phát hiện ra rằng, hạnh phúc eudaimonic có liên quan đến nồng độ thấp cortisol trong nước bọt, một dấu hiệu cho thấy trạng thái căng thẳng đã được kiểm soát; mức cytokine tiền viêm thấp hơn, đó có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tự miễn; và thời gian ngủ REM dài hơn, liên quan đến giấc ngủ sâu và những giấc mơ. Những người đạt được hạnh phúc eudaimonic cũng có mức dấu hiệu sinh học của các căn bệnh liên quan đến bệnh suy giảm trí nhớ, loãng xương và viêm khớp thấp hơn.

----------

Tác giả:  Aaron Ben-Ze’ev

Link bài gốc: Endless love

Dịch giả: Trần Thị Ngọc Diễm - ToMo - Learn Something New 

LINK: https://ybox.vn/gia-vi/tomo-tinh-yeu-vinh-cuu-66b4379d202ab86184bd45d3