Phụ nữ và trẻ em thời thuộc địa và chương trình phúc lợi xã hội của chính quyền thực dân

 


                                                                                                                                                           PGS.TS. Christina Firpo

Người dịch: Doãn Thi Ngọc


Vào thập niên 1930, thế giới rơi vào cuộc Đại Khủng Hoảng kinh tế. Cuộc khủng hoảng này đã bộc lộ rõ yếu kém của chính quyền thực dân Pháp vì không có khả năng để cung cấp các dịch vụ phúc lợi cho đối tượng gặp khó khăn ở Đông Dương. Các nhóm chống thực dân và nhóm  dân tộc chủ nghĩa  đã chọn những nơi khó khăn và nhảy vào tham gia thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Vô cùng bối rối  bởi những hành động phúc lợi của những nhóm chống đối này, nhà nước thực dân đã ban hành các chương trình phúc lợi xã hội nhằm tái khẳng định vai trò chế độ thực dân đậm nét gia trưởng; đồng thời, ngăn chặn những cuộc nổi loạn của nhóm chống đối.


Nhà nước thực dân đã ban hành những chương trình phúc lợi để cứu trợ cho đối tượng phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Điển hình của giai đoạn này là chế độ thực dân dùng kiến thức khoa học để giải quyết vấn đề xã hội và biện minh cho việc thực hiện các chương trình này. Nhà nước thực dân đã ứng dụng những kiến thức khoa học từ những kết quả  nghiên cứu về trẻ em để mở những nhà bảo sanh và mở những nhà chăm sóc trẻ trên toàn Đông Dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Mục đích của bài viết chủ yếu tập trung vào bối cảnh Việt Nam và các hoạt động chống thực dân mà những nữ sĩ Việt Nam đã cho rằng những chương trình phúc lợi này thực ra nhằm duy trì và tôn tạo thêm tính gia trưởng để khẳng định vai trò độc đáo của phụ nữ như những “người mẹ quốc dân”, từ đó hình thành một nhánh nữ quyền.


Bài viết này được rút ra từ những nghiên cứu về phụ nữ Việt Nam thời thuộc địa của các tác giả Bùi Trân Phượng, Đặng Thị Vân Chi, Thiện Mộc Lan, Hue Tâm Ho Tai, David Marr, và Shawn McHale [2]. Tôi hy vọng sẽ mở rộng việc nghiên cứu thông qua việc điều tra mối quan hệ giữa nhà nước, quốc gia, và gia đình trong khuôn khổ nghiên cứu nữ quyền Việt Nam. Nira Yuval-Davis và Floya Anthias đã chỉ ra rằng phụ nữ đóng một vai trò thiết yếu trong các quốc gia và nhà nước.  Về phương diện sinh sản, phụ nữ đảm bảo sức mạnh về quy mô dân số. Nếu người phụ nữ chỉ có mối quan hệ tình dục trong cùng dân tộc thì sẽ tạo ra nòi giống  "tinh khiết" của chính dân tộc đó, đồng thời, tạo ra ranh giới dân tộc giữa các quốc gia[3]. Trong thời gian Việt Nam bị chiếm làm thuộc địa, các nhà nữ quyền đã nêu bật những trường hợp có ý nghĩa chính trị trong cuộc cách mạng quốc gia bằng cách nhấn mạnh vai trò sinh sản và tái tạo văn hóa  của phụ nữ đối với đất nước, nhưng trớ trêu thay lại đi vay mượn ngôn ngữ và dùng các chương trình phúc lợi thuộc địa theo chế độ gia trường để giảm nghèo.


Đại khủng hoảng và chống chủ nghĩa thuộc địa


Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu ở những năm 1930 làm cho thấy sự thất bại thảm hại của nhà nước thuộc địa phụ quyền. Sự bùng nổ kinh tế mà Đông Dương trải nghiệm trong những năm 1920 đã phá sản vào cuối thập kỷ này. Vào trước thời kỳ cuộc đại suy thoái kinh tế quốc tế năm 1929, nền kinh tế của Đông Dương đã đạt điểm tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như: sản lượng lúa gạo, cao su, và khai thác khoáng sản[4]. Tuy nhiên, vấn đề suy thoái chưa hiện ra rõ ràng. Mặc dù các doanh nghiệp lớn và nền kinh tế nói chung phát triển mạnh mẽ, nhưng chỉ có một số ít được hưởng lợi từ những phát triển kinh tế. Hơn nữa, trước cuộc đại khủng hoảng năm1929, nền kinh tế suy thoái đã lan tràn khắp Đông Dương và đã bị ảnh hưởng bởi những vấn đề không liên quan đến cuộc đại khủng hoảng: những trận lũ lụt và bão lớn hoành hành ở Bắc kỳ và Nam kỳ  phá hủy mùa màng và làm nhiều người chết. Chính quyền thất bại trong việc cung cấp viện trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, cùng với những vấn đề kinh tế và cuộc Đại khủng hoảng, đã làm tình hình kinh tế-xã hội càng trầm trọng hơn.


Cuộc suy thoái kinh tế thế giới bắt nguồn từ thị trường chứng khoán Mỹ bị sụp đổ vào năm 1929 và những thất bại liên tiếp của các ngân hàng, đã làm tê liệt nước Pháp và những quốc gia thuộc địa của Pháp. Cuộc khủng hoảng đã giáng đòn mạnh vào các nước Đông Dương qua hai làn sóng. Làn sóng đầu tiên là khủng hoảng về nông nghiệp. Sụt giá về gạo, cao su, rồi đến ngành khai thác mỏ. Trong thương nghiệp, xuất khẩu bị đình đốn. Hàng hóa khan hiếm và giá cả đắt đỏ. Đến năm 1931, khi làn sóng thứ hai của cuộc Đại suy thoái xảy ra, thị trường bất động sản suy yếu và các chủ bất động sản bị rủi ro liên quan đến các khoản cho vay và nhiều công ty bị phá sản. Năm 1931, có tới một phần ba dân số bị thất nghiệp, trong khi giá sinh hoạt tăng ngất ngưởng [5]. Người dân Sài Gòn, thủ đô kinh tế lớn của Đông Dương, hứng chịu cuộc khủng hoảng suốt năm 1934 và người nghèo bị ảnh hưởng kéo dài tới cuối thập niên 30 [6]. Cuộc khủng hoảng càng tăng càng làm cho xã hội thêm căng thẳng do việc đối xử không công bằng trong lao động và càng làm cho phong trào chống thực dân lên cao.


Alfred Bazin, trùm mộ phu  ở Hà Nội bị mưu sát vào tháng 2 năm 1929 đã làm cho không khí chính trị ngẹt thở, mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Pháp ngày càng sâu sắc. Bazin là một tay thực dân chuyên dụ dỗ, bắt cóc dân nghèo tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đi làm phu cho các đồn điền cao su tại Nam Kỳ, Miên, Lào, nơi những người phu này bị đối xử như nô lệ [7]. Sau vụ ám sát Bazin, Pháp khởi sự đàn áp và nhằm tiêu diệt những thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) những người thuộc nhóm cấp tiến chống lại chính quyền thuộc địa vì cho rằng nhóm này có liên can tới việc ám sát Bazin. Vào ngày 9-10 tháng 2 năm 1930, VNQDĐ  tổ chức những cuộc tổng khởi nghĩa ở nhiều nơi như Yên Bái và Hưng Hoá, cùng với những cuộc vũ trang nổi dậy ở vùng ven  đồng bằng sông Hồng như  Lâm Thao và Phú Thọ. Sau cuộc khởi nghĩa, Pháp tiếp tục truy lùng, bắt bớ, xử tử, bỏ tù, khổ sai và lưu đầy biệt xứ nhiều đảng viên, gồm cả lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Một số đảng viên còn sống sót lánh sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động với  những người ủng hộ Phan Bội Châu và gây dựng cơ sở.


Những thảm họa do thiên nhiên gây ra trước khủng hoảng đã làm trầm trọng hơn tình hình đói khổ của các tầng lớp dân nghèo lao động, kết hợp với  tác động xấu của khủng hoảng kinh tế thế giới, và điều kiện lao động khắc nghiệt  đã làm cho mâu thuẫn trong xã hội ngày càng sâu sắc và phong trào hoạt động cách mạng của những năm 1930 dâng cao. Trong bối cảnh này, Đảng Cộng Sản Đông Dương (ĐCSĐD) đã được thành lập vào ngày 3 tháng 2 năm 1930 đã thu hút nhiều thành viên cũ của VNQDĐ. Từ những năm 1930 trở đi, ĐCSĐD đã thu hút thêm những thành viên công-nông bị tác động bởi cuộc Đại Khủng Hoảng trong cả nước thông qua các chương trình an sinh xã hội và những cuộc đình công và nổi dậy của công nhân [8]. Những năm đầu của thập niên 1930, một mặt, ĐCSĐD tiếp tục công tác cứu trợ nông dân và lãnh đạo những cuộc nổi dậy ; mặt khác, bí mật tổ chức phong trào công nhân biểu tình tại các đồn điền.  Cuộc nổi dậy của ĐCSĐD, cùng với những cuộc biểu tình thường xuyên xảy ra ở Cămpuchia, Lào và một số vùng ở Việt Nam, đã bộc lộ rõ những yếu kém của chính quyền thực dân. Ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa vấn đề phụ nữ vào trong chương trình nghị sự. ĐCSĐD đã nhận định phụ nữ là lực lượng cách mạng đông đảo, hùng mạnh, và trọng yếu, đặc biệt những người mẹ là biểu tượng mạnh mẽ của người lao động bị áp bức, bóc lột, không có quyền chính trị trong xã hội thuộc địa. Chính vì vậy, ĐCSĐD tìm cách cải thiện các điều kiện làm việc cho những bà mẹ thông qua việc ban hành những chính sách về nghỉ thai sản, chăm sóc trẻ sơ sinh tại nơi làm việc, quyền người mẹ trong trường hợp ly hôn, và cấm các cuộc hôn nhân đa thê hay những cuộc hôn nhân cưỡng ép. Những việc làm thiết thực trên đã mở ra cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ, tuy nhiên lại bỏ qua những vấn đề quan trọng như: đặc quyền đặc lợi của nam giới và nạn nhân nữ trong gia đình, xảy ra ở tất cả các tầng lớp trong xã hội gồm cả giai cấp công nhân [9].


Ngay sau khi ĐCSĐD ra đời năm 1930 dưới sự chỉ đạo của Đảng, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ (HLHPN) Việt Nam, một tổ chức chuyên về những vấn đề về phụ nữ, đã được thành lập. HLHPN có nhiệm vụ  tổ chức những cuộc đình công năm 1930 do lực lượng công nhân nhà máy may tham gia, mà theo như Nguyễn Khánh Toàn nhận định, những cuộc bãi công đó đã dẫn đến những phong trào đấu tranh quan trọng khác như: cuộc khởi nghĩa Yên Bái vào năm 1930 và cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh vào năm 1930-1931 [10]. Lịch sử chính thức của HLHPN cho thấy các tổ chức Cộng sản cung cấp một biện pháp cứu trợ kinh tế và xã hội rất cần thiết cho phụ nữ Việt Nam trong cuộc Đại Suy Thoái. Các nhóm phụ nữ trong xã hội nông thôn thành lập Hội Ái Hữu để dạy phụ nữ đọc chữ Quốc Ngữ, cho mượn sách, và lưu hành báo chí đô thị trong các làng bản [11]. Đồng thời, cung cấp các cơ sở chăm sóc trẻ em cho những phụ nữ có con nhỏ để họ có thời gian tìm hiểu và tham gia vào phong trào giải phóng dân tộc [12].


Nhà nước thuộc địa, phúc lợi xã hội, và các nhà nuôi trẻ mới được thành lập


Vì Đảng Cộng sản đã cho ra đời những chương trình phúc lợi xã hội cạnh tranh với các chương trình của chính phủ thuộc địa, nhà nước thuộc địa có nguy cơ mất vai trò mang tính hợp pháp và quy tắc gia trưởng đối với chính những đối tượng thuộc địa của mình. Khi nền kinh tế thuộc địa bị rơi vào tình trạng suy thoái, các quản trị viên Pháp đã kiểm soát hầu hết các chương trình xã hội phi chính phủ bằng cách tổ chức qua một văn phòng trung tâm. Mặc dù chính phủ đã bắt đầu tập trung các dịch vụ xã hội trước khi có cuộc khủng hoảng kinh tế, cuộc Đại Khủng Hoảng tạo ra một động lực cho  sự tiếp quản của chính phủ với quy mô lớn hơn đối với các chương trình xã hội.


Mặc dù nhà nước thuộc địa đã bắt đầu quá trình quản lý tập trung các chương trình phúc lợi xã hội trước cuộc Đại Suy Thoái nhưng khủng hoảng kinh tế đòi hỏi sự kiểm soát toàn diện của nhà nước. Vào cuối những năm 1920, chính quyền thuộc địa đã ban hành nhiều luật để đưa các tổ chức phúc lợi xã hội tư nhân vào  quyền kiểm soát của chế độ thực dân. Trước khi xảy ra cuộc Đại Suy Thoái, một nghị định được ban hành vào ngày 01 tháng 02 năm 1927 để thành lập Tổ chức từ thiện Hà Nội nhằm kiểm soát các tổ chức trên [13]. Năm 1929, Thống đốc toàn quyền Pasquier thành lập các dịch vụ hỗ trợ xã hội với mục đích giám sát các chương trình phúc lợi xã hội cả tư nhân và công cộng trên toàn Đông Dương [14]. Trong thời gian suy thoái, các dịch vụ hỗ trợ xã hội có chức năng nối kết giữa các tổ chức với nhau cho công tác cứu trợ xã hội [15]. Công tác giảm nghèo vẫn do các tổ chức từ thiện tư nhân đảm trách nhưng ban đầu do chính phủ quản lý và tài trợ cho các tổ chức này. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chính quyền thực dân đối với tổ chức tư nhân ngày càng tăng. Theo một nghị định ngày 21 tháng 2, 1933 được ban hành, chính quyền thực dân kiểm soát tập trung và tăng quyền hạn quản lý đối với tổ chức phúc lợi tư nhân của thuộc địa [16]. Nhưng các tổ chức này vẫn tiếp tục duy trì một mức độ tự chủ nhất định. Vào ngày 01 tháng 7 năm 1935, chính quyền thực dân ở  Nam Kỳ cải cách lãnh vực dịch vụ xã hội và kiểm soát tập trung của các tổ chức từ thiện của thuộc địa. Theo những cải cách này, chính phủ đã tài trợ cho các hiệp hội thuộc tỉnh và khu vực và quản lý tập trung các thủ tục hành chính [17].


Sáng kiến ​​của chính quyền thực dân về việc kiểm soát tập trung các tổ chức từ thiện ảnh hưởng đến các tổ chức phúc lợi của Pháp và tổ chức phúc lợi bản địa. Đầu những năm 1930, tác động kinh tế do cuộc Đại Suy Thoái trở nên lan rộng và trầm trọng, tổ chức từ thiện tư nhân của Pháp và bản địa mọc lên như nấm trên khắp Đông Dương. Bên cạnh đó, những tổ chức từ thiện tư nhân, bề ngoài là phi chính trị, giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi, người phong cùi, chôn cất người chết; hỗ trợ cô gái trẻ và ngăn cản họ trở thành gái mại dâm, cung cấp chăm sóc y tế đối với người bán dâm, và hỗ trợ những người vô gia cư và người thất nghiệp. Các nhóm như Hội Sinh Tế hỗ trợ người bệnh, người già, công nhân đồn điền, và trẻ bị bỏ rơi. Hội Bảo Anh chăm sóc cho trẻ em nghèo và trẻ em mồ côi. Chính quyền thuộc địa đã mở rộng giám sát các tổ chức từ thiện, yêu cầu nộp danh sách các thành viên và báo cáo thường xuyên của từng tổ chức một.


Chính quyền thực dân Pháp cũng đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc sống của trẻ em bản địa vì mục đích chính trị bằng cách thiết lập các loại nhà nuôi trẻ theo mô hình mới. Đầu những năm 1930, các cơ sở chăm sóc trẻ, bao gồm nhà trẻ, các trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày, và các trại trẻ mồ côi được mở ra ở khắp Đông Dương, đặc biệt là vùng đói kém, các khu đồn điền, và các khu mỏ. Trong khi ca ngợi các tổ chức phúc lợi theo mô hình nhà nuôi trẻ mới, Hoàng Trọng Phu Tổng Đốc của Hà Đông nhận xét vào năm 1933 rằng: "dần dần nhà Hộ Sinh hay trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày sẽ trở thành những tập quán của dân nơi đây" [18]. Chính quyền thuộc địa mở nhà nuôi trẻ trong mỗi khu phố của Sài Gòn để giúp đỡ những cha mẹ đang đi làm hoặc đang bị thất nghiệp [19].


Việc đưa trẻ vào chăm sóc tại các nhà trẻ đã trở nên phổ biến trong thời kỳ suy thoái. Từ tháng 7 năm 1932 đến năm 1933, Hội Tương Tế là một tổ chức an sinh xã hội nhà nước đã mở những vệ tinh trong 10 tỉnh thành của An Nam [20]. Đến năm 1934, Nam Kỳ đã có 20 bệnh viện tuyến tỉnh, 42 phòng khám thai sản lưu động, 29 nhà hộ sinh, và 110 điểm với các nữ hộ sinh đỡ đẻ lưu động, cộng với các cơ sở cho trẻ mồ côi hoặc các nhà trẻ ở mỗi tỉnh [21]. Những cơ sở này nhận chăm sóc trẻ em nghèo để phụ nữ nghèo yên tâm có nơi gửi con khi họ đi làm xa nhà. Hơn nữa, dịch vụ xã hội mới này cũng làm thay đổi tính năng động của các gia đình đi làm công ăn lương khi việc chăm sóc trẻ được chuyển hướng từ việc chăm sóc tại gia sang mô hình chăm sóc trẻ em do các dịch vụ xã hội đảm nhận.


Các báo phụ nữ tiếng Việt đã thông tin rộng rãi và đầy thiện chí về mô hình chăm sóc trẻ em mới này của chế độ thuộc địa [22]. Tờ báo thể hiện quan điểm rằng các nhà trẻ phát triển nhằm giải quyết các vấn đề của phụ nữ, bao gồm việc phụ nữ có thể đi làm khi có con và cả việc giải quyết vấn đề có con ngoài giá thú [23]. Tuy nhiên, một số nhà báo đã đặt vấn đề và e ngại rằng mô hình nhà trẻ mới này có thể thiếu tình mẫu tử. Một lý giải từ các nhà báo cho rằng các cơ sở xã hội này sẽ dễ dàng làm cho các bà mẹ bỏ rơi con hoặc ít nhất là bỏ bê chúng [24]. Để gửi con để đi làm, người lao động phải đi rất xa và khi họ xong việc và tới đón con thì thường các nhà trẻ này đã đóng cửa [25]. Các báo đã tranh luận về đề tài này, có báo cho rằng nếu có thể và sẽ thích hợp hơn nếu đơn vị gia đình được duy trì nguyên trạng, và nhiều bài báo còn lý luận nghĩa vụ chính của phụ nữ là ở nhà và chăm sóc gia đình [26].


Chính trị hóa các bà mẹ và trẻ em


Thêm vào những vấn đề liên quan đến chính phủ thuộc địa trong cuộc Đại Suy Thoái, một số nhà nữ quyền Việt Nam đã gia nhập Đảng Cộng Sản và những nhóm phụ nữ khác đề cao các giá trị dân tộc, chống đối lại các giá trị của chính quyền thực dân. Cả hai nhóm nữ quyền cộng sản và nữ quyền dân tộc tiếp tục xu hướng “Mẫu quốc - Maternalist” mang đậm đặc trưng thời đại của Chiến tranh thế giới thứ I. Vào những năm 1930, cả bà mẹ và trẻ em trở thành những con bài chính trị quan trọng của chế độ thực dân Pháp.


Một số giới trong xã hội đã dùng các phương tiện truyền thông chủ đạo của phụ nữ để chống lại chủ nghĩa thực dân. Ví dụ, báo Phụ Nữ Tân Văn, xuất bản từ 1929-1934, đã đi theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc và chống chủ nghĩa thực dân. Sự phát triển về tỷ lệ biết đọc biết viết chữ quốc ngữ trong những năm 1920 đã tạo điều kiện cho những ý tưởng chống chủ nghĩa thực dân bằng báo chí lây lan rất nhanh [27]. Vào thập niên 1930, báo Phụ Nữ Tân Văn đã trở thành "phương tiện quan trọng nhất của những tư tưởng cấp tiến ở miền Nam", đồng thời điều này cho thấy các vấn đề về giới thâm nhập và trở thành trào lưu chính của người Việt [28].


Mặc dù phần lớn độc giả của báo Phụ Nữ Văn Tân là những tri thức trung lưu nhưng những bài viết đều đưa thông tin tới độc giả như nhau bất kể họ có đặc quyền kinh tế hay có hoàn cảnh khó khăn [29]. Tờ báo này cũng đề cập đến một nhóm phụ nữ mới, những người tham gia vào các cuộc hội đàm chính trị và khoa học, thúc đẩy giáo dục trẻ em gái, và khuyến khích bình đẳng giới. Các bài báo đôi khi nói về luật hay những chuẩn mực trong xã hội bằng cách sử dụng ngôn từ của phong trào giải phóng phụ nữ để nêu ra các vấn đề xã hội rộng lớn hơn đối với việc chống chủ nghĩa thực dân [30]. Các bài báo nói về phong trào chống chế độ thực dân đăng trên Phụ Nữ Tân Văn như là một phương tiện đánh lạc hướng việc kiểm duyệt của thực dân Pháp vì họ sẽ không bao giờ nghi ngờ rằng phụ nữ Việt Nam có thể viết về chính trị.


Phụ Nữ Tân Văn đã phát triển như một hình thức nữ quyền, trong đó phụ nữ khẳng định vai trò duy nhất của họ là tái tạo nòi giống và chăm sóc trẻ em. Hình thức nữ quyền này nhen nhóm từ những năm 1920 khi Phan Bội Châu kêu gọi phụ nữ là "mẹ của quốc dân" và nuôi dạy con cái của họ để phục vụ đất nước. Tương tự, bà Đạm Phương, lãnh đạo Nữ Công Học Hội, đã thôi thúc phụ nữ nghĩ về vị trí của họ như là “mẹ quốc dân" [31]. Trong những năm 1930, được tờ báo Phụ Nữ Tân Văn hỗ trợ, phụ nữ Việt Nam đã ủng hộ Hội Đức Anh. Hội này do phụ nữ điều hành, chức năng là hỗ trợ trẻ em nghèo và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ [32]. Những bài đăng trên Phụ Nữ Tân Văn cũng đã nêu ra sự tương đồng giữa gia đình và quốc gia, mô tả gia đình không chỉ là những phương tiện tái tạo nòi giống mà còn làm quốc gia hùng cường. Tờ báo kêu gọi các bà mẹ nuôi dạy con cái của họ trở thành những trí thức để lãnh đạo đất nước Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa đế quốc Pháp và quan trọng hơn cả, Việt Nam cuối cùng sẽ được độc lập và tự do [33].


Những bài báo của tờ Phụ Nữ Tân Văn cũng nhắm vào độc giả trẻ em dạy chúng biết trân trọng và có lòng yêu quê hương đất nước. Một bài báo đã viết: "Chúng ta biết yêu thương gia đình mình; và bây giờ chúng ta phải có lòng yêu nước" [34]. Những bài viết ca ngợi lòng yêu nước định hướng cho các em "yêu đất nước như yêu cha mẹ mình" [35] và ví tình hình thuộc địa của Việt Nam như một người mẹ đang có nhu cầu. Các bài viết sử dụng thuật ngữ “mẫu quốc”, một phiên bản tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Pháp là Mère-Patrie, có nghĩa là tổ quốc Việt Nam [36]. Vào năm 1930, các quan chức thuộc chế độ thuộc địa đã cấm báo Phụ Nữ Tân Văn phát hành trong sáu tháng vì những ngôn từ mà các nhà nữ quyền dân tộc và chống chế độ thực dân Pháp đã sử dụng và sau đó một lần nữa tờ báo này bị cấm vĩnh viễn vào năm 1934.


Kết luận


Sự mỉa mai trong khoảng thời gian này  là một số nữ quyền Việt Nam đã rút ra từ chính sách gia trưởng thuộc địa và dùng những ngôn từ đặc biệt để trung lập hóa mối đe dọa bởi các chương trình cứu trợ nghèo đói của cộng sản. Áp dụng những ngôn từ và chính sách của các chương trình chăm sóc trẻ thuộc địa, nhóm “người mẹ quốc dân” Việt Nam kêu gọi phụ nữ tạo một vai trò quan trọng đối với phụ nữ trong các phong trào dân tộc chủ nghĩa và chống thực dân phong kiến.


Xu hướng “người mẹ quốc dân” giữa các nhóm nữ quyền của Việt Nam trong thời kỳ Đại Suy Thoái không có nghĩa là cấp tiến vì nó không bao giờ thách thức trật tự về giới của chế độ thuộc địa và nó cũng không đặt ra những câu hỏi quan trọng về bình đẳng giới. Tuy nhiên, bằng cách khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam, nó là một phương tiện quan trọng để thách thức chế độ gia trưởng thuộc địa và thể hiện vai trò mẫu quốc mà những nhà nữ quyền hình dung cho phụ nữ trong xã hội chế độ thuộc địa.


Tài liệu tham khảo

Brocheux, Pierre. 1992. "Elite, Bourgeoisie, où la Difficulté d'être." In Saigon 1924-1945: De la "Belle Colonie" à l'Eclosion Révolutionnaire ou la fin des Dieux Blancs, edited by Philippe Franchini. Paris: Éditions Autrement.

———. 2000. "The State and the 1930s Depression in French Indochina." In Weathering the Storm: The Economies of Southeast Asia in the 1930s Depression, edited by Peter Boomgaard and Ian Brown. Leiden: KITLV Press.

"Bức thơ của hội dục-anh gởi cho quí bà, quí  cô, phụ nữ Việt Nam." 1932. Phụ Nữ Tân Văn, March 3.

Bùi, Trân Phượng. 2012. "Phụ nữ và giới trong truyền thống Việt Nam." Tuyển tập Giới và Xã Hội no. 1:83-118.

"Con Chim Con, Con Cá Con." 1930. Phụ Nữ Tân Văn, 19 June.

" Con Phải Săn Sóc Cho Cha Mẹ." 1930. Phụ Nữ Tân Văn, 3 April.

"Công Đức Cha Mẹ." 1929. Phụ Nữ Tân Văn, 9 May 1929.

Đặng Thị Vân Chi 1998. "Phan Bội Châu với vấn đề Phụ nữ đầu Thế kỉ XX " In Phan Bội Châu: Con người và sự nghiệp, edited by Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 303-318. Hà Nội

Đặng, Thị Vân Chi  2008. Vấn đề Phụ nữ Trên Báo Chí Tiếng Việt trước năm 1945. Hà Nội: Nhà xuất bản khoa học xã hội.

du Basty, M. 1933. Société d'Aide et d'Assistance aux Oeuvres de Bienfaisance en Annam. Paper read at Congrès International pour la Protection de l'Enfance.

"Dục anh hội." 1932. Phụ Nữ Tân Văn, February 25.

" Dục anh hội!". 1932. Phụ Nữ Tân Văn, February 25.

"Dục Anh Viện! Duc Anh Viện!". 1932. Phụ Nữ Tân Văn, 14 January.

Hoang, Trong Phu Tong Do SE. 1933. Les Oeuvres de Protection de la Maternité et de l'Enfance de la Province de Hadong. Báo cáo tại  Congrès International pour la Protection de l'Enfance.

"Hội dục anh bên Khánh Hội." 1932. Phụ Nữ Tân Văn, April 7.

"Khuyên ấy vào Hội Dục Anh." 1932. Phụ Nữ Tân Văn, 3 March 1932.

"Làm sao giùp dục anh viện?". 1932. Phụ Nữ Tân Văn, January 7.

Lịch sử phong trào phụ nữ Hà Bắc. 1990. Hà Bắc: Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Bắc.

Lịch sử phong trào phụ nữ Nghệ An (1930-1975). 1996. Nghệ An: Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Nghệ An.

Lịch Sử Phong Trào Phụ Nữ Tỉnh Bắc Ninh (1930-2000). 2000. Bắc Ninh: Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tỉnh Bắc Ninh.

Lịch Sử Phong Trào Phụ Nữ Tỉnh Vĩnh Phú (1930-1995) 1996. Vĩnh Phú: Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tỉnh Vĩnh Phú.

Lịch Sử Truyền Thống Cách Mạng Phũ Nữ Hà Tây. 1997. Hà Tây: Hôi Liên Hiệp Phụ Nữ Hà Tây.

Lịch Sử Truyền Thống Phụ Nữ Nam Hà (1930-1995). 1996. Nam Hà: Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Nam Hà.

Marquis, Edouard. 1936. L’Oeuvre Humaine de la France en Cochinchine. Saigon: Imprimerie du Theatre.

Marr, David G. 1981a. Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945. Berkeley: University of California Press.

———. 1981b. Vietnamese tradition on trial, 1920-1945. Berkeley: University of California Press.

McHale, Shawn Frederick. 1995. "Printing and Power: Vietnamese Debates over Women’s Place in Society, 1918-1934 , 173-194. Ithaca: Cornell University Press, 1995." In Essays into Vietnamese Pasts, edited by K.W  Taylor and John K. Whitmore.

Monnais-Rousselot, Laurence  1999. Médecine et Colonisation: L’Adventure Indochinoise 1860-1939. Paris: CNRS Éditions.

Montagnon, Pierre. 2004. France-Indochine, Un Siècle de Vie Commune 1858-1954. Paris: Pygmalion.

"Một Đứa Nhỏ Ba Tháng bị Cha Mẹ Bỏ ở Viện Dục Anh." 1933. Phụ Nữ Tân Văn, 11 May.

Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phạm Xuân Nam, and Bùi Đình Thanh 2004. Lịch Sử Việt Nam tập II 1858-1945. Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội.

"Nuôi Con Để Cậy về Sau." 1932. Phụ Nữ Tân Văn, 14 January.

Peycam, Philippe M.F. . 2012. The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon 1916-1930. NY: Columbia Univeristy Press.

Phạm, Đình Tân. 1959. Chủ Nghĩa Đế Quốc Pháp và Tình Hình Công Nghiệp ở Việt-Nam Dưới Thời Thuộc Pháp Hà Nội: NXB Bản Sự Thật.

Phụ Nữ Haỉ Phòng qua các Chặng Đường Cách Mạng 1926-1955. 1985. Haỉ Phòng: NXB Haỉ Phòng.

Tai, Hue Tam Ho. 1992. Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution. Cambridge: Harvard University Press.

Thiện, Mộc Lan. 2010. Phụ-Nữ Tân-Văn: Phấn Son Tô Điểm Sơn Hà. Ho Chi Minh City: NXB Văn Hóa Sài Gòn Công Ty Sách Thời Đại.

"Tình Mẹ Con." 1930. Phụ Nữ Tân Văn, 13 February.

"Tình Mẹ Con Của Loài Vật." 1932. Phụ Nữ Tân Văn, 1 December.

Trần, Huy Liệu, Lương Bích Nguyễn, Tạo Văn, and Tân Hường. 1956. Cách Mạng Cận Đại Việt-Nam. Vol. VI. Hà Nội: Ban Nghiên Cứu Văn Sử Địa xuất bản.

Truong, Chinh, and Vo, Nguyen Giap . 1974. The Peasant Question (1937-1938). Translated by Christine Pelzer White, Data Paper: Number 4. Ithaca: Cornell University Press.

Vann, Michael G. 2006. "White Blood on Rue Hue: the Murder of "le négrier" Bazin." Proceedings for the Western Society of French History no. 34:247-262.

"Yêu Nước thì Phải Học." 1929. Phụ Nữ Tân Văn, 2 May.

Yuval-Davis, Nira, and Floya Anthias. 1989. "Introduction." In Woman, Nation, State, edited by Floya Anthias and Nira Yuval-Davis, 1-15. Basingstoke: Macmillan Press.

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/phu-nu-va-tre-em-thoi-thuoc-dia-va-chuong-trinh-phuc-loi-xa-hoi-cua-chinh-quyen-thuc-dan