Báo cáo nghiên cứu: "Tìm hiểu suy nghĩ, nhận thức về giới của GV-SV HSU"
Ngày 27 tháng 02 năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã
hội (GAS), trường Đại học Hoa Sen đã báo cáo đề tài nghiên cứu “Tìm
hiểu suy nghĩ, nhận thức của giảng viên (GV), nhân viên (NV) và sinh viên (SV)
Hoa Sen về bình đẳng giới trong gia đình, nơi làm việc/học tập và ngoài xã
hội”.
Bốn báo cáo viên đã tham gia trình bày:
• Thái Thị Ngoc Dư – Giám
đốc Trung tâm GAS
• Doãn Thi Ngọc – Chuyên
viên nghiên cứu-Giảng viên của GAS
• Nguyễn Thị Nhận – Giảng
viên của Chương trình Giáo dục tổng quát
• Phan Trịnh Hoàng Dạ Thi
- Giảng viên của Chương trình Giáo dục tổng quát
Vấn đề giới và bình đẳng giới hiện nay được các nước trên thế
giới quan tâm trong đó có Việt Nam, vì vậy, buổi cáo cáo nghiên cứu giới
không chỉ thu hút khoảng 50 người tham dự là các nhà nghiên cứu, chuyên viên về giới,
xã hội học, công tác xã hội, giảng viên, sinh viên, và những người quan tâm về
giới trong và ngoài trường ĐH Hoa Sen, mà nhóm nghiên cứu còn nhận được nhiều ý
kiến đóng góp mang tính xây dựng, những chia sẻ về kiến thức giới, kinh nghiệm,
và những câu hỏi để nhóm nghiên cứu bổ sung và khắc phục những hạn chế của
đề tài nghiên cứu, đồng thời, có thể xây dựng hoặc mở rộng những đề tài nghiên
cứu mới trong tương lai. Quan trọng nhất, kết quả nghiên cứu là căn cứ giúp cho
GAS xây dựng kế hoạch, nội dung và hình thức hoạt động phù hợp với mức độ nhận
thức và mong muốn của cộng đồng về Giới và Phát triển.
Nội dung báo cáo tập trung
vào những điểm chính sau:
Lý do nghiên cứu đề tài
Từ hơn hai năm nay, trường Đại học Hoa Sen đã có những hoạt
động nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới thông qua nhiều phương thức
như đưa môn giới và phát triển vào chương trình Giáo dục tổng quát
(GDTQ), thành lập Trung tâm nghiên cứu Giới và Xã hội. Hoạt động giới của trường
bắt đầu được các tổ chức bên ngoài biết đến và những hoạt động này đã góp phần
phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về giới cho cộng đồng.
Để giảng viên và sinh viên Hoa Sen cùng đồng hành với nhà
trường trên con đường hoạt động cho bình đẳng giới, cần thiết phải nhận diện được
những suy nghĩ, những mối quan tâm của cộng đồng Hoa Sen về chiều kích giới
trong các mối quan hệ xã hội và gia đình. Việc đánh giá đúng hiện tình nhận thức,
suy nghĩ và mong muốn của giảng viên-nhân viên (GNV) và sinh viên (SV)
Hoa Sen sẽ là căn cứ giúp cho Trung tâm Giới và Xã hội xây dựng kế hoạch, nội
dung và hình thức hoạt động phù hợp với mức độ nhận thức và mong muốn của
cộng đồng.
Mục đích nghiên cứu
1 Tìm hiểu suy nghĩ, nhận xét của GNV, SV Đại
học (ĐH) Hoa Sen về vị trí, vai trò của nam giới và nữ giới trong bối cảnh thực
tế : gia đình, nơi làm việc/học tập và cộng đồng,
2 Tìm hiểu quan điểm của họ về những vấn đề cần
được thay đổi trong vị trí và vai trò của nam và nữ giới trong xã hội nói
chung,
3 Tìm hiểu suy nghĩ của GV-NV, SV về khái niệm
bình đẳng giới và quan điểm của khách thể về thế nào là một gia đình, nơi làm
việc, xã hội có bình đẳng giới, và
4 Tìm hiểu những mong muốn của GV-NV, SV về
các hoạt động giới trong nhà trường.
Phương pháp nghiên cứu
Cuộc nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 12 năm 2011 đến
tháng 12 năm 2012, sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với kỹ thuật thu thập
dữ liệu là phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tiêu điểm. Nhóm nghiên cứu đã dựa
vào sơ đồ “Kiến thức / nhận thức, thái đô, niềm tin, thực hành (KAP) để khảo
sát một cách đinh tính mối liên hệ và tác động qua lại giữa các yếu tố
này.
Đối tượng nghiên cứu
Tổng cộng số khách thể đã tham gia vào nghiên cứu này là 82
GV-NV và SV trường ĐH Hoa Sen. Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 20 GV-NV (8 nam và
12 nữ) và 22 SV (6 nam, 16 nữ). Ngoài ra còn có 4 nhóm thảo luận tiêu điểm gồm
40 sinh viên (20 nam, 20 nữ), mỗi nhóm gồm 10 sinh viên. Nhằm bảo đảm tính ẩn
danh của khách thể, mỗi khách thể trong mẫu mang một ký hiệu riêng.
Kết quả nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu trình bày những phát hiện chính của đề tài.
Nhìn chung, GV-NV và SV có những hiểu biết nhất định về bình đẳng giới, nhận ra
những lợi ích của bình đẳng giới đối với gia đình và xã hội. Mọi người đều thấy
phụ nữ Việt Nam còn chịu nhiều thiệt thòi về việc học, việc làm, còn bị bạo
hành bởi đàn ông. Quá trình xã hội hóa về giới chịu ảnh hưởng khá mạnh của giáo
dục gia đình và của cách hành xử của các bậc cha mẹ, ông bà. Ngoài ra, kết quả
nghiên cứu cho thấy vẫn còn dấu ấn khá sâu đậm về vai trò rập khuôn của nam giới
và nữ giới, những ngộ nhận về bình đẳng giới, về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Cuối cùng, phần câu hỏi và trả
lời, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm của người tham dự:
Câu hỏi 1: Một vị khán giả nêu ra một số ý kiến như thuật
ngữ “tình dục” và “tính dục” bị “nhiễu” trong những ngành xã hội nhân văn hay
“nhiễu” trên truyền thông và sách báo. Ngay ở phần thuyết trình có đề cập tới
“tình dục” cũng có thể gây những hiểu lẫn lộn hay sai. Theo ông, phải dung từ
“tính dục” mới đúng. Ông cho rằng ngôn ngữ mà chưa thống nhất như vậy sẽ
gây nhiễu và khó chia sẻ thông tin với nhau. Điểm thứ hai, kết quả báo cáo
không có các bảng thống kê và thiếu việc so sánh giữa phụ nữ Việt Nam với
phụ nữ Đông Nam Á, Châu Á -những xã hội có những đặc điểm tương đồng về văn
hóa, kinh tế, xã hội-, hay so sánh với phụ nữ Phương Tây.
• Phản hồi từ một vị khán
giả cho rằng việc dùng “tính dục” và “tình dục” đều được và có thể thay thế cho
nhau.
• Theo nhóm nghiên cứu, về
vấn đề thuật ngữ, dùng như thế nào cho thống nhất thì còn phải bàn nhiều
và ngay cả trong giới nghiên cứu cũng đã và đang có những tranh luận nên dùng
thuật ngữ “tính dục” hay “tình dục” cho những trường hợp cụ thể nào, ví dụ dùng
lạm dụng / xâm hại tính dục có phần đúng hơn là xâm hại tình dục như mọi người
thường dùng. Tuy nhiên, về từ sexuality thì lâu nay các chuyên gia về giới và
các ngành xã hội khác vẫn dịch là “tình dục”, và nhóm nghiên cứu thấy là hợp
lý. Cũng cần lưu ý rằng kết quả nghiên cứu không đi sâu vào vấn đề thuật ngữ
này mà chỉ mô tả những thông tin mà khách thể đã đề cập về tình dục.
Về vấn đề xác xuất thống kê cũng không thuộc phạm vi nghiên
cứu của chúng tôi và điều này đã nêu rõ trong mục tiêu nghiên cứu. Đề tài
nghiên cứu này dùng phương pháp “định tính” chứ không phải nghiên cứu “định lượng”
nên không thể có xác suất như vị khán giả mong đợi. Đây chỉ là nghiên cứu mô tả
nhỏ và chỉ tập trung phỏng vấn 20 khách thể GV-NV, 22 SV, và 4 nhóm tiêu điểm
thuộc trường ĐH Hoa Sen trong nguồn lực về tài chính và nhân lực rất hạn hẹp và
rất khiêm tốn. Trong tương lai có thể chúng tôi sẽ làm những nghiên cứu so sánh
và sẽ áp dụng những phương pháp nghiên cứu định lượng hay nghiên cứu hỗn hợp.
Bà Dư nhấn mạnh rằng ngày nay các nhà nghiên cứu về xã
hội nhân văn trên thế giới đánh giá cao phương pháp nghiên cứu định tính
vì đây là phương pháp nhằm tìm cách mô tả và phân tích nhận thức, thái độ, hành
vi của con người và của nhóm người. Nghiên cứu định tính không chỉ cung cấp
thông tin toàn diện về các đặc điểm môi trường xã hội nơi nghiên cứu được tiến
hành, mà còn mô tả một cách đầy đủ các xu hướng đang tồn tại trong một cộng đồng.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu chọn phương pháp này vì tính linh hoạt của
nó và cho phép phát hiện những vấn đề quan trong về bình đẳng và bất bình
đẳng giới. Những gì được trình bày là phần trích lọc, cô đọng nhất của kết quả
nghiên cứu và vẫn còn nhiều thông tin chưa kịp khai thác hết. Vì vậy, việc trao
đổi và đóng góp ý kiến của người tham dự là quan trong và sẽ giúp nhóm nghiên cứu
bổ sung những thiếu sót về thông tin.
Câu hỏi 2: Một vị khán giả thứ hai hỏi các báo cáo viên có
nghiên cứu mối tương quan giữa thành phần xã hội của sinh viên, trình độ
học vấn của phụ huynh sinh viên xem có ảnh hưởng gì đến suy nghĩ, nhận thức, và
thái độ của sinh viên về vấn đề giới hay không? Thứ hai, nhóm có tìm hiểu “người
phụ nữ có nhận thức gì về cơ thể của mình không, có quí trọng cơ thể của mình
hay không?”. Theo ý kiến của vị khán giả này phụ nữ Việt Nam nói chung thường
phải chịu hi sinh, vất vả, khó nhọc, …dẫn đến sự phí sức mình, phí sức khỏe. Cơ
thể được coi là một phạm trù trong nghiên cứu về giới và ngày càng được quan
tâm trong xã hội.
• Nhóm có tìm hiểu về mối
tương quan giữa thành phần xã hội của sinh viên và trình độ học vấn của cha mẹ
sinh viên, tuy nhiên kết quả còn đơn sơ nên nhóm không đưa vào báo cáo, sau này
nhóm sẽ nghiên cứu. Về nhận thức cơ thể của phụ nữ, nhóm cũng không thu
thập nhiều thông tin vì nhóm dùng câu hỏi mở để khách thể tự trả lời và có vài
khách thể đề cập nhưng thông tin cũng không sâu.
Câu hỏi 3: Các tác giả nghiên cứu đều là nữ, vậy khi mô tả
kinh nghiệm của người phụ nữ, có bi kịch hóa vai trò của phụ nữ và biến phụ nữ
thành những nạn nhân của bất bình đẳng giới? Khi lật ngược lại vấn đề, còn có bất
bình đẳng của nam giới, ví dụ, khi ly hôn thì 95/100 trường hợp tòa án xử người
mẹ được nuôi con, như vậy có sự bất bình đẳng (BBĐ) của nam giới trong luật. Đề
tài nghiên cứu này dựa trên lý thuyết/quan điểm nào?
• Một vị khán giả trả lời
đây là những nghi vấn cần được nêu ra trong nghiên cứu. Tuy nhiên, bà cho rằng
nhóm tác giả là những người được đào tạo chuyên về nghiên cứu giới; do đó, khi
nghiên cứu đề tài với bất kỳ khách thể nào thì đều phải tuân theo những qui chuẩn
trong nghiên cứu như: tính khách quan, đạo đức trong nghiên cứu, và không phán
đoán giá trị (value free) v.v. Khi công bố kết quả trên trang web , nhóm nghiên
cứu nên cung cấp cả bảng hỏi thu thập dữ liệu để cho thấy độ khách quan của đề
tài nghiên cứu.
• Một vị khán giả khác lý
luận rằng khi ly dị, tòa án trao quyền cho mẹ nuôi con vì ông chồng không cho
con bú bằng sữa mẹ được và nếu con dưới 10 tuổi được giao cho mẹ nuôi. Điều này
qui định rõ trong luật của các nước và đây không phải lý do kỳ thị hay định kiến
nam giới.
• Về phía các tác giả
nghiên cứu, kết quả trình bày phân tích trong báo cáo không phải do chúng tôi
là nữ nên tự bi kịch hóa bất bình đẳng cho nữ trong nghiên cứu mà đây là những
phân tích và lý luận từ những thông tin mà khách thể đã trả lời, đã cung cấp. Kế
đến, đề tài nghiên cứu của chúng tôi là tìm hiểu nhận thức, thái độ, hành vi của
các khách thể nên nhóm áp dụng phương pháp định tính và các kỹ thuật thu thập dữ
liệu là phỏng vấn sâu và phỏng vấn nhóm tiêu điểm để thu thập những thông tin
mô tả, phi định lượng. Thông thường khi nghiên cứu thì sẽ dựa trên khung lý
thuyết để phân tích vấn đề, ví dụ trong nghiên cứu này chúng tôi dùng cách tiếp
cận về kiến thức (knowledge), thái độ (attitude), và hành vi (practice).
- Theo lý thuyết/quan điểm
của những nhà nữ quyền, đa phần phụ nữ trong xã hội vẫn thiệt thòi hơn so với
nam giới. Nhóm muốn dùng quan điểm này như một giả thuyết nghiên cứu, để trả lời
câu hỏi có hay không tình trạng thiệt thòi của phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu
vào những năm đầu thế kỷ 21. Và kết quả của nghiên cứu này cho thấy nhiều phụ nữ
trong mẫu vẫn chịu thiệt thòi và định kiến so với nam giới trong gia đình và
ngoài xã hội,
- Tinh thần nam trị là rào
cản cho giải phóng phụ nữ, dù phụ nữ có ý thức và tha thiết với bình đẳng
giới. Tinh thần nam trị này cũng tạo ra áp lực không cần có cho nam giới và dẫn
đến việc một bộ phận nam giới yếu thế cũng bị định kiến và bị bất bình đẳng.
Chính vì vậy mà cách tiếp cận giới cho rằng bình đẳng giới liên quan đến cả nam
giới và nữ giới.
- Nhận thức và sự tham gia
của nam giới vào sự nghiệp BĐG sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình BĐG. Nhưng
nói như một chị trong mẫu: “đàn ông nhìn chung là chưa tiến hóa”. Nay vì
BĐG đã trở thành chiến lược chung của thế giới và của Việt Nam, nam giới
phải chấp nhận BĐG ngoài xã hội, nhưng trong lãnh vực riêng tư là gia đình họ
không muốn từ bỏ địa vị thống trị của mình.
- Từ đó dẫn đến thực trạng
là áp lực vai trò “kép”, những phụ nữ giỏi giang phải đối mặt với một nghịch
lý là họ đạt được bình đẳng trong công việc, ngoài xã hội, nhưng trong gia đình
họ vẫn phải chịu những áp lực bất bình đẳng, những định kiến. Hơn nữa, mối
quan hệ trong gia đình không phải nặng về lý tính và nguyên tắc như ngoài
xã hội, vì vậy họ phải tìm một thế cân bằng dựa vào sự tế nhị, khéo léo trong
cách hành xử, phải chú ý đến những yếu tố tâm lý, tình cảm của những người thân
thích, của người chồng.
- Đã phải mất công sức,
trí tuệ để cân bằng các mối quan hệ, nhưng những phụ nữ tài giỏi lại rất
dễ bị những định kiến của xã hội. Nếu gia đình tan vỡ, hoặc nếu không lấy được
chồng, cho dù với lý do gì, thì người ngoài, cả nam lẫn nữ,
nhìn vào đều cho rằng tại họ tài giỏi quá nên không thể có hạnh phúc gia đình.
Một ngộ nhận còn khá phổ biến trong xã hội Việt Nam đối với nữ trí thức là
thành công ngoài xã hội không đi đôi với hạnh phúc gia đình mà nguyên nhân là tại
người phụ nữ.
Câu hỏi 4: Báo cáo kết quả có đề cập tới bạo hành nhưng
hình như chỉ đề cập tới bạo hành thể lý. Trên thực tế còn có nhiều dạng bạo
hành khác nữa?
• Một vị khán giả nhận định
rằng về bạo lực gia đình (BLGĐ), nếu đề cập tới vấn đề BL tinh thần: như nói ra
nói vào, đay nghiến nhau thì nam hay nữ đều có thể sử dụng như nhau nên không
thể nói là bất bình đẳng. Theo ông, bạo lực về thể xác thì thuộc về lãnh vực và
lợi thế của đàn ông. Rất hiếm có đàn bà nào có thể dùng sức để mà đá, đánh,
tát, đập chồng được.
• Do báo cáo quá tóm tắt
nên chúng tôi không trình bày chi tiết. Nghiên cứu cho thấy 2/3 khách thể GV-NV
chứng kiến bạo lực thể xác và tinh thần tại nơi cư trú hay trên các phương tiện
truyền thông và 1/3 khách thể GV-NV là nạn nhân của BLGĐ. Có nhiều hình thức
BLGĐ: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, và bạo lực xã hội.
Vấn đề BLGĐ trong nghiên cứu được tìm thấy bao gồm vấn đề bạo lực về thế chất lẫn
tinh thần. Bạo lực tinh thần là những hành vi thầm lặng, hoặc đe dọa, chửi bới
mắng nhiếc, hoặc tỏ ra không còn quan tâm đến nạn nhân dưới mọi hình thức. Bạo
lực thể xác là những hành vi có tác động trực tiếp đến sức khỏe của nạn nhân.
Nghiên cứu này đã ghi nhận nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực, tập
trung chủ yếu về chuyện tiền bạc, khó khăn về kinh tế, làm ăn thua lỗ,
ghen tuông, bới lại những chuyện cũ, cho đến sự thiếu thông đạt ý kiến, sự
khiêu khích của người phối ngẫu, thiếu tôn trọng lẫn nhau, hay sự dồn nén tâm
lý của người vợ do các ứng xử “chồng chúa vợ tôi”,
hoặc vì các chất kích thích như rượu, thuốc, v.v. nhưng nguyên nhân sâu xa nhất
vẫn là bất bình đẳng giới, do tư tưởng phong kiến đã ăn sâu vào tư tưởng của
nhiều người. Có trường hợp chồng bạo hành tinh thần vợ, làm người vợ luôn bất
an vì những hành vì kiểm soát thầm lặng của chồng: “Tôi
đang tập trung viết báo, ông ấy đi nhè nhẹ đến đằng sau, lén nhìn vào màn hình
làm tôi giật mình. Ổng nói tôi làm chuyện mờ ám gì mà giựt mình; vì vậy, cứ khi
làm việc tôi lại nhớ cái kiểu kiểm soát của ông ấy mặc dù tôi không làm điều gì
mờ ám nhưng cảm thấy bất an” [GNV6F, tr.8]. Hay như những trường hợp
khác người cha người chồng thường vừa bạo hành tinh thần và vừa baọ hành thể
xác cả vợ và con:“Ba mắng chửi mẹ và bắt mẹ phải nín nhịn. Do ba
mắng hoài nên tinh thần mọi người đều rất căng thẳng. Ba đánh mẹ nhưng không
nghiêm trọng” [GNV16M, tr.2]. Tuy các trường hợp bạo lực trên không
gây hậu quả nghiêm trọng về mặt thể chất, nhưng cũng có trường hợp để lại
hậu quả nghiêm trọng như trường hợp sau: “Có lần ba đánh mẹ rách cả
màng nhĩ”.
Theo thống kê về BLGĐ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
năm 1998, 95% phụ nữ bị bạo hành về thể xác, còn nam giới cũng bị bạo hành
nhưng chiếm tỉ lệ 5%. Phần lớn người bạo hành là đàn ông, thường là chồng/bạn đời,
hoặc chồng cũ/bạn đời cũ, hay những người đàn ông quen biết của phụ nữ. Kết quả
phân tích này cũng cho thấy nam giới là người bạo hành vợ con và thường ở vị
trí thượng phong cả về thể lý, tinh thần và uy quyền. BLGĐ thường tỷ
lệ thuận với các gia đình có những hoàn cảnh đặc thù như kinh tế khó khăn,
trình độ văn hóa thấp, bệnh tật, không có việc làm hoặc say rượu, nghiện ngập.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là những gia đình giàu có hay trí thức sẽ
không có bạo lực. Hơn nữa, có những hình thức bạo lực rất đa dạng mà người
ngoài cuộc khó nhận biết được, chẳng hạn, sự bạo hành giữa cha mẹ và con cái
thường được thể hiện qua lối giáo dục theo kiểu thương cho roi cho vọt hay có
thể đó là những hành vi mắng chửi, nhục mạ, cấm đoán, kiểm soát vợ con dưới
nhiều hình thức (Lê Thị Quý & Đặng Vũ Cảnh Linh, 2007).
Câu hỏi 5: Nam giới khi không có công việc ổn định, không có thu nhập cao thì bị ức chế, bị định kiến vì không đáp ứng được mong đợi của gia đình và xã hội và điều này là bình thường trong xã hội?
• Nhóm nghiên cứu cho rằng
định kiến giới xảy ra cho cả nam và nữ giới, nhưng thông thường nữ giới bị định
kiến nhiều hơn. Định kiến giới đem lại những điều không hay cho bất kỳ ai bị định
kiến. Định kiến với nam giới xuất phát từ vai trò rập khuôn mà xã hội gán cho
nam giới là: đàn ông phải mạnh mẽ, đàn ông phải là trụ cột gia đình, đàn ông phải
là người chịu trách nhiệm chính trong gia đình để bảo đảm sự ổn định của gia
đình và của xã hội. Nếu một người phụ nữ bị thất nghiệp thì không sao, nhưng nếu
nam giới không có việc làm thì bị căng thẳng, điều này là do định kiến giới, là
không bình thường, là bất bình đẳng. Trong thời đại ngày nay, khi phụ nữ ngày
càng có điều kiện phát huy năng lực của mình và vươn lên đảm nhiệm nhiều trọng
trách trong gia đình và ngoài xã hội, thì vai trò rập khuôn truyền thống đã tạo
một áp lực lớn cho nam giới. Vậy nếu chúng ta đẩy lùi được định kiến thì mọi
người sẽ được đối xử bình đẳng hơn và nam giới cũng hạnh phúc hơn và nam giới
không bị những áp lực không đáng có.
Câu hỏi 6: Một vị khán giả khác chia sẻ những thông tin:
Không biết nhóm tác giả có chú trọng đến những bất lợi của nam giới trong
nghiên cứu hay chú trọng nhiều hơn đến những bất lợi của phụ nữ? Nghiên cứu có
thể giới hạn phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu là nữ không? Đồng thời,
vị khán giả này cũng chia sẻ quan điểm riêng rằng bà vẫn đang nghi ngờ về BLGĐ
và các dạng bạo lực. Đôi khi đàn ông họ không biết họ bị bạo lực, ví dụ,
cô vợ cằn nhằn chồng như vậy người chồng đang bị bạo lực, nhưng người chồng có
đặc tính là im lặng hay không nói nhiều. Khi người chồng im lặng thì lại là
vòng luẩn quẩn của bạo lực ngược lại. Người đàn ông buồn nên bỏ đi nhậu nhẹt,
sa đà rồi dẫn đến những hậu quả khác nghiêm trọng hơn. Đối với bạo lực thể xác
thì còn xức dầu khi bị bầm, an ủi, động viên, v.v. Khi dùng thước đo mức độ
nghiêm trong giữa bạo lực thể chất và tinh thần thì chưa chắc bên nào nhẹ hơn
bên nào. Những kết quả nhóm nghiên cứu đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề khi làm công
tác cộng đồng vì khách thể thuộc tầng lớp trung lưu nhưng vẫn có nhiều bi kịch,
chưa bình đẳng. Nhưng hình như vấn đề cứ như vậy: chúng ta hô hào bình đẳng
ngoài xã hội, nhưng trong gia đình thì người phụ nữ không dám đòi bình đẳng. Nếu
gặp ông chồng hiền lành thì đã ơn trời, phước đức lắm rồi mà nếu người vợ dám
đòi bình đẳng với chồng thì ông ta sẽ đi kiếm một người khác. Vậy người phụ nữ
không dám hi sinh hạnh phúc của mình để đấu tranh cho bình đẳng giới. Đây là
bài toán rất khó khi đi làm truyền thông vì không biết phải khuyên phụ nữ đấu
tranh cho bình đẳng giới khi gặp phải anh chồng gia trưởng, phong kiến hay lại
phải truyền thông rằng người phụ nữ lại phải khéo léo nhẹ nhàng; vì vậy, vấn đề
cứ luẩn quẩn hoài như vậy.
Vào những năm đầu của thập
niên 90 thì phong trào bình đẳng giới rất mạnh, nhưng hình như phong trào bình
đẳng giới ngày nay đang đi xuống dốc. Đặc biệt định kiến trong truyền thông kéo
phong trào này đi xuống và các nhà khoa học ở Việt Nam đang lúng túng và không
biết dành lại thế chủ động như thế nào. Những trang gia đình, tình yêu hôn nhân
rất nóng bỏng. Hôm nay thì yêu người này, ngày mai yêu người thứ ba, v.v…Những
hiện tượng đăng tin như vậy lại thu hút độc giả đọc nhiều. Nhận xét cuối cùng
là hi vọng kết quả nghiên cứu sẽ giúp GAS xây dựng được những hoạt động về bình
đẳng giới như mục tiêu đề ra và sẽ có hướng nghiên cứu tiếp theo để tìm ra những
giải pháp.
• Một vị khán giả không đồng
tình với bình luận trên vì ông cho rằng bình đẳng giới đang phát triển theo chiều
hướng tích cực hơn. Nhìn rộng ra, chính nữ giới cần phải tự đòi, tranh đấu, đứng
lên dành quyền bình đẳng cho phái mình, chứ đừng đợi, đừng chờ Nhà nước, đừng
chờ đàn ông thay đổi. Ví dụ, hiện tượng hiếp dâm tập thể một nữ sinh ở Ấn Độ,
phụ nữ đã đứng lên để đòi bình đẳng, đòi công lý. Ở Châu Á, Thái Lan đã có một
nữ thủ tướng, Phillippine có nữ tổng thống, Hàn Quốc có một nữ tổng thống, Miến
Điện sắp có nữ tổng thống. Bao giờ tôi mới thấy một nữ tổng thống ở Việt Nam?
• Đại diện nhóm nghiên cứu,
bà Thái thị Ngọc Dư cho rằng ngày nay nhiều nam và nữ đã nhận thức được tầm
quan trọng của bình đẳng giới, đặc biệt những giá trị công bằng giữa người với
người. Nhưng do bối cảnh xã hội - gia đình đã cản trở sự tiến bộ, ví như khi phụ
nữ rơi vào hoàn cảnh có người chồng gia trưởng thì khá nhiều người thúc
thủ và trở lại vai trò truyền thống để cho gia đình được êm ấm. Khi gặp ông chồng
gia trưởng thì người phụ nữ phải nhượng bộ, nhịn, phải hi sinh. Kết quả nghiên
cứu chứng minh rõ điều này mặc dù các khách thể có nhận thức, có niềm tin nhưng
không dễ dàng thực hiện bình đẳng giới trong gia đình. Đối với truyền thông, tất
cả báo chí ít có bài đọc về giới mang tính khoa học để giúp độc giả nhận thức
rõ hơn “thế nào là bình đẳng giới thực chất” và ít có bài thông tin bình đẳng
giới có lợi cho mọi người; vì vậy, rất khó cho công tác vận động bình đẳng giới.
Câu hỏi 7: Một khách thể đóng góp ý kiến rằng nghiên cứu
này đã đưa ra những phân tích và lý giải dựa trên kết quả tìm hiểu trình độ hiểu
biết về bình đẳng giới của khách thể, của gia đình khách thể, và sự khác biệt
giữa việc học môn giới và không học môn giới. Hướng mà sau này nhóm có thể
tiếp tục nghiên cứu thêm và sâu hơn là giữa những người được tiếp cận với kiến
thức khoa học cơ bản về giới (nguồn lý tính và đáng tin cậy) đã mang lại lợi
ích và tác động gì về giới so với người không được đào tạo chính quy. Thông thường
để hiểu về giới và bình đẳng giới chúng ta cần hỏi những chuyên gia để họ giải
đáp vì họ dựa trên những kiến thức lý tính, khoa học, nhưng thực tế cho thấy
người ta thường không hỏi các chuyên gia mà đi hỏi những người cung cấp
những thông tin rất cảm tính và thiếu khách quan,ví dụ thế nào là bình đẳng giới
thì người không chuyên sẽ cho ra những câu trả lời thiếu tính khoa học và dẫn
người nghe đi lạc và hiểu sai về bình đẳng giới. Vì vậy, đề nghị Trung tâm GAS
trong tương lai nên mở một diễn đàn để giải đáp những thắc mắc, trao đổi những
vấn đề về bất bình đẳng dựa trên những tri thức về giới, nền tảng khoa học về
giới để mọi người hiểu rõ hơn về giới và bình đẳng giới.
• Đây là gợi ý hay cho
GAS. Có thể trong tương lai GAS sẽ xây dựng một diễn đàn như vậy.
Câu hỏi 8: Một vị khán giả khác rất tâm đắc với hoạt động bình đẳng giới ở ĐH Hoa Sen và sẽ học theo mô hình này để xây dựng công tác bình đẳng giới tại trường ĐH nơi bà làm việc. Bà có nghiên cứu về vai trò của phụ nữ đầu thế kỷ thứ 20 và bày tỏ bất bình về ngôn ngữ như: từ “phụ nữ”. Phụ có nghĩa là không quan trọng và phụ nữ lúc nào cũng là em trong gia đình và gọi chồng là anh dù anh chồng này nhỏ tuổi hơn. Rồi chúng ta vẫn ca ngợi tôn ti trật tự trong ngôn ngữ hàng ngày như anh dùng cho nam giới, em dùng cho nữ giới. Bà cũng đặt thêm câu hỏi: vậy tới nay bình đẳng giới đã có kết quả gì chưa sau 30 năm? Nếu phổ biến bình đẳng giới mà nữ giới đòi bình đẳng giới thì bị cho rằng “cầm đèn chạy trước ô tô” hay không?
• Nam và nữ đều hướng về
các giá tri như tôn trọng, hài hòa, bình đẳng. Trong 30 qua, phụ nữ đã đạt được
những tiến bộ nhất định như học vấn, tỉ lệ lãnh đạo ở các cấp, có quyền chọn lựa
những vấn đề liên quan tới hôn nhân và gia đình, v.v. Nếu không có những rào cản
về chính sách, tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ thì họ còn đạt nhiều tiến
bộ hơn nữa. Đối với phụ nữ trung lưu ở Việt Nam hình như họ ít quan tâm tới
bình đẳng giới cho các tầng lớp thiệt thòi, điều này rất khác với những phụ nữ
phương Tây.
Câu hỏi 9: Một vị khán giả chuyên làm công tác về giới và
môi trường thể hiện sự cảm kích và sự thú vị về kết quả báo cáo của nhóm.
Trước hết, ông rất bất ngờ về hiện trạng bạo hành trong gia
đình của sinh viên. Thứ hai, báo cáo nêu rất rõ mục tiêu nghiên cứu và nghiên cứu
dùng phương pháp, kỹ thuật rõ ràng và cụ thể. Mục đích nghiên cứu cũng nói rất
rõ về phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu là GV-NV và SV, trường ĐH Hoa
Sen. Vì vậy, ông nhận định rằng kết quả này đáng tin cậy và có giá trị, đặc biệt
đối với chính sinh viên đã học môn giới vì họ đã có hiểu biết rõ ràng và lý luận
vững chắc về giới và bình đẳng giới. Sinh viên học giới sẽ có nhiều thuận lợi
và sẽ có thành quả tốt hơn trong tương lai khi đi xin việc.
Trên thực tế khoảng cách về nhận thức giới và bình đẳng giới
của người Việt nói chung, và giới trẻ nói riêng so với các nước trên thế giới
còn rất xa. Theo xu hướng toàn cầu và sự đòi hỏi của quốc tế như các dự án của
UNESCO, Liện Hiệp Quốc, Ngân hàng thế giới, bình đẳng giới được đánh giá cao và
là tiêu chí đánh giá rất gắt gao, do vậy, nếu sinh viên học môn giới và được
thăm dò về nhận thức bình đẳng giới sẽ giúp các em đạt được những yêu cầu của
phát triển toàn cầu và mong đợi của các tổ chức quốc tế. Ví dụ, một dự án về
cung cấp nước sạch thì khi thiếu nước nữ giới khổ hơn hay nam giới khổ hơn. Hay
các công ty lớn như IBM, Microsoft khi tuyển người, ví dụ một nam và một nữ có
cùng năng lực như nhau, thì họ có tiêu chí ưu tiên cho nữ vì về mặt bằng chung
nữ bị thiệt thòi nhiều hơn so với nam.
Những thông tin về báo cáo nghiên cứu rất hay, cần sắp xếp lại
cho có tổ chức và theo những phạm trù rõ ràng. GAS cũng nên mở rộng đối tượng
nghiên cứu và bổ sung thêm phương pháp nghiên cứu định lượng trong tương lai.
Đề tài nghiên cứu cũng đề cập đến chính sách, nếu áp dụng kết quả
nghiên cứu để thay đổi chính sách về bình đẳng giới của chính đơn vị mình thì
đó là kết quả thành công nhất mà nghiên cứu cần nhắm tới.
Cuối cùng, buổi báo cáo nghiên cứu đã kết thúc trễ hơn một
tiếng đồng hồ và đã gặt hái được những đóng góp rất ý nghĩa cho đề tài
nghiên cứu. Bà Thái Thị Ngọc Dư thay mặt nhóm nghiên cứu cảm ơn chân thành t tất
cả quý vị khán giả đã dành thời gian quý báu để tới tham dự, chia sẻ kinh
nghiệm, và ủng hộ cho những hoạt động về giới và bình đẳng giới của GAS.
Doãn Thi Ngọc
Không có nhận xét nào: