Sống chung nhiều thế hệ

Nếu như bản thân mình tự gieo những mầm tích cực như lòng biết ơn đối với việc chung sống cùng thì con cũng sẽ hưởng giá trị đó

Mỗi buổi sáng khi con gái thức giấc, điều đầu tiên mà nó mong muốn chính là “xuống phòng bà ngoại”. Nó yêu bà và bà cũng rất yêu nó.

So với việc sống cùng ba mẹ thì khi sống cùng bà, nó được đủ đầy hơn về tình yêu thương, sự chăm sóc, quan tâm.

Đã từng có những ngày, má hối tôi trở về quê sống cùng. Tôi có thể đưa con đi giữ trẻ, sau đó có thời gian chăm sóc lại bản thân mình nhưng tôi đã cảm thấy lo ngại. Bởi vì, tôi đã sống với má cho đến khi trưởng thành, có rất nhiều tính cách của bà khiến tôi cảm thấy rất mệt. Giống như nhiều bà mẹ, bà nói dai, nói dài, chuyện gì dù nhỏ nhất bà cũng muốn can thiệp. Khi được góp ý thì bà sẽ phản ứng theo kiểu “Má có nói gì đâu” rồi lát sau bà lại nói tiếp. Đó là còn chưa kể bà dễ phản ứng với những vụn vặt trong đời sống gia đình như thể tôi đã làm một chuyện rất tày trời. Tôi đã lo lắng con tôi sẽ bị ảnh hưởng tâm lý giống như tôi đã từng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng mối quan hệ với ông bà và cháu đôi khi sẽ khác mối quan hệ của họ đối với con cái lúc nhỏ rất nhiều. Tôi nhớ có lần con tôi làm gãy kính của má, tôi nghĩ bà sẽ phản ứng theo kiểu như đã phản ứng với tôi “Vô dụng quá!” nhưng bà chu mỏ dịu dàng nói “Con làm gãy kính của ngoại hả? Hun ngoại miếng coi”. Nhiều người khi họ đã trở thành ông bà, họ sẽ trở nên dịu dàng hơn, yêu thương và che chở đơn thuần hơn bởi họ đã đi qua nhiều áp lực cuộc sống so với thời còn trẻ.

Việc chăm sóc và nuôi dạy con giữa các thế hệ tất nhiên sẽ không thể tránh khỏi xung đột nhưng ta không thể phủ nhận một điều những người đi trước họ có rất nhiều kinh nghiệm mà ta cần lắng nghe học hỏi. Có rất nhiều lần, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của má tôi thì có khi con tôi đã chết cũng không chừng. Con đau, không ăn uống gì từ hôm trước. Hôm sau, con cứ nằm mãi trên bụng tôi. Là một người mẹ thương con, tôi nghĩ con cần mẹ nên tôi cứ để con nằm mãi suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Má tôi lúc gọi vào, thấy cảnh đó hỏi con bé đã nằm từ lúc nào, rồi bà tức tốc kêu tôi đánh thức nó dậy, muốn nó chết lủi luôn hay sao.

Nếu không có má tôi, tôi biết lấy ai để nhờ những lúc con ở nhà và tôi bận công việc “Má coi con cho con thuyết trình chút”, “Má coi con cho con đi bơi chút”. Nhiều bậc cha mẹ có thể yên tâm đi ra ngoài làm việc cũng là vì ở nhà có ông bà giữ cháu giúp. Như lúc tôi còn nhỏ, mặc dù ông bà ngoại không quan tâm, chăm sóc chị em chúng tôi nhưng ông bà cũng đã cho chúng tôi một mái nhà để má tôi có thể đi ra ngoài bươn chải kiếm tiền mà lo cho con chứ bà biết gửi con cho ai? Có rất nhiều hoàn cảnh mà người ta chỉ có thể dựa vào ông bà. 

Đó là chưa kể, ông bà cũng cần con cháu. Khi họ già đi, họ cũng cần được quan tâm, chăm sóc kịp thời. Lỡ có chuyện gì có thể đưa họ đi viện liền. Hoặc chỉ đơn giản, là cùng nhau ăn uống. Lâu lắm tôi không sống cùng gia đình. Hôm rồi, tôi nói với má sinh nhật sắp tới của bà, tôi muốn tổ chức ở nhà, tôi sẽ tự tay nấu nướng. Bởi vì biết bà sống được bao lâu nữa. Tôi cảm thấy mình chưa làm được gì cho má.

Thế nên, xung đột là một điều tất yếu phải xảy ra vì mỗi người là mỗi ý thức hệ khác nhau. Điều quan trọng nhất là thái độ của chính bản thân mình trong những câu chuyện đó. Ví dụ, là một người mẹ, cách mình phản ứng trước những điều bất toại có thể khiến con học hỏi theo nên quan trọng là do mình. Nếu như bản thân mình tự gieo những mầm tích cực như lòng biết ơn đối với việc chung sống cùng thì con cũng sẽ hưởng giá trị đó. Mình biết cách hạnh phúc thì con cũng hạnh phúc. Nên, giữ lòng biết ơn chính là điều quan trọng nhất cho việc chung sống giữa nhiều thế hệ. Và rồi ta sẽ thấy mọi thứ thật bình thường.

Vân Anh

LINK: https://phunumoi.net.vn/song-chung-nhieu-the-he-d324314.html