ĐẺ NGAY KẺO… LỠ!



Không ít phụ nữ phải khổ sở về nỗi lo không thể sinh con sau tuổi 30. Nhưng hiếm ai biết rằng thông tin về nguy cơ hiếm muộn của phụ nữ ngoài 30 đã bị khuếch đại. Bài viết này sẽ cho bạn thấy rõ chân tướng của những số liệu thống kê. Mùa xuân 2002, ở tuổi 30, tôi đang trong giai đoạn tìm lại bản thân sau cuộc hôn nhân không thành. Chồng cũ của tôi và tôi quen nhau từ thời cao học. Sau khi tốt nghiệp, vì không tìm được công việc phù hợp ở cùng một nơi, trong ba năm liền của cuộc hôn nhân, chúng tôi sống mỗi người một ngả. Khi tôi vừa nhận làm giảng viên cơ hữu ở một trường thuộc bang California, chồng tôi lại rời bỏ công việc nghiên cứu sinh ở ngay gần đó. Anh ấy nói rằng công việc này không đủ tốt. Như vậy hiển nhiên có nghĩa là chúng tôi sẽ khó lòng neo đậu cùng một bến. Tôi ngại không dám báo tin cho bố mẹ tôi, vì sợ làm họ thất vọng. Nhưng tôi đã lo lắng thừa, vì khi biết chuyện tôi chia tay chồng, bố mẹ tôi lại tỏ ra thông cảm và ủng hộ. Mẹ tôi nói với tôi, “Con đã đọc tạp chí Time tuần này chưa? Mẹ biết là con muốn có con.” Trang bìa tờ Time tuần đó in hình một em bé. “Câu chuyện của một phụ nữ thành đạt không thể sinh con, và tâm sự về nỗi day dứt khôn nguôi.” Đó là lời mở đầu bài báo. Sinh con khi nào là một quyết định khó khăn đối với những phụ nữ trì hoãn việc kết hôn. 

Trong khi đó, báo chí không ngừng cảnh báo về nguy cơ hiếm muộn hay vô sinh của những phụ nữ “có tuổi”. Tờ The Observer (Người Quan Sát) của Anh treo tựa “Khi đã quá muộn để có con”, còn Tạp chí New York thì giật tít “Cuống lên để đẻ” ngay trên trang bìa. Tâm lý “cuống” ấy bắt đầu khi Sylvia Ann Hewlett tung ra cuốn sách gây chú ý “Tạo ra sự sống” vào tháng Tư năm 2002. Cuốn sách khuyên các phụ nữ nên sinh con khi còn trẻ, nếu để muộn sẽ không thể thụ thai. 42% phụ nữ làm việc văn phòng ở Mỹ được Hewlett phỏng vấn đến tuổi 40 không có con, và đa số bày tỏ rằng họ rất ân hận. Hewlett khuyên các nữ độc giả rằng, khi họ tính đến việc nhận những chức vụ cao hơn, họ cũng cần lập kế hoạch để có cháu ngoại. 

Trước đó, ASRM (Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ - American Society for Reproductive Medicine) tài trợ một chiến dịch quảng cáo, cảnh báo nữ giới: “Tuổi tác tăng, khả năng sinh con giảm”. Để minh họa cho thông điệp này, họ tung ra một mẫu áp phích in hình chai sữa sơ sinh hình đồng hồ cát đang cạn sữa. Tổ chức này tuyên bố: khả năng sinh nở của phụ nữ bắt đầu giảm ở tuổi 27. Sau tuyên bố này, tờ Newsweek đặt dấu chẩm hỏi: “Bạn có nên sinh con ngay bây giờ?” Với tôi lúc ấy, việc đó dù muốn cũng chẳng được. Tôi đã luôn thích trẻ con. Ngay cả khi đang bận rộn với đề tài nghiên cứu sinh, tôi vẫn tình nguyện làm bảo mẫu cho con một người bạn. Mỗi khi phải chờ đợi ở sân bay, tôi thường bắt chuyện với các bà mẹ mang theo con nhỏ. Một lần, tôi đã ngạc nhiên thích thú khi một em bé 2 tuổi leo lên ngồi trên đùi tôi… Vậy mà, đột nhiên trở về tình trạng độc thân ở tuổi 30, tôi phải chấp nhận thực tế phũ phàng là tôi sẽ phải chờ ít nhất vài năm nữa, thậm chí có thể là mãi mãi, để có con. 

Tháng 5 năm 2002, cuối cùng, tôi cũng lấy đủ can đảm để cầm tờ Time lên đọc trên một chuyến bay. Và nó làm tôi buồn đến nỗi, lần đầu tiên sau khi ly hôn, tôi bắt đầu cảm thấy ân hận. “Chúa ơi, nếu con muốn có hai đứa con thì phải làm thế nào?”, tôi viết trong nhật ký của mình khi máy bay băng qua rặng Rocky. “Mình có thể sinh đứa đầu năm 35 tuổi, và nếu đợi 2 năm để đẻ tiếp, mình có thể có đứa thứ hai năm 38 hay 39 tuổi. Nếu lúc ấy còn khả năng.” Để cảm thấy bớt nuối tiếc về cuộc hôn nhân đã qua, tôi viết tiếp, và gạch chân thật đậm: “Chuyện đã qua, không làm lại được.” May mắn cho tôi: chỉ sau vài năm, tôi tái hôn, với một vị hôn phu phù hợp hơn nhiều. Nhưng ngay sau đó, chồng tôi và tôi lại phải đối mặt với nỗi lo hiếm muộn con cái. Hầu hết các cuốn sách và trang mạng mà tôi tìm đọc đều nói rằng 1/3 phụ nữ trong độ tuổi 35 đến 39 sẽ không thể thụ thai sau một năm cố gắng. Trang đầu cuốn cẩm nang dành cho bệnh nhân của ASRM in năm 2003 ghi rõ: phụ nữ vào những năm cuối của tuổi 30 có xác suất vô sinh là 30%. Cuốn cẩm nang này cũng đưa ra các số liệu thống kê đã được rất nhiều nguồn khác trích dẫn: khi phụ nữ đến tuổi 30, xác suất thụ thai trong một tháng là 20%, và giảm chỉ còn 5% ở tuổi 40. 

Mỗi khi đọc các con số thống kê này, tôi lại cảm thấy bất an hơn: Lẽ nào tôi đã bỏ lỡ cơ hội làm mẹ thật sao? Là một nhà nghiên cứu tâm lý học đã có báo cáo được đăng tải trên các tạp chí khoa học và cả trên báo chí, tôi biết rằng thông tin đến với công chúng thường không hoàn toàn giống như các kết quả nghiên cứu khoa học. Vì vậy, tôi quyết định truy ra nguồn gốc các con số thống kê nêu trên. Tôi lần tìm trong các cơ sở dữ liệu y khoa, và chẳng bao lâu đã phát hiện ra: những thống kê về khả năng thụ thai và độ tuổi của phụ nữ là một ví dụ điển hình cho sự thiếu cẩn trọng của các tạp chí phổ thông khi đăng tải và giải thích các kết quả nghiên cứu. Ấy vậy mà những thông tin ấy lại ảnh hưởng đến những quyết định hệ trọng liên quan đến tình cảm, hôn nhân, sự nghiệp, con cái… của biết bao người. 

Một trong những số liệu thống kê được trích dẫn phổ biến là chỉ 2 trong 3 phụ nữ trong độ tuổi 35-39 có thể thụ thai sau một năm cô gắng. Số liệu này dựa trên một bài báo trên tờ Human Reproduction (Sinh sản ở người). Tuy nhiên, khi đăng lại thông tin này, người ta lại bỏ qua nguồn gốc của số liệu - đó là thống kê sinh sản ở Pháp từ 1670 đến 1830. Xác suất vô sinh 30% của phụ nữ sau 35 tuổi cũng được tính toán trên mẫu lấy từ quá khứ. Điều này có nghĩa là hàng triệu phụ nữ đã và đang quyết định thời điểm sinh con dựa trên những số liệu từ thời mà loài người còn chưa biết đến điện, thuốc kháng sinh, hay các biện pháp trợ sản. Hầu hết mọi người đều ngộ nhận rằng những số liệu này được lấy từ các nghiên cứu nghiêm túc tiến hành trên diện rộng, với các phụ nữ đương đại. Nhưng ngộ nhận đó là sai lầm. Khi tôi chia sẻ thông tin này với bạn bè và đồng nghiệp, hầu hết mọi người đều thốt lên: “Không có lẽ nào… Thật vậy sao?” 

Thật đáng ngạc nhiên là rất ít các nghiên cứu chuẩn mực liên quan đến tuổi tác và khả năng sinh sản tự nhiên của phụ nữ lấy mẫu từ phụ nữ sinh trong thế kỷ 20. Nhưng số ít những nghiên cứu thực hiện trên nhóm phụ nữ đương đại này lại cho thấy một bức tranh lạc quan hơn. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Sản phụ khoa năm 2004 do David Dunson (hiện đang làm việc tại Đại học Duke) chủ trì tìm hiểu về khả năng thụ thai của 770 phụ nữ châu Âu. Nghiên cứu này phát hiện: 82% những phụ nữ trong độ tuổi 35-39 có thai trong vòng 1 năm, nếu một tuần quan hệ ít nhất 2 lần. Một điều đáng lưu ý nữa là xác suất thụ thai của phụ nữ cuối độ tuổi 20 và đầu 30 gần như không có sự khác biệt. 

Một nghiên cứu khác, được công bố tháng 3 năm 2013 trên tạp chí Sinh sản và Vô sinh, do giáo sư Kenneth Rothman thuộc Đại học Boston đảm trách, quan sát 2,820 phụ nữ Đan Mạch trong quá trình chuẩn bị có thai. Trong số những phụ nữ quan hệ tình dục trong kỳ trứng rụng, 78% phụ nữ trong độ tuổi 35-40 thụ thai trong vòng 1 năm; trong khi xác suất này ở phụ nữ độ tuổi 20-34 là 84%. Một nghiên cứu khác do phó giáo sư Ann Steiner Khoa Y Đại học North Carolina chỉ đạo công bố kết quả vào tháng 6-2013 cho thấy: 80% phụ nữ da trắng 38-39 tuổi với cân nặng trung bình và đã từng mang thai có thể thụ thai một cách tự nhiên trong vòng 6 tháng, mặc dù xác suất này thấp hơn ở phụ nữ ở các nhóm sắc tộc và cân nặng khác. Ann Steiner nói với tôi: “Theo số liệu của chúng tôi, chỉ đến tuổi 40 xác suất này mới giảm đáng kể”. Ngay cả những nghiên cứu dựa trên hồ sơ sinh sản trong quá khứ cũng cung cấp những thông tin sáng sủa hơn là báo chí vẫn đăng tải. Một trong số đó phát hiện: trước khi các biện pháp tránh thai trở nên phổ biến, 89% phụ nữ ở độ tuổi 38 vẫn thụ thai bình thường. 

Một nghiên cứu khác kết luận rằng một phụ nữ trung bình có thể sinh nở cho đến quãng 40-45 tuổi. Tuy nhiên những số liệu lạc quan này rất ít khi được đề cập đến. Năm 2008, khi ASRM đưa ra khuyến nghị chung về độ tuổi và khả năng sinh sản của phụ nữ, họ không hề công bố những số liệu này. Thay vào đó, họ chỉ dựa trên những thống kê bi quan nhất từ quá khứ. 

Tóm lại, tâm lý “cuống lên để đẻ” – mà chính bản thân tôi cũng nếm trải và thấm thía – phát sinh từ những con số thống kê không đủ tin cậy. Chúng ta đã sắp xếp lại cuộc sống của mình, lo lắng triền miên, và bỏ qua vô số cơ hội chỉ vì tin vào những thống kê về những người phụ nữ sống cách chúng ta vài thế kỷ trong những túp lều tranh, không ánh đèn điện. Theo nghiên cứu trên đối tượng phụ nữ hiện đại của Dunson, sự khác biệt trong xác suất thụ thai của phụ nữ 28 tuổi so với phụ nữ 37 tuổi chỉ là 4%. Đúng là tuổi tác có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nhưng tác động đó không đủ lớn, và không có nghĩa là những phụ nữ gần “cán mốc” 40 tuổi không thể có con. Và đó là điều quan trọng nhất mà chúng ta cần hiểu rõ. 

Bây giờ tôi đã là mẹ của ba đứa trẻ. Cả ba đứa tôi đều sinh sau tuổi 35. Bé đầu của tôi bắt đầu vào nhà trẻ khi tôi tròn 40, và bé út chào đời sau đó 5 tháng. Tôi thụ thai cả ba đứa đều bằng phương pháp tự nhiên, và chỉ trong vòng vài tháng. Bây giờ đứa bé tập đi ngồi trên đùi tôi ở sân bay chính là con đẻ của tôi. Thay vì lo lắng về chuyện hiếm muộn, bây giờ tôi phải lo làm sao cho ba đứa đi ngủ đúng giờ, và có đủ tiền cho chúng đi học. Tôi không ngại lo những khoản đó. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai nỗi ám ảnh sợ hãi về nguy cơ vô sinh do “quá tuổi”. Mỗi lần định có bầu, tôi lại bồn chồn lo âu rằng mình đã hết cơ hội. Và không phải chỉ có mình tôi lo lắng thế. Ở các diễn đàn trên Internet, tôi thấy rất nhiều phụ nữ tâm sự rằng họ định giảm bớt công việc, rút lui khỏi sự nghiệp, hoặc sinh ít con hơn mong muốn, vì họ sợ không thể có con sau tuổi 35. Những chị em đã qua cột mốc này thì tìm kiếm lời khuyên làm sao để giải toả căng thẳng, vì, cũng như tôi, họ cũng sợ rằng mình sẽ vô sinh. “Tôi rất lo vì tôi đã 35 tuổi, và tất cả mọi người xung quanh liên tục nhắc tôi chẳng còn nhiều thời gian nữa.” “Bà tôi thậm chí đề cập chuyện này ngay trong tiệc cưới của tôi” – một phụ nữ mới kết hôn tâm sự sau khi đọc cuốn sách “Cẩm nang cho những phụ nữ vội có bầu” mà tôi viết năm 2012, một phần dựa trên chính trải nghiệm bản thân. Chẳng phải chỉ có các bà mới hay doạ dẫm như thế. “Chúng ta đừng chủ quan với những điều khoa học đã chứng minh về chuyện mang thai muộn màng” – nhà báo Judith Shulevitz viết trong một bài báo được nêu trên trang nhất tạp chí New Republic (Tân Cộng Hoà) hồi cuối năm ngoái. Bài viết này nhấn mạnh đến những tác hại của việc sinh con muộn. Vì sao người ta lại “cuống lên để đẻ”? Và vì sao các chuyên gia thai sản không lên tiếng nhiều hơn về vấn đề này? Một giả thuyết là hiện tượng mà tâm ý học gọi là “kết luận tiện nhất” (available heuristic) – tức là người ta thường dựa vào những thông tin sẵn có ngay trước mắt để ra quyết định. 

Các bác sĩ sản khoa thường chứng kiến ảnh hưởng của tuổi tác đến tỉ lệ thành công của các ca thụ tinh ống nghiệm. Điều này đúng với các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm, cần một số lượng lớn trứng từ tử cung, bởi một số trứng có thể bị hỏng trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Tử cung của phụ nữ trẻ phản ứng tốt hơn với các loại thuốc dùng để lấy trứng ra ngoài, và trứng của họ cũng có khả năng có nhiễm sắc thể bình thường hơn. Do đó, phụ nữ trẻ thụ tinh nhân tạo thành công hơn – khoảng 42% phụ nữ dưới 35 sinh con sau chu kỳ thụ tinh đầu tiên, trong khi xác suất này ở phụ nữ từ 30 đến 40 tuổi là 27%, và ở tuổi 41-42 là12%. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy độ tuổi của phụ nữ tỉ lệ nghịch với xác suất thành công của các ca thụ tinh nhân tạo.Và các thống kê này được đăng tải rộng rãi trên các tạp chí chuyên ngành cũng như diễn đàn công cộng. Tuy nhiên, mỗi năm ở Mỹ chỉ có 1% trẻ sơ sinh ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm, và hầu hết các bà mẹ sử dụng biện pháp này không phải do tuổi tác, mà vì họ bị tắc ống dẫn trứng, hoặc do vấn đề của chồng họ, hay nhiều lý do khác. Khoảng 80% bệnh nhân thụ tinh nhân tạo ở tuổi dưới 40. Và những thống kê về thụ tinh nhân tạo ít tương quan với thụ tinh tự nhiên: thụ tinh tự nhiên chỉ cần một quả trứng, trong khi thụ tinh nhân tạo cần vài chục quả. Ngoài ra còn có nhiều điểm khác nữa giữa hai phương pháp thụ thai. Một lý do nữa khiến cho người ta thấy có nhiều báo cáo về thai sản sử dụng số liệu từ nghiên cứu thụ tinh nhân tạo hoặc số liệu trong quá khứ - đó là vì rất khó tiến hành nghiên cứu thực tế về việc thụ thai tự nhiên. Những thống kê về sinh sản ở phụ nữ hiện đại không cho kết quả chính xác, vì nhiều phụ nữ đã sử dụng thuốc tránh thai ở độ tuổi 20, hoặc dùng các biện pháp ngừa thai hay triệt sản khác ở tuổi 30 và 40. Khi các cặp vợ chồng được hỏi rằng họ bắt đầu ý định có con từ khi nào, câu trả lời thường dựa trên trí nhớ vốn không chính xác của con người. Và việc tìm được những phụ nữ đang chuẩn bị có bầu để tham gia nghiên cứu cũng không dễ, vì các nhà nghiên cứu ít có cơ hội quan sát họ từ lúc bắt đầu quan hệ không dùng biện pháp tránh thai cho tới khi họ mang thai thành công. Một trở ngại lớn hơn khiến các nghiên cứu khó tiến hành là do những phụ nữ muốn có thai sau tuổi 35 hoặc muộn hơn thường có xác suất hiếm muộn cao hơn các phụ nữ 35 tuổi thông thường. Có thể những phụ nữ dễ sinh nở sẽ mang thai ngoài kế hoạch, hoặc kết hôn và sinh con ngay chứ không đợi đến tuổi 35. Điều này khiến tỉ lệ phụ nữ hiếm muộn sau tuổi 35 có thể quan sát được cao hơn tỉ lệ thực tế. “Do đó, nhiều người kết luận vội vã rằng tuổi tác tăng làm giảm khả năng thụ thai” – Tiến sĩ Allen Wilcox, trưởng nhóm nghiên cứu về xu hướng sinh sản trên diện rộng của Viện Khoa học Sức khoẻ Môi trường Quốc gia cho biết. “Nếu chúng ta quá chú trọng đến tác động của lứa tuổi lên khả năng sinh sản thì kết quả nghiên cứu chỉ mang tin vui đến với những phụ nữ thận trọng nhất trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai, và dễ thụ thai hơn so với các phụ nữ khác cùng lứa tuổi.” Những khó khăn trong việc tiến hành các nghiên cứu về thai sản giải thích lý do vì sao người ta thường phải trích dẫn các số liệu cũ. 

Tuy nhiên, việc sử dụng các số liệu cũ này có nhiều hạn chế. Chẳng hạn, cách đây vài trăm năm, con người chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, thuốc kháng sinh, thậm chí không có đủ thực phẩm thiết yếu. Cũng có thể tỉ lệ sinh đẻ ở phụ nữ trung niên thấp hơn trong quá khứ là do họ không quan hệ tình dục thường xuyên như các phụ nữ trẻ. Việc ít quan hệ tình dục rất có thể do các cặp vợ chồng “già” đã lấy nhau nhiều năm, đã có nhiều con, hoặc cả hai. Rõ ràng, khi có con, các cặp vợ chồng sẽ bận rộn hơn và ít có cơ hội gần gũi nhau. Hơn nữa, do thời đó các biện pháp tránh thai chưa phổ biến, họ phải giảm quan hệ để tránh phải nuôi quá đông con. Một số nghiên cứu sử dụng số liệu quá khứ cố gắng loại bỏ những yếu tố dễ gây “nhiễu”này, chẳng hạn như chỉ lấy mẫu các cặp vợ chồng mới cưới. Tuy nhiên, cách làm này vẫn không tránh được hết mọi nhược điểm do số liệu cũ gây ra. Có lẽ cách tốt nhất để đánh giá khả năng thụ thai là đo lường xác suất thụ thai của những cặp vợ chồng quan hệ tình dục vào đúng thời điểm thuận tiện cho việc thụ tinh nhất trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Những nghiên cứu sử dụng phương pháp này tiếp cận theo chiều tương lai, thay vì quá khứ - tức là thay vì hỏi các cặp vợ chồngrằng họ đã mất bao nhiêu thời gian để có thai, thì quan sát xem họ sẽ thụ thai sau bao lâu. Nghiên cứu này cũng tránh phụ thuộc vào mức độ quan hệ thường xuyên của các cặp vợ chồng. Phân tích của David Dunson cho thấy: 42% phụ nữ 27-29 tuổi thụ thai nếu giao cấu 2 ngày trước khi trứng rụng, còn vợi phụnữ 35-39 tuổi tỉ lệ này là 29%. Xác suấtnày là như nhau giữa các phụ nữ ở độ tuổi 25-39 và phụ nữ ở tuổi 19-26, nếu họ quan hệ 3 ngày trước khi trứng rụng. Cũng theo số liệu của Dunson, các cặp vợ chồng lớn tuổi có thể loại bỏ hoàn toàn các trở ngại về tuổi tác nếu “đặt đồng hồ” chuẩn hơn một ngày. 

Các bạn có thấy những số liệu này mâu thuẫn với những thống kê mà báo chí vẫn đăng tải – rằng chỉ 20% phụ nữ 30 tuổi, và 5% phụ nữ 40 tuổi có thể thụ thai vào mỗi chu kỳ? Đúng là có sự khác biệt, mà tôi không thể tìm được một báo cáo chuyên ngành nào cung cấp số liệu giống như trên báo, và tất cả các chuyên gia tôi đã tham vấn đều không biết báo chí lấy những thông tin đó từ nguồn nào. Cẩm nang của ASRM hoàn toàn không trích nguồn những số liệu mà họ đăng tải. Khi tôi liên hệ với toà soạn của tạp chí này để hỏi thêm, thì họ nói với tôi rằng tài liệu được giản lược cho đối tượng phổ thông, và vì thế không trích nguồn cụ thể. Dunson, một giáo sư thống kê sinh học, cho rằng có thể xác suất thấp được đưa ra là do cách lấy trung bình sau nhiều chu kỳ cố gắng thụ thai, chứ không phải tính tỉ lệ thụ thai trong chu kỳ đầu tiên. Hầu hết phụ nữ đều thụ thai thành công ở các chu kỳ đầu tiên. Vì thế, bản thân những phụ nữ phải tiếp tục sau nhiều chu kỳ đã khó thụ thai hơn bình thường. Hầu hết những khó khăn trong việc thụ thai không phải là do độ tuổi của bà mẹ. Phụ nữ ở mọi độ tuổi đều có thể gặp phải các trục trặc như tắc ống dẫn trứng, hay mang thai ngoài dạ con. Gần 50% các trường hợp vô sinh là vấn đề từ phía đàn ông, và đàn ông lớn tuổi thường gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy khả năng sinh sản ở nam giới chỉ giảm rất ít theo tuổi tác. Việc tuổi tác phụ nữ ít ảnh hưởng đến khả năng thụ thai cũng lý giải vì sao nhiều nghiên cứu cho thấy rất nhiều phụ nữ lớn tuổi vẫn thụ thai thành công, nếu họ đã từng mang thai trước đó. 

Theo Tiến sĩ Steiner, với các cặp vợ chồng chưa từng “lỡ dính bầu”, nguyên nhân hiếm muộn rất có thể là do tinh trùng hoặc ống dẫn trứng bị tắc. Do đó, những thống kê dựa trên các phụ nữ đã từng mang thai sẽ cho thấy bức tranh xác thực hơn về hiện tượng hiếm muộn do “lão hoá buồng trứng”. Theo nghiên cứu của Kenneth Rothman về phụ nữ Đan Mạch, những phụ nữ đã từng mang thai ít nhất một lần có xác suất thụ thai thành công ở tuổi 40 ngang với tuổi 20. Tất nhiên, phụ nữ lớn tuổi còn có những nỗi lo khác ngoài việc có thụ thai được hay không. Báo chí cũng cảnh báo nhiều về nguy cơ sảy thai, thai nhi bị dị tật khi bà mẹ có tuổi. Tuy nhiên, chúng ta có biết nguy cơ này tăng theo tuổi tác như thế nào? Hẳn nhiều người cũng biết, các thống kê về tỉ lệ sảy thai dựa trên những phụ nữ thụ tinh bằng ống nghiệm hay thông qua các phương pháp trợ sản khác. Bản thân những chị em này đã có nguy cơ sảy thai cao hơn bình thường, bất kể họ già hay trẻ. 

Theo Báo cáo Thống kê Sinh sản Quốc gia, lấy mẫu trên toàn bộ dân số Mỹ, 15% phụ nữ 20-36 tuổi, 27% phụ nữ 37-39 tuổi, và 26% phụ nữ 40-44 tuổi cho hay họ đã từng sảy thai. Sự chênh lệch giữa các nhóm tuổi là không đáng kể, và tỉ lệ sảy thai thực tế cao hơn tỉ lệ thống kê được – vì nhiều cái thai bị loại ngay từ những ngày đầu, trước khi người mẹ trễ kinh hay thử thai, và có thể không hề hay biết. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, ở các phụ nữ lớn tuổi, khả năng thai nhi sống sót cao hơn gấp 3 lần so với tỉ lệ sảy thai. Thế còn các dị tật bẩm sinh thì sao? Đúng là tỉ lệ nhiễm sắc thể dị thường dẫn đến các hiện tượng như hội dứng Down có tăng theo tuổi của bà mẹ. Những nhiễm sắc thể không bình thường là nguyên nhân phổ biến của các trường hợp sảy thai sớm mà bà mẹ không hay biết. Tuy nhiên, xác suất mang thai với nhiễm sắc thể dị thường này là rất thấp. 

 Theo các xét nghiệm thai nhi sớm như đo độ mờ da gáy, 99% thai nhi của các bà mẹ 35 tuổi, và 97% thai nhi của các bà mẹ 40 tuổi không gặp vấn đề bất thường về nhiễm sắc thể. Ngay cả khi các bà mẹ ở tuổi 45, khi khả năng thụ thai đã giảm, 87% hợp tử vẫn bình thường. (Những hợp tử bất thường sẽ bị loại bỏ một cách tự nhiên). Trong tương lai gần, chỉ cần một xét nghiệm máu đơn giản cũng có thể cho biết tình trạng gen của hợp tử, và các bà mẹ sẽ dễ dàng nắm được thông tin sớm về các trục trặc di truyền có thể xảy ra với thai nhi của mình.

Vậy, tóm lại, một phụ nữ đang đứng trước quyết định sinh con khi nào nên làm gì với những thông tin tôi vừa liệt kê? Cụ thể hơn,“thời gian chờ” an toàn là bao lâu? Rất khó trả lời chính xác câu hỏi này, vì hai lý do quan trọng. Một là, mặc dù đã có thêm nhiều nghiên cứu về phụ nữ hiện đại, số lượng các nghiên cứu này vẫn còn khiêm tốn. Cả ba nghiên cứu mới nhất do Dunson, Rothman và Steiner thực hiện đều chỉ tiến hành trên tổng số 400 phụ nữ ngoài 35 tuổi, và có thể không mang tính đại diện. Thứ hai, thống kê chỉ có thể cho chúng ta biết về xác suất và các số trung bình, chứ không phải là một đảm bảo chắc chắn cho bất kỳ một cá nhân nào. “Ngay cả khi chúng ta có những dự đoán tương đối chính xác về tác động của tuổi tác đến khả năng sinh sản, những con số đó cũng không có ích với cá nhân, vì nó được tính toán trên diện rộng.”– Allen Wilcox, chuyên gia của Viện Sức khoẻ Quốc Gia NIH, cho biết. Vậy người phụ nữ - và bạn đời của cô ấy – nên làm gì? Với các số liệu, mặc dù không hoàn hảo, ta cũng có thể rút ra 2 kết luận: Kết luận 1: tuổi tác tăng có làm giảm khả năng thụ thai. Kết luận 2 (quan trọng hơn): đại đa số phụ nữ gần tuổi 40 vẫn có thể thụ thai tự nhiên, mà không cần can thiệp trợ sản từ bên ngoài. Tóm lại, lời khuyên của tôi cho các chị em là: cố gắng sinh đứa con cuối cùng trước ngưỡng 40 tuổi. Ngoài 40, các bạn có thể thử vận may của mình. Steiner nói với tôi rằng: “Khả năng thụ thai của phụ nữ tương đối ổn định cho đến cuối những năm 30 tuổi, và có xu hướng đi xuống bắt đầu từ tuổi 38-39. Khi mới bước qua ngưỡng 30, các chị em có thể lập kế hoạch vài năm, nhưng khi chuẩn bị tới ngưỡng 40, cần phải tính toán theo từng tháng.” Đây cũng là lý do phụ nữ sau tuổi 35 nên tham vấn chuyên gia sản khoa nếu sau 6 tháng vẫn chưa có thai, nhất là nếu trong 6 tháng đó họ đã quan hệ liên tục trong kỳ trứng rụng. Không thể đưa ra thời điểm tối ưu để sinh con. Một số phụ nữ hoặc cặp vợ chồng sẽ tính toán và quyết định rằng tốt nhất nên bắt đầu- và hoàn tất - việc sinh sản trước tuổi 30. Tuy nhiên, họ không nên vì các áp lực từ các thông tin không chuẩn xác mà sinh con trước khi họ sẵn sàng. Sinh con sớm có thể giảm nhẹ nguy cơ hiếm muộn và nhiễm sắc thể dị tật, và giảm tương đối nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên việc này cũng có thể phải trả giá bằng các mối quan hệ hoặc cơ hội, sự nghiệp. 

Thật vậy, một nhà kinh tế học phân tích: trung bình, một phụ nữ trì hoànviệc sinh con một năm thì thu nhập trong suốt sự nghiệp của chị ta tăng thêm 10%. Với những phụ nữ chưa sẵn sàng sinh con khi mới bước qua tuổi 30, nhưng lo lắng về nguy cơ hiếm muộn, khoa học hiện đại, dù chưa hoàn hảo, cung cấp thêm một “lối thoát”: Một số phụ nữ có thể gửi trứng vào “ngân hàng” – tức là nhờ một bác sĩ trợ sản lấy trứng từ tử cung khi còn trẻ (trước 35 tuổi), và bảo quản bằng kỹ thuật đông lạnh. Sau đó, nếu qua “hạn” mà họ tự cho phép mà vẫn chưa thụ thai được bằng cách tự nhiên, người phụ nữ đó có thể lấy trứng ra khỏi chế độ bảo quản và thụ tinh qua ống nghiệm. Trên lý thuyết, trứng lấy từ người phụ nữ lúc còn trẻ có xác suất thụ tinh nhân tạo cao hơn. Tuy nhiên, cách làm này khá tốn kém, cho cả việc bảo quản trứng và thụ tinh trong ống nghiệm. Một số phụ nữ đã kết hôn cũng có thể bảo quản hợp tử - một phương pháp phổ biến hơn – cũng sử dụng công nghệ thụ tinh ống nghiệm. 

 Ngoài ra, các cặp vợ chồng cũng nên biết rằng quan hệ vào đúng kỳ trứng rụng cũng tăng đáng kể khả năng thụ thai – và họ có thể có con một cách tự nhiên, thay vì nhờ vào phương pháp trợ sản đắt tiền ở bệnh viện. Nghiên cứu của Rothman chỉ ra rằng “hẹn giờ” quan hệ trong kỳ thoát noãn giảm thiểu tác động của tuổi tác đến khả năng thụ thai. Sau tuổi 35, phụ nữ muốn sinh con nên sinh hoạt tình dục thường xuyên hơn, và học cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình để xác định thời điểm trứng rụng. Giá mà tôi đã biết những điều này từ năm 2002, khi bị báo chí bủa vây bởi nhưng đe dọa về tuổi tác và nguy cơ hiếm muộn. Tuy vậy, lúc đó tôi cũng được an ủi phần nào khi xem chương trình truyền hình trực tiếp Tối Thứ Bảy (Saturday Night Live) của bốn người phụ nữ hài hước: “Theo tác giả Sylvia Hewlett, những phụ nữ coi trọng sự nghiệp không nên trì hoãn việc sinh nở,vì khả năng sinh sản của chúng ta sẽ giảm đáng kể sau tuổi 27” – người dẫn chương trình Tina Fey thông báo trong mục “Cập nhật cuối tuần” - “Và Sylvia rất có lý. Lẽ ra tôi đã nên làm một đứa hồi tôi 27 tuổi, khi còn sống chui rúc trên gác một quán bar, trật vật với mức lương 12 ngàn đô-la một năm. Mọi việc có thể đã rất suôn sẻ.” Rachel Dratch đáp lại: “Vâng, cám ơn chị Sylvia đã giục tôi có con. Tôi và 4 con mèo cưng của tôi sẽ cố gắng hết sức.” Amy Poehler thì góp lời: “Chị hàng xóm của tôi có một em bé gốc Hoa thật dễ thương biết nói tiếng Ý. Chắc là tôi sẽ kiếm một đứa giống vậy.” Maya Rudolph kết thúc buổi nói chuyện: “Có lẽ trong cuốn sách tiếp theo, Sylvia nên khuyên đàn ông cùng tuổi với chúng ta thôi đừng mải mê chơi game và mơ mộng cưa được một em chân dài nữa…” Mười một năm sau, bốn người phụ nữ này đã sinh được 8 đứa con, trong đó 7 đứa ra đời trước khi họ bước qua tuổi 35. Thật mừng là họ đã đúng. Người dịch: Đỗ Huyền My-GAS HSU Tác giả: JEAN TWENGE Jean M. Twenge là giáo sư tâm lý học giảng dạy tại San Diego State University, và là tác giả cuốn sách “Cẩm nang cho những phụ nữ vội có bầu” (The Impatient Woman's Guide to Getting Pregnant) xuất bản năm 2012. Bài viết được đăng trên Tạp chí The Atlantic ngày 19/06/2013. 

Không có nhận xét nào: