Giới trong gia đình – Kịch quần chúng
Tại
hội thảo của LIN (Trung tâm phát triển cộng đồng) vào ngày 25/9/2012, một “tình
huống giới trong gia đình” được dàn dựng theo dạng kịch quần chúng đề những
người tham dự tham gia và thảo luận về những vấn đề giới trong gia đình.
Mô tả vở kịch
Đây
là một gia đình truyền thống gồm ba thế hệ - bà nội (tên là Bà Mười), hai
vợ chồng trẻ (tên là Hai), và hai đứa con –một trai (tên là Tám) một gái (tên
là Chín). Bà nội ở nhà, vợ chồng anh chị Hai đều đi làm, và hai con là học sinh
sinh viên.
Em
Tám học ngành kiến trúc miễn cưỡng vì theo ý nguyện của bà nội, nhưng Tám thực
sự đam mê thời trang và trang điểm. Khi bà nội biết người cháu trai mà bà kỳ
vọng chọn học thêm trang điểm theo sở thích thì bà nội bị sốc và phản đối kịch
liệt. Em Chín rất thích học báo chí nhưng bà nội không đồng ý vì bà nội cho
rằng đây là nghề của nam giới và nghề này phải đi lông nhông suốt ngày ngoài
đường. Nữ giới phải chọn ngành sư phạm.
Xung
đột giữa con dâu và mẹ chồng xảy ra khi con dâu nhờ chồng phụ làm bếp. Mẹ chồng
không đồng ý khi nam giới vào bếp phụ vợ. Hình ảnh người con trai là đóng vai
trò trụ cột, không được vào bếp phụ vợ. Phụ nữ phải nấu cơm, đó là công việc
chính của nữ. Đây là nề nếp gia phong, không thể thay đổi. Bà nội cũng phiền
lòng không chỉ các cháu đã không theo ý nguyện của bà, mà cô con dâu luôn đáp
trả lại khi bà nói, trong khi đó vai trò “trụ cột” của con trai quá mờ nhạt.
Với
tình huống trên, những người tham dự được chia ra thành những nhóm nhỏ và thảo
luận theo những câu hỏi gợi ý sau:
·
Tình huống trên có vấn
đề gì?
·
Tình huống trên có xảy
ra nhiều trong thực tế không?
·
Tại sao tình huống
trên vẫn xảy ra trong thực tế?
·
Cần phải làm gì?
·
Ai sẽ làm?
Tình huống trên có vấn đề gì?
Những
tham dự viên đều đồng ý tình huống trên có nhiều vấn đề liên quan tới bất bình
đẳng giới, đặc biệt định kiến giới được thể hiện ở chiều kích chọn nghề của
giới trẻ và vai trò kép của phụ nữ hiện đại. Về định kiến trong chọn ngành
nghề, gia đình, cụ thể là bà nội, muốn cháu trai và cháu gái là Tám và Chín
chọn nghề phù hợp với suy nghĩ, quan niệm, sự áp đặt của những người lớn trong
gia đình. Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đó được thể hiện như bà nội muốn
cháu trai học nghề kiến trúc còn cháu gái học nghề sư phạm. Tuy nhiên, sự áp
đặt này đi ngược với ý nguyện cá nhân hay sở thích của giới trẻ. Vì không đồng
tình với quyết định của bà nội, Tám và Chín đã mạnh dạn nói lên những ước mơ,
hoài bão, cũng như sở thích cho bà nội và ba mẹ nghe. Điều này cho thấy dù
tiếng nói của giới trẻ chưa được coi trọng trong gia đình và ngoài xã hội vì
nhiều lý do khác nhau như : người lớn thường cho rằng tuổi trẻ bồng bột, mộng
mơ, hay thay đổi, còn con nít, hay thiếu kinh nghiệm, v.v. nhưng ít
nhất các em mạnh dạn bộc lộ suy nghĩ riêng và ý thức về bình quyền trong
chọn lựa nghề nghiệp. Điều này có thể lý giải là vì giới trẻ ngày nay có cơ hội
giao lưu rộng bên ngoài xã hội, có trí thức, và nhận thức về quyền được nói lên
nguyện vọng của mình, dám đòi thay đổi những định kiến mang tính áp đặt
của người lớn tuổi đối với người nhỏ tuổi trong gia đình.
Kế
đến, mâu thuẫn về vai trò kép của người phụ nữ ngày nay trong gia đình. Định
kiến giới về phân công lao động, quyền lực trong gia đình do chịu
ảnh hưởng của tư tưởng truyền thống trọng nam khinh nữ, đặc biệt vai trò
rập khuôn hiện diện rõ nét trong gia đình. Người vợ giữ vai trò ‘nội tướng’,
vai trò giữ lửa, chăm lo việc gia đình; ngược lại, người chồng giữ vai trò
‘ngoại tướng’, người trụ cột, và không cần phải chia sẻ việc nhà với vợ. Tư
tưởng truyền thống xem việc nhà là việc của phụ nữ ăn sâu vào nếp nghĩ của bà
nội, vì vậy, khi con dâu nhờ chồng nấu cơm thì bà nội đã can thiệp và cho rằng
chuyện nhà cửa, giặt đồ, rửa chén, nấu ăn, chăm con là của phụ nữ mặc dù người
con dâu cũng phải đi làm và đóng góp thu nhập cho gia đình như người
chồng. Việc nhà việc nước cùng đè nặng trên vai người phụ nữ và không được sự
ủng hộ và khuyến khích của bà nội, người đóng vai trò quan trọng và quyết định
mọi chuyện trong gia đình. Những tham dự viên cũng đặt câu hỏi phải chăng khi
người phụ nữ Việt Nam đến độ tuổi nào đó thì họ là người có quyền quyết định
mọi chuyện trong gia đình hơn cả nam giới?
Vấn
đề cuối cùng của tình huống này là nhận thức về bình đẳng giới (BĐG) chưa thay
đồi cho dù bà nội có tham gia lớp BĐG tại địa phương. Tại sao nhận thức
của bà nội vẫn chưa thay đổi?
Tình huống trên có xảy ra nhiều trong thực tế không?
Có,
đa phần những người tham dự đều công nhận tình huống này có xảy ra trong thực
tế, thậm chí rất phổ biến ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, những hình ảnh về gia
đình truyền thống như vậy ở đô thị lớn ngày càng ít đi, trong khi mô hình gia
đình hạt nhân phát triển khá nhiều ở thành thị. Thế hệ trẻ ở đô thị ngày càng
có tiếng nói trong gia đình chứ không còn là hình ảnh đầy quyền uy như vai bà
nội trong vở kịch. Mặt khác, có những đại biểu cho rằng về việc chọn ngành nghề
của con cái dù ở nông thôn hay thành thị đều có những áp đặt từ gia đình và
những người lớn như bà nội, cha mẹ đóng vai trò ảnh hưởng rất sâu sắc.
Tại sao vấn đề này vẫn còn trong thực tế?
Có
rất nhiều nguyên nhân đưa đến những hành vi, suy nghĩ của những người trong gia
đình trong tình huống trên. Trước hết, do chính quan niệm, suy nghĩ bản thân
của mỗi người, do khoảng cách giữa các thế hệ khá xa, do giáo dục, do hệ tư
tưởng, do văn hóa-xã hội, do được nuôi dạy trong môi trường “trọng nam khinh
nữ”, do tư tưởng tôn ti trật tự, có trên có dưới, muốn kiểm soát, v.v.
Vì vậy, hành vi và lối suy nghĩ của bà nội bị ảnh hưởng bởi những định kiến
cách giáo dục như: phụ nữ phải lo việc nhà, phải kính trọng người lớn, không
muốn con trai giúp vợ, không cho phép giới trẻ bày tỏ ý nguyện của mình. Hơn
nữa, gia đình ổn định được coi là nét đặc trưng trong văn hóa Á Đông.
Quyền uy nằm trong tay người lớn tuổi nhất là bà nội, rồi đến người con trai
được coi là trụ cột trong gia đình.
Cần phải làm gì?
Tất
cả tham dự viên đều cho rằng có rất nhiều điều cần phải làm, từ cấp độ vi mô
đến vĩ mô. Trước hết, ở cấp độ cá nhân, mỗi người cần phải thay đổi suy nghĩ,
quan niệm sống thông qua việc đọc sách báo về bình đẳng giới, tham gia những
buổi sinh hoạt để tự nâng cao kiến thức về giới và bình đẳng giới. Ở cấp độ gia
đình, giới trẻ cần phải áp dụng các kỹ năng đàm phán, thuyết phục, và thể hiện
sự tôn trọng đối với người lớn tuổi, chứ không phải nói một tiếng cãi một
tiếng, cần có sự trao đổi, tư vấn từ phía cha mẹ về những điều dự định làm.
Điều quan trọng là nếu thích thú về một nghề nghiệp nào đó, các bạn trẻ cần xem
xét những điều kiện cần và đủ để cân nhắc, xác định liệu nghề nghiệp đó có phải
là đam mê thực sự hay chỉ là cảm hứng nhất thời.
Phụ
nữ, cụ thể là người vợ , cần chủ động tìm cách hỗ trợ giải quyết vấn đề như gọi
cho các chuyên gia về bình đẳng giới để được tư vấn, cần được trang bị kiến
thức về giới và bình đẳng giới để có phương pháp đấu tranh một cách hợp
lý. Nam giới cũng cần được trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức về giới và
bình đẳng giới, cần thay đổi nhận thức về phân công lao động trong gia đình,
sẵn sàng hỗ trợ vợ và tích cực giúp người mẹ hiểu về những thay đổi về vị trí
vai trò của người phụ nữ trong gia đình hiện đại. Về bà nội, có thể khó có sự
thay đổi nhanh về mặt nhận thức và có thể tác động ít hiệu quả, nhưng nếu các
thành viên trong gia đình biết thể hiện sự tôn trọng và dùng các kỹ năng thuyết
phục, vận động phù hợp thì sẽ có những biến đổi tích cực.
Ở
cấp độ cơ quan tổ chức, tác động nhiều chiều đến nam giới nơi công sở, tác động
đến những người lãnh đạo về bình đẳng giới, mời họ tham gia những hoạt động về
giới, những buổi tọa đàm, hội thảo về giới. Truyền thông đại chúng cần
phải loại bỏ thông tin định kiến giới, cần thay đổi cách thức truyền thông làm
sao để bất bình đẳng giới càng thu hẹp và thúc đẩy nâng cao nhận thức
giới cho người dân thông qua tiểu phẩm, kịch, phim, v.v.
Ai sẽ làm điều này?
Tất
cả mọi người trong gia đình, nhưng giới trẻ là người có tác động lên việc
thay đổi nhận thức nhanh nhất và quan trọng nhất. Rộng hơn nữa, phụ nữ
trong gia đình cần phải giáo dục con trai con gái một cách bình đẳng, bên cạnh
giáo dục của cộng đồng, cơ quan địa phương, nhà lãnh đạo, những nhóm tiên phong
như các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước, các cơ quan từ trung ương
đến địa phương.
Doãn Thi Ngọc
http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/gioi-trong-gia-dinh-kich-quan-chung