Phương Hướng Sắp Tới về Bình Đẳng Đối Với Người Đồng Tính, Song Tính và Chuyển Giới (LGBT)



Vào cuối tháng 6/2013 vừa qua, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ban hành một quyết định lịch sử xác nhận rằng tất cả những đôi lứa đang yêu và có cam kết với nhau khi kết hôn thì đều được luật pháp liên bang tôn trọng và đối xử bình đẳng. Quyết định này là chìa khóa cốt lõi trong việc củng cố cho gia đình, và đảm bảo sự tiếp cận tốt hơn về quyền và trách nhiệm về hôn nhân của các cặp đôi đồng tính. Tuy nhiên, bình đẳng trong hôn nhân chưa phải là điểm kết thúc của con đường tiến tới bình đẳng toàn diện cho những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) Hoa Kỳ. 

Sự kỳ thị vẫn còn đầy dẫy ở nơi làm việc đang gây hại cho nền an ninh về kinh tế của những người lao động là LGBT và gia đình của họ. Dân nhập cư và người tị nạn là LGBT vẫn phải tiếp tục đối mặt với các rào cản nặng nề về chỗ ở, sự an toàn và an ninh. Giới trẻ là LGBT phải chịu sự bất công ở trường học, và đang ở mức báo động với tỷ lệ cao nhất về việc họ bị gia đình ruồng bỏ khi họ ở nhà. Thêm vào đó, còn rất nhiều bệnh nhân là LGBT chưa được hưởng sự chăm sóc sức khỏe căn bản. Đây là một vài vấn đề mà cộng đồng người LGBT đang tiếp tục phải đối mặt và các giải pháp về chính sách nhằm hỗ trợ để đạt được bình đẳng. Các tiểu bang ở Hoa Kỳ bảo vệ người lao động Hiện nay vẫn chưa có luật liên bang ngăn ngừa sự phân biệt đối xử đối với các cá nhân dựa trên xu hướng tình dục (sexual orientation) hay căn tính giới (gender identity). 

Mặc dù ở đa số các tiểu bang, khi người lao động là LGBT thì họ không có nơi nào để cầu cứu về luật pháp để chống lại sự phân biệt đối xử về vấn đề này. Các tiểu bang sau đây ở Hoa Kỳ có pháp luật bảo vệ người lao động chống lại sự phân biệt đối xử về xu hướng tình dục: California, Colorado, Connecticut, Delaware, the District of Columbia, Hawaii, Illinois, Iowa, Maine, Maryland, Massachusetts, Minnesota, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Rhode Island, Vermont, Washington và Wisconsin. Các tiểu bang sau đây có bảo vệ người lao động chống lại sự phân biệt đối xử về căn tính giới: California, Colorado, Connecticut, Delaware, the District of Columbia, Hawaii, Illinois, Iowa, Maine, Massachusetts, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, Oregon, Rhode Island, Vermont và Washington. 

Bảo vệ người lao động tại nơi làm việc vì không có sự bảo vệ của liên bang đối với sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc, nên người lao động là LGBT hàng ngày vẫn gặp phải những thách thức khi tìm kiếm việc làm và giữ cho công việc được lâu bền. Thay vì được đánh giá qua năng lực làm việc, tay nghề và đạo đức nghề nghiệp, người lao động là LGBT còn thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử về xu hướng tính dục và căn tính giới. Những người lao động này gặp phải bất công trong việc thuê mướn lao động, các rào cản trong thăng tiến về chuyên môn, và thậm chí còn bị mất việc, đơn giản chỉ vì lý do họ là ai hoặc họ yêu ai. Mặc dù sự phân biệt đối xử dựa trên căn tính LGBT hiện đang là hợp pháp ở đa số các tiểu bang của Hoa Kỳ, ta vẫn có 9 trên tổng số 10 cử tri tin tưởng một cách sai lầm rằng người lao động là LGBT đã có được sự bảo vệ ở cấp liên bang. Ta có các số liệu về sự phân biệt đối xử và định kiến ở hầu hết từng khía cạnh trong công ăn việc làm đối với người LGBT Hoa Kỳ, và có 4,3 triệu người lao động LGBT hiện đang sống ở một tiểu bang không có luật bảo vệ công ăn việc làm trên cơ sở xu hướng tính dục hoặc căn tính giới. 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự phân biệt đối xử tạo ra các rào cản quan trọng đối với sự thăng tiến tại nơi làm việc của người lao động là LGBT. Hiện có khoảng từ 11% đến 28% người đồng tính nam và nữ, và song tính bị bỏ qua trong các đợt thăng chức vì thiên hướng tính dục của họ, và có hơn ¼ những người chuyển giới báo cáo rằng đã bị mất việc làm vì căn tính giới của họ. Nơi làm việc cũng không là một nơi luôn luôn an toàn hoặc chào đón đối với người lao động là LGBT. Có gần 60% người lao động là LGBT phải gánh chịu các câu chuyện đùa cợt hoặc gièm pha chống người đồng tính tại nơi làm việc. Thậm chí còn tồi tệ hơn đối với khoảng 7% đến 41% người lao động đồng tình và song tính phải chịu sự quấy rối về lời nói hoặc thể chất hoặc bị phá hoại nơi làm việc. Đối với người lao động là người chuyển giới, các nghiên cứu phát hiện những tình hình còn ảm đạm hơn nữa. Một cuộc điều tra ở cấp quốc gia về người chuyển giới cho thấy có gần 80% người lao động là người chuyển giới đã từng trải nghiệm những vụ quấy rối, đối xử xấu, hoặc phân biệt đối xử trong công việc làm. 

Sự thông qua Luật không phân biệt đối xử về việc làm, (gọi tắt là ENDA), một bộ luật đã từng được đề xuất ở hầu hết các kỳ Quốc hội từ năm 1994, sẽ bảo vệ người lao động chống lại sự phân biệt đối xử về xu hướng tính dục và căn tính giới. Luật ENDA hiện có 53 người đồng bảo trợ ở Thượng nghị viện, là một con số tối đa chưa từng có trước đây. Dù Thượng nghị viện sẽ mau chóng bỏ phiếu bầu cho Luật ENDA, với hy vọng là trong tháng này, nhưng dường như Luật ENDA khó có thể được thông qua trong phiên họp này bởi Hạ nghị viện bảo thủ. Vì Luật ENDA đang tìm lối để được thông qua ở Thượng nghị viện, Tổng thống Obama có thể và phải ban hành một chỉ thị nghiêm cấm những nhà tuyển dụng liên bang không được phân biệt đối xử đối với người lao động là LGBT. Những tổng thống trước đây cũng đã ban hành các chỉ thị tương tự để ngăn ngừa những nhà tuyển dụng liên bang phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hoặc nguồn gốc quốc gia của người lao động. Tổng thống Obama có thể sẽ dùng cơ hội này để có một lập trường mạnh mẽ về vấn đề phân biệt đối xử tại nơi làm việc và có một tác động tích cực đối với người lao động, các ngành nghề, và chính phủ liên bang. Câu chuyện của Sam Sam Hall là một thợ mỏ làm được bảy năm cho một công ty mỏ ở West Virginia. Theo lời Sam, các đồng nghiệp thường quấy rồi anh bằng lời nói hoặc đánh đập và phá hoại tài sản cá nhân của anh. Sau khi đã đệ trình rất nhiều đơn khiếu nại, Sam nói cuối cùng anh nhận ra rằng những người cấp trên của anh đã vứt các đơn khiếu nại này vào sọt rác. Theo Sam, “họ chẳng màng tới việc nếu tôi chết, vấn đề này sẽ được coi như một tai nạn, … nhưng tại nạn này đã không xảy ra với tôi.” Cuối cùng Sam bỏ việc và đưa đơn kiện nhà tuyển dụng trước đây của anh. 

Cải cách vấn đề nhập cư Các cá nhân không có giấy tùy thân sống ở Hoa Kỳ gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận việc làm ổn định và an toàn, về nhà ở, và về chăm sóc sức khỏe, thêm vào đó, họ còn phải sống với nỗi lo sợ thường trực về việc bị bắt và bị trục xuất. Các trở ngại này còn thể hiện rõ ràng hơn đối với 267.000 người trưởng thành là LGBT, họ bị thiệt thòi “kép”, vừa là những người LGBT không có giấy tờ tùy thân và vừa thuộc về nhóm người thiệt thòi. Ngoài việc bị phân biệt đối xử, mà những người LGBT gặp phải ở nơi làm việc, những cá nhân không có giấy tờ tùy thân còn đặc biệt dễ bị tổn thương về việc bị lạm dụng và bóc lột vì họ thiếu tư cách pháp nhân. 

Việc thông qua Luật về An ninh Biên giới, Cơ hội Kinh tế và hiện đại hóa việc nhập cư, sẽ mang lại một con đường dẫn tới việc có được quốc tịch đối với những cá nhân không có giấy tờ tùy thân sống ở Hoa Kỳ. Dự luật thuộc về lưỡng đảng (Dân Chủ và Cộng Hòa) này đã được Thượng nghị viện thông qua với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống. Dự luật này sẽ cung cấp cơ hội cho hàng triệu người được hưởng tiền công đủ sống, theo đuổi việc học lên cao, gìn giữ được sự đoàn tụ của gia đình, và sống mà không phải thường trực lo sợ bị trục xuất. 

Thêm vào đó, dự luật sẽ giúp những người LGBT đi tìm nơi tị nạn bằng cách dỡ bỏ thời hạn phải nộp hồ sơ xin tị nạn trong vòng một năm kể từ ngày người đó nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Thời hạn này đang ngăn cản không cho 1/5 người tị nạn chính đáng được xem xét đến trường hợp của họ, đơn giản chỉ vì họ không nộp đơn trong vòng một năm kể từ ngày họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Điều này cũng hiển nhiên ngăn cấm việc sử dụng sự biệt giam chỉ vì xu hướng tính dục hoặc căn tính giới của người bị giam giữ vì có liên quan đến vấn đề nhập cảnh. Dù dự luật của Thượng nghị viện không có các điều khoản cho phép công dân Hoa Kỳ được bảo lãnh người hôn phối đồng tính để được hưởng các lợi ích về việc nhập cư vào Hoa Kỳ, nhưng các quyết định của Tòa án Tối cao ở Phần 3 của văn bản Bảo vệ cho Luật Hôn nhân, còn gọi là DOMA, đã tiến bước được một đoạn đường xa hướng tới việc giải quyết vấn đề này. Kết quả là, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (Đảng Dân chủ-Vermont) đã rút lại sự sửa đổi bổ sung của ông về việc cho công dân Hoa Kỳ được nộp đơn xin thẻ xanh (thường trú) cho người hôn phối đồng tính là người nước ngoài bởi vì nay họ đã có đủ tư cách để hưởng các lợi ích về việc nhập cư giống như những cặp đôi đã kết hôn dị tính theo luật của liên bang. Những người không thể đến Mỹ bằng sự bình đẳng về mặt hôn nhân thì rất tiếc là họ không thể thụ hưởng được từ quyết định này của Tòa án Tối cao. 

Trong khi dự luật của Thượng nghị viện có ghi rất nhiều sự bảo vệ cho dân nhập cư là người LGBT, nhưng vẫn còn có cuộc đấu tranh gian khó ở phía trước nhằm thông qua Hạ nghị viện về việc cải cách về vấn đề nhập cư với ý nghĩa thông thường. Phe Cộng Hòa đã ra tín hiệu miễn cưỡng để phê chuẩn dự luật của Thượng nghị viện, thay vì chọn việc giới thiệu luật mới đã hình sự hóa dân nhập cư không giấy tùy thân và cũng không cung cấp lộ trình làm thế nào để có quyền công dân. Sự thông qua việc cải cách về vấn đề nhập cư với ý nghĩa thông thường là một bước quan trọng tiến tới việc phòng chống bóc lột và mất an ninh mà dân nhập cư là LGBT không giấy tùy thân đang gặp phải. Tình trạng vô gia cư của giới trẻ Dù số giới trẻ là LGBT chỉ chiếm 5% đến 7% trong tổng số dân, nhưng họ chiếm đến 40% tổng số giới trẻ vô gia cư. Tỷ lệ người LGBT chiếm rất đông trong số giới trẻ vô gia cư là một phần do tỷ lệ cao các mâu thuẫn trong gia đình và bị gia đình bỏ rơi, một phần là do họ bị trở thành nạn nhân ở trường học. Giới trẻ LGBT vô gia cư phải trải nghiệm gấp đôi về tỷ lệ bị phân biệt đối xử trong gia đình và hơn gấp đôi về tỷ lệ tự tử bất thành so với giới trẻ vô gia cư không là LGBT. Thêm vào đó, giới trẻ LGBT vô gia cư thường bị ngăn không được tiếp cận đầy đủ lợi ích của các chương trình an sinh của trẻ em chẳng hạn như: hệ thống chăm sóc con nuôi, mái ấm cho người vô gia cư vì họ bị đối xử tồi tệ và bị phân biệt đối xử. 

Luật Giới trẻ vô gia cư và đi bụi, còn gọi là RHYA, cung cấp tiền cứu trợ không hoàn lại ở cấp liên bang cho các tổ chức của nhà nước và tư nhân trợ giúp giới trẻ vô gia cư. Nhưng dù có tỷ lệ cao về giới trẻ LGBT trong tổng số người vô gia cư, phiên bản luật RHYA hiện hành không quan tâm cụ thể đến giới trẻ LGBT vô gia cư. Với đạo luật cho phép trở lại trong năm nay, Quốc hội có cơ hội trợ giúp hàng ngàn người trẻ vô gia cư bằng cách bổ sung một điều khoản cấm nhân viên hoặc cơ quan nhận tiền cứu trợ của luật RHYA không được phân biệt đối xử đối với giới trẻ vô gia cư trên cơ sở xu hướng tính dục và căn tính giới. Luật Tái gắn kết giới trẻ nhằm ngăn ngừa tình trạng vô gia cư, được áp dụng vào năm 2011, là dự luật đầu tiên của Thượng nghị viện chú trọng một cách tổng quát đến tình trạng vô gia cư của giới trẻ để nêu lên cụ thể đối tượng là giới trẻ LGBT. Dự luật có các điều khoản nhằm cải thiện cơ hội giáo dục và đào tạo cho giới trẻ lớn tuổi được nhận nuôi, làm giảm tình trạng vô gia cư trong số tất cả giới trẻ, và phát triển chương trình chú trọng đến mối quan hệ gia đình đặc biệt cho giới trẻ LGBT. Cách tiếp cận dựa vào gia đình như thế này đặt trọng tâm vào việc trợ giúp các gia đình hàn gắn mâu thuẫn và cho phép giới trẻ được ở lại nhà sau khi đã bỏ nhà ra đi. 

Nghiên cứu do Dự án Family Acceptance thực hiện đã kiến nghị hiện nay cách này có thể là cách tốt nhất để giảm thiểu tình trạng vô gia cư của người LGBT. Câu chuyện của Luisa Luisa là người con gái lớn nhất trong một gia đình dân nhập cư gốc La-tinh, em được nuôi nấng và lớn lên ở miền Nam California. Khi Luisa được 13 tuổi, các cuộc gây sự tại gia đình em gia tăng. Luisa chống lại và cuối cùng em sống với một nhóm trẻ ở một gia đình nuôi hộ. Tại đó, em bị chọc ghẹo và bị quấy rối. Các nhân viên phớt lờ những tiếng kêu cứu của Luisa. Họ nói với em là chính em đã gây sự trước, và vì vậy em phải “lãnh đủ”. Luisa chạy trốn khỏi nhóm trẻ gia đình và sống trên đường phố. Tại đây em bị nhiều người đàn ông hãm hiếp và đánh đập. Các mái ấm dành cho người lớn luôn luôn hết chỗ, vì vậy Luisa tìm đến một tòa cao ốc bỏ hoang, tại đây em ngủ với một nhóm trẻ vị thành niên vô gia cư, bọn trẻ này dạy em một số kỹ năng để sống còn. Kết quả của lần bị hãm hiếp là em đã mang thai, Luisa tìm được một nơi thuộc chương trình tiền sản cho người vô gia cư và họ giúp cho em được đi học, được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế, và chuẩn bị sinh con. Sau đó, Luisa biết rằng em cũng đã bị nhiễm HIV. Em hy vọng con của em sẽ không bị nhiễm. 

Môi trường học đường Đối với học sinh/ sinh viên là LGBT trên khắp Hoa Kỳ, sự quấy rối ở trường học là một vấn đề quan trọng. Theo một điều tra thực hiện bởi Mạng lưới giáo dục người đồng tính và nghười không đồng tính, có 6/10 học sinh/ sinh viên đồng tính nam/ nữ hoặc song tính và 8/10 sinh viên chuyển giới báo cáo rằng họ cảm thấy không an toàn khi ở trường. Có tới 85% sinh viên LGBT báo cáo là đã bị quấy rối vì thiên hướng và căn tính giới của họ, có 20% báo cáo rằng họ đã từng bị đánh đập. Những vụ ăn hiếp sinh viên LGBT có thể dẫn tới học hành sa sút, bị điểm kém, nghỉ học nhiều, gặp nhiều vấn đề sức khỏe, rớt kỳ thi tốt nghiệp, bạo lực và tự tử. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy giới trẻ LGBT thường bị biến thành nạn nhân bởi các chính sách kỷ luật hà khắc của nhà trường. Các chính sách này đã đẩy sinh viên ra khỏi lớp và đẩy họ vào vòng lao lý khi họ phạm những lỗi nhỏ và hành vi không hình sự. Đặc biệt là những người trẻ có ứng xử không theo khuôn mẫu giới thường hay bị bắt bớ nhiều hơn vào con “đường dẫn từ nhà trường đến nhà tù,” và vì không có đủ sự hỗ trợ cơ quan, tổ chức, họ gặp phải những rủi ro nhiều hơn về việc bị hình sự hóa một cách không công bằng và họ phải liên đới một cách không cần thiết với hệ thống tư pháp đối với trẻ phạm pháp. Mặc dù giới trẻ LGBT chỉ chiếm từ 5% đến 7% tổng số giới trẻ cả nước, nhưng họ lại là 13% đến 15% những người đang bị bắt trong hệ thống trẻ phạm pháp, đa phần vì các chính sách của nhà trường thù ghét giới trẻ LGBT. 

Sự phân biệt đối xử vì xu hướng tính dục và căn tính giới không bị ngăn cấm ở cấp liên bang tại các trường công lập. Nhưng rất nhiều dự luật đang nhằm cải thiện môi trường học đường cho giới trẻ LGBT. Luật Không phân biệt đối xử sinh viên/ học sinh (còn gọi là SNDA-The Student Non-Discrimination Act) nhìn nhận rằng tình trạng quấy rối và bạo lực hiện nay làm mất quyền bình đẳng về giáo dục cho sinh viên/ học sinh LGBT. Dự luật có thể sẽ bổ sung mục xu hướng tính dục và căn tính giới vào danh sách hiện có của liên bang về các căn cứ được bảo vệ chống phân biệt đối xử, đó là chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, khuyết tật, và nguồn gốc quốc gia. Biện pháp này có thể sẽ cho phép chính phủ liên bang rút nguồn tài trợ ở các trường trung học nào bỏ qua những hành vi phân biệt đối xử, đồng thời, cũng tăng năng lực cho học sinh có hành động hợp pháp chống lại những người quấy rối. Thượng nghị sĩ Al Franken (Đảng Dân chủ-Minnesota) giới thiệu Luật SNDA cho Thượng nghị viện, và các Hạ nghị sĩ Jared Polis (Đảng Dân chủ-Colorado) và Ileana Ros-Lehtinen (Đảng Cộng hòa-Florida) giới thiệu luật này cho Hạ nghị viện. Cả hai dự luật đều đã được chuyển giao cho ủy ban. Câu chuyện của Kyeon Cũng giống như nhiều người trẻ LGBT, Kyeon học ở một trường tại New Orleans không chấp nhận học sinh đồng tính. Kyeon bị chọc ghẹo và đánh đập vì thiên hướng tính dục của em, nhưng sự việc bạo lực này không được nhà trường kiểm tra để phát hiện, vì nhà trường không áp dụng chính sách chống học sinh bị bắt nạt để bảo vệ học sinh LGBT. Tính thù địch tăng lên đến mức làm Kyeon không tập trung nghe giảng trong lớp và làm gián đoạn sự phát triển về học vấn. Những lời châm chọc của các bạn cùng lớp đã dẫn tới việc Kyeon đánh nhau với một học sinh khác, và Kyeon cùng với bạn kia đều bị bắt giữ và đưa vào trại giam của trẻ vị thành niên – một hình phạt nặnng vì đối với Kyeon đánh nhau là một cách để tự vệ. 

Sự ngăn cấm phân biệt đối xử dựa trên cơ sở xu hướng tính dục và căn tính giới ở học đường của Luật Cải thiện về An toàn Học đường và của Luật SNDA cũng yêu cầu trường trung và tiểu học phải có vai trò tích cực trong việc ngăn ngừa quấy rối và phân biệt đối xử bằng cách áp dụng và củng cố những chính sách về bắt nạt nhau trong trường. Các Thượng nghị sĩ Robert Casey (Đảng Dân chủ-Pennsylvania) và Mark Kirk (Đảng Cộng hòa-Illinois) đã giới thiệu dự luật này tại Thượng nghị viện, và Hạ nghị sĩ Linda Sanchez (Đảng Dân chủ -California) đã giới thiệu dự luật này tại Hạ nghị viện. Cả hai dự luật đều đã được chuyển giao cho ủy ban. Luật Củng cố Học đường của Hoa Kỳ, một đạo luật bao quát nhất trong cả ba luật, là một bản điều chỉnh được đề nghị đối với Luật Giáo dục Trung và Tiểu học, luật này gồm có nhiều cải cách được thiết kế nhằm làm cho các trường học ở Hoa Kỳ và là những định chế hiệu quả hơn và được an toàn hơn. 

Dự luật có các điều khoản nhằm mở rộng các nguồn tài nguyên và xây dựng những hướng dẫn đối với trường mẫu giáo và giáo dục mầm non, nhằm khuyến khích tính bình quyền bằng cách đánh giá môi trường và cơ hội của cá nhân tại nhà trường, và nhằm trợ giúp về việc dạy học chất lượng cao. Thêm vào những cải cách ở tầm rộng hơn, Luật Củng cố Học đường của Hoa Kỳ cũng gồm có những điều cấm như ở Luật SNDA về phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và căn tính giới tại nhà trường. Luật Củng cố Học đường của Hoa Kỳ đã được giới thiệu tại Thượng nghị viện bởi Thượng nghị sĩ Tom Harkin (Đảng Dân chủ-Iowa) và chưa được giới thiệu tại Hạ nghị viện. Tháng trước đây, Hội đồng Thượng nghị viện về Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu đã thúc đẩy dự luật với đa số người ở Ủy ban cho biết là thuận lợi. Đứng độc lập ngoài ba đạo luật lập pháp với dự định trao cho sinh viên/ học sinh LGBT được tiếp cận bình đẳng với cơ hội giáo dục, mới đây còn có Sở Giáo dục thông báo họ sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu về bắt nạt do xu hướng tình dục, điều này có thể sẽ mở rộng sự hiểu biết về việc chống ăn hiếp các sinh viên/ học sinh là LGBT. Dữ liệu về kinh nghiệm cụ thể của giới trẻ LGBT giúp ta thiết lập các giải pháp về chính sách trong tương lai và giúp cải thiện môi trường học đường hướng tới sự hòa nhập của sinh viên/học sinh LGBT. 

Nhiều nơi vẫn còn cần tăng thu thập dữ liệu, kể cả việc bắt nạt của sinh viên/học sinh chuyển giới, và sinh viên/học sinh không theo khuôn mẫu giới, những vụ ăn hiếp của sinh viên/học sinh trên cơ sở có liên quan đến phụ huynh là LGBT, những trải nghiệm của giới trẻ LGBT với hệ thống pháp luật đối với giới vị thành niên, và những trải nghiệm của giới trẻ LGBT với kỷ luật học đường. Trong khi những nỗ lực chống sinh viên/học sinh bắt nạt nhau rất cần đối với môi trường học đường bằng cách đặt ra những mong đợi về cách thức mà giới trẻ sẽ tham gia với một bạn khác, đây cũng là một điều quan trọng khi ta nhờ người lớn chịu trách nhiệm về cách thức họ đối xử với giới trẻ LGBT. Ta cần phải xóa bỏ các chính sách không khoan nhượng vì các chính sách này không dành một chỗ nào để xem xét hoàn cảnh cụ thể mà một sinh viên/học sinh đang gặp phải, và những điều lệ thiên vị về giới đối với quy cách ăn mặc và các biện pháp kỷ luật chủ quan khác hiện đang duy trì sự thiên vị và tạo sự thù địch của mọi người đối với giới trẻ LGBT. 

Bất bình đẳng về chăm sóc y tế vì các yếu tố như tỷ lệ thấp trong việc triển khai gói bảo hiểm y tế, tỷ lệ cao về căng thẳng đầu óc vì sự quấy rối và phân biệt đối xử có hệ thống, và sự thiếu hiểu biết về văn hóa trong hệ thống y tế, mà những người LGBT phải trải nghiệm những bất bình đẳng lớn về chăm sóc y tế so sánh với dân số nói chung.Trong số những đàn ông đồng tính hoặc song tính, và những phụ nữ chuyển giới, các nghiên cứu đã phát hiện tỷ lệ bị nhiễm HIV đang tăng cao một cách phổ biến. Những đàn ông đồng tính hoặc song tính có nguy cơ bị mắc nhiều loại ung thư, và những phụ nữ đồng tính và song tính thì đang đứng trước nguy cơ gia tăng về ung thư vú. Nhóm người LGBT nói chung thường sử dụng thuốc lá với tỷ lệ từ 50% đến 200% cao hơn dân số nói chung. Các nghiên cứu cho thấy 41% những người chuyển giới đã từng tự tử bất thành ở một vài thời điểm nào đó trong đời — tỷ lệ này cao hơn gấp 25 lần đối với dân số nói chung của Hoa Kỳ. 

Việc thiếu tiếp cận với bảo hiểm y tế cũng đẩy người LGBT ra ngoài lề của hệ thống chăm sóc y tế. Nhìn chung, các cặp đôi đồng tính hầu như bị thiếu bảo hiểm y tế nhiều gấp hai lần các cặp đôi khác, và tỷ lệ không có bảo hiểm cũng rất cao ở các cá nhân chuyển giới và song giới so với dân số nói chung. Thêm vào đó, sự thiếu thu thập dữ liệu đầy đủ về những người LGBT đã ngăn cản sự phát triển hiểu biết rộng hơn về bất bình đẳng trong y tế đối với người LGBT. Các chuyên gia y tế liên bang ngày càng nhìn nhận nhiều hơn về mức bất bình đẳng cao trong lĩnh vực y tế mà người LGBT gặp phải. Văn phòng Y tế cho Người thiểu số đã ghi nhận rằng: “bằng chứng đang tiếp tục mở rộng, sẽ được tập hợp thành tư liệu về việc có… bất bình đẳng trong y tế trên cơ sở… xu hướng tính dục và căn tính giới.” Và các nguồn như Viện Y tế, Cơ quan Nghiên cứu Chăm sóc Y tế và Chất lượng, và Chương trình Người dân Khỏe mạnh 2020 đều đã xác định LGBT là nhóm người có trải nghiệm về bất bình đẳng một cách đáng kể trong y tế. Việc thực hiện đầy đủ và toàn diện luật Bảo hiểm sức khỏe (the Affordable Care Act) có tiềm năng giúp điều chỉnh lại một vài bất bình đẳng và cải thiện sức khỏe cho nhóm người LGBT. Luật này cấm phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục và căn tính giới ở một khu vực rộng đối với thị trường bảo hiểm y tế. Luật này thực hiện những tiêu chuẩn gói bảo hiểm mới đòi hỏi gói bảo hiểm y tế phải toàn diện hơn và cung cấp trợ giúp tài chính cho những ai đang cần mua bảo hiểm y tế nhất. Tất cả những cải cách này sẽ làm cho các cá nhân là LGBT và chủ gia đình là những cặp đôi đồng tính dễ tiếp cận hơn với bảo hiểm y tế. 

Chương trình Người dân Khỏe mạnh 2020, một dự án cấp quốc gia vì một quốc gia mạnh khỏe hơn từ năm 2010 đến 2020, công nhận rằng công việc hàng ngày về thu thập dữ liệu trong lĩnh vực xu hướng tính dục và căn tính giới là một nhu cầu chính yếu khác trong cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng về y tế đối với người LGBT. Thậm chí ở bên ngoài bối cảnh y tế, dữ liệu chất lượng cao về các mối quan tâm và trải nghiệm của người LGBT là cần thiết nếu liên bang, tiểu bang, địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận phục vụ đầy đủ cho cộng đồng LGBT. Trong khi các chương trình y tế được trợ giúp bởi liên bang đang nỗ lực rất nhiều để thu thập dữ liệu hành chính, và Sở Y tế và Dịch vụ Con người nhấn mạnh rằng các dữ liệu này rất cần thiết để cải thiện sức khỏe, việc thu thập thông tin toàn diện có cả dữ liệu về người LGBT vẫn chưa được thực hiện. Để giải quyết khoảng cách kiến thức về việc chăm sóc sức khỏe của cộng đồng LGBT, các cơ quan liên bang cần phải hợp tác với nhau và cùng với Văn phòng Quản lý và Ngân sách triển khai các công cụ thu thập dữ liệu về người LGBT và sử dụng các thông tin để hiểu rõ hơn về cộng đồng LGBT. 

Một khía cạnh chủ chốt nữa của việc cải thiện sự tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho người LGBT là thúc đẩy việc đào tạo, tập huấn về năng lực văn hóa cho những nhân viên chăm sóc y tế. Tiêu chuẩn Quốc gia về Các dịch vụ Phù hợp về Văn hóa và Ngôn ngữ đã được ban hành từ năm 2013, trong một bản kế hoạch đề cập đến nhu cầu tăng nhận thức về nhóm LGBT cho những cơ quan, nhân viên y tế. Các tiêu chuẩn này nhấn mạnh tới nhu cầu cần tập huấn thường xuyên để họ được thành thạo về văn hóa LGBT và nhấn mạnh tới ảnh hưởng xấu của việc phân biệt đối xử đối với tình trạng sức khỏe và việc tiếp cận với chăm sóc y tế. Nếu được thực hiện rộng rãi, các tiêu chuẩn này có thể cải thiện nhiều về sự trải nghiệm của các cá nhân LGBT đối với những người cung cấp dịch vụ y tế. Kết luận Đà tiến triển đối với sự bình đẳng của người LGBT chưa có dấu hiệu chậm lại. Việc chuyển đổi ý kiến của công chúng và sự gia tăng lòng quả cảm thuộc chính trị đang liên kết chặt chẽ, và mang lại sự ủng hộ ngày càng nhiều hơn đối với các cá nhân và gia đình LGBT. Chiến thắng lịch sử đối với bình đẳng về hôn nhân ở Tòa án Tối cao là các bước ý nghĩa tiến tới một xã hội công bằng hơn, nhưng những nhà lập chính sách phải tiếp tục đặt trọng tâm vào các giải pháp để bảo đảm một sức khỏe tốt hơn và các chân trời tươi sáng hơn cho mọi người LGBT Hoa Kỳ. 

Lê Thị Hạnh dịch-GAS HSU Theo “The LGBT Progress Team. 09/07/2013” 

Nguồn: AP/Mathew Sumner http://www.americanprogress.org/issues/lgbt/report/2013/07/09/69047/whats-next-for-lgbt-equality/

Không có nhận xét nào: