Đàn Ông mặc Váy

Đàn Ông Mặc Váy: Đằng Sau Những Lời Chỉ Trích Là Sự Coi Thường Tính Nữ Trầm Trọng


Khi nhắc đến những chiếc váy, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh của những người phụ nữ dịu dàng, nữ tính. Điều này dường như đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ của xã hội, khó có ai lại nghĩ rằng những chiếc váy dễ thương ấy bỗng một ngày lại trở thành xu hướng thời trang của nam giới. Và càng khó hơn khi nghĩ rằng, những chiếc váy chỉ đang làm đúng nghĩa vụ của nó đối với nam giới như cái cách mà những bộ âu phục đã giúp phụ nữ thực hiện công cuộc bình đẳng giới năm xưa. Khởi xướng từ nửa đầu của năm 2021, các nhà thiết kế đã ưu ái lựa chọn những chiếc váy cho bộ sưu tập thời trang nam Xuân Hè của mình, từng bước định nghĩa lại sự nam tính trong thời trang. Và không thể không nhắc đến người đã truyền cảm hứng cho sự quay trở lại của những chiếc váy đầm nam tính đó, Billy Porter. Anh đã tự tin diện lên mình một bộ váy của nhà thiết kế Christian Siriano trên thảm đỏ tại lễ trao giải Oscar năm 2019. Sự thể hiện táo bạo bất chấp dư luận của nam diễn viên đã làm rúng động giới mộ điệu và tạo nên một làn sóng mới mạnh mẽ trong làng thời trang thế giới.

Những lời chỉ trích, khinh miệt là điều không thể tránh khỏi khi đám đông nhìn thấy một cá nhân có sự khác biệt so với họ. Đàn ông mặc váy chính là một đối tượng hoàn hảo cho những cuộc ẩu đả bằng ngôn từ này. Tuy nhiên, mình tự hỏi liệu có mấy ai nhận ra rằng, đằng sau những lời chỉ trích là sự coi thường tính nữ trầm trọng hay không? Bài viết này được viết dựa trên tinh thần cung cấp góc nhìn đa chiều về việc đàn ông mặc váy cũng như góp thêm một tiếng nói cho việc ủng hộ mọi người sống đúng với cá tính thật và làm những gì mình muốn. Bởi vì, đáng sợ nhất là đánh mất chính mình chứ không phải là những sự phán xét từ người khác.

Lịch sử về những chiếc váy

Từ thời nguyên thủy, con người đã biết dùng da và lông động vật quấn lấy thân mình làm trang phục để giữ ấm cơ thể. Và những bộ trang phục sơ khai đó không gì khác hơn là một chiếc váy liền thân, được sử dụng bởi cả nam giới và nữ giới. Tư liệu rõ ràng đầu tiên có đề cập đến việc đàn ông mặc váy chính là từ Ai Cập cổ đại và người Lưỡng Hà. Lúc này chất liệu trang phục không còn dùng bằng da và lông thú nữa mà thay vào đó là những tấm vải dệt kim. Dựa theo những bức tượng điêu khắc Ai Cập cổ đại, ta có thể thấy rằng cả nam giới và nữ giới đều mặc váy. Tạo hình của những chiếc váy cũng khá tương đồng với váy chữ A và váy xẻ tà hiện nay. Tiếp theo, chúng ta vẫn có thể thấy rằng váy được áp dụng cho nam giới trong lịch sử người Roman và người Czech, đây là tiền thân của những chiếc váy ngắn xếp ly. Thông thường, chúng được mặc bởi các chiến binh bởi tính linh động cao của nó. Tiến gần đến hiện đại hơn một chút là thời kỳ Phục Hưng. Ở thời kỳ này, thời trang nam giới không chỉ dừng lại là những chiếc váy đơn giản nữa mà đã được biến tấu, cách điệu lên rất nhiều, thậm chí có phần hơi lố bịch. Nam giới thường đi tất dài màu trắng, mang giày cao gót cùng với những chiếc váy bồng bềnh có họa tiết lòe loẹt. Có thể nói, Phục Hưng là thời kỳ mà thời trang nam nổi bật nhất so với cả trước đấy và sau đấy.

Vậy, vì sao những chiếc váy lại dần dần bị thay thế bởi những chiếc quần dài trong thời trang nam giới? Các nhà sử gia cho rằng, khi cưỡi ngựa trong thời tiết lạnh, nếu vẫn tiếp tục mặc váy các chiến binh sẽ không thể bảo vệ đôi chân khỏi sự va chạm và cái giá rét thấu xương. Chính vì thế mà những chiếc quần ra đời trước hết là phục vụ cho kỵ binh, cho chiến tranh. Mà những kẻ thắng trận trong những cuộc xâm lăng sẽ ngày càng giàu có và quyền lực. Dần dần, đàn ông mặc quần trở thành biểu tượng cho giới cầm quyền và văn hóa đàn ông mặc váy ngày càng bị mai một.

Một chiếc váy không thể phản ánh xu hướng tính dục

Mark Bryan, 65 tuổi, là một người đàn ông thích mặc váy cùng giày cao gót khi đi làm hàng ngày ở Đức. Nhiều người khi nhìn thấy ông đều nghĩ rằng ông là người đồng tính nhưng thực tế ông khẳng định rằng bản thân là đàn ông thực thụ, thích phụ nữ đẹp, xe hơi và thể thao. Mark chia sẻ thêm rằng ông rất ngưỡng mộ những người phụ nữ mặc váy và mang giày cao gót đi làm vì ông thấy hình ảnh đó toát lên nét quyến rũ nhưng cũng đầy mạnh mẽ và quyền lực.

Harry Styles cũng thuộc trường hợp những chàng trai thẳng đam mê diện váy đầm. Nam ca sĩ từng nói: “Khi bước vào các cửa hàng, tôi nhìn thấy quần áo của phụ nữ và nghĩ rằng chúng thật đẹp”. Đúng vậy, chỉ đơn giản là chúng đẹp thôi, anh thấy yêu thích và anh diện lên mình. Tự bản thân những bộ trang phục xinh đẹp đó không hề có giới hạn cho bất kì ai, vấn đề là ở việc mọi người không ngừng dán nhãn và rập khuôn cho phong cách thời trang của cả hai giới. Harry chia sẻ thêm rằng anh không coi trọng việc mặc đồ theo giới tính, việc loại bỏ rào cản của định kiến giới về thời trang giúp anh thoải mái sáng tạo khi phối đồ.

Qua hai trường hợp trên ta thấy rằng, một chiếc váy không thể phản ánh xu hướng tính dục của một người. Bản chất của chiếc váy ngay từ đầu đã không giới hạn cho bất kỳ ai cả, vấn đề là mọi người không ngừng đưa ra nhưng quy chuẩn cực đoan cho cả hai giới, rằng con gái thì phải dịu dàng, dễ thương còn con trai thì phải lịch lãm, chững chạc và đặc biệt là không được mặc “đồ con gái”. Ở thời điểm hiện tại, một khi người đàn ông mặc váy thì ngay lập tức anh ta sẽ bị giáng vào đầu những lời miệt thị, chửi rủa không thương tiếc. Nhiều nhất phải kể đến đó là câu nói: “Cái thằng đàn bà”. Mình tự hỏi liệu có bao nhiêu người nhận ra rằng ẩn sâu bên dưới lớp vỏ bọc của sự đay nghiến chỉ trích là một sự coi thường tính nữ thậm tệ hay không. Mình không ngừng thắc mắc, chẳng lẽ cứ cái gì xấu là có thể đổ lỗi cho đàn bà sao? Không chỉ riêng về thời trang mà trong phong cách sống, nếu một người đàn ông thể hiện quan điểm hay cảm xúc quá nhiều thì cũng bị xem là “giống đàn bà”. Những quy chuẩn cực đoan mà xã hội đề ra này không chỉ làm trầm trọng thêm về vấn đề bất bình đẳng giới mà còn làm trì trệ sức sáng tạo và sự phát triển tư duy của thế hệ trẻ. Vì một khi chúng ta không chịu tiếp nhận những điều mới mẻ, không chịu chấp nhận sự đa dạng của con người và xã hội thì nhân loại không thể phát triển toàn diện được.

Thời trang là hậu phương vững chắc cho những cuộc đấu tranh bình đẳng giới

Có thể mọi người đã biết, rằng hơn 100 năm đổ về trước ở Tây phương, thời trang nữ luôn gắn liền với những chiếc váy đầm nhẹ nhàng, nữ tính. Nhưng đã có một cuộc cách mạng về trang phục diễn ra khi phụ nữ bắt đầu diện lên mình những bộ âu phục của nam giới, và thực sự là thần khí mạnh mẽ và quyền lực toát lên ở họ không hề kém cạnh so với nam giới. Người phụ nữ đầu tiên khoác lên mình bộ âu phục đó là Sarah Bernhardt, dù bị chỉ trích và gây nên không ít tranh cãi, bà vẫn tiếp tục theo đuổi phong cách menswear khi đảm nhận vai chính trong “Hamlet” vào năm 1899. Kể từ đó, việc phụ nữ mặc âu phục dần dần đã đi vào đời sống mặc dù sự khởi đầu không mấy thuận lợi.

Trở lại với việc đàn ông mặc váy, phải chăng đó là hiện tượng lặp lại của lịch sử? Những người phụ nữ xưa đã chống lại sự bất bình đẳng giới thông qua những bộ âu phục, vậy những người đàn ông hiện nay đã sử dụng những chiếc váy để thể hiện “sự dễ thương” của mình thì có gì là sai?

Cũng cần phải phân biệt rõ giữa tính nữ và nữ tính. Nữ tính là thiên hướng trong suy nghĩ và hành vi của nữ giới, là bản chất bẩm sinh của họ. Còn tính nữ là đặc tính có cả ở nam giới và nữ giới, chẳng hạn như: dịu dàng, đồng cảm, nhạy cảm, tinh tế,… và được xây dựng dựa trên các yếu tố xã hội và văn hóa. Do đó, việc gắn mác một điều gì đó chỉ thuộc về nam giới hay nữ giới là một việc làm vô nghĩa. Vì cơ bản là, chúng ta đều có nhu cầu thể hiện cả tính nam và tính nữ của mình.

Tính nam độc hại (Toxic masculinity)

Ngày trước, khi chứng kiến cảnh tượng “hùng vĩ” của nữ giới trong việc đòi lại quyền con người, một bộ phận nam giới đã không thể chấp nhận sự thật rằng vị trí và vai trò của họ trong xã hội phải thay đổi, họ không muốn mất đi thứ quyền lợi và quyền lực sẵn có ấy. Chính vì thế, nhiều nam giới đã phản ứng gay gắt với hy vọng lấy lại những giá trị cũ, những giá trị chỉ mang lại lợi ích cho cánh mày râu. Và thế là phong trào Red Pill ra đời đã dựa trên những tư tưởng lạc hậu đó.

Mãi đến sau này, những năm 1980, chúng ta mới có thể gọi tên cái hiện tượng “nam quyền” đó bằng một cái tên đơn giản nhưng phản ánh đầy đủ tính chất như sau “Toxic masculinity” hay “Tính nam độc hại”. Xuất hiện lần đầu tiên trong một phong trào dành cho nam giới (The mythopoetic men’s movement) được khởi xướng bởi Shepherd Bliss, khái niệm “Toxic masculinity” được ông đặt ra như một thuật ngữ y khoa, ông chia sẻ rằng giống như các căn bệnh khác, tính nam độc hại cũng có phương thuốc của nó.

Ngoài những quan niệm như mạnh mẽ và quyền lực, đàn ông thì không được khóc hay đàn ông thì phải là trụ cột trong gia đình, phải nắm quyền kiểm soát tất cả, thì không thể không kể đến khái niệm chống lại tính nữ (Antifeminity) mà trong khuôn khổ bài viết này, mình cho rằng nó rất liên quan đến hành vi coi thường tính nữ ở cả nam giới và nữ giới.

Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu tính nam độc hại có tồn tại ở nữ giới hay không? Câu trả lời là có, mặc dù nó không hoàn toàn có đầy đủ tính chất như ở nam giới. Có lẽ bạn cũng đã từng tự hỏi rằng, tại sao những bạn nữ ăn mặc giống con trai lại được chấp nhận và ủng hộ hơn những bạn nữ ăn mặc nữ tính, dịu dàng. Khái niệm “Bánh bèo” được sinh ra cũng nhằm mục đích chỉ trích những bạn nữ có gu thời trang đằm thắm, điệu đà ấy, mà thường thì, con gái dùng khái niệm đó để chỉ trích con gái nhiều hơn. Có thể hành vi đó của nữ giới xuất phát từ bản tính nguyên sơ của con người là ghen tị, cũng có thể xuất phát từ khái niệm chống tính nữ trong “Tính nam độc hại” hay thậm chí xuất phát từ các tư tưởng truyền trống như “Trọng nam khinh nữ”… Càng phân tích ta lại càng thấy được sự mâu thuẫn trong định kiến của đám đông, ngay đến cả con gái còn bị chỉ trích chỉ vì ăn mặc “quá con gái” thì thử hỏi một bạn nam mặc váy sẽ bị chỉ trích đến nhường nào? Sự chỉ trích đó không chỉ đến từ nam giới mà còn đến từ nữ giới, đây không còn là vấn đề của riêng một giới tính nào nữa mà là vấn đề chung của nhân loại, cụ thể là vấn đề coi thường tính nữ.

Coi thường tính nữ - trước và nay

Từ thời Bắc thuộc cách đây hơn 1000 năm , nhân dân ta ít nhiều cũng đã bị tác động bởi tư tưởng và phong cách sinh hoạt của bọn có chủ đích đồng hóa ta với chúng. Một trong những tư tưởng tác động sâu đậm trong nếp nghĩ của đồng bào ta đó là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, xuất phát từ hệ tư tưởng Nho giáo của Trung Hoa. Thật vậy, nhân dân ta vốn đã từng có văn hóa “trọng nữ”. Khác với những quốc gia có gốc du mục xem trọng sức mạnh như ở Tây phương, đất nước nằm ở góc tận cùng phía Đông – Nam châu Á này xem trọng tình nghĩa và quê hương hơn cả. Họ yêu lấy mảnh đất nơi đã cho họ từng hạt gạo dinh dưỡng, yêu lấy ngôi nhà có căn bếp sung túc, ấm áp và chính vì lẽ đó, họ yêu luôn cả những người phụ nữ ngày đêm vất vả gầy dựng nên sự ấm áp quen thuộc ấy cho cuộc sống. Mỗi khi nhắc đến tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, mình không ngừng cảm thấy tiếc thương cho những số phận mà người phụ nữ phải gánh chịu. Mình tự hỏi rằng, chúng ta đã thực sự chiến thắng trong trận chiến Bạch Đằng năm ấy hay chưa? Chúng ta đã thực sự độc lập trong tư duy và biết “gạn đục khơi trong” trên bình diện văn hóa hay chưa?

Mình nhận thấy rằng, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” chính là một biểu hiện của “tính nam độc hại”. Tư tưởng này không chỉ đánh giá thấp vị thế của người phụ nữ trong xã hội mà còn tạo nên một áp lực khủng khiếp lên vai người đàn ông. Hai chữ “trọng nam” nghe thật hào nhoáng nhưng cũng đầy ràng buộc. Nó như một sợi xích vô hình không ngừng rập khuôn và uốn nắn người đàn ông trở thành bất cứ hình dạng nào mà xã hội mong muốn. Chẳng hạn như trong xã hội, đàn ông phải có công việc ở mức thu nhập đủ tốt để lo cho gia đình, còn trong gia đình thì người đàn ông phải có tiếng nói và quyền lực ở trên tất cả. Ngoài ra, họ cũng không được phép khóc hay thể hiện ra những mặt cảm xúc của mình, lúc nào cũng phải cứng rắn và gai góc. Tất cả những quan niệm đó, vô hình trung đã tạo cơ hội cho hạt mầm “coi thường tính nữ” sinh sôi bén rễ sâu trong tâm hồn người Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung.

Như đã nói ở trên, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không chỉ tác động xấu đến nữ giới mà còn tác động xấu đến cả nam giới. Phụ nữ thì sống trong một cảnh tượng bức bối đến nghẹt thở còn đàn ông thì sống trong một bức tranh mang vẻ đẹp của sự chết chóc tiềm ẩn. Một lần nữa, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không còn chỉ là vấn đề của riêng nữ giới mà nó chính là vấn đề của toàn thể nhân loại. Có thể bây giờ, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã khoác lên mình một cái tên mới đó là “tính nam độc hại” và không mấy ai nhận ra rằng chúng đều là nguồn gốc của quan niệm “coi thường tính nữ” hiện nay. Do đó, đã là vấn đề của nhân loại thì đòi hỏi tất cả mọi người phải có kiến thức và góc nhìn đa chiều về vấn đề “coi thường tính nữ” mà từ đó biết điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp, tránh làm tổn thương người khác và ngăn chặn “những nhánh cây coi thường tính nữ” lây lan.

Tóm lại, khi bạn chỉ trích một người đàn ông “giống đàn bà” khi thấy họ mặc váy, nếu bạn là nam thì sẽ bị coi là thiếu kiến thức lịch sử và không tôn trọng phụ nữ, còn nếu bạn là nữ thì sẽ bị coi là vừa thiếu kiến thức lịch sử vừa không có lòng tự trọng khi bạn đang tự chửi chính bản thân mình. Thật vậy, việc đàn ông mặc váy không phải là trào lưu, mà là một sự thật đã tồn tại từ rất lâu và song song đó là quan niệm “coi thường tính nữ” trải qua nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như ngày trước ta gọi là “trọng nam khinh nữ” còn bây giờ Gen Z lại gọi nó là “tính nam độc hại”. Dù muốn công nhận hay không thì làn sóng thời trang váy đầm nam cũng đang nổi lên mạnh mẽ trong vài năm qua và dự đoán sẽ còn mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Việc ai đó dành quỹ thời gian quý báu của bản thân để chỉ trích người khác thật là vô nghĩa, chi bằng dành thời gian để khám phá cá tính và đam mê của bản thân chẳng phải hay hơn gấp vạn lần hay sao. Có một sự thật là, bạn càng chỉ trích họ lại càng tỏa sáng và có sức lan tỏa rộng rãi hơn. Chính vì thế, bài viết này được viết ra trên tinh thần cung cấp những góc nhìn đa chiều hơn về việc đàn ông mặc váy. Đồng thời, góp thêm một tiếng nói ủng hộ việc mỗi người sống đúng với cá tính thật của mình, yêu bản thân và làm những gì mình muốn, đừng nên sợ khi bị phán xét mà hãy sợ việc bạn đánh mất chính mình. “Chừng nào bạn vẫn còn lo lắng xem người ngoài nghĩ gì vì về mình, bạn vẫn bị họ chế ngự. Chỉ khi nào bạn không còn đòi hỏi sự đánh giá từ bên ngoài bản thân, thì khi đó, bạn mới làm chủ được chính mình.” – Neala Donald Walsh.

Tác Giả: Rainee-Nguồn Triết Học Tuổi Trẻ