Chuyên đề: “Tình dục, toàn cầu hóa và sự chuyển dịch kinh tế-xã hội”
Chuyên đề “Tình dục, toàn cầu hóa
và sự chuyển dịch kinh tế-xã hội” đã được tổ chức vào ngày 28/07/2012 tại
Hà Nội và ngày 29/07/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những
hoạt động của Trung tâm Thông tin Tư liệu về Giới, Tình dục và Sức khoẻ, trong
khuôn khổ dự án “Hướng tới sức khoẻ sinh sản, tình dục và quyền cho tất cả mọi
người”.
Diễn giả chính của hội thảo là Tiến
sĩ Paul Boyce – một nhà nhân học và giảng viên của Khoa Nhân học, Trường Đại
học Sussex (Anh). Tiến sĩ Paul Boyce có kinh nghiệm làm việc chuyên sâu trong
các lĩnh vực liên quan đến mại dâm, tình dục đồng tính nam, ma tuý và HIV ở
nhiều nước trên thế giới. Ông cũng là thành viên của nhóm Phát triển Giáo trình
Quốc tế về Nghiên cứu Tình dục, trong khuôn khổ của một chương trình do Quỹ
Ford tài trợ, thuộc trường Đại học La Trobe (Melbourne, Úc). Sự nghiệp khoa học
của Ông có trọng tâm là xây dựng sự kết nối vừa mang tính phân tích và vừa có
thể ứng dụng thực tiễn giữa nghiên cứu dân tộc học, hoạt động cộng đồng và lý
thuyết nhân học về giới, tình dục, sức khoẻ và những thay đổi kinh tế - xã hội
và tiếp biến xã hội.
Hội thảo này nhằm cập nhật và củng
cố kiến thức cho tham dự viên về lý thuyết và nghiên cứu đương đại liên quan
tới thay đổi kinh tế - xã hội, toàn cầu hoá và tình dục. Tham dự viên của Hội
thảo gồm có khoảng 30 nghiên cứu viên, giảng viên, cán bộ chương trình… có
nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, quản lý và thực hiện chương trình, phát
triển chính sách và đào tạo về Giới, Tình dục, Sức khoẻ và Phát triển.
Giới thiệu
Việt Nam đang trải qua những thay
đổi đáng kể về kinh tế và xã hội, khi sự tự do hóa nền kinh tế tạo ra những bối
cảnh mới cho việc làm, tiêu dùng và lựa chọn cho cuộc sống. Những thay đổi về
kinh tế - xã hội trên thế giới luôn đi liền với những thay đổi về những mong
muốn trong cuộc sống riêng tư của con người. Đặc biệt, sự phát triển về kinh tế
và xã hội, thường đi song song với những biến động xã hội và các giá trị tự do
mới, mang lại sự tự do mới cho đời sống tình dục của phụ nữ (ngoài các mong đợi
và ràng buộc của mối quan hệ gia đình), thách thức lại các hệ tư tưởng gia
trưởng sẵn có, và cũng mang đến sự tự do hóa những giá trị văn hóa liên quan
đến tình dục đồng giới. Những thay đổi có thể thấy rõ tại Việt Nam như hình ảnh
các cặp đôi ôm nhau trên xe máy hay những bản tình ca lãng mạn trong các quán
karaoke đã được nhà nghiên cứu Tine Gammeltoft mô tả trong nghiên cứu của mình[1].
Bên cạnh những thay đổi về kinh tế -
xã hội, các giá trị và mong đợi về mặt văn hóa cũng thay đổi theo. Trong khi xã
hội Việt Nam đang có nhiều thay đổi, nhiều quan điểm truyền thống về tình dục,
giới và cuộc sống gia đình dường như vẫn đang còn tồn tại dai dẳng. Rất nhiều
người đang sống giữa những sự giằng co – giữa đời sống thực tại của họ và thế
giới bên ngoài, giữa các giá trị - cũ và mới, hiện đại và truyền thống v.v…
Trong khi Việt Nam đã gia nhập WTO và đang là một trong những nước dẫn đầu
trong khu vực về tiếp cận và sử dụng internet và các công nghệ viễn thông, thì
những tranh luận về trinh tiết, tình dục trước hôn nhân và sống chung trước hôn
nhân luôn là các đề tài ‘nóng’ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hai
nhà nghiên cứu Lisa Drummond và Hellen Rydstrom[2] đã viết trong cuốn sách của họ rằng, tư
tưởng Khổng giáo vẫn còn ăn sâu bám rễ và có ảnh hướng tới xã hội Việt Nam ngày
nay.
Tình dục và sự thay đổi xã hội tại
Việt Nam và một số nước khác
Ngày nay, ta có nhiều lựa chọn hơn
trong cuộc sống tùy theo sở thích, khát vọng cá nhân của mình, chẳng hạn như về
cách sống và các mối quan hệ, trong đó có các mối quan hệ tình dục như: hôn
nhân đồng tính, quyền của người hành nghề mại dâm.
Khi nói về tình dục, người ta thường
nghĩ đến đó là chuyện xác thịt, chuyện thuộc về cơ thể, về mặt sinh học của con
người. Tuy nhiên, theo các nhà xã hội học thì tình dục cũng mang tính xã hội và
tâm lý, thay đổi tùy theo do sự kiến tạo xã hội và trải nghiệm cá nhân. Tình
dục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các giá trị văn hóa và truyền thống.
Để giải quyết các vấn đề sức khỏe
như HIV, ta quan tâm đến tình dục ở khía cạnh sinh học và y học, đồng thời ta
cũng đề cập đến các ý nghĩa và giá trị văn hóa tạo nên tình dục và các nguy cơ
về tình dục của con người.
Trên khắp thế giới, tình dục là một
lĩnh vực thuộc về trải nghiệm cá nhân nhưng lại chịu sự tác động mạnh và có
những mâu thuẫn với các giá trị xã hội và cá nhân.
Tại Việt Nam, theo trang báo mạng
VnExpress, Bộ Tư pháp trưng cầu ý kiến của các cơ quan ban ngành về việc hợp
pháp hóa hôn nhân đồng tính trong khi Bộ đang làm dự thảo sửa đổi bổ sung Luật
Hôn nhân Gia đình. Theo Bộ Tư pháp, còn quá sớm để hợp pháp hóa hôn nhân đồng
tính nếu tính đến phong tục truyền thống của nước ta.
Tại Iran, trong tác phẩm “Hiện đại,
Tình dục và Hệ tư tưởng tại Iran” của tác giả Kamran Talatoff, từ giữa thế kỷ
19, người ta quan tâm đến việc làm thế nào để Iran trở thành một nước hiện đại.
Tuy nhiên, đến nay hiện đại vẫn chưa thực sự được mở ra ở Iran, phần lớn do
Iran vẫn chưa sẵn sàng trong các vấn đề liên quan đến giới và tình dục. Cách
tiếp cận của Talatoff độc đáo ở chỗ cho rằng hiện đại không chỉ là tiến bộ
trong công nghiệp và kinh tế mà còn phải thể hiện ở các diễn ngôn tri thức và
cởi mở về tình dục. Talatoff đã dùng câu chuyện về cuộc đời của bà Shahrzar như
một ẩn dụ để minh họa sự xung đột giữa hiện đại và truyền thống, sự thất bại
của Iran trong việc thắt chặt sự thể hiện công khai về tình dục. Trong thập
niên 1970, bà Shahrzar là một ngôi sao điện ảnh, vũ công, diễn viên, nhà làm
phim và nhà thơ, nhưng sau Cách mạng năm 1979, bà bị tống giam và cuối cùng trở
thành người vô gia cư sống lây lất trên hè phố Tehran. Bà thất bại vì thiếu các
chuyển biến xã hội cần thiết.
Từ lâu, các nhà khoa học xã hội (Ví
dụ: Anthony Giddens vào cuối thế kỷ 19) và các sử gia đã quan tâm đến khía cạnh
cá nhân, những điều gần như là bẩm sinh và tự nhiên đã được thể hiện ra sao
trong bối cảnh có những thay đổi về lịch sử, kinh tế và xã hội.
Nghiên cứu về tình dục với cách tiếp
cận Kiến tạo xã hội
Cách tiếp cận kiến tạo xã hội nghiên
cứu các vấn đề về dạng/ tộc người, hành vi tình dục, bản năng tình dục và các
yếu tố tác động. Cách tiếp cận này cũng nghiên cứu về ý nghĩa, thực hành, nhân
dạng và bối cảnh xã hội cũng như mối quan hệ của các yếu tố này với các diễn
ngôn/ bài nói, các định chế, mối quan hệ quyền lực, kinh tế và chính trị.
Một tham dự viên cho ví dụ: Khi ta
thấy một cô làm mại dâm để kiếm sống nhưng cô lại phải nuôi một người yêu là
người nghiện ma túy, ta nghĩ rằng sao cô này khờ dại vậy. Nhưng có thể đối với
cô gái này, anh người yêu đó đã đem lại cho cô một ý nghĩa khác với những gì ta
thường nghĩ, anh là một sự cần thiết đối với cô.
Theo Hert, khi nghiên cứu về bộ tộc
Sambia ở New Guinea (1981), trải nghiệm về tình dục đồng giới trước khi kết hôn
là một cách để tạo nên nam tính. Trong nhiều nền văn hóa, các hoạt động tình
dục đồng tính không gây ra bất cứ thắc mắc nào chẳng hạn như người đó có phải
là đồng tính, song tính hay dị tính không. Vậy tình dục là riêng biệt trong
từng nền văn hóa, tình dục đã được kiến tạo về mặt văn hóa.
Nghiên cứu về tình dục với cách tiếp
cận Lịch sử
Theo Foucault (1978) và Weeks
(1977), tình dục được xem là một thuộc tính riêng biệt của con người trong quan
niệm của người Châu Âu thế kỷ 19. Người ta đưa ra các diễn ngôn chính thống
điều tiết đạo đức và hành vi cá nhân. Người ta cũng đưa ra các dạng tình dục
“lệch lạc” và có sự phân biệt giữa tình dục đồng tính và dị tính. Theo Gagnon
& Parker (1995), tình dục không còn được xem là một thuộc tính bên trong
của ‘chủ thể’ và tình dục không còn mang tính cố hữu về mặt sinh học. Đây là
kết quả của các quá trình xã hội và tri thức thuộc hệ thống kiến thức và ngôn
ngữ thời kỳ hậu khai sáng.
Từ thập kỷ 1960 đến nay, có các
phong trào vận động chính trị về nhân dạng thách thức lại các ý nghĩa thống trị
(được thể chế hóa) đang được áp dụng vào việc phân loại tình dục đồng tính.
Hạn chế của cách tiếp cận kiến tạo
xã hội và cách tiếp cận lịch sử đối với tình dục
Các cách tiếp cận này đều bắt nguồn
từ sự hiểu biết về tình dục và chuyển biến xã hội trong lịch sử xã hội phương
Tây, do đó đã vô tình ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về văn hóa tình dục và theo
một mô hình phương Tây trên toàn thế giới.
Ngày nay các nghiên cứu dân tộc học
và xã hội học cho thấy bối cảnh thực tế phức tạp hơn nhiều, với các xã hội đang
phát triển và đang biến chuyển qua các quá trình xã hội phức tạp, và không theo
một đường thẳng như con đường đã qua trong lịch sử về tình dục và biến chuyển
xã hội của phương Tây.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, tại phương
Tây chủ nghĩa cá nhân và phong cách sống được nhấn mạnh; còn ở đây, các vấn đề
mang tính chính trị và văn hóa được nói đến nhiều hơn.
Nữ tính và sự thể hiện chủ thể trong
tình dục
Theo nhà nghiên cứu Quách Thu Trang[3], trong xã hội Việt Nam hiện nay, phụ nữ
trẻ chưa kết hôn đang bị chi phối bởi rất nhiều diễn ngôn khác nhau về nữ tính
và tình dục, nhiều khi rất mâu thuẫn với nhau. Họ coi trọng trinh tiết đồng
thời cũng xem việc quan hệ tình dục trước hôn nhân của các cặp đang yêu là điều
tự nhiên.
Thêm vào đó, phụ nữ coi tình dục là
một phần của “bản thân”/ “cái tôi” của phụ nữ, mà không phải lúc nào cũng do
nam giới quyết định. (…) “Trong mối quan hệ với đàn ông (…), chị điều khiển bọn
đàn ông, nhưng luôn giả vờ chị đang bị họ điều khiển” (phỏng vấn Xuân, 32
tuổi). Điều này mang ẩn ý là mối quan hệ quyền lực giữa nam và nữ đã có thay
đổi.
Hệ thống hai giá trị về tình dục
|
Trong nhiều nền văn hóa, các giá trị
Văn hóa
thường theo tư tưởng hai giá trị, chẳng hạn như: ngày/đêm, trắng/đen, nam/nữ,
tốt/xấu… “Sự khác biệt” là nền tảng để tạo nên ý nghĩa. Một giá trị thường có
“sức mạnh” về đạo đức để quy định rằng giá trị còn lại là “khác biệt” và gạt họ
ra ngoài lề.
Theo Gayle Rubin (1984)[4], việc
phân loại tình dục không chỉ là tự nhiên, mà còn được kiến tạo bởi xã hội.
Theo hình vẽ “Vòng tròn giá trị”,
Gayle Rubin cho rằng xã hội đã phân ra hai loại giá trị: những giá trị ở vòng
tròn nhỏ bên trong được xã hội nhìn nhận là tốt/ tự nhiên, chẳng hạn như: tình
dục dị tính, có kết hôn, một vợ một chồng, có sinh sản, tình dục miễn phí, tình
dục với cặp đôi, có mối quan hệ vững chắc, cùng một thế hệ, tại nhà, không có
hình ảnh kích dục, tình dục với cơ thể, … Còn những giá trị ở vòng tròn lớn bên
ngoài được xã hội cho là không tốt/ trái với tự nhiên, như: tình dục đồng tính,
sống chung không kết hôn, bừa bãi lang chạ, không con, tình dục vì tiền, tình
dục với một mình hoặc cả nhóm, mối quan hệ qua đường, khác thế hệ, tại công
viên, dùng hình ảnh kích dục, tình dục với các dụng cụ kích dục…
Cách phân loại về tình dục này cho
thấy tình dục không chỉ là tự nhiên mà do xã hội kiến tạo nên.
Toàn cầu hóa và Tình dục
Diễn giả trình bày ba mô hình như
sau:
Mô hình 1: Tình dục được tạo ra và
nảy sinh thông qua quá trình toàn cầu hóa và thay đổi xã hội.
Mô hình 2: Tình dục (đã có từ trước)
chịu ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa.
Mô hình 3: Tình dục là một khía cạnh
của thay đổi xã hội và tiếp biến văn hóa- đó là một khía cạnh trong mối quan hệ
giữa toàn cầu hóa, thay đổi xã hội và tiếp biến văn hóa.
Ta thấy có nhiều mô hình khác nhau,
rất phức tạp nên ta không thể nói được tình dục là nguyên nhân của toàn cầu hóa
hoặc tình dục chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa.
Lê Thị Hạnh ghi lại
[1] Gammetoft, T. (2006) Being Special for Somebody: Urban
Sexualities in Contemporary Vietnam. (translated) in series Gender, Sexuality
and Health 11/2006. CIHP. World
Publishing House. Ha Noi, Vietnam.
[2] Drummond, L., Rydstrom, H. (2004). Gender Practices in
Contemporary Vietnam. Singapore: Singapore University Press.
[3] Bài viết trong tạp chí Văn hóa, Sức khỏe và Tình dục/
Culture, Health & Sexuality, số 10, Tháng 06/2008:S152.
[4] Gayle Rubin. Nghĩ về tình dục/ Thinking Sex. 1984