Giới và phát triển: Sức mạnh của giáo dục và chương trình kèm cặp trẻ em gái


Bình đẳng giới (BĐG) là mục tiêu phát triển quan trọng ở Việt Nam. Tăng cường BĐG không chỉ là sự khôn ngoan về kinh tế học cho quốc gia, từng hộ gia đình và từng cá nhân được phát triển bền vững; đồng thời, nâng cao hiệu suất lao động; cải thiện các mục tiêu phát triển cho thế hệ tương lai; tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ có lựa chọn tốt hơn trong gia đình và ngoài xã hội; nâng cao cơ hội tiếp cận với giáo dục và việc làm, và đặc biệt nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.


Buổi nói chuyện chuyên đềGiới và phát triển: Sức mạnh của giáo dục và chương trình kèm cặp và dìu dắt trẻ em gáido Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội, Trường Đại học Hoa Sen tổ chức vào ngày 09 tháng 1 năm 2013 đã thu hút sự tham gia của hơn 40 giảng viên, nhân viên Trường đại học Hoa Sen cùng các thân hữu, nhà hoạt động xã hội, và những nhà giáo dục ngoài trường. Diễn giả GS. Lois Vietri hiện là giám đốc chương trình “Women’s Empowerment and Voice” (WEAW). Nội dung của buổi nói chuyện tập trung vào những điểm chính sau: 


  • Những khái niệm phát triển
  • Những cải thiện về khoảng cách giới trong giáo dục
  • Sức mạnh của giáo dục (GD) và việc duy trì giáo dục sau trung học cơ sở (THCS)
  • Giải pháp duy trì trẻ đến trường thông qua chương trình dìu dắt trẻ em gái

Những khái niệm phát triển


Trước hết, GS Lois Vietri giải thích về khái niệm phát triển theo mô hình truyền thống (Conventional definition) và khái niệm phát triển theo mô hình mới (Alternative definition). Khái niệm phát triển theo mô hình tiếp cận truyền thống nhấn mạnh đến việc mở rộng kinh tế, năng suất công nghiệp và thu nhập quốc dân. Ngân Hàng Thế Giới đã dùng GNP (Gross National Products -Tổng sản phảm quốc dân) là một chỉ tiêu kinh tế để đánh giá sự phát triển của một đất nước. Ví dụ, thu nhập là một thước đo và được phân loại: thu nhập thấp, thu nhập trung bình, và thu nhập cao. Hay Liên Hợp Quốc sử dụng những phương pháp thống kê về kinh tế và dân số để đánh giá mức phát triển của một quốc gia, được sắp xếp từ phát triển cao cho đến phát triển thấp.


Vào thời điểm mà những lý thuyết phát triển truyền thống ra đời thì những quan điểm về bình đẳng giới chưa được chú ý tới. Khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Những phụ nữ trẻ nhất và lớn tuổi nhất bị sa thải, bị thất nghiệp, bị hạ bậc lương, và bị nghèo đói hơn với những nhóm dân số khác. Quan điểm phụ nữ là trung tâm của phát triển bị phớt lờ, việc làm và gia đình gắn bó chặt chẽ với nhau trong đời sống xã hội, và cần xem phụ nữ là tác nhân của phát triển.

 

Kế đến, những luận điểm về phát triển theo mô hình mới là việc cải thiện mức sống toàn dân, kết hợp với điều kiện sống của phụ nữ và gia đình, phát triển bền vững quan trọng hơn là tăng trưởng triển kinh tế. Chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development Index) là thước đo tổng hợp về sức khỏe, giáo dục và thu nhập, được thiết kế để đánh giá mức độ và tiến bộ đạt được về phát triển con người theo cách rộng hơn so với các thước đo dựa vào thu nhập. Phương pháp tính chỉ số phát triển con người (HDI –) của LHQ coi sức khoẻ, học vấn và mức sống có giá trị như nhau đối với sự phát triển con người. 


Giới là một tập hợp các mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ giới trong hoạt động sản xuất và tái sản xuất. Giới và phát triển là một quá trình phát triển kinh tế xã hội hướng đến phát triển con người nhằm kiểm soát và tiếp cận rộng lớn hơn đối với năng lực kinh tế trong gia đình và ngoài xã hội, trong đó phụ nữ là tác nhân của phát triển chứ không chỉ là người thụ hưởng những thành quả của  phát triển.


Những cải thiện về khoảng cách giới trong giáo dục


GS. Lois Vietri cho rằng Việt Nam đang thu hẹp bất bình đẳng giới trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt giáo dục cho trẻ em gái. Số liệu cho thấy khoảng cách về giới trong giáo dục tiểu học đã được xóa bỏ và sự chênh lệch về tỷ lệ học sinh nam và nữ trong các bậc học đã được thu hẹp đáng kể, thậm chí nữ giới vượt nam giới sau bậc phổ thông trung học (PTTH). Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng; lực lượng lao động nữ chiếm một phần lớn nền kinh tế chính thức và phi chính thức; và quan hệ đối tác giữa các tổ chức trong nước, khu vực, quốc tế được mở rộng và ngày càng phát triển.


Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại như: tỷ lệ trẻ em gái ở các trường bỏ học cao, trong 10 trường hợp bỏ học thì đã có  7 trẻ em gái;  các chỉ số sức khỏe của phụ nữ đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe, đặc biệt những vấn đề về HIV và AIDS. Phụ nữ nhìn chung vẫn chưa có những cơ hội tiếp cận bình đẳng về các nguồn lực kinh tế, vẫn có sự khác biệt về quyền tham gia, quyền quyết định trong gia đình, vẫn còn khoảng cách lớn đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn, dân tộc thiểu số, và người khuyết tật; và sự chênh lệnh giữa các vùng miền vẫn còn lớn.


Về tỷ lệ bỏ học của trẻ em gái, có những nguyên nhân chính như: Không có tiền đóng học phí, trẻ phải tham gia lao động để hỗ trợ gia đình, không muốn đi học, gia đình không muốn cho con đi học, bị bệnh hay khuyết tật, trường quá xa nhà, và không biết tiếng Việt. Theo GS. Lois Vietri, nếu phân tích kỹ lưỡng và toàn diện hơn thì một trong những nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ bỏ học cao chính là do kinh tế khó khăn hay sống trong nghèo đói mà gia đình không muốn cho con đi học, nhu cầu cần làm việc cho gia đình và yếu kém trong học tập nên đành bỏ học. Giáo dục trung học cơ sở (GDTHCS) nói chung và PTTH cho trẻ em gái nói riêng rất quan trọng. Vì vậy, việc  khắc phục tình trạng bỏ học của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái là nỗ lực của toàn xã hội, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức trong và ngoài nước.


Sức mạnh của giáo dục và việc duy trì giáo dục sau THCS


Khi  phụ nữ và trẻ em gái được học tập thì sau này  họ sẽ  đầu tư vào gia đình, trình độ học vấn giúp họ có khả năng thương lượng và đàm phán tốt hơn trong hôn nhân. Để phụ nữ có cơ hội tham gia đầy đủ vào xã hội và nền kinh tế toàn cầu thì giáo dục sau THCS là rất quan trọng. Do đó, duy trì việc học và giáo dục trẻ em gái có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao bình đẳng giới và thúc đẩy sự phát triển. Các cộng đồng luôn cần có sự đóng góp về sức và trí lực của trẻ em gái, các em cần được đào tạo những kỹ năng để có công ăn việc làm, có thu nhập để tăng vị thế về kinh tế trong gia đình và ngoài xã hội. Duy trì việc học của trẻ em gái có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, tạo nên sức mạnh cho các gia đình, có cụộc sống khỏe mạnh hơn, giảm nghèo và giảm vấn nạn mua bán phụ nữ cũng như giúp nâng cao cuộc sống của trẻ nhỏ từ tuổi thơ. Duy trì GDTHCS và PTTH còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự hội nhập của Việt Nam với các nước khác trong xu thế toàn cầu hoá. Các trẻ gái còn có điều kiện học tiếp lên trình độ cao hơn: PTTH, cao đẳng, đại học. Có điều kiện để đi học nghề, có kỹ năng kiến thức, có thu nhập cao hơn, có hiểu biết để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình, và không phải tham gia lao động sớm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

 

Giải pháp duy trì trẻ đến trường thông qua chương trình dìu dắt trẻ em gái


Tổ chức WEAW áp dụng chương trình  dìu dắt trẻ em gái để duy trì việc học của các em, giúp các em tự tin, biết lập kế hoạch, học tập tốt hơn, và đặc biệt hỗ trợ trẻ em phát triển giáo dục ở giai đoạn vị thành niên rất quan trọng. Nghiên cứu cho thấy áp dụng các kỹ năng hướng dẫn, kèm cặp là một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả về chi phí, đồng thời những người hướng dẫn sẽ giúp các em thực hành khả năng dẫn dắt ở vai trò kèm cặp và làm gương cho các em nữ sinh khác. Nghiên cứu về cách làm này cũng cho thấy quy trình đó sẽ tạo “tiếng nói” cho cả người kèm cặp lẫn người được dẫn dắt, có ảnh hưởng lan rộng đến gia đình, cộng đồng và qua nhiều thế hệ. Mô hình phát triển dành cho phụ nữ, tập trung vào lãnh đạo bền vững đi từ chính cộng đồng nghèo nhằm nâng cao nhận thức về các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh đến nhu cầu đặc biệt của các nữ vị thành niên, áp dụng cơ hội mang tính chiến lược để giáo dục và tăng quyền cho trẻ em gái thông qua các công cụ và tư duy phản biện. Hơn nữa, mô hình này còn mở rộng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, các doanh nghiệp, và các nhà tài trợ.


Cuối cùng, một vị khán giả cho rằng chương trình  dìu dắt rất ý nghĩa nhưng có lẽ chưa phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Thật là khó khi để một em 18 tuổi hướng dẫn một em 16 tuổi vì kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm không khác biệt nhiều. Bà Vietri nói thêm có rất nhiều lý thuyết và hệ thống dìu dắt trẻ em gái, tuy nhiên để làm được thì không dễ dàng vì còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như lối suy nghĩ, chuẩn mực, bối cảnh cụ thể của từng địa phương. GS Lois Vietri rất cảm kích vì được học hỏi từ những chia sẻ kinh nghiệm thực tế của các tham dự viên khi làm việc với những nhóm đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em gái.


Doãn Thi Ngọc


Tài liệu tham khảo: http://www.womensempowermentandvoice.org/?lang=vi

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/toa-dam-gioi-va-phat-trien-suc-manh-cua-giao-duc-va-chuong-trinh-kem-cap-diu-dat-tre-em-gai#overlay-context

Không có nhận xét nào: