Điểm Sách -Gia Đình, Bạn Bè, và Đất Nước - Hồi ký
Những tháng vừa qua, độc giả khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam vô cùng háo hức, mong ngóng được cầm trên tay cuốn Gia Đình, Bạn Bè, và Đất Nước - Hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình do nhà xuất bản Tri Thức phát hành. Ngoài ra, nhiều người yêu sách còn nao nức chờ đợi và cố gắng sắp xếp thời gian để tham dự được buổi giới thiệu sách và giao lưu với tác giả tại nhà sách Phương Nam Vincom - thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức vào ngày 3/7/2012.
Sự kiện nổi bật và các chức vụ quan
trọng của bà Nguyễn Thị Bình trong lịch sử
Độc giả bị cuốn hút bởi chính con
người nhỏ nhắn, hiền lành, duyên dáng, linh hoạt của tác giả, một nữ chính trị
gia tài ba, xuất sắc của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình không chỉ nổi tiếng với
cương vị Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam.
Đồng thời, bà còn nổi tiếng trên trường quốc tế khi nắm giữ vai trò Trưởng phái
đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam và đã đại diện cho đất nước tham gia Hội Nghị 4 bên về
hòa bình tại Paris (1968 – 1973). Như nhà văn Nguyên Ngọc đã giới thiệu, dường
như bạn đọc rất tò mò về những tình tiết ở cuộc hội đàm gay cấn, hồi hộp và
chấn động địa cầu này, nhưng sự hiếu kỳ đó được cảm nhận ở những nhân tố thuyết
phục và hấp dẫn khác như: biện pháp ngoại giao sắc bén, đĩnh đạc, uyển chuyển
nhưng không kém phần cương quyết. Bà đã áp dụng quan điểm không cần đánh mà vẫn
khuất phục kẻ thù để mang lại thắng lợi trọn vẹn cho toàn dân tộc, mà sau đó Bà
được giới truyền thông thế giới gọi là “Madame Bình”. Bà là người đã thực hiện
tinh thần nhân đạo và linh thiêng của các bậc tiền bối “lấy chí nhân để thay
cường bạo” cho cuộc hòa đàm dai dẳng suốt năm năm liền này và cuối cùng Bà
chính là người thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
ký vào bản Hiệp định Paris vào năm 1973.
Khi đất nước qui về một mối, thống
nhất Nam Bắc vào năm 1975, bà tiếp tục đảm nhiệm những cương vị quan trọng
trong lịch sử dân tộc như: Phó Chủ Tịch nước từ năm 1992 đến năm 2002, Bộ trưởng
Bộ Giáo dục từ năm 1976 đến năm 1987, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam, khóa VI đến khóa X(1976-2001). Đồng thời, bà nắm giữ những
chức vụ Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V. Hiện nay tuy đã về hưu nhưng bà vẫn bận rộn
với những vai trò Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Chủ tịch danh dự - Hội
nạn nhân chất độc màu da cam, và Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam.
Hồi ký Gia Đình, Bạn Bè, và Đất
Nước đã thuật lại một cách tóm tắt cuộc đời của Nguyên Phó Chủ tịch nước
Nguyễn Thị Bình từ khi sinh ra tại Đồng Tháp (năm 1927) đến nay. Do tính chất
khái quát của cả một cuộc đời trong một cuốn sách nên việc đi vào chi tiết là
rất khó. Bà Bình chia sẻ, “khi bắt tay viết hồi ký, tôi không có bất cứ ghi
chép nào từ các thời kỳ trước và trí nhớ cũng đã có nhiều hạn chế”. Tuy cuốn
sách chỉ có 300 trang và 14 chương (Quê hương, Tuổi thơ, Tôi là người hạnh
phúc,… Cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử, …Vào ngành giáo dục, Trở lại ngoại
giao nhân dân…), nhưng độc giả hoàn toàn không thể rời mắt cũng như không
muốn ngưng đọc một khi đã cầm cuốn sách trên tay. Độc giả cũng bị cuốn hút bởi
lời văn vô cùng mộc mạc, giản dị, chân thành, và dễ đi sâu vào lòng người thông
qua những câu chuyện thật của mỗi chương như: tình mẹ thương con sâu đậm, tình
chị thương em, tình đồng chí bạn bè, tình yêu quê hương đất nước, tình dân tộc,
và tình đoàn kết quốc tế. Càng đọc bạn đọc càng cảm nhận được những suy tư trăn
trở cũng như cảm xúc mạnh mẽ, tinh thần quật cường của cả một dân tộc, mà trong
đó có Bà, có những đóng góp to lớn của Bà, các góc cạnh của đời Bà, có hình ảnh
gia đình Bà, bạn bè Bà, cùng với những hi sinh mất mát, hợp tan của bao nhiêu
thế hệ người con đất Việt đã ngã xuống để giành độc lập dân tộc.
Đặt trọng trách đất nước trên tình
yêu cá nhân và gia đình
Từng trang hồi ký nói về chiến tranh
lồng ghép với tinh thần trách nhiệm của một người phụ nữ Việt Nam đối với dân
tộc. Bà Nguyễn Thị Bình đã phải bỏ dở việc thi tú tài và từ Campuchia quay về
Sài Gòn để tham gia kháng chiến. Khi tìm được tình yêu trong bom đạn nhưng vì
tiếng gọi của quê hương đất nước mạnh mẽ và cao cả hơn nên Bà cũng đành phải
tạm chia xa với người mình yêu tên Đình Khang cũng là bộ đội kháng chiến, lúc đó
phải tập kết ra Bắc tham gia vào quân đội Việt Minh. Suốt chín năm dài trường
kỳ của cuộc chiến tranh chống Pháp, bà và người chồng tương lai đã âm thầm yêu
thương nhau, âm thầm chờ đợi nhau, và chung thủy với nhau dù trong ngần ấy thời
gian bà chỉ nhận được mỗi một tin nhắn cực kỳ ngắn gọn trên một mảnh giấy nhàu
nát, “Chúc em và gia đình an toàn, khỏe mạnh” (tr.26). Tình yêu
của họ không phai mờ, không thay đổi mà lại càng đậm sâu, mãnh liệt, và rất mặn
nồng. Cuối cùng, vào năm 1954, bà đã cùng chồng “lên xe hoa”. Chắc hẳn bà
cũng như bao phụ nữ khác mong đợi ngày hạnh phúc lứa đôi và vợ chồng sẽ cùng
đoàn tụ để xây dựng tổ ấm. Do hoàn cảnh đất nước vừa thoát khỏi
chiến tranh loạn lạc nên đám cưới của họ diễn ra trong vội vàng và thật
đơn sơ. Sau khi cưới, vợ chồng bà rất ít gặp nhau và bà cũng không thể chăm sóc
con thường xuyên do phải đi công tác liên tục. Bà kể,
“Từ hai tuổi
chúng đã phải đi nhà trẻ, một tuần mới về nhà một lần, khi mẹ đi vắng có các
cậu đưa đón, các cậu bận thì không về…Tôi đi vắng hàng năm, phải gửi Thắng và
Mai cho trường nội trú… Ba cũng đi quân đội nên cũng không lo được cho các con.
Đi công tác xa, nghe bom đạn rơi gần chỗ con ở, tôi lo lắng đến thắt lòng,
thương các con vô cùng…Chiến trang, biết bao nhiêu người phải hy sinh, còn có
lựa chọn nào khác!” (tr.29).
Những câu chuyện của bà thực sự mang
tính đại diện và mang tính nhân văn cao của người phụ nữ Việt Nam. Điều này cho
thấy bất luận trong hoàn cảnh nào đi nữa, cá nhân luôn đặt đât nước trên lợi
ích gia đình và lòng yêu nước luôn là nền tảng để mỗi người dân Việt dù ở bất
kỳ nơi đâu tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là truyền thống quý báu từ
nghìn đời của dân tộc ta. Nhờ sự hy sinh to lớn đó mà Việt Nam đã vượt qua
những chặng đường đầy máu và nước mắt để giành độc lập và bảo vệ chủ quyền đất
nước.
Cọi trọng chấn hưng đất nước bằng giáo dục
Một điểm nhấn vô cùng quan trọng
trong cuốn “Gia đình, Bạn bè, và Đất nước”- Hồi ký của bà Nguyễn Thị
Bình chính là quan điểm của bà đối với giáo dục. Theo Bà, giáo dục là một ngành
mũi nhọn, là nền tảng cho sự tiến lên của đất nước, phát triển con người và tạo
ra nguồn lực cho xã hội. Bà đặt trọng tâm vào giáo dục tính trung thực, lành
mạnh, và tiên tiến. Con người chỉ tốt khi họ trung thực với chính mình, với bạn
bè mình, với gia đình mình, với đất nước mình. Trong những lần trả lời phỏng
vấn báo chí bà đã từng trao đổi về những yếu kém của giáo dục, nặng về
văn mà nhẹ về lễ, hay căn bệnh thành tích của giáo dục Việt Nam tồn tại bấy lâu
nay; vì vậy, cho tới thời điểm này, Việt Nam bắt buộc phải có những cải tổ giáo
dục cơ bản và toàn diện. Bà cũng nhắn gửi thông điệp cho thanh niên Việt Nam là
phải hiếu học, hiếu tri. Học phải có mục tiêu rõ ràng để không chỉ giúp cho bản
thân, gia đình, mà còn phát triển đất nước.
Khi bước vào ngành giáo dục năm
1976, bản thân bà không có kinh nghiệm và gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng
công việc quá lớn nhưng bà vẫn hoàn thành công việc nặng nề mà Đảng và Nhà nước
đã giao phó. Bà luôn biết lắng nghe, sẵn sàng học hỏi, và luôn thể hiện sự tôn
trọng đối với nhà giáo, nhà khoa học, và đồng nghiệp. Nhiều thành tựu xuất sắc
của toàn ngành trong thời bà làm Bộ trưởng giáo dục như:
- Thống nhất quản lý giáo dục hai miền Nam-Bắc,
- Hàng ngàn giáo viên từ miền Bắc xung phong vào Nam để
phục vụ sự nghiệp giáo dục dù họ phải sống trong điều kiện vật chất và
tinh thần vô cùng thiếu thốn,
- Nghị quyết 14 được ban hành nhằm cải cách giáo dục, xây
dựng một nền giáo dục tiến bộ, toàn diện, học đi đôi với hành,
- Tổ chức hội nghị Giáo dục Toàn quốc tại Yên Dũng
(Hà Bắc) về chăm lo đời sống giáo viên,
- Điều chỉnh thang lương cho ngành giáo dục và chế độ
theo thâm niên công tác,
- Ngày Nhà giáo 20-11 ra đời và ban hành các danh hiệu
Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú (1983),
- Tuyên bố Sầm Sơn về quyết tâm cải cách giáo dục, kết
hợp giáo dục và hướng nghiệp, và
- Thành lập Công ty Dịch vụ Giáo dục của Bộ Giáo dục làm đầu mối cho hoạt động sản xuất của các trường.
Nhờ những nỗ lực của toàn ngành mà giáo dục được phát triển, dân trí được nâng
cao, công nhân có tay nghề cao và bộ đội phải học hết lớp 7 mới được nhập
ngũ. Do sự chênh lệch về hệ thống, cách thức, và giáo trình giữa Nam và Bắc nên
nhiệm vụ “xóa mù chữ”cho toàn bộ nhân dân lao động và bổ túc văn hóa cho cán bộ
thanh niên rất cấp bách nhưng đầy phức tạp. Để làm nên chiến thắng trong giáo
dục không chỉ có công lao to lớn của cấp lãnh đạo đầu ngành, mà còn có sự hi
sinh to lớn, tận tụy, âm thầm, và những đóng góp rất lớn lao của hàng ngàn thầy
cô giáo tình nguyện từ Bắc vào Nam trong hai năm 1977 và 1978. Một dẫn chứng rất
cụ thề như vậy cho thấy không chỉ có trong chiến tranh mà ngay cả trong hòa
bình, người dân Việt Nam với những cách thức khác nhau, hành động cụ thể khác
nhau sẵn sàng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và tạo lên sức mạnh cộng hưởng của
toàn dân tộc.
Một phẩm chất quý giá của Bà mà bất kỳ ai cũng nên học đó là tinh thần tự phê
bình và phê bình. Bà trả lời một độc giả trong buổi ra mắt cuốn sách rằng “Nếu
nói nuối tiếc không thì có, vì có những điều đáng lẽ mình làm tốt hơn, nhưng do
trình độ còn hạn chế hay hoàn cảnh chưa thuận lợi mà làm chưa tốt. Nhưng nuối
tiếc đến mức ân hận thì không.” Ở chương “Những điều tôi nghĩ có trách nhiệm
phải nói rõ hơn”, Bà Bình đã đề cập đến quan niệm của bà về tinh thần hòa giải,
hòa hợp dân tộc và đưa ra quan điểm đánh giá công bằng đối với những đóng góp
cho hòa bình của đất nước và tinh thần yêu nước của các chính khách, trí thức,
nhân sĩ ở miền Nam Việt Nam. Người đọc cảm phục sự chân thành và lòng dũng cảm
của bà khi đọc những dòng sau đây: “Tôi cùng với nhiều anh em từng hoạt
động trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam thường bàn với nhau về chính
sách hòa giải, hòa hợp dân tộc (…). Đó cũng là đạo lý của người Việt Nam. Đối
với Mỹ kẻ thù đã gây cho nhân dân ta bao nhiêu đau thương tang tóc, ta đã có
thể thực hiện chủ trường « gác lại quá khứ, nhìn về tương lai» thì không
có lý do gì mà người trong một nước không thể hòa giải với nhau, thương yêu
nhau, đoàn kết với nhau để cùng nhau xây dựng quê hương của mình” (tr.211). Nhà
văn Nguyên Ngọc cũng dẫn chứng thêm: “Nguyễn Thị Bình là người kiên định trong
những tư tưởng lớn, đồng thời luôn linh hoạt thay đổi để tiếp nhận cái mới… Làm
việc với bà luôn thấy bà có sự mới mẻ trong trí tuệ và tâm hồn”.
Tóm lại, cuốn sách Gia Đình, Bạn Bè,
và Đất Nước – Hồi ký của Nguyễn Thị Bình là thông điệp của tinh thần Việt biết
tự hào, biết trân trọng, biết ơn thế hệ đi trước, biết lắng nghe lịch sử, có
lòng nhân ái, giữ gìn hòa bình, ổn định, tận dụng thời cơ phát triển kinh tế
đất nước và hội nhập quốc tế. Thông điệp này vô cùng giản dị nhưng đặc biệt và
chứa đựng một chân lý bất diệt mà mỗi người cần phải nghiền ngẫm để rồi thực
hành. Bà đã dùng lời kết để nhắn gửi các thế hệ trẻ: “Hãy nhớ những bài học
lịch sử quý giá của ông cha, đặt lợi ích chung lên trên, bất chấp mọi khó khăn
gian khổ, kiên trì đi theo con đường đã chọn, mang lại tự do, hạnh phúc cho
nhân dân. Hạnh phúc của đất nước sẽ là hạnh phúc của con em chúng ta” (tr.
292).
Doãn Thi Ngọc
http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/diem-sach-nguyen-thi-binh