Bệnh Vô Cảm Len Lỏi Ở Giới Trẻ Trong Thời Đại Số

 

Bệnh Vô Cảm Len Lỏi Ở Giới Trẻ Trong Thời Đại Số

Một thống kê đáng chú ý là Việt Nam đứng ở vị trí thứ 13 trong danh sách các quốc gia người dân thường ít biểu hiện cảm xúc (vô cảm) nhất. Hiện nay, người trẻ có nhiều cơ hội để học hỏi và tích lũy kiến thức hơn so với các thế hệ trước đây, tuy nhiên vấn đề bệnh vô cảm trong đối tượng này ở Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến. Bệnh vô cảm trong giới trẻ có thể xảy ra ở môi trường gia đình, xã hội, học đường. Một ví dụ về tình trạng này trên ghế nhà trường, theo một khảo sát do Thạc sĩ Hoàng Việt Hùng và Cử nhân Trần Vĩnh Thịnh, giảng viên thuộc Bộ môn Tâm lý của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho rằng khi gặp phải bạn bè của mình bị bạo lực học đường, tỷ lệ 22,75% (91/400) em học sinh có thái độ lạnh lùng, không quan tâm và có tỷ lệ 3,5% (14/400) người quay video lại.

1. Định nghĩa về vô cảm - Cái chết từ trong tâm hồn

Vậy thế nào là vô cảm? Vô cảm còn bị ví như căn bệnh "ung thư tâm hồn", khiến sự tử tế, sự nhân văn cạn kiệt. Bệnh vô cảm được hiểu là một trạng thái mà con người không nảy sinh cảm xúc đối với những sự vật, sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh mình. Khi mắc phải căn bệnh này, con người ta sẽ trở nên vô tâm, thờ ơ, hời hợt với mọi thứ. Họ có thái độ dửng dưng, không cần biết, cũng chẳng mảy may quan tâm rằng người bạn thân của mình đang cảm thấy buồn ra sao, một nhóm người đang xảy ra tranh cãi, xung đột vì điều gì hay thế giới ngoài kia đang thay đổi như thế nào. Những người sống vô cảm thường sẽ chỉ chăm chăm nghĩ tới lợi ích của riêng mình. Họ ngại va chạm, sợ phiền toái, bị liên lụy, sợ rằng những sự việc, hiện tượng xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Không chỉ vậy, một bộ phận trẻ với lối sống vô cảm còn lạnh lùng, tàn nhẫn, nhẫn tâm gieo rắc nỗi đau cho người khác mà không mảy may động lòng trắc ấn. Trong nhiều trường hợp tồi tệ, một số người trẻ ngoài kia còn thản nhiên chửi bới, lăng mạ, xúc phạm những người xung quanh mình, có thể là bạn bè, thầy cô, hay thậm chí cả người thân trong gia đình. Thực trạng ấy dường như làm dấy lên câu hỏi, mở ra một mối hoài nghi: Liệu đây có thể được coi là một căn bệnh thế kỷ cần liệu pháp chữa trị từ sự chung tay hỗ trợ của những người có trách nhiệm, hay chỉ đơn giản là sự suy đồi về mặt đạo đức và đáng lên án ở thế hệ trẻ? Có thể nói, mỗi cá nhân sẽ có một góc nhìn và và cách tiếp cận vấn đề này theo nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung khai thác vấn đề dưới góc nhìn là một căn bệnh xã hội.

2. Nguyên nhân của bệnh vô cảm

Để có một cái nhìn hợp lý và thỏa đáng đối với vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu rõ tại sao một bộ phận giới trẻ ngày nay lại có lối sống, cách hành xử ích kỉ và thiếu chuẩn mực như vậy. Trong một cuộc trao đổi với báo Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã cho rằng văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay có nhiều vấn đề mà các nhà giáo dục, các nhà quản lý cần phải quan tâm nhiều hơn. Cụ thể, ông Nguyễn Tùng Lâm nói “Chúng ta bàn nhiều về sự vô cảm - thái độ sống ích kỷ của giới trẻ, nhưng thực ra điều đó hiện diện phổ biến trong người lớn chúng ta.” Ý kiến này một lần nữa lại làm nổ ra nhiều cuộc tranh cãi trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Liệu rằng những biểu hiện của lối sống ích kỷ, cách hành xử vô văn hóa đã từng tồn tại ở nhiều thế hệ trước nhưng vẫn chưa nhận được quá nhiều sự quan tâm? Và trong thời đại ngày nay chúng dường như đã bị phóng đại hóa bởi các phương tiện báo chí và truyền thông.  Điều này đã vô tình lật ngược tình thế của ván cờ, khi những người trẻ với lối sống ích kỉ ấy giờ đây lại trở thành nạn nhân. Cách hành xử của họ có thể được coi là “hiển nhiên” và hành động của họ đang bị để ý, soi mói quá mức từ phía ống kính. Câu hỏi được đặt ra là những người ở thế hệ trước liệu đang có quá khắt khe với giới trẻ? Thật ra, để so sánh và đánh giá tính đúng, sai của vấn đề trong trường hợp này là hoàn toàn không khả thi, vì có cả tá thứ chi phối mức sống ngày xưa và ngày nay. Thay vào đó, ta nên tập trung giải quyết hoàn toàn vấn đề ở thời điểm hiện tại, đó chính là dành một sự quan tâm đặc biệt dành cho bệnh vô cảm ở người trẻ. Lý do của căn bệnh này về mặt chủ quan là do ý thức của những người trẻ. Một số người vốn có lối sống hẹp hòi, ích quan tâm đến lợi ích của mình mà không để tâm đến người khác. Nói cách khác, nguyên nhân chủ quan đến từ sự nhận thức sai lầm, lệch lạc từ một bộ phận giới trẻ ngày nay. Bên cạnh đó, ta không thể không kể đến nguyên nhân khách quan đến từ sự giáo dục từ phía cha mẹ, nhà trường, hay các nền tảng mạng xã hội. Một số bạn trẻ do phải trải qua nỗi đau về mặt tinh thần có thể kể đến như gia đình tan vỡ, bạo lực học đường mà trở nên thờ ơ, vô cảm với cuộc sống. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể đến từ môi trường mạng xã hội, bởi đó là không gian truyền thông công cộng, những thông tin trên đó đều không được kiểm chứng khiến nhiều bạn trẻ có xu hướng bắt chước các hành vi sai lệch, thiếu chuẩn mực đạo đức.

3. Hậu quả của bệnh vô cảm

Hậu quả của căn bệnh vô cảm thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều sẽ rõ. Đối với cá nhân, bệnh vô cảm tạo ra sự thờ ơ, lối sống dửng dưng, ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Bệnh vô cảm đã dẫn đến cảm giác cô đơn và mất liên kết xã hội khi người trẻ không thể tương tác xã hội một cách tự nhiên, chân thành. Người bệnh có thể trở nên xa lạ với bạn bè và gia đình do không thể chia sẻ cảm xúc của mình. Bên cạnh đó, con người ta dường như cũng sẽ đánh mất đi những giá trị nhân văn, cách sống đẹp và tích cực. Đối với xã hội, bệnh vô cảm không phải là tội ác, nhưng nó rất có thể là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó có nguy cơ lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Một người vô cảm thì mọi người xung quanh sẽ vô cảm theo, và cuối cùng có thể là cả một xã hội vô cảm. Từ đó, nó làm xã hội trở nên suy thoái, đẩy lùi chất lượng cuộc sống.

4. Giải pháp và các biện pháp khắc phục

Tuy là một bệnh dịch hết sức nguy hiểm, nhưng cũng không phải có cách khắc phục. Đối với cá nhân, mỗi chúng ta cần phải tu dưỡng cho bản thân mình một lối lành mạnh, luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người. Đồng thời, chúng ta cũng cần sống chân thành, không vụ lợi, không giả dối. Khi gặp người bị nạn thì ta hãy nhiệt tình giúp đỡ họ. Thay vì xem những bộ phim bạo lực, hãy nghe một bản nhạc du dương, hãy đọc một câu chuyện cảm động, để tâm hồn mình được thanh sạch và trong sáng hơn. Không chỉ vậy, gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Vì thế, muốn cho con cái trở nên tốt, gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Các thế hệ cùng chung sống phải biết quan tâm tới nhau, thì người trẻ mới biết học hỏi, noi gương nếp sống đạo đức. Giáo dục phải cải cách để tăng cường đạo đức, nhân cách cho các em, không chỉ "dạy chữ' mà nhất là phải "dạy người". Hơn nữa, phải "Tiên học lễ, hậu học văn". Theo Tiến sĩ tâm lý giáo dục Đinh Đoàn: "Nếu người lớn có trách nhiệm và quan tâm hơn tới con cái, hành động và cư xử đúng đắn hơn để làm tấm gương cho các em thì sự vô cảm có lẽ đã không lan nhanh và mạnh như thế". Nhất là, gia đình phải tích cực, bằng cách quan tâm giáo dục cảm xúc một cách thực tế cho con cái ngay từ nhỏ. "Không chỉ dạy trẻ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người để từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen dạy con kiểu Á Đông: Chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với con cái là việc mà cha mẹ là những người đầu tiên phải làm. Con cái chỉ có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được cha mẹ hướng dẫn cụ thể bằng những việc phù hợp. Chính những điều nhỏ nhặt này tạo nền tảng đầu tiên để trẻ bớt nghĩ đến bản thân, mở rộng lòng ra cùng người khác. Và điều quan trọng, người lớn phải tạo cơ hội cho các em thực hiện. Xã hội cũng nên quan tâm đến giới trẻ, tạo những cơ hội cho họ, giúp họ sống theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, nhất là giúp họ biết quan tâm, yêu thương, hy sinh và biết giúp đỡ mọi người. Tiến sĩ Tâm lý Đinh Phương Duy cho biết: "Giới trẻ ngày nay, không phải là họ không muốn sống cho ra người mà còn muốn sống tốt hơn nữa". Có người đã nói: "Cơn khát làm một người sống lương thiện, sống đạo đức cháy âm ỉ trong tâm khảm của họ. Chính vì thế, họ đang cần được xã hội quan tâm giúp đỡ, nhất là mở những lớp học về cách ứng xử trong cuộc sống. Đồng thời, họ mong muốn những người có trách nhiệm nên làm gương cho họ".

Tác Giả: Vân Anh-Nguồn Triết Học Tuổi Tré

Link: https://ybox.vn/triet-hoc-tuoi-tre/benh-vo-cam-len-loi-o-gioi-tre-trong-thoi-dai-so-671e66743315803c7fa951ff