Những thuận lợi và thách thức khi nữ trí thức làm công tác quản lý
Nhân
kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ Nữ (HLHPN) Việt Nam
(20/10/1930-20/10/1012), Câu Lạc Bộ (CLB) Nữ Trí Thức (NTT) đã tổ chức buổi tọa
đàm mang tên “Khi nữ trí thức làm công tác quản lý” nhằm tập trung giải mã một
vài góc khuất tiềm ẩn về định kiến giới, về cơ chế chính sách, và thảo luận khả
năng vượt qua khó khăn và thách thức của nữ tri thức trong thời buổi hiện nay.
Đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp giúp đội ngũ này thêm cơ hội học
tập, cống hiến, hoàn thiện kỹ năng quản lý; giúp công tác quy hoạch, đề bạt,
phân bổ cán bộ nữ đồng đều ở các cấp, các ngành, lĩnh vực; phát huy vai trò và
sự đóng góp vào sự phát triển của thành phố và đất nước [1].
Thành
phần khách mời gồm Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND
TP.HCM; Bà Phạm Phương Thảo- nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND;
PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật, cùng nhiều đại diện
của Ban Chủ nhiệm và các thành viên CLB Nữ Trí Thức tới tham dự.
Mở
đầu của buổi tọa đàm, bà Nguyễn thị Khánh Tâm – Phó chủ tịch HLHPN thành phố Hồ
Chí Minh (TPHCM), Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM đã đại diện Ban tổ chức phát
biểu về báo cáo của công ty tư vấn và quản lý quốc tế Booz & Company đã xếp
hạng 128 quốc gia trên thế giới theo các tiêu chí liên quan tới bình đẳng của
lao động nữ. Báo cáo này đánh giá cao vai trò của lao động nữ trong nền kinh tế
toàn cầu và nêu ra những con số khá ấn tượng như: nếu tương quan lao động nhân
công nam - nữ trên toàn thế giới là 1:1 thì GDP của Mỹ có thể tăng thêm 5%, ở
Tây Ban Nha sẽ là hơn 10%. Nếu phụ nữ ở các nước đang phát triển tham gia vào
lực lượng lao động ngang bằng nam giới thì tốc độ phát triển kinh tế của họ sẽ
tăng theo đà lao của tên lửa: 12% đối với các tiểu vương quốc Ả Rập, thậm chí
34% đối với kinh tế Ai Cập. Nhưng trên thực tế, vị thế và quyền lợi của lao
động nữ, đặc biệt là lương và sự thăng tiến nghề nghiệp, không tương xứng với
số lượng và những đóng góp của họ. Dù phụ nữ Úc vẫn lãnh lương thua nam giới
17% nhưng nữ Thủ tướng Julia Gillard vẫn có thể tự hào phụ nữ Úc hiện đang được
đánh giá là dẫn đầu thế giới xét từ phương diện kinh tế. Mỹ - nền kinh tế lớn
nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới bị xếp ở vị trí thứ 30. Cho dù phụ nữ đang
“xâm lấn” các vị trí quản lý của nam, nhưng mới chỉ ở các công ty nhỏ và vừa.
Trong danh sách 500 công ty lớn do Fortune lập, các nữ giám đốc điều hành chỉ
chiếm 14,1% [2].
Còn
tại Việt Nam thì sao? Bà Khánh Tâm cho biết thêm một thực tế hiển nhiên là phụ
nữ trong gia đình được mệnh danh là ‘tay hòm chìa khóa’ và hầu hết cánh mày
râu đều tuyệt đối tin tưởng vào sự quản lý, chi tiêu, vun vén tài chính của
người vợ, nhưng khi nhìn rộng ra ngoài xã hội, hay trong từng cơ quan, xí
nghiệp, công sở, trường học thì thường các chị chỉ định vị ở cấp phó hoặc chỉ
được giao cấp trưởng ở phòng, ban, tổ chuyên môn, phân xường. Đây có phải là
“duyên phận” của phụ nữ không? Dĩ nhiên không, vì thực tế đã
chứng minh có nhiều phụ nữ ở cấp trưởng, ở bậc cao như: hiệu trưởng
trường đại học, giám đốc sờ, bí thư hay chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh, thành
phố, quận, huyện. Ở TPHCM có trên 30% phụ nữ làm trong hội đồng quản trị,
tổng giám đốc, giám đốc, v.v. Nhiều cuộc khảo sát cũng cho thấy xu hướng nữ
giới lãnh đạo giỏi hơn nam giới vì phụ nữ linh hoạt hơn, sức chịu đựng
cao hơn nam giới, đồng thời, có sự thẩm định, đánh giá nhân viên chính xác và
kỹ càng để dùng người vào đúng nơi, đúng chỗ, và đúng việc. Bên cạnh đó, phụ nữ
cũng giải quyết công việc mềm dẻo hơn, có sự tỉnh táo, tình cảm hơn, hay
nói cách khác, ‘Phụ nữ có cái đầu lạnh và trái tim nóng’ để giải quyết
vấn đề thấu tình đạt lý. Phụ nữ cũng biết vận dụng cơ hội để vượt lên khó
khăn vất vả để hoàn thành mọi công việc và qua đó khẳng định khả năng lãnh đạo
vượt trội hơn nam giới. Sức khỏe, trong đó tuổi thọ trung bình của phụ nữ
là trên 75, lao động nữ chiếm trên 48% trên tổng số lao động, và
trình độ đại học của nữ trên 50% và tỷ lệ nữ thủ khoa 61%. Vậy ba số liệu về
sức khỏe, khả năng lao động, và trình độ đại học của nữ hoàn toàn không thua
kém nam giới, trong khi đó hầu hết đều thừa nhận vai trò ‘tay hòm chìa khóa’
của nữ giới thì không có lý do nào trả lời một cách thỏa đáng cho tình trạng nữ
làm công tác quản lý ít hơn nam là bình thường.
Tại
tọa đàm các đại biểu cùng tham gia phân tích những câu hỏi liên quan đến nữ trí
thức khi làm quản lý: Làm thế nào để nâng cao lực lượng quản lý nữ trong xã
hội, đặc biệt nguồn lao động nữ trí thức luôn được coi là tinh hoa của xã hội?
Theo
bà Khánh Tâm, trước hết cần có những giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận
thức của xã hội về bình đẳng giới vì phụ nữ thường nhường bước phát triển
sự nghiệp cho chồng và lui vào vị trí tề gia nội trợ để chồng yên tâm học tập.
Nếu phấn đầu hơn chồng thì sợ chồng mặc cảm bị lấn lướt như đôi đũa lệch.
Còn nếu nữ làm lãnh đạo thì hầu như nam giới không phục, không chịu dưới trướng
dẫn đến không ủng hộ hay làm khó phụ nữ. Điều này dẫn đến hệ quả là tỷ lệ phụ
nữ lãnh đạo luôn thấp hơn nam giới và bản thân phụ nữ cũng không muốn
tham gia vào vị trí lãnh đạo vì có quá nhiều rào cản và rắc rối. Thứ hai, cần
tạo cơ chế chính sách nói chung và đào tạo nói riêng để phụ nữ có điều
kiện được đào tạo,học tập, và cống hiến để thề hiện năng lực bản thân. Thứ ba,
cần có các dịch vụ xã hội để hỗ trợ chị em hài hòa công việc gia đình với công
việc ngoài xã hội. Cuối cùng, cần khắc phục tâm lý tự ti, thoái thác, tư tưởng
an phận làm vợ, làm mẹ, thậm chí làm dâu cho tròn chữ hiếu, đồng thời, khắc
phục tư tưởng níu áo nhau trong chính giới nữ do tâm lý cho rằng phụ nữ
nhìn nhận con người quá kỹ càng, quá tỉ mỉ, nhiều khi chỉ thấy ‘cây mà
không thấy rừng’. tâm lý này đã làm cho phụ nữ không nhìn thấy
chính năng lực của giới nữ.
Kế đến, PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ
thuật TP.HCM cho rằng ông rất vinh
dự nói về phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam. Đã có nhiều bài viết ca
ngợi phụ nữ Việt Nam. Lời ca ngợi này là dựa trên cở sở thực tiễn, những bằng
chứng trong chiến tranh, lao động, sản xuất và xây dựng đất nước. Sức
chịu đựng của phụ nữ là vô hạn không chỉ trong thời chiến tranh, mà cả
trong thời bình. Đồng ý với các đại biểu khác, ông Cần cho rằng, về
vai trò giáo dục và đào tạo, lực lượng nữ chiếm con số áp đảo trong mọi cấp
bậc, đặc biệt, ở bậc mầm non, tiểu học, giáo viên chủ yếu là nữ, đóng góp rất
lớn vào đào tạo và hình thành nhân cách cho thế hệ tương lai Việt Nam. Thế mạnh
của phụ nữ : 61% thủ khoa là nữ cho thấy các em gái có khả năng học tập tốt
hơn, cho thấy tiềm năng của phụ nữ rất lớn.
Về
khả năng quản lý, ông Cần chia sẻ câu chuyện thời còn đi học khi thầy giáo nói:
“Trong lịch sử Việt Nam ở thời chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm quản lý xã hội
rất lâu và rất sớm và thời gian làm việc của phụ nữ cũng dài hơn nam
giới. Vì vậy, về kinh nghiệm lịch sử quản lý nam giới không bằng nữ giới. Những
người nào không mạnh dạn đề bạt, tạo thế chủ động cho phụ nữ quản lý là dở, là
thiệt thòi cho sự phát triển của đất nước. Về lịch sử quản lý gia đình và xã
hội, người phụ nữ có kinh nghiệm dày dặn và kéo dài tới ngày nay.Trong
thực tế quản lý nói chung, phụ nữ có nhiều ưu thế như mềm dẻo, chăm chỉ,
theo sát, tận tâm, linh động, chu đáo nên dễ tạo ra sự đoàn kết trong đơn vị”.
Dù
có nhiều ưu thế như vậy nhưng phụ nữ vẫn chưa được đề bạt tương xứng vì
những lý do sau:
1/
Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như: khiêm nhường đôi khi là nhút nhát,
không dám đương đầu và đảm đương những vị trí quan trọng. Có nhiều chị em
nhạy cảm quá nếu như nói về nhược điểm của họ. Sự bày tỏ xúc cảm của phụ nữ
đôi khi không phù hợp, như họ có thể khóc giữa cuộc họp, tạo cảm giác họ
yếu đuối và không có khả năng lãnh đạo;
2/
Do những thiệt thòi trong gia đình, chẳng hạn như sau bậc phổ thông, phụ
nữ phải lập gia đình nên không có điều kiện học tiếp;
3/Điều
kiện đề bạt dựa vào bằng cấp, ví dụ, phụ nữ ở độ tuổi 35 hay 36, nếu chưa
có bằng thạc sĩ thì khó được đề bạt lên trưởng hay phó phòng. Đối với phụ nữ
có gia đình thì điều này khó, chỉ trừ những phụ nữ học xong đại học, rồi
lên thạc sĩ và tiến sĩ luôn thì may mới có cơ hội thăng tiến. Thực tế, phụ nữ
có ít thời gian dành cho công việc hơn nên cơ hội ít hơn nam. Trong khi đó,
chúng ta vẫn lệ thuộc sự bố trí chức vụ dựa vào bằng cấp. Những phụ nữ
không lấy chồng, tập trung học lấy bằng, may ra mới có cơ hội được bổ
nhiệm;
4/
Tuổi qui hoạch và tuổi hưu (nữ 50 và nam 55): Từ 25-40 tuổi phụ nữ lo
sinh con và nuôi con, khi lên tới 50 tuổi thì không được qui hoạch nữa. Điều
này tạo ra tâm lý không phấn đấu nữa vì bị cho ‘ra rìa’. Tâm lý này cũng phổ
biến ở nam giới. Ở những vị trí cao ở nước ngoài họ không có qui định bao nhiêu
tuổi là phải nghỉ. Để đi lên vị trí cần phải tích lũy và cần phải có thời gian.
Đây là lí do phụ nữ không được bổ nhiệm ở cấp cao vì ở Việt Nam qui định
tuổi qui hoạch. Bất cập về chính sách đã tạo ra tâm lý và cảm giác phụ nữ
hoạt động hay phấn đấu “cầm chừng” khi bước vào độ tuổi 45-50. Một số
tiêu chí cần linh hoạt. 55 tuổi nên là quyền của phụ nữ được nghỉ
hưu chứ không nên quy định bắt buộc nghỉ hưu ở tuổi này. Không nên quy định
“trần” quá thấp. Không nên có cây thước gạt một lớp người xuống, bất kể sức
khỏe, trình độ, nguyện vọng [3].
PGS-TS Mai Hồng Quỳ- Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết vừa rồi trường làm lễ bế giảng,
8 em nữ đạt loại giỏi (điểm trung bình 8 trở lên), trong khi không có em nam
nào đạt loại giỏi và tỷ lệ sinh viên nữ đạt loại khá chiếm trên 30%. Nhưng khi
ra làm việc, trưởng tất cả văn phòng luật nổi tiếng đều là nam. Bà tâm sự:
"Trường tôi đã rất cố gắng đưa nữ lên làm lãnh đạo nhưng cũng rơi rụng
dần. Nhưng rào cản về tâm lý, gia đình, nhận thức xã hội rất lớn làm phụ nữ
khó tiến xa hơn trên con đường làm lãnh đạo hay quản lý. Ngoài ra, khi
phụ nữ lên làm lãnh đạo thì yêu cầu đòi hỏi của xã hội đối với phụ nữ
luôn cao hơn nam giới. Thách thức chồng chất thách thức khi người ta
thường nói phụ nữ lãnh đạo thường thất bại về gia đình vì thật khó để cân
bằng ‘việc nhà - việc nước’, bởi vậy có chị phải hy sinh một trong hai thứ đó.
Yêu cầu dành cho lãnh đạo nữ cũng rất cao vì cảm nhận của nữ lãnh đạo
luôn phải khẳng định mình để cho cấp dưới nghe mình. Thời gian để khẳng định
mình cũng lâu hơn. Khi nam làm lãnh đạo người ta cho là đương nhiên và tuân
thủ, nhưng nữ làm lãnh đạo thì nhân viên nam nữ đòi hỏi nữ lãnh đạo phải hơn họ
mấy cái đầu, họ mới phục. Từ đó lãnh đạo nữ phải nỗ lực và quyết liệt, nên cũng
dễ mang tiếng “bà này độc tài, phát xít lắm”.
Bà Quỳ
cũng đề xuất cần phải có những hỗ trợ cụ thể và nhiều hơn cho phụ nữ làm quản
lý trong gia đình và ngoài xã hội, đặc biệt là sự ủng hộ từ phía lãnh đạo sẽ
giúp họ duy trì được phong độ và làm tốt vai trò lãnh đạo. Về tuổi quy hoạch và
tuổi hưu, đó là một sự lãng phí tài nguyên nhân lực rất lớn. Đến 50 tuổi, không
còn được quy hoạch,phụ nữ sẽ nản, không phấn đấu nữa. Các cô các chị phải
dừng lại ở tuổi 55. Đây là độ tuổi chin, có kinh nghiệm, có cơ hội cống hiến
toàn diện, và khả năng thuyết phục cao hơn thì bị dừng lại. Chúng tôi cũng có
ký hợp đồng với các chị mới hưu, nhưng không “chính danh”, các chị cũng buồn,
nản. Vì vậy, chúng ta cần đấu tranh không chỉ cho thế hệ chúng ta mà cho các
thế hệ, đặc biệt ở lãnh vực đào tạo, khoa học. Về vấn đề tự chăm sóc, bà Quỳ
chia sẻ rằng những nữ quản lý đều rất bận rộn; tuy nhiên, phụ nữ cần quan
tâm hơn đến bản thân mình về thể dục, về sức khỏe, về giải trí. Phải dành thời
gian thư giãn, thụ hưởng những thứ mà lẽ ra ta đáng được hưởng, để còn tái tạo
sức lao động và nuôi dưỡng sức khỏe toàn diện để có những quyết định chính xác.
Trong giới nữ, cần mở lòng, cùng nâng nhau lên để cùng tiến bộ. Khi mình nâng
chị em khác lên thì mình càng có giá trị hơn. Khi làm quản lý thì tuyệt đối
không được dừng lại, dừng lại sẽ tụt hậu. Làm quản lý, nếu đặt mục đích, mục
tiêu vừa tầm, cũng sẽ tụt hậu. Có những thứ bản thân phụ nữ nghĩ rằng khó
làm được, nhưng khi đặt mục tiêu, họ phấn đấu và đã đạt được.
TS. Phan Thị Thu Nga- Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học
và Công nghệ TP.HCM:
TS.
Thu Nga đã công tác trong ngành 32 năm, về Sở KH-CN TP.HCM đã 27 năm, phụ trách
mảng KHCN. Tại Sở KH-CN, có trên 40% nữ làm cán bộ chủ chốt và lần lượt nghỉ
hưu theo chế độ và điều này tạo ra thiếu nguồn nhân lực, trong khi đó các đồng
nghiệp nữ bận lo cho gia đình, chăm sóc con và thời gian này mất khoảng từ 10
đến 15 năm. Sau đó, họ mới có thời gian rảnh nhiều hơn để tập trung cho công
việc trong đó có công tác quản lý. Phòng KH-CN có 17 nhân sự trong đó có 7 nữ.
6/7 nữ có trình độ cao học trở lên, trong khi chỉ số nam có trình độ cao học
trở lên chỉ chiếm 50%. Nữ đồng nghiệp dù bận rộn với việc nhà việc cơ quan
nhưng họ rất chịu khó, rất ham học để phấn đấu nâng cao trình độ và phụ trách
những công việc nghiên cứu được tốt hơn. Nghịch lý là tuổi nghỉ hưu của
phụ nữ lại sớm hơn nam giới, lẽ ra tuổi hưu của phụ nữ cần
ngang bằng tuổi hưu của nam giới. Thực tế khi bổ nhiệm hay phân công phân
nhiệm, phụ nữ không được ưu tiên và vẫn cạnh tranh công bằng như nam
giới. Khi phụ nữ được bổ nhiệm thì bị soi nhiều hơn các anh. Những phụ nữ
được bổ nhiệm là những người rất xuất sắc. Bản thân bà Thu Nga cảm thấy
“oan uổng” vì bà đang trong tuổi qui hoạch nhưng phải chuẩn bị về hưu,
trong khi tự thấy sức khỏe, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm vẫn đáp ứng yêu
cầu công việc và bà vẫn mong muốn cống hiến cho công việc và xã hội. Bà tiếc
nuối vì những phụ nữ khác cũng đồng cảnh ngộ như mình.
Thạc sĩ Ung Thị Xuân Hương- GĐ Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng nữ làm quản lý ít để xảy ra
tiêu cực hơn nam. Nam giới có thể giải quyết công việc trên bàn nhậu, trên sân
quần vợt, trong khi nữ luôn giải quyết việc công ở công sở. Phụ nữ dẻo dai, chu
đáo, nhẹ nhàng, tận tâm với công việc hơn. Nhưng phụ nữ phải chịu nhiều
thiệt thòi hơn . Bà kể, ở Sở, có một chị dành thời gian cho việc học, được đưa
vào diện quy hoạch, được cho đi nước ngoài đào tạo thạc sĩ, quy hoạch trưởng
phòng. 37 tuổi chị này mới lấy chồng, rồi chị sinh 2 con, lo chăm sóc con nhỏ
nên chức trưởng phòng phải dành cho nam. Năm nay, chị mới được lên làm trưởng
phòng ở tuổi 45, chắc là khó lên cao. Bà bộc bạch: “Tôi thấy nữ lấy chồng trước
hay sau, muộn hay sớm đều thiệt thòi”. Bà Hương, phụ nữ khi quản lý, họ làm
việc đến tối, muốn ở lại làm ráng, cũng áy náy với chồng con, mặc dù chồng con
không phàn nàn. Gia đình luôn là mối bận tâm lớn của phụ nữ [1&3].
Bà
cho rằng, khi lấy ý kiến về tuổi hưu, nên tham khảo nam giới. “Lâu nay, tôi
thấy chỉ có phụ nữ đấu tranh về tuổi hưu, nên tính thuyết phục không
cao”. “Tôi nhất trí với chị Quỳ rằng, khi làm lãnh đạo, phụ nữ phải
phấn đấu nhiều, vì người ta “soi” phụ nữ lắm. Đàn ông được bổ nhiệm là bình
thường, la lối cấp dưới cũng bình thường, nhưng nữ lại bị xét nét, xăm soi rất
kỹ”, bà Hương nhận định.Bà Hương cho rằng chỉ tiêu phấn đấu về tỷ lệ nữ lãnh đạo
là con dao hai lưỡi, có thể khiến người ta nghĩ rằng “ngang đó được rồi”. Thực
tế cho thấy tỷ lệ đó còn rất thấp. Tại Sở Tư pháp TP.HCM, tỷ lệ nữ lãnh đạo các
phòng ban chiếm 48%. Về quy hoạch, Sở áp dụng tuổi quy hoạch của nữ trẻ hơn,
bằng cấp thấp hơn nam, để tạo điều kiện cho nữ sinh con, chăm sóc gia đình
[1&3].
Tóm
lại, bên cạnh nhiều thách thức và rào cản mà phụ nói chung phải đối mặt thì các
đại biều cũng đồng tình là để trở thành nữ trí thức không dễ, mà nữ trí
thức làm công tác quản lý càng khó hơn. Tuy vậy, phụ nữ làm quản lý có nhiều ưu
điểm như cần cù, đạt hiệu quả cao trong công việc, dễ thu phục lòng người, mềm
dẻo, linh động, giải quyết công việc không thông qua nhậu nhẹt hay ở sân gôn.
Các đại biểu cũng đề nghị khi nói về bình đẳng giới cần phải có những biện pháp
can thiệp đồng thời, ở nhiều cấp độ khác nhau. Cần phải tăng cường các dịch vụ
hỗ trợ, biện pháp chế tài, qui định về trách nhiệm giải trình của người đứng
đầu từng cơ quan, thực thi luật, và thay đổi chính sách.
Doãn Thi Ngọc
Tài
liệu tham khảo
[1] http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/hoat-dong-hoi/-khi-nu-tri-thuc-lam-cong-tac-quan-ly-/a77329.html
[2] http://phunuonline.com.vn/the-gioi/24h-qua/vai-tro-cua-lao-dong-nu-duoc-danh-gia-cao/a77198.html