Hồi ức Bà mẹ Việt Nam anh hùng

 


Thái Thị Ngọc Dư, Nguyễn Thị Nhận, Lê Hoàng Anh Thư

(Trung tâm nghiên cứu Giới và xã hội - Đại học Hoa Sen)


Tóm tắt


Bài nghiên cứu này có mục đích thu thập những lời chứng của những người mẹ đã sống qua hai cuộc kháng chiến, những người mẹ đã được vinh danh Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, ngày nay tuổi đã cao và sức khỏe sút kém. Sau phần điểm qua thư tịch trình bày một cách tổng quát vai trò của của phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, những hy sinh thầm lặng của hàng triệu nữ thanh niên, của những bà mẹ trẻ đã mất chồng, mất nhiều con cho độc lập của tổ quốc cùng những khó khăn của họ thời hậu chiến, bài nghiên cứu đã trình bày kết quả của các cuộc trò chuyện với 16 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn cảnh hy sinh của chồng và các con luôn in đậm nét trong ký ức của các bà mẹ dù nhiều năm đã trôi qua. Dù thương nhớ chồng con khôn nguôi, dù phải sống trong cô đơn, các bà đều cho rằng đó là do hoàn cảnh chiến tranh, phải chấp nhận hy sinh vì độc lập của tổ quốc. Các bà cũng không hề oán trách hay nuôi lòng thù hận đối phương. Bản thân các bà đã tham gia tích cực các hoạt động kháng chiến và đã từng bị tù đày. Các bà luôn giữ những ký ức tốt đẹp về quãng đời hoạt động cách mạng nhiều gian nguy nhưng vô cùng tự hào.

Đã từng đau khổ nhiều trong chiến tranh, lòng yêu hòa bình là nét nổi bật trong suy nghĩ và tình cảm của các bà mẹ Việt Nam anh hùng trong thời hậu chiến.


Phần I:  ĐIỂM QUA THƯ TỊCH


1. ‘Với nhiều người, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc’


Chiến tranh đã trôi qua hơn 30 năm, nhiều người thuộc thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình chỉ biết về chiến tranh qua các bộ phim tài liệu, phim ảnh, truyền hình, các giờ học lịch sử, qua lời kể của ba mẹ, chú bác, hay qua các hình ảnh, hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Tuy nhiên, sống ngay trong lòng xã hội của một đất nước hòa bình, vẫn còn rất nhiều người là nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tàn khốc đã từng hiện hữu ở Việt Nam cách đây chưa lâu. Họ là những bà mẹ, những cựu thanh niên xung phong, những người cựu chiến binh và những người thân đang ngày đêm chăm sóc những đứa con bị nhiễm chất độc da cam dù sinh sau khi chiến tranh kết thúc rất lâu. Đối với những người này, dường như chiến tranh chưa qua đi. Nó vẫn hiện rõ trong trí nhớ của họ, vẫn bị nhắc nhớ về những dấu ấn chiến tranh qua cuộc sống cơ cực hàng ngày, những dị tật cơ thể ngày ngày hành hạ họ và người thân, những căn bệnh, những nỗi mất mát, thương nhớ chồng con đã hi sinh không thể nào nguôi, những mong ước đời thường như có một gia đình riêng sẽ không bao giờ thành sự thật. Như lời Sonya Schoenberger, một cô học sinh trung học người Mỹ khi lần đầu đến thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở Hà Nội đã viết trên báo Tuổi Trẻ (25/4/2011): ‘Với nhiều người, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc’.


Trong tất cả các cuộc chiến, không chỉ cuộc chiến ở Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ sống trong chiến tranh luôn đem lại nhiều cảm xúc khác nhau đối với người quan sát. Có thể theo quan niệm chung của nhiều người, chiến tranh vẫn là một phạm trù chủ yếu dành cho nam giới, nên vị trí của người phụ nữ khi chiến tranh nổ ra là ở hậu phương với vai trò của người vợ, người mẹ, người yêu hay người thân của người lính. Nhưng sự thật là số lượng phụ nữ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam là một con số rất đáng kể. Theo quyển ‘Even the Women must fight’ (1998) của Karen Gottschang Turner và Phan Thanh Hảo, số liệu phụ nữ tham gia vào quân đội ở miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ là 1.5 triệu người. 170,000 thanh niên tham gia thanh niên xung phong ở miền Bắc trong thời kỳ từ 1965-1975, trong đó số lượng phụ nữ chiếm đến 70-80%. Đó là chưa kể đến khoảng 1 triệu phụ nữ tham gia vào các đội du kích và quân dân ở địa phương. 70% những công việc nặng nhọc ở các tỉnh và thành phố ở miền Bắc nhằm phục vụ cho chiến đấu như sửa chữa cầu đường là do phụ nữ thực hiện. Theo số liệu trình bày trong quyển sách này thì hiện có từ 170.000 đến 180.000 cựu thanh niên xung phong đang còn sống. Số phụ nữ trở thành góa bụa hay không thể kết hôn được do hậu quả của chiến tranh là 1,4 triệu người (Turner và Phan Thanh Hảo, 1998).


Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH) là danh hiệu vinh dự mà Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban tặng cho những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến và hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, được ban hành theo pháp lệnh ngày 29/8/1994. Theo điều 2 của pháp lệnh này, những tiêu chuẩn được phong tặng danh hiệu BMVNAH bao gồm những phụ nữ thuộc một trong các trường hợp sau đây:


1- Có 2 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;

2- Có 2 con mà cả 2 con là liệt sĩ hoặc chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ;

3- Có từ 3 con trở lên là liệt sĩ;

4- Có 1 con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ.

(Cổng thông tin Thi đua khen thưởng)


Ngay sau khi pháp lệnh được ban hành, từ tháng 12/1994 cho đến hết năm 2001, Nhà nước đã ban tặng danh hiệu vinh dự này cho 44.253 người, trong đó miền Bắc là 15.033 người, và miền Nam là 29.220 người. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có 1.899 bà mẹ được phong tặng danh hiệu này theo số liệu năm 2003, trong đó có 631 bà mẹ còn sống, 1.192 bà mẹ đã từ trần và 76 bà đã hi sinh. Năm 1997, Thành ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban Nhân dân và Mặt trận tổ quốc TP.HCM đã thực hiện công trình “Bà mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh”, trong đó vinh danh 1.787 BMVNAH (Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM).


Những con số rất lớn này cho thấy mức độ tham gia tích cực của phụ nữ trong kháng chiến. Vì vậy, những nghiên cứu về người phụ nữ trong chiến tranh là rất cần thiết và cần được thực hiện ngay để những trải nghiệm và câu chuyện của thế hệ trước, đặc biệt là của phụ nữ, không trôi vào quên lãng.


2. Hình ảnh phụ nữ là những nạn nhân của chiến tranh


Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã đề cập nhiều đến đề tài phụ nữ trong chiến tranh. Quyển sách ‘Women and War in the Twentieth centure: Enlisted with or without Consent’ (2004) do Nicole Ann Dombrowski biên tập là một ví dụ. Các chương trong quyển sách đã khám phá hình ảnh người phụ nữ trong chiến tranh và các cuộc xung đột vũ trang từ nhiều khía cạnh, vai trò khác nhau, khi thì là những người lính, khi thì là người vợ lính kiên nhẫn chờ chồng về.


Phụ nữ đóng rất nhiều vai trò và gánh vác nhiều trách nhiệm trong chiến tranh, nhưng vai trò nổi trội nhất là vai trò của những nạn nhân không tự bảo vệ được, những người bị chiến tranh vùi dập. Phụ nữ trong vai trò là người yêu, người thân, người mẹ của người lính là hình ảnh thụ động của phụ nữ, nhưng chính vai trò này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì và nâng đỡ tinh thần chiến đấu của người lính (Dombrowski, 2004). Hình ảnh người mẹ Việt Nam cũng đóng vai trò này, giúp tiếp thêm tinh thần chiến đấu của người lính để bảo vệ quê nhà, và bảo vệ những người thân, người mẹ của mình ở quê hương. Hình ảnh người mẹ của các liệt sỹ vẫn tiếp tục giữ nguyên giá trị của nó ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc từ lâu, để giữ cho lịch sử tiếp tục sống trong lòng một xã hội không còn nhiều vết tích chiến tranh, giữ cho xã hội những tấm gương sống hùng hồn cho lòng yêu nước, đức hi sinh hết mình vì sự nghiệp lý tưởng của quốc gia.


Ngay cả trong thời bình như ngày nay, hình ảnh những bà mẹ mất con trong chiến tranh vẫn gieo lên trong lòng mọi người trong xã hội nỗi xúc động và thương cảm đặc biệt. Hình ảnh, thông tin của các BMVNAH vẫn thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng (Ví dụ: công trình xây dựng tượng đài BMVNAH tại Quảng Nam đang được tranh luận sôi nổi hiện nay trên các báo đài) cho thấy hình ảnh người phụ nữ là nạn nhân của chiến tranh phải chịu đựng những nỗi đau khủng khiếp, cụ thể ở đây là nỗi đau của người vợ mất chồng, người mẹ mất con vẫn là một hình ảnh đầy tính thuyết phục và hùng hồn nhằm nhắc nhở thế hệ ngày nay về tinh thần hi sinh của thế hệ trước cho hòa bình.


3. Hình ảnh phụ nữ là những người mẹ


Trong nhiều nghiên cứu về phụ nữ trong chiến tranh, vai trò làm mẹ của những người phụ nữ bị tác động trực tiếp bởi các cuộc xung đột được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đề cập đến câu hỏi chức năng làm mẹ của phụ nữ liên quan thế nào đến các chính sách thời chiến (Roseman, 2004), hay sự mong muốn làm mẹ (Turner, 1998). Chúng tôi chưa bắt gặp nghiên cứu nào việc hi sinh vai trò làm mẹ của mình bằng cách cho con mình đi vào nơi nguy hiểm và khả năng mất con rất cao, như trường hợp của những BMVNAH.


Ở Pháp thời Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, việc làm mẹ được nhà nước Pháp ca ngợi bằng các hình thức như không khuyến khích nạo phá thai, hay tách biệt những bà mẹ nạo phá thai với các bà mẹ sẽ sinh con trong các bệnh viện phụ sản, nhằm tôn những bà mẹ quyết định sinh con lên một vị trí đạo đức cao hơn (Roseman, 2004). Vai trò làm mẹ tất nhiên không thể không thay đổi trong thời chiến. Như trong nghiên cứu này của Roseman (2004), những người mẹ có chồng đã ra trận phải tìm cách tự chăm sóc bản thân, tự lập trong cuộc sống ngay cả vào thời gian mang thai và lâm bồn, vì thế những bệnh viện phụ sản trở thành một địa điểm mới của khái niệm ‘nhà’, khái niệm ‘không gian riêng tư’ và trở thành địa điểm nơi mà một đứa trẻ được nhận những cử chỉ chăm sóc đầu đời, thay cho ở nhà riêng như trong thời gian trước khi cuộc chiến nổ ra.


Hay nghiên cứu của Phạm Bích Hằng (2002) về địa vị phụ nữ hậu phương ở đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ chống Mỹ, trong đó có những người mẹ chồng đã cố gắng giữ con dâu ở nhà để con trai có thể yên lòng chiến đấu ngoài tiền tuyến, còn những người vợ của các người lính, những người mẹ trẻ rất ý thức giữ gìn sự chung thủy với chồng ngoài trận để họ có thể an tâm chiến đấu. Vì thế họ đã tìm những hoạt động xã hội khác nhau để lấp khoảng trống thời gian và tâm trí để bớt phải lo lắng cho chồng con ngoài tiền tuyến.


Turner (1998) trong quyển sách của mình cũng nhắc đến nỗi niềm mong muốn được làm mẹ của những nữ cựu thanh niên xung phong lỡ thì khi trở về từ Trường Sơn với sức khỏe bị tàn phá sau những cơn sốt rét rừng, nhan sắc tàn phai sau nhiều năm sống khổ cực trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn. Họ trở về và nhiều người trong số họ không thể lập gia đình, họ mong muốn có đứa con đến mức nhiều người đã chọn cách có những đứa con không cha mặc cho điều tiếng xã hội, cũng có những người không dám có con vì sợ sẽ sinh ra những đứa con dị tật vì sức khỏe người mẹ quá kém, hay vì ảnh hưởng Chất độc da cam.


Hình ảnh người mẹ, nỗi mong muốn được làm mẹ của những người phụ nữ đã anh hùng hi sinh rất nhiều điều quan trọng trong cuộc sống cùa mình như những đứa con, tuổi trẻ, nhan sắc không thể không được đề cập đến trong những nghiên cứu về phụ nữ trong chiến tranh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu tập trung tìm hiểu về sự hi sinh, những cảm xúc, trải nghiệm trong và sau chiến tranh của những người phụ nữ này, đặc biệt là của những BMVNAH. Đối với những bà mẹ phải tiễn con ra trận, sự hi sinh đó không chỉ dừng lại ở nỗi mất mát những đứa con, mà còn gắn liền với việc phải hi sinh luôn cảm xúc người mẹ muốn che chở cho con mình được an toàn của họ.


4. Hình ảnh phụ nữ là những người anh hùng


Tuy nhiên, phụ nữ trong chiến tranh không phải chỉ đơn thuần là những nạn nhân hoàn toàn thụ động của thời cuộc. Chính bản thân họ cũng là những tác nhân, những người tham gia tích cực vào quân sự, nhiều khi họ còn biến chuyển tình thế của mình để đem đến nhiều thay đổi cho cuộc đời, vị trí của họ trong xã hội.


Hình ảnh lý tưởng của phụ nữ Việt Nam chính là hình ảnh của những người mẹ nuôi những người con cho chiến trường, và họ cũng là những người gây dựng lại cuộc sống an bình khi hòa bình được lập lại (Turner, 1998). Chính vì vậy, những BMVNAH trở thành những tượng đài về đạo đức của những bà mẹ chăm lo cho gia đình, và đồng thời bản thân họ cũng là những quân nhân (Turner, 1998) và là di sản truyền thống của dân tộc (Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, 2011). Truyền thống này đã tồn tại từ lâu trong cách suy nghĩ của người Việt Nam, thể hiện trong câu tục ngữ ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’, với những hình tượng người phụ nữ tiêu biểu của dân tộc đã chiến đấu đến cùng cho đất nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân ... 


Theo Mary Ann Tétreault (1991), phụ nữ không thường được mô tả như là những nạn nhân trong các tác phẩm văn học và đề tài nghiên cứu của Việt Nam. Ngược lại, họ thường được mô tả như những người mẹ, những người anh hùng, những người hỗ trợ cho cách mạng. Phần lớn những bài viết về BMVNAH hiện nay đều nêu bật tính anh hùng trong sự chờ đợi chồng con, trong cách các mẹ phản ứng với tin con hay chồng họ đã hi sinh ngoài mặt trận, trong cách họ khuyến khích, nâng cao tinh thần chiến đấu của người thân. Trong quyển ‘Chung một bóng cờ’ (1993), hình ảnh BMVNAH đã được mô tả là những người ‘tự mình đã cống hiến cho Tổ quốc tài năng, trí tuệ và lòng dũng cảm tuyệt vời”, “nêu những gương sáng cho con cháu mai sau”, “một biểu tượng dường như nghịch lý, nhưng rất chân thực, thể hiện sự hòa hợp của tính chất rất anh hùng mà cũng rất mực nhân hậu trong người phụ nữ Việt Nam” (Trần Bạch Đằng, 1993).


Turner (1998) nêu bật trường hợp chiến tranh ở Việt Nam là một hiện tượng rất thú vị cho những nhà nghiên cứu về phụ nữ trong chiến tranh. Văn hóa Việt Nam đề cao hình ảnh nữ tính và vị trí của người phụ nữ là trong gia đình, hết lòng vì chồng con. Nhưng khi chiến tranh nổ ra tại quê nhà, phụ nữ vẫn rời khỏi gia đình, khỏi vị trí truyền thống của họ để tham gia vào những công việc nặng nhọc thay cho nam giới, hay thậm chí tháo bỏ vẻ nữ tính dịu dàng luôn được đề cao trong xã hội để cầm súng, đào đường, sửa cầu, tham gia vào những đội du kích.


Nhiều nghiên cứu cũng tìm hiểu về những lý do dẫn đến việc phụ nữ tham gia quân sự, và kết quả đã cho thấy phụ nữ hoàn toàn không đơn giản chỉ là những nạn nhân bị động, mà họ cũng là những tác nhân biến đổi chiến tranh cho sự tiến bộ của phụ nữ. Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, tại Châu Âu, phụ nữ đã tham gia lực lượng lao động hay những nhóm dân quân tự vệ để thể hiện tình yêu nước. Nhờ vậy, họ đã có những vai trò lớn hơn trong xã hội, bước ra khỏi vị trí là những người nội trợ trong gia đình. Những người phụ nữ này tham gia nhiều hoạt động với hi vọng sẽ giành được những vai trò lớn hơn trong kinh tế và xã hội cho giới nữ. Họ được giáo dục nhiều hơn, được tham gia vào việc sản xuất kinh tế thế chỗ cho những người đàn ông đã ra trận, và họ còn muốn thâm nhập vào chính trường (Dombrowski, 2004).


Dombrowski (2004) cho rằng ở những nước từng bị thuộc địa như ở Việt Nam, việc đứng lên đánh lại đế quốc đã thay đổi những quan hệ về giới, cụ thể là hình thức đánh giặc ở Việt Nam (như hình thức đánh du kích, và sử dụng những hình thức tiếp cận quân địch một cách gián tiếp) đã mở ra nhiều con đường cho phụ nữ có thể tham gia chiến trận. Cụ thể là những công việc như vận chuyển vũ khí, sửa cầu đường vốn là công việc nặng nhọc do phụ nữ đảm trách. Nhờ vậy, phụ nữ có nhiều vai trò hơn trong xã hội.


Ở Trung Quốc, nhiều phụ nữ tham gia cách mạng để thoát khỏi truyền thống bị sắp đặt hôn nhân, hay thoát khỏi gánh nặng phải sinh con cho nhà chồng (Young, 2004). Họ tham gia cách mạng, vì từ ‘cách mạng’ trong tư duy của họ mang những ý nghĩa rất đời thường như không bị bóc lột và hành hạ trong gia đình, thoát khỏi cái nghèo và cái đói, thoát khỏi hôn nhân sắp đặt, thoát khỏi tình cảnh là lao động không công trong gia đình, hay (đối với nhóm có học thức) để chiến đấu vì công bằng xã hội và toàn vẹn lãnh thổ cho quê hương. Cuộc cách mạng đã khiến những người phụ nữ này lột bỏ những tính cách phụ thuộc, ngoan ngoãn nghe lời.


Nghiên cứu của Turner (1998) về cựu nữ thanh niên xung phong ở miền Bắc Việt Nam cho thấy tinh thần yêu nước chính là lý do chủ đạo khiến họ tình nguyện đi ra chiến trường. Cũng có những lý do khác khiến các thiếu niên này rời bỏ Hà Nội để đi vào Trường Sơn như để hưởng ứng phong trào, để cảm nhận sự lãng mạn của việc thoát ly khỏi gia đình, hay vì những lý do thực tế khác. Nhưng phần lớn nghĩ rằng họ không có sự lựa chọn khác, rằng họ phải chiến đấu vì quê hương. Việc tham gia cách mạng đã mở ra cho họ nhiều hướng tiến bộ, nhiều người học đọc học viết trong rừng, nhiều người khi trở về nhà đã tự tin và được giáo dục hơn nhiều, đặc biệt đối với nhiều phụ nữ, tham gia cách mạng đã giải phóng họ ra khỏi lũy tre làng, đưa họ đến vị trí cao hơn trong xã hội (Turner, 1998).


Trong các nghiên cứu ở Việt Nam, vai trò giải phóng phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được đề cập rất tích cực. Từ thời kháng chiến chống Pháp qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, hàng triệu phụ nữ đã tham gia vào phong trào kháng chiến. Thắng lợi Cách mạng tháng 8 cũng được xem là một cuộc cách mạng đưa người phụ nữ từ nô lệ thành người chủ đất nước, cho họ tham gia vào công việc hậu phương và tiền tuyến và chứng tỏ mình không hề thua kém nam giới. Nhiều tấm gương Anh hùng lực lượng vũ trang đã được vinh danh như chị Nguyễn Thị Chiên, chị Hồ Thị Bi, chị Lê Thị Tạo (Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang). Phong trào phụ nữ miền Nam trong những năm chống Mỹ cứu nước được xem là một cuộc cách mạng của giới nữ, với hình ảnh phụ nữ Việt Nam ‘giỏi việc nước, đảm việc nhà’ (Trần Bạch Đằng, 1993). Việt Minh đã cho phép phụ nữ có tiếng nói trong những cuộc họp chính trị, và những vai trò cụ thể trong cuộc cách mạng. Phụ nữ đã tham gia vào những công việc nặng nhọc nhất như chở vũ khí, tiếp tế cho những vùng tiền tuyến xa xôi, cũng bị cầm tù, tra tấn và sát hại như những người lính nam giới. Lực lượng giải phóng đã có những chương trình giải phóng phụ nữ, giáo dục phụ nữ, tạo ra những nữ chiến binh, tạo ra những tên tuổi lừng lẫy như bà Nguyễn Thị Minh Khai (Turner, 1998).


Theo nghiên cứu của Phạm Bích Hằng (2002) cho thấy phụ nữ ở hậu phương miền Bắc cũng đã được giáo dục và đào tạo kỹ năng, tham gia lao động thay cho nam giới nên họ rất tự hào về thành tích lao động của mình. Nhiều người tham gia vào các công tác ngoài xã hội, mặc cho sự ngăn cản của mẹ chồng vì muốn giữ vợ cho con trai ngoài mặt trận. Nhiều phụ nữ cho biết họ tham gia vì muốn được tôn trọng. Ở nhà, họ không được tôn trọng vì mẹ chồng đối xử họ rất khắc khe để bảo đảm con dâu sẽ chung thủy với chồng và không lơ là việc nhà.


Một nghiên cứu khác của Katayama Sumiko (2005) cho thấy hình ảnh người phụ nữ tích cực lao động được đăng thường xuyên trên báo Nhân Dân trong giai đoạn 1966-1970, cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ trong rất nhiều lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp. Phong trào “Ba đảm đang” vốn thường bị những người theo thuyết nữ quyền trên thế giới công kích là hình thức bóc lột phụ nữ, thì trên báo Nhân Dân giai đoạn này được mô tả là một phong trào tập thể rất đáng chú ý của phụ nữ miền Bắc.


Những tài liệu nghiên cứu hiện tại vẫn chưa tập trung tìm hiểu nhiều về phong trào kháng chiến của phụ nữ ở miền Nam, cụ thể là trường hợp rất đáng lưu ý của các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Vì sao họ đồng ý cho chồng con họ tham gia chiến trường? Nhiều người trong số những BMVNAH cũng tham gia kháng chiến, họ đã mong muốn điều gì khi đóng góp nhiều đến vậy cho cuộc chiến? Vai trò của họ trong gia đình, trong cộng đồng có gì thay đổi trong quá trình kháng chiến, và trong thời bình? Cuộc kháng chiến có tác động trực tiếp như thế nào đến cuộc sống thực tế, vai trò trong gia đình, trong cộng đồng, trong mối quan hệ giới trong gia đình và xã hội của những BMVNAH, cũng như những người phụ nữ ở lại hậu phương chờ đợi chồng con mình trở về?


5. Khi hòa bình được lập lại


Nhiều nghiên cứu đặt câu hỏi về khả năng thực sự giải phóng phụ nữ và liệu phụ nữ vẫn tiếp tục được giải phóng khỏi vai trò truyền thống trong gia đình sau khi chiến tranh kết thúc (ví dụ: nghiên cứu của Young, 2004; Turner, 1998; Dombrowski, 2004; Lê Thị Quý, 1996).


Dombrowski (2004) cho rằng ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ đã không nhận được những phần thưởng xứng đáng cho đóng góp của họ, rằng những hi vọng của họ đã bị phản bội (‘betrayed hopes’), những nỗ lực trong chiến tranh của họ đã bị xóa trong ghi chép lịch sử, và đất nước mà vì nó họ đã chiến đấu hi sinh vẫn tiếp tục do nam giới đứng đầu. Young (2004) đặt câu hỏi về số phận của những cô gái đã bỏ gia đình đi theo cách mạng, theo cuộc Trường Chinh vĩ đại ở Trung Quốc sau khi chiến tranh kết thúc, trở về làng họ có được giải phóng khỏi vị trí bó hẹp trong gia đình hay không. Lê Thị Quý (1993) trong quyển Vietnam’s Women in Transition (Kathleen Barry chủ biên) đã đề cập đến hiện tượng ‘bạo hành vô hình’ (‘invisible violence’) trong những gia đình của những phụ nữ từng tham gia kháng chiến trở về. Sau chiến tranh, truyền thống ‘trọng nam khinh nữ’ lại trở lại, nhiều phụ nữ rất muốn giữ gìn gia đình mà họ rất khó khăn tạo lập được nên biến mình trở nên bị động và ngoan ngoãn nghe lời chồng để giữ hòa khí trong nhà.


Ở Việt Nam, có nhiều phụ nữ là mẹ của các con là liệt sỹ, thương binh, và bản thân nhiều người trong số họ cũng tham gia chiến đấu. Sau chiến tranh tên tuổi họ vẫn lừng lẫy và thường được nhắc đến trên báo đài. Chẳng hạn như Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, mẹ của 9 con ruột, 1 con rể và 1 cháu ngoại là liệt sỹ ở Quảng Nam, mẹ Nguyễn Thị Rành bản thân là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ở Củ Chi, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Điểm (hay còn gọi là Thanh Tùng) vừa là BMVNAH đã tham gia đội biệt động đánh nhiều trận trong nội thành Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Thập, cựu chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã để người con tốt nghiệp đại học nước ngoài của mình tham gia đoàn quân vượt Trường Sơn chiến đấu, bà Bùi Thị Mè, từng là thứ trưởng Bộ y tế - Thương binh và xã hội của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam việt Nam và là mẹ của 3 liệt sỹ (Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam).


Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều phụ nữ đã hi sinh xương máu của mình vẫn sống âm thầm không được nhắc đến sau thời chiến, và chưa được nhà nước ghi nhận cho những đóng góp của mình, chưa nhận được những đền bù xứng đáng. Theo Turner (1998), cuộc chiến chống Mỹ ở Việt Nam khác với cuộc chiến ở nhiều nước khác ở chỗ nó là một cuộc chiến nhân dân (“people’s war”). Nó len lỏi đến khắp các làng mạc, thành phố, ngõ ngách và chạm đến cuộc sống của từng gia đình. Đó là một cuộc chiến rất khó phân lằn giữa chiến tuyến và hậu phương. Vì vậy những nỗ lực, nỗi cơ cực, sự đóng góp cho cuộc kháng chiến là những nỗ lực tập thể, là nỗ lực của toàn đồng bào đổ vào (“collective endeavour”).  Rất nhiều nữ thanh niên đã chiến đấu trên đường mòn Hồ Chí Minh, trong rừng rậm, hay trong các lực lượng vũ trang không được ghi danh hay biết đến.


Chỉ một số cá nhân mà tên tuổi của họ được biết đến vì thành tích của họ được gắn liền với một địa danh cụ thể (như 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, anh hùng Ngô Thị Tuyến được gắn với địa danh cầu Hàm Rồng, nữ tướng Nguyễn Thị Định với chiến trường miền Nam). Hay vì những hi sinh của họ có khả năng thúc đẩy, khuyến khích những người phụ nữ và đàn ông khác tham gia cuộc cách mạng (Turner, 1998). Ví dụ như mẹ Nguyễn Thị Thứ với 9 người con liệt sỹ là hình ảnh mạnh mẽ của sự hi sinh vô bờ bến của những BMVNAH, mẹ Phạm Thị Ngư (Bình Thuận) mẹ Nguyễn Thị Rành có 8 người con là liệt sỹ, mẹ Trần Thị Mít có 9 người con là liệt sỹ... Mặc dù có những nỗ lực gần đây của nhà nước như phong tặng Danh hiệu vinh dự BMVNAH từ năm 1994, hay số lương ít ỏi hỗ trợ cho các cựu thanh niên xung phong, nhưng dường như vẫn còn rất nhiều việc cần làm cả về mặt vật chất và tâm lý để bù đắp cho những người phụ nữ này.


Turner (1998) đặt câu hỏi về cái giá nhiều người đã phải trả cho cuộc chiến, cái giá mà những người được sống ngày nay nợ hàng triệu nạn nhân của chiến tranh, và lịch sử phải được viết như thế nào để có thể giữ ký ức và ý nghĩa của những sự hi sinh này cho đúng với cái giá của nó. Những BMVNAH hẳn là những nhân vật nhận được nhiều cảm thông nhất vì sự hi sinh quá lớn của họ, nhiều người trong số những BMVNAH đã mất hết người thân chăm sóc họ vào tuổi già, và mất luôn những người con sẽ thờ cúng họ sau khi họ qua đời. Hay những nữ cựu thanh niên xung phong trở về không thể lập gia đình vì mất sức khỏe, mất tuổi trẻ và nhan sắc, không thể có con vì sợ con mình bị dị dạng, và nhiều người đã phải xin con nuôi, hay có con không cha. Những cựu thanh niên xung phong vẫn chưa được nhà nước công nhận thích đáng cho những đóng góp của mình. Nhiều người cựu nữ thanh niên xung phong được Karen Turner (1998) phỏng vấn cho cuốn sách Even the Women must Fight  dù đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn eo hẹp vẫn nghĩ cho những đồng đội khác hơn là cho chính bản thân mình. Nhiều người vẫn canh cánh nỗi áy náy, thương tiếc cho những đồng đội đã ngã xuống, nhiều người cảm thấy tội lỗi vì họ được sống, và họ đặc biệt thương cảm cho những nữ đồng đội hiện vẫn sống một mình, không chồng con.


Câu chuyện của những người phụ nữ Việt Nam đã trải qua thời chiến tranh ở hậu phương hay ở tiền tuyến vẫn còn chưa được tìm hiểu ngọn ngành. Số lượng những nghiên cứu chưa nhiều hiện nay về chủ đề này vẫn quan tâm nhiều từ góc cạnh lịch sử, về những tấm gương hi sinh anh dũng hay kinh nghiệm bôn ba chiến trường, những kỷ niệm, ký ức về quá khứ. Những nghiên cứu về thực tại cuộc sống của những người đã từng hi sinh tuổi trẻ, gia đình của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn còn rất thiếu. Phần lớn những nghiên cứu về chủ đề này còn là ở miền Bắc. Miền Nam với nhiều khác biệt về chính trị, điều kiện xã hội chắc chắn sẽ có những nét khác biệt cần được tìm hiểu.


Riêng đối tượng BMVNAH thực chất là một đối tượng rất đáng chú ý cho nghiên cứu, nhiều BMVNAH giờ đã qua đời, hay sức khỏe yếu nên sẽ gây nhiều khó khăn cho những nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về đối tượng này. Ngoài việc các BMVNAH giờ được nhà nước công nhận và vinh danh như những tấm gương về đức hi sinh, đạo đức, tinh thần yêu nước, tính chất anh hùng, thì những câu chuyện phía sau những danh hiệu này cần được ghi chép lại để chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về tâm hồn người phụ nữ, người mẹ phải sống trong thời chiến.


Đời sống của những BMVNAH hiện giờ ra sao? Họ đã sống qua chiến tranh với những nỗi gian khổ gì? Khi họ đưa chồng con ra trận, họ đã mong đợi điều gì? Họ có tham gia cách mạng không, và những kỷ niệm hoạt động của họ là gì? Tình cảm và suy nghĩ của họ về những người con, người chồng đã mất ra sao? Họ có những mong ước gì hiện nay? Đây chính là những câu hỏi mà nghiên cứu này sẽ tìm hiểu.


Phần II: KẾT QUẢ PHỎNG VẤN CÁC BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG (BMVNAH)


Nhóm đã phỏng vấn 16 BMVNAH, 2 bà có công với cách mạng nhưng không có danh hiệu BMVNAH, một bà có con là nạn nhân chất độc da cam, tổng cộng là 19 trường hợp.


Các cuộc phỏng vấn này dựa trên danh sách  191 BMVNAH hiện đang lãnh trợ cấp tại Sở LĐTB XH năm 2010, được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8 / 2011. Do hạn chế về thời gian và nguồn lực, nhóm chỉ phỏng vấn được các BMVNAH cư trú tại các quận nội thành TPHCM: quận 6, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp. Các BMVNAH có con và chồng hy sinh cả ở ba thời kỳ chiến tranh: chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam. Nhóm phỏng vấn chưa đi đến được Củ Chi, một vùng nông thôn truyền thống kháng chiến hiện có nhiều BMVNAH sinh sống. Những kết quả trình bày trong bài này liên quan chủ yếu đến các BMVNAH, chưa phân tích những trường hợp người có công với cách mạng và nạn nhân chất độc da cam vì tư liệu phỏng vấn còn quá ít.


1. Tuổi đời


Các bà đều đã lớn tuổi, người lớn nhất sinh năm 1914, người ít tuổi nhất sinh năm 1939, đa phần  đều sinh trước năm 1925. Với tuổi đời như vậy, các bà và gia đình đã sống qua hai cuộc kháng chiến, phần lớn cuộc đời của các bà là sống trong chiến tranh, cũng như những người cùng thế hệ. Với tuổi trên 80 và trên 90, các bà đau yếu luôn, không còn đi lại dễ dàng.


2.  Quê quán và địa bàn hoạt động CM


Với mẫu như trên, cũng dễ hiểu là quê của phần lớn các bà là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, vùng ven TPHCM như Củ Chi, Bình Chánh, hoặc Bình Dương. Cũng có một trường hợp quê ở Quảng Nam nhưng đã chuyển vào sinh sống và hoạt động ở Sài Gòn sau khi bị lộ ở Bình Định.


Phần lớn các bà xuất thân từ vùng nông thôn, gia đình thường làm ruộng, có một ít buôn bán nhỏ ở nông thôn, thị trấn. Lớn lên ở nông thôn trong những năm 1930, 1940, lại thuộc gia đình nghèo, các bà thường không được đi học, không biết chữ. Nhiều bà đã cho biết nhờ tham gia cách mạng mới được dạy chữ để đến nay đọc báo, đọc sách được . Đặc điểm của những vùng nông thôn nơi các bà cư trú là những vùng “tự do” hay còn gọi là vùng kháng chiến (vùng do Việt Minh kiểm soát) thời kháng Pháp, vùng giải phóng thời chống Mỹ. Trong thời kháng Pháp, có những vùng hoàn toàn do Việt Minh kiểm soát và khá an toàn, đó là chiến khu (CK) , vòng ngoài của CK là vùng tự do, dân cư sinh sống làm ăn, dùng “bạc Việt Minh”, dân chúng hoàn toàn theo Việt Minh. Dân cư vùng này thường đi lại làm ăn với vùng do Pháp hoặc chính quyền “quốc gia “ kiểm soát, có thẻ căn cước, khi vào vùng quốc gia thì dùng tiền Đông Dương. Vùng này thường bị dội bom, thỉnh thoảng bị lính Pháp cùng lính Lê Dương, lính quốc gia càn quét, bắt bớ hoặc bắn đàn ông, hãm hiếp phụ nữ. Đến gần cuối thời kháng Pháp, trong khí thế thắng lợi của Việt Minh, vùng tự do được mở rộng, và dường như có những thỏa thuận bất thành văn về ranh giới giữa vùng tự do và vùng quốc gia. Có đồn bót kiểm soát nhưng công việc làm ăn buôn bán đi lại của dân, thường là phụ nữ không hoàn toàn bị trở ngại.


Sau hiệp định Genève, miền Nam thuộc về chính quyền Sài Gòn, không còn những căn cứ kháng chiến nữa. Từ những năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Mặt Trận Dân tộc giải phóng, những căn cứ kháng chiến được xây dựng lại, những vùng giải phóng được mở rộng dần. Bên cạnh đó còn có vùng “xôi đậu”, nhiều bà sống và hoạt động trong vùng này trong thời chiến tranh chống Mỹ. Chính quyền Sài Gòn kiểm soát những vùng này vào ban ngày, nhưng ban đêm lại có hoạt động của quân giải phóng, hoặc hai loại vùng tạm bị chiếm và vùng giải phóng nằm ở thế cài răng lược.


Sinh ra và lớn lên trong môi trường kháng chiến, gia đình có truyền thống cách mạng, nên sự tham gia của các bà vào các hoạt động kháng chiến được xem là lẽ đương nhiên. Hầu như tất cả các bà đều đã tham gia hai mùa kháng chiến. Nhiều bà đã nói rằng chung quanh ai cũng tham gia kháng chiến cả, nên bản thân các bà cũng tham gia như mọi người.


Về địa bàn hoạt động cách mạng, các bà bắt đầu hoạt động tại quê nhà, ở vùng nông thôn các tỉnh. Một sô bà hoạt động ở vùng ven Sài gòn (Bình Chánh, Củ Chi) hay trong nội thành như ở Tân Bình. Trong quá trình hoạt động, có khi do bị lộ nên phải lên Sài Gòn sinh sống và tiếp tục hoạt động trong vùng tạm bị chiếm, nói theo ngôn ngữ bình dân là hoạt động “nằm vùng”.


3. Hồi ức: những điều các bà mẹ nhớ nhiều nhất và chi tiết nhất


Những hồi ức này có thể bị ảnh hưởng bởi những gợi ý câu chuyện của người phỏng vấn. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống của các bà hiện nay, người đối thoại đã hỏi về đời sống và hoạt động của các bà thời kháng chiến trước khi đề cập đến hoàn cảnh hy sinh của chồng, con. Sự sắp xếp thứ tự này có ý tránh cho các bà phải đột ngột nhắc đến những kỷ niệm đau buồn, người đối thoại muốn cho những hồi ức này được pha loãng đi trong nhiều hồi ức của cả quãng đời dài của các bà. Loại trừ ảnh hưởng của mạch dẫn dắt câu chuyện ra, người đối thoại vẫn nhận thấy các bà nhớ rõ và rất thích kể về cuộc đời hoạt động kháng chiến của mình. Những chi tiết các bà nhớ nhiều nhất là :


- quá trình tham gia kháng chiến, những hoạt động khác nhau mà các bà đã đảm nhận trong kháng chiến, những chi tiết về mưu trí, phán đoán nhanh chóng, đối phó với địch.

- những chi tiết về hoàn cảnh bị bắt, bị tù, những đòn tra tấn trong tù, khí tiết cách mạng.

- những chi tiết về thời gian và hoàn cảnh hy sinh của chồng, con và của những người thân khác trong gia đình như anh chị em, con rể, cháu.


3.1 Các bà đã làm những việc gì khi tham gia kháng chiến?


3.1.1     Trước tiên, về hoàn cảnh tham gia kháng chiến, có vai trò quan trọng của truyền thống kháng chiến của gia đình: anh chị em, cha, cậu, cô và chồng. Như bà Lượng quê ở Củ Chi, trong 10 anh chị em đã có ba anh trai và một em út hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Bà Tiềm quê ở Tân Nhựt, Bình Chánh có mười anh chị em đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Bà Há quê ở Gò Công có cha và cô tham gia chống Pháp và đã hy sinh, Bà Chồn có cha và chồng trước hy sinh thời kháng Pháp.


Lý do theo cách mạng đôi khi cũng đơn giản: thấy thanh niên phụ nữ đi thì đi theo, uất ức vì thấy Pháp giết người Việt Nam nhiều quá nên muốn đánh trả lại .


3.1.2      Những hoạt động kháng chiến của các bà:


• Giao liên và tiếp tế hậu cần:  Giao liên là công việc thường do phụ nữ đảm nhận trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Giao liên thường là chuyển tài liệu, thư từ, đưa đón cán bộ  từ “thành” ra “bưng”, mua gạo, thức ăn, thuốc men, vải vóc  đem ra vùng giải phóng. Trên đoạn đường đi phải qua nhiều đồn bót của địch, nhiều hiểm nguy rình rập. Các bà phải mưu trí, đối đáp nhanh chóng, hợp lý hợp tình để thuyết phục được kẻ địch, nhanh chóng phán đoán được tình hình để đối phó. 


“Có lần tui đi giao thư, vào nghỉ chân trong một nhà quen, thấy người quen sai con đi nấu cơm, hai chị em nó vô nấu cơm, nó vô rồi la hết gạo rồi, để đi mua gạo, đi mua gạo để báo, tui biết tui bị lộ vì bà này có con trai làm cho ngụy, tui vội rời ngay, đón xe ôm ra khỏi ấp, vào nhà người quen cũng theo cách mạng, thay đồ khác, đội nón rách rồi trốn” (BMVNAH Lê thị Lượng).


Có khi phải giả điên khùng để qua mắt kẻ địch. Các bà biết đây là công việc rất nguy hiểm và có tầm quan trọng đối với cách mạng nên phải tìm mọi cách đừng để cho bị bắt. Khi bị bắt thì dù bị tra tấn dã man cũng không khai báo vì các bà biết cần bảo vệ những bạn chiến đấu của mình.


• Nuôi giấu cán bộ, giấu vũ khí: Thời chống Pháp, bà Loan đã từng nuôi cán bộ trong hầm bí mật trong nhà ở Ngã tư Bảy Hiền, bà Út nuôi cán bộ, bộ đội ở Long An. Bà Tiềm ở quận 6 có hầm giấu cán bộ trong chiến tranh chống Mỹ. Trong cuộc chiến tranh nhân dân, nhiều gia đình ở thành phố cũng như ở nông thôn thường nuôi giấu cán bộ trong hầm bí mật.

• Tham gia đấu tranh chính trị, vận động dân ủng hộ cách mạng, phá ấp chiến lược, “trừ gian diệt ác”: Ở trong vùng giải phóng, phụ nữ thường tham gia đấu tranh chính trị, ví dụ đòi trả chồng, trả con đi lính về, đòi địch bồi thường khi có người bị bắn chết, tham gia phá ấp chiến lược .

• Trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu: Đó là trường hợp BMVNAH Huỳnh Thị Phước ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Thời chống Mỹ, bà được giao đánh một cây cầu ở Củ Chi, được giao một cây súng cá nhân. Bà phải đi vận động tái chế vũ khí, tổ chức cho được cuộc tấn công cây cầu. Hồi đó bà rất hãnh diện khi được cấp súng vì bà là người phụ nữ duy nhất trong xã có súng .

• Không chỉ hoạt động kháng chiến, các bà còn phải lo kinh tế gia đình, nuôi con, chăm sóc gia đình chồng


Khác với nam giới khi tham gia kháng chiến thì thoát ly gia đình, vào bộ đội hay làm công tác chính trị, phụ nữ vừa tham gia kháng chiến, vừa lo làm ruộng, buôn bán, nuôi con, nuôi gia đình. Chỉ có một số ít nữ thanh niên xung phong hay cán bộ thoát ly gia đình. Trong cuộc chiến tranh nhân dân, chính nhờ lực lượng phụ nữ với một mạng lưới rộng khắp, trong vai trò người dân thường nhưng hoạt động cho cách mạng mà kẻ địch không thể biết được kẻ thù của mình ở đâu. Các bà thực hiện đủ loại hoạt động trong nông nghiệp và chăn nuôi: nuôi heo, làm ruộng đắp bờ, cuốc đất, nhổ mạ, kéo lúa, xay lúa. Có người thì buôn bán nhỏ: bán rau cải, kẹo bánh, khoai sắn. Các bà có rất nhiều con nên vừa nuôi con dại vừa hoạt động, khó khăn nhân lên gấp bội. Có khi con đau ốm cũng đành phải gửi cho người khác để đi hoạt động. Do hoạt động cách mạng, các bà phải thay đổi chỗ ở thường xuyên, phải đem con đi theo. Cuộc sống vật chất thiếu thốn, hiểm nguy rình rập vì nơi ở hay bị máy bay thả bom, bắn phá. Các con gái cũng phải phụ mẹ kiếm sống.


• Nhớ về cuộc đời hoạt động, vui, buồn, gian khổ:


-  Khi nhớ về quãng đời hoạt động kháng chiến, nhiều bà đều nói rằng “lúc đó tuy rất cực mà vui”. Vui vì điều gì?

-    Cùng mọi người đi phá ấp chiến lược, “hàng trăm người cùng đi phá ấp chiến lược, không khí rất sôi nổi” (BMVNAH Nguyễn thị Định).

-    Vui vì tiếp xúc với nhiều người trong công tác. Vui vì thấy mình có khả năng làm được một số việc, vui vì thấy mình có ích cho công cuộc kháng chiến. Nói một cách khác, tham gia chiến đấu góp phần nâng cao sự tự tin của các bà, đáp ứng nhu cầu tiếp xúc, giao thiệp với một cộng đồng rộng hơn môi trường gia đình và ở đó họ có một vị trí xã hội được mọi người thừa nhận.


Nhưng chiến tranh luôn luôn có khía cạnh ác liệt, vì vậy không phải chỉ có niềm vui chiến đấu, kề vai sát cánh với đồng đội mà xen lẫn vào đó là những nỗi sợ hãi, kinh hoàng.


“Nhớ lại chiến tranh như mơ thấy ác mộng, rùng rợn, nhiều khi máy bay lượn trên đầu, lính càn vô, dập pháo, mình chạy vô trong, nó chận đầu, thấy hãi hùng lắm, nhưng lúc đó gan dạ lắm…” (Bà Ngô thị Tám).


Có bà đã nói bây giờ nhớ lại thấy hồi kháng chiến quá khổ nhưng lúc tham gia lại không thấy khổ. Các bà cho rằng phụ nữ tham gia kháng chiến vất vả hơn nam giới vì vừa công tác vừa lo nuôi con, nuôi gia đình. Do đặc điểm sinh học, kinh nguyệt làm cho cuộc sống của họ trong tù, hoặc khi đi chiến đấu trở nên khó khăn hơn. “Đi chiến đấu, nam thanh niên có thể có một cái quần, nhưng phụ nữ không thể có một cái được, vì vệ sinh hằng ngày, có kinh nguyệt khó khăn khổ lắm” (BMVNAH Huỳnh thị Phước). Có thể hiểu trong chiến đấu, nam nữ đều chịu đói khổ, hiểm nguy như nhau, nhưng phụ nữ còn khổ hơn vì những đặc điểm sinh học của giới nữ.


3.2    Bị bắt, bị tù, bị tra tấn


Nhiều bà đã bị bắt, bị tù và bị tra tấn trong thời gian chống Pháp và chống Mỹ, có người bị bắt nhiều lần, có người bị kết án tù và bị tù một thời gian dài. Bà Nguyễn thị Đợi đã bị đưa qua nhiều nhà tù, từ Tổng Nha cảnh sát, qua bót Hàng Keo, Chí Hòa đến nhà tù Phú Lợi. Bà Tám Thanh bị tù, bị nhốt chuồng cọp ở Côn Đảo. Các bà nhớ rất chi tiết hoàn cảnh mình bị bắt, thường là do chỉ điểm hay bị bắt trong các cuộc bố ráp. Các bà còn nhớ rõ những cách thức tra tấn dã man của địch, từ đánh đập đến tra điện, đổ nước xà phòng, đến những nhục hình đặc thù đối với phụ nữ. Những đòn tra tấn đó đã để lại những di chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sau này của các bà.


Nếu nhìn theo quan điểm nhân quyền thì những hình thức tra tấn này là một sự vi phạm thô bạo quyền con người. Trong lúc đó ở Miến Bắc, những phi công Mỹ bị bắt đã được đối xử tử tế, khẩu phần ăn đầy đủ hơn khẩu phần của cán bộ nhà tù, tuyệt nhiên không hề bị đánh đập, tra tấn.


3.3     Hoàn cảnh hy sinh của chồng, con


Thời gian hy sinh của chồng, con các bà trải dài từ kháng chiến chống Pháp đến chiến tranh biên giới Tây Nam, nghĩa là trong khoảng thời gian trên dưới ba mươi năm. Có bà có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, sau đó con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Phần lớn các bà có con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài chồng, con hy sinh, còn có những thành viên khác trong gia đình như dâu, rể, cháu, anh chị em ruột, anh chị em chồng.


Có bà có chồng hy sinh lúc còn trẻ, chồng bà Đợi hy sinh năm 1948 lúc bà mới 23 tuổi, bà đang có thai dứa con đầu lòng. Người con này lại hy sinh năm 1967. Bà Lượng có chồng và hai con hy sinh trong một tháng vào cuối năm 1970. Trong hai năm 1969 và 1970, gia đình bà Út mất bốn người, đến nỗi bà bị tâm thần một thời gian. Những hoàn cảnh hy sinh được các bà kể lại rất chi tiết, thường rơi vào những tình huống sau:


- Hy sinh trên đường chiến đấu, bị trúng đạn, bom, bị thương nhưng không được cứu chữa kịp thời, bị máy bay Mỹ bắn chết trên đường đi công tác.

- Bị địch bắt vì bị lộ, bị tra tấn, đánh đập đến chết.

- Các con trai hy sinh trong các trận đánh, con gái có người hy sinh trên đường đi công tác. Những người con hy sinh không chỉ có nam mà có cả nữ, như bà Phước có hai con gái đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Phụ nữ khi chết rồi vẫn còn bị làm nhục. Bà Phước kể về cái chết của con gái ở Thanh An, Biên Hòa:” Hôm đó có 8 người đi, anh bộ đội đi đầu, con gái tui đi thứ hai, 7 người chết còn một người. Họ thấy là con gái, họ lột hết quần áo, để cho thiên hạ coi, rồi nó bỏ xác dưới hầm quân sự của Mỹ”. Sau giải phóng, bà lên nhờ bộ đội đào tìm xác con mà không được.


3.4 Sống với quá khứ


Trong cuộc sống hiện tại, các bà không bao giờ nguôi lòng thương nhớ chồng con sau hơn ba mươi năm chia lìa. Hiện nay, hoàn cảnh sống của các bà khá khác nhau về mặt tình cảm gia đình. Có người không còn người con nào, người con duy nhất đã chết, chồng cũng đã chết, sống với cháu, với con nuôi, hoặc sống một mình. Có người may mắn hơn còn con cái, còn chồng thì còn cuộc sống gia đình ít nhiều ấm cúng. Có người có con hy sinh mà tìm được xác, được chôn cất, có người không tìm được xác con thì nỗi đau tăng lên gấp bội, các bà không bao giờ nguôi ngoai được. Người đối thoại đã chứng kiến cảnh các bà khóc không dứt khi nhắc đến chồng, con.


“Bây giờ nhớ đến con đau lòng lắm, không nguôi được. Tủi nhất là khi bệnh hoạn…Là phụ nữ đau khổ lắm, con đi thương nhớ không ăn, không ngủ được, con chết như nát ruột gan, nhất là mình còn sống khóc con. Có nghèo, làm việc cực khổ nhưng chỉ cực tấm thân, về nghỉ là khỏe, còn cực tâm trí khó nguôi ngoai” (BMVNAH Sơn thị Ký).


“Những khi gặp mặt bạn bè, đồng chí, thấy họ có con cháu, còn mình không có con thì buồn lắm chứ!”(BMVNAH Nguyễn thị Định).


Tuy buồn thương nhưng các bà nói rằng hoàn cảnh chiến tranh thì đành phải chịu, “Chung quanh nhiều người cũng có con hy sinh như mình. Đây cũng là điều mình cống hiến cho Tổ Quốc. Chống giặc giữ nước phải vậy thôi, cố gắng tự an ủi, chứ đâu thể nào ngồi đó mà buồn hoài được” (BMVNAH Đỗ thị Chồn).


Các bà biết đi chiến đấu là nguy hiểm, là chết chóc thương tật. Nhưng tại sao các bà để cho con đi chiến đấu, không ngăn cản. Những câu trả lời thu thập được là:


- Thanh niên trong vùng đều tham gia kháng chiến,


- Cho con đi chiến đấu vì là con cán bộ cách mạng, để ở nhà nếu bị địch bắt sẽ nguy hiểm.


- Cho con đi kháng chiến vì nếu để ở nhà sẽ bị bắt lính, “sợ rằng cha con người bên này, người bên kia chiến tuyến thù địch” (BMVNAH Nguyễn thị Út).


“Nhớ về chồng con cũng đau lòng, nhưng mà cả nước, có người còn hy sinh 3 người, còn mình hy sinh có một lại vì chính nghĩa, chứ để ở nhà, nó bắt nó uýnh còn mệt mình, đưa nó đi chứ để nó ở nó bị bắt nó khai lộ ra mấy bà cán bộ cơ sở” (BMVNAH Nguyễn thị Đợi).


Có một điểm khác biệt cần lưu ý trong thời gian chiến tranh Tây Nam. Lúc đó đất nước đã hòa bình, chiến tranh đã trở thành một ngoại lệ. Có bà mẹ  muốn xin cho con khỏi đi nghĩa vụ quân sự ở Campuchia nhưng không được, sau đó người con duy nhất ấy đã hy sinh. Người mẹ này sống ở Sài Gòn, không biết đến công cuộc kháng chiến trước đây.


Dù hoàn cảnh khác nhau, các bà đều có một điểm giống nhau là không ân hận hay oán trách vì chồng con mình đã chết. Suy nghĩ chung là trong hoàn cảnh chiến tranh thì đành phải chịu mất mát, hy sinh. Mặt khác, các bà còn thấy như mình tiếp tục nợ chồng, con khi còn sống đến ngày nay và hưởng phụ cấp của nhà nước dành cho các BMVNAH. Các bà nói đến “đồng tiền xương máu” của chồng con. Bà Tiềm lãnh phụ cấp của nhà nước và hỗ trợ của vài doanh nghiệp, để dành một ít và có lần ra Hà Nội cho mỗi người bên nhà chồng hai triệu và nói với họ: “Đây là tiền xương máu của anh và cháu đấy”. BMVNAH Nguyễn thị Quánh lãnh phụ cấp hai triệu đồng/tháng đã nói: “Bây giờ má buồn lắm, buồn vì bây giờ lãnh đồng tiền lương của con, xài đồng tiền của con, má nghĩ là má ăn xương máu của con mới lãnh được như vậy”.


4.  Phụ nữ tham gia chiến đấu có nhưng lợi thế gì, những khó khăn đặc thù gi?


4.1.   Lợi thế của phụ nữ trong chiến đấu


Qua lời kể của các bà, chúng ta có thể thấy những lợi thế sau đây của phụ nữ:


• Trong hoạt động kinh tế truyền thống của phụ nữ Việt Nam, họ là những người phụ trách buôn bán chứ không phải là nam giới: đi chợ mua thức ăn và vật dụng cần thiết cho gia đình, bán nông sản phẩm gia đình làm ra, họ là những người buôn bán nhỏ ở các chợ từ nông thôn đến thành thị. Khi thị trường được mở rộng ra trong thời kỳ Pháp thuộc, phụ nữ là lực lượng buôn bán di động, ngược xuôi trên mọi nẻo đường. Chính vai trò kinh tế và hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ buôn bán di động này đã trở thành một lợi thế của phụ nữ trong các vai trò giao liên, tiếp tế trong chiến tranh. Các bà cũng nhận định phụ nữ làm giao liên thuận lợi hơn nam giới, việc đi lại công khai của nam giới rất khó khăn vì kẻ địch luôn luôn nhắm đến nam giới trong chiến tranh, cho đó là kẻ thù cần tiêu diệt hoặc cho đó là người dân cần phải “bắt lính” vào quân đội của họ. Phụ nữ chỉ cần khéo léo, mưu trí và bình tĩnh thì có thể lọt qua hàng rào kiểm soát của địch trong tư thế một người dân thường hợp pháp đi làm ăn buôn bán. “Có những việc đàn ông không làm được như liên lạc, giao liên, luồn lách chỗ này chỗ khác, còn đàn bà dễ la cà, trà trộn, nhất là ở vùng xôi đậu” (Bà Trần thị Bé)


Trong đấu tranh chính trị với kẻ địch, sự tập hợp của số đông phụ nữ với việc dùng những mưu chước liên quan đến những nét đặc thù của phụ nữ như la khóc, nằm vạ, cãi lý có khi cũng làm chùn bước kẻ địch, nhưng tất nhiên không phải trong mọi trường hợp.


“… Chúng lùa gom bắt dân ra phơi nắng tra hỏi, nói ai chỉ được bà Út Phước thi nó thả cho về, lúc đó ở trong này tui vận động một đoàn đấu tranh, giả la khóc để đòi các bà mẹ về cho con bú, cuối cùng nó cũng thả họ ra nhưng mà nó tiếc mãi: “bắt được con cá lóc rồi mà để sổng””. (BMVNAH Huỳnh thị Phước).


4.2 Hiếp dâm, mối hiểm nguy riêng phụ nữ phải đối mặt


Ngoài những hiểm nguy chung cho cả nam giới lẫn nữ giới như bệnh tật, bị thương, chết vì bom đạn, bị bắt, bị tra tấn tù đày, thì theo lời kể của các bà, đàn bà, con gái trong chiến tranh sợ nhất là bị địch hãm hiếp. Những lời kể này liên quan đến cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. BMVNAH Nguyễn thị Quánh, 95 tuổi, có ba người con trai hy sinh, kể rằng bà gửi người con gái 18 tuổi theo kháng chiến vì “lúc đó ở vùng kháng chiến, tụi Pháp nó lên đóng, gặp đàn bà con gái là bắt hãm hiếp. Đến đời Mỹ cũng thế, nó đến làng quê mình ở, hãm hiếp, đốt nhà, nên con gái sợ bỏ nhà đi trốn. Đến lúc yên, bộ đội về thì đi góp gạo, măm muối, bầu bí cho bộ đội ăn”.


“Thời Mỹ ở Củ Chi bom đạn nó thả ghê lắm, nhà bị cháy hai lần vì bom, cực khổ lắm, mỗi lần nó vào làng càn quét, con gái và thanh niên chạy trốn vào hầm bí mật hết, ở lại chỉ còn con nít và bà già, nó bắt được con gái nó hãm hiếp, còn bom thả dữ dội có khi thả vào hầm chết hết cả hầm, nhớ đến hồi đó sợ lắm”. (BMVNAH Nguyễn thị Loan).


Lời chứng của các bà một lần nữa cho thấy cũng như trong các cuộc chiến tranh từ cổ chí kim, hiếp dâm như là một vũ khi chiến tranh đã được quân đội ngoại xâm sử dụng trong hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong trí nhớ của những thế hệ đã sống qua hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tình trạng quân đội viễn chinh hiếp dâm tràn lan trong các cuộc càn quét ở các thôn làng là một thực tế đau lòng và gây nhiều sợ hãi nhất đối với phụ nữ.


Việc toàn thể Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng nhất thông qua nghị quyết 1820 ấn định rằng hiếp dâm là một thể loại vũ khí chiến tranh là một bước tiến rất đáng hoan nghênh trong quá trình “văn minh hoá” nhân loại (Thanh Gương 2008).


5. Suy nghĩ và mong ước của các bà mẹ trong hiện tại


Sau chiến tranh, một số ít bà do đã thoát ly tham gia kháng chiến và tuổi còn trẻ đã tiếp tục tham gia công tác, thường là ở cấp phường, cao nhất là bí thư phường. Nhiều bà khác trở lại đời sống dân thường và đã lớn tuổi nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến nỗi cô đơn, hiu quạnh về mặt tình cảm, tinh thần. Do có quá trình cống hiến, nên ngay trong thời gian chưa được phong tặng danh hiệu BMVNAH, nhiều bà cũng đã được nhà nước cấp nhà, tuy nhỏ và cũ nhưng các bà cũng yên tâm có một nơi ở ổn định. Hiện nay, phụ cấp hàng tháng trung bình là từ 2.000.000 đến 2.500.000 đồng, cộng thêm phụ cấp từ các doanh nghiệp từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng từ khi các bà được vinh danh BMVNAH. Trừ một vài trường hợp có phụ cấp hoặc lương hưu  cao hơn thì đủ sống, còn phần lớn các bà đều nhờ thêm con cháu. Chi phí thuốc men chữa bệnh chiếm một khoản lớn, có người dùng bảo hiểm y tế, có người có nhưng không dùng. Các bà nói phải chờ đợi lâu và không được thuốc “tốt”.


Khi hỏi các bà mong muốn điều gì hiện nay thì hầu như tất cả đều nói mong được sức khỏe, gia đình bình yên. Mong sức khỏe là điều dễ hiểu vì với tuổi già các bà đau yếu luôn. Các bà biểu lộ một nhu cầu tình cảm là mong có người đến thăm viếng, trò chuyện. Hiện nay, các tổ chức đoàn hội, chính quyền địa phương thỉnh thoảng đến thăm viếng vào những dịp lễ, tết, nhưng chỉ dừng lại ở mức thăm hỏi có tính tổ chức hơn là những mối giao tiếp thân tình lâu dài. Nhu cầu tình cảm này hiện chưa được đáp ứng.


Nghĩ về đất nước, các bà vui mừng là chiến tranh đã chấm dứt, đất nước được thanh bình. Câu nói sau của BMVNAH  Lại Thị Khuỳnh có thể tóm tắt những mong ước của các bà: “Bây giờ má không mong gì hơn là muốn một cuộc sống bình yên, để cho gia đình làm ăn đàng hoàng, đất nước bình yên, con cháu làm cho tròn bổn phận, làm việc tốt, khi chết đừng có đau bịnh nằm liệt giường, không phải ăn bám con cháu”. Sau bao nhiêu năm chiến đấu kiên cường, trải qua nhiều đau thương mất chồng mất con, mong ước cuối đời của các bà thật khiêm nhường, không đòi hỏi gì cho bản thân. Các bà còn khỏe có mong ước được đi thăm đất nước, đi Hà Nội thăm lăng Bác Hồ. Cũng có một đôi lời nghĩ về thế hệ trẻ hậu chiến đối với chiến tranh như BMVNAH Đỗ Thị Chồn: “Giới trẻ bây giờ không thấy cảnh khổ của những người đi kháng chiến xưa như thế nào. Có nói cũng không thể hiểu được”. Có một đôi lời trách móc từ các bà đã tham gia kháng chiến (nhưng không có danh hiệu BMVNAH) nhưng công lao không được thừa nhận, hoặc trách những người lãnh đạo địa phương hiện nay không biết đến những khó khăn của họ, không tích cực giải quyết chế độ chính sách.


6.   Bình luận


Từ những hiểu biết về những trải nghiệm của các bà trong và sau chiến tranh mà nhóm nghiên cứu thu thập được, nhóm có những nhận xét và bình luận sau đây:


_ Các BMVNAH chỉ là một số rất ít trong hàng triệu phụ nữ các thế hệ đã sát cánh cùng nam giới tham gia hai cuộc chiến tranh giành độc lập của đất nước. Mới chỉ tiếp xúc với một mẫu rất nhỏ này mà nhóm đã biết thêm nhiều điều về sự tham gia của phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến cùng những mất mát to lớn về người thân không gì bù đắp nổi. Vậy thì lịch sử hiện đại chính thống của Việt Nam, hay hẹp hơn là lịch sử các cuộc kháng chiến của Việt Nam, cần dành một vị trí xứng đáng cho vai trò và những hoạt động của phụ nữ. Lịch sử sẽ phong phú hơn, nêu được những vấn đề quan trọng khi viết về phụ nữ, làm nổi rõ hơn sự tàn khốc của chiến tranh như những vấn đề hiếp dâm, di chứng của chất độc da cam, nỗi đau to lớn của phụ nữ, những hoạt động đa dạng của phụ nữ… Lịch sử của phụ nữ gắn liền với lịch sử của dân tộc chứ không phải chỉ là những phần riêng của phong trào phụ nữ.


_ Nhiều lần anh hùng: Phần lớn các BMVNAH đều đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến, mưu trí, kiên cường, dũng cảm. Họ đã vừa chiến đấu vừa lo nuôi con, làm ăn để nuôi sống gia đình. Nam giới đi chiến đấu chỉ cần lòng dũng cảm, để lại trăm mối lo về gia đình, con cái cho người vợ ở nhà. Họ yên tâm chiến đấu vì biết vợ mình ở hậu phương chu toàn mọi việc. Như vậy, chỉ riêng những hoạt động của phụ nữ đã cho thấy họ là những anh hùng rồi. Các BMVNAH lại còn chịu thêm những nỗi đau mất chồng mất con không gì bù đắp được, có người sống cả quãng đời thanh xuân trong cô quạnh, nay cũng cô đơn trong tuổi già. Danh hiệu BMVNAH đươc trao tặng cho hơn 44.000 bà mẹ trong cả nước chỉ có tính chất tượng trưng, tiêu biểu cho một lớp phụ nữ đông đảo hơn đã mất chồng hoặc mất một đứa con trong chiến tranh. Nhóm nghiên cứu cho rằng những phụ nữ này đều là những bà mẹ Việt Nam anh hùng.


_ Không nuôi lòng hận thù: Chồng con chết vì kẻ địch bắn giết, bản thân bị địch tra tấn đến nay còn di chứng cho sức khỏe, nếu các bà còn chút căm thù đối phương cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc trò chuyện với các bà, tuyệt nhiên các bà không nói lên hay biểu lộ một mảy may căm thù kẻ đã gây ra cái chết của người thân. Họ vui mừng vì đất nước được hòa bình và không muốn nhắc đến những năm tháng chiến tranh đau khổ. Dường như đối với họ, khi giặc xâm lăng thì nghĩa vụ của công dân là phải đánh giặc để bảo vệ đất nước, đến khi đưổi giặc đi rồi thì xem như họ đã hoàn thành nhiệm vụ, có thể họ nghĩ địch đã thua rồi thì mình còn căm thù làm gì, theo kiểu suy nghĩ “không đánh người ngã ngựa” chăng? Vì vậy, họ buồn thương nhớ chồng con, nhưng họ không bị “hội chứng chiến tranh Việt Nam” như những cựu binh Mỹ vẫn thiết tha được tự mình thấy được lòng khoan dung, sự tha thứ của người Việt Nam để nguôi đi phần nào mặc cảm tội lỗi của mình.


_ Chiến tranh và bình đẳng giới: một vài tiến bộ và những điều còn lại


Những bà mẹ xuất thân là nông dân nghèo, thất học, nếu không tham gia kháng chiến thì cuộc đời của họ sẽ tiếp tục bần hàn trong những vùng nông thôn hẻo lánh. Họ sẽ không thấy được mình có thể làm gì cho xã hội, sẽ không có những mối quan hệ xã hội rộng rãi hơn để có thể ít nhiều đứng ngang hàng với nam giới, sẽ không có điều kiện học chữ để có thể đọc sách báo, mở mang trí tuệ. Lời chứng của nhiều bà cho thấy qua tham gia kháng chiến, họ đã có một địa vị xã hội tốt hơn dù họ không được học hành và không có tài sản. Họ đã trở nên tự tin hơn, học được kỹ năng vận động quần chúng, phát biểu ý kiến với tập thể. Sau chiến tranh, môt số bà tiếp tục công tác, tuy ở cấp thấp nhưng cũng khẳng định vị trí xã hội của mình. Tuy nhiên đó là số ít, phần lớn các bà trở lại đời sống của người phụ nữ nghèo bình thường với những nỗi lo cơm áo, với nỗi buồn, nỗi cô đơn dai dẳng. Còn quá khứ tham gia kháng chiến không giúp cho họ có tiếng nói mạnh hơn trong gia đình và trong xã hội. Có bà vẫn tiếp tục chịu phục tùng những ông chồng gia trưởng dù người chồng cũng là chiến sĩ tham gia kháng chiến như họ.. “Tính tình ông ấy khó chịu, cấm đoán, chẳng hạn hôm trước hội mẹ đưa thư đến mời tui đi họp, ông không cho lấy, không cho đi họp, bắt ở nhà, ổng la lối gia trưởng, quyền hành và quyết định không cho đi tham gia, ở nhà làm việc nhà” (lời chứng của một bà mẹ).


“Trong kháng chiến vấn đề gia trưởng ít và bây giờ lại nhiều vì hồi đó chiến tranh tập trung giữa mình và địch, cái chết cái sống trong gang tấc, còn giờ hòa bình, tư tưởng này khó đấu lắm, kẻ thù giữa ta và địch một mất một còn, còn kẻ thù tư tưởng thì không có chết nhưng mà khó đấu” (Bà Ngô thị Tám).


Như vậy, giữa tham gia kháng chiến và ý thức bình đẳng nam – nữ không đương nhiên có tỷ lệ thuận, nhất là đối với nam giới.


Có bà đã nói đến sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ, sự coi thường nữ đồng chí từ phía những bạn chiến đấu nam giới. “Đàn ông còn nặng tư tưởng phong kiến, phụ nữ đi làm cách mạng có địa vị hơn, nam giới cũng mặc cảm, chê bai phụ nữ là “Chị chỉ huy tui trình độ không có, nói năng không lưu loát, nói nghe buồn ngủ”” (Bà Ngô thị Tám).


Những mối quan hệ giới bất bình đẳng như các bà nêu trên vẫn là những vấn đề rất thời sự trong xã hội Việt Nam ngày nay, nhất là trong lãnh vực lãnh đạo chính trị.


7.Thay lời kết: Nhu cầu tình cảm của các BMVNAH và hành động tiếp theo của nhóm nghiên cứu


Như đã nêu ở trên, các bà mẹ nay đã già yếu, sống trong cô đơn nên rất vui khi có người thăm viếng, hỏi thăm, trò chuyện. Nhóm nghiên cứu cho rằng Trung tâm Nghiên cứu Giới và xã hội và câu lạc bộ Kim Anh của trường đại học Hoa Sen cần giữ mối dây liện lạc với các BMVNAH đã gặp, thăm viếng và nuôi dưỡng tình cảm với các BMVNAH. Các bà cần tình cảm hơn tiền bạc hay những cuộc viếng thăm vì nghĩa vụ không nuôi dưỡng tình cảm lâu dài. Có nhiều cách đền ơn đáp nghĩa, và đáp ứng nhu cầu tình cảm của các BMVNAH cũng là một cách thể hiện lòng biết ơn của cộng đồng đối với những hy sinh to lớn của các BMVNAH.


TPHCM, tháng 9 / 2011 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. (2009). Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 25/9/2011 tại: http://baotangphunu.com/index.php?option=com_content&task=view&id=106&It...

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang. Phụ nữ Việt Nam trong phong trào đấu tranh cách mạng. Truy cập 20/9/2011 tại: http://www.haugiang.gov.vn/Portal/DATA/sites/10/chuyende/phunu/phan2/phu...

Cổng thông tin thi đua khen thưởng. Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Truy cập 25/9/2011 tại: http://www.giaithuong.vn/giaithuong/tieng-viet/khenthuong-giaithuong/bai....

Dombrowski, Nicole Ann. (2004). Soldiers, Saints, or Sacrificial Lambs? Women’s Relationship to Combat and the Fortification of the Home Front. In Nicole Ann Dombrowski (Ed.) The Twentieth Century in Women and War in the Twentieth Century: Enlisted with or without Consent. New York: Routledge.

Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. (2011). Bảng vàng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Truy cập 25/9/2011 tại: http://www.phunu.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=521...

Katayama, Sumiko. (2005). Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: Phân tích các điển hình phụ nữ trên báo Nhân Dân từ 1966 đến 1970. Tạp chí Khoa học Xã hội số 7 (83), pp.72-77.

Lê Thị Quý. (1996). Domestic Violence in Vietnam and Efforts to Curb it. In Kathleen Barry (Ed.) Vietnam’s Women in Transition. Macmillan Press Ltd.

Nigel Cawthorne. (2007). Chiến Tranh Việt Nam - Được và Mất (Hay Những Bài Học Từ Cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Nxb Đà Nẵng.

Phạm Bích Hằng. (2002). Địa vị của phụ nữ nông thôn thời kỳ chiến tranh chống Mỹ (Qua nghiên cứu thực nghiệm ở một xã đồng bằng Bắc Bộ). Khoa học về phụ nữ, Số 3/2002.

Roseman, Mindy Jane. (2004). The Great War and Modern Motherhood: La Maternité and the Bombing of Paris in Women and War. In Nicole Ann Dombrowski (Ed.) The Twentieth Century in Women and War in the Twentieth Century: Enlisted with or without Consent. New York: Routledge.

Schoenberger, Sonya. (25/4/2011). For some, the war never ends. TuoitreNews.vn. Truy cập 13/8/2011 tại: http://tuoitrenews.vn/cmlink/tuoitrenews/city-diary/for-some-the-war-nev....

Tétreault, Mary Ann. (1991). Women and Revolution in Vietnam. Michigan State University.

Thanh Gương. (2008). Hiếp dâm là vũ khí chiến tranh. Truy cập 23/9/2011 trong Diễn đàn Tuoitrecuoi.com tại: http://www.tuoitrecuoi.com/phorum/showthread.php?36710-Hi%E1%BA%BFp-d%C3...

Trần Bạch Đằng. (1993). Chung một bóng cờ: về Mặt trận giải phóng miền Nam. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia.

Turner, Karen G. và Phan Thanh Hảo. (1998). Even the Women Must Fight. John Wiley&Sons, Inc.

Young, Praeger Hellen. (2004). Why we joined the revolution: Voices of Chinese Women soldiers.  In Nicole Ann Dombrowski (Ed.) The Twentieth Century in Women and War in the Twentieth Century: Enlisted with or without Consent. New York: Routledge.

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/hoi-uc-ba-me-viet-nam-anh-hung